admin@phapluatdansu.edu.vn

THỰC TIỄN XÁC ĐỊNH CHA, MẸ, CON: TRUY NHẬN NGƯỜI ĐÃ CHẾT LÀ CHA – KHÓ!

HOÀNG YẾN

Một cặp chị em song sinh hơn 27 tuổi kiện xin xác nhận cha. Vụ việc bế tắc bởi người cha đã mất…

Ngày 23-7, sau khi nghị án, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao đã quyết định hoãn phiên xử để cân nhắc việc lấy mẫu giám định ADN xác định huyết thống vì phía bị đơn cương quyết phản đối.

Tuổi thơ vắng bóng cha

Tháng 4-2009, hai chị em song sinh N. và H. đã nộp đơn đến TAND tỉnh Tây Ninh xin xác định ông S. là cha.

Theo nội dung đơn, năm 1980, mẹ họ cùng ông S. không làm lễ cưới hỏi nhưng sống công khai như vợ chồng. Khi người mẹ mang thai họ thì giữa bà với ông S. phát sinh mâu thuẫn nên hai bên sống riêng.

Đến năm 1983, họ chào đời, sống với mẹ và hoàn toàn không biết đến mặt cha. Người mẹ giận ông S. nên không chịu đi làm giấy khai sinh. Đến lúc phải khai sinh cho con để đi học, khai sinh của anh H. thì bà để trống tên cha, còn khai sinh của chị N. thì bà lấy họ ngoại và tên người khác ghép lại.

Khoảng năm 2001-2002, bà mới nói cho hai chị em N. và H. biết ông S. là cha ruột của họ. Biết chuyện, chị em họ vẫn thường qua thăm nom cha và ông S. cũng không hề ngăn cản. Ông còn thường cho tiền, hỏi thăm đời sống của hai chị em.

Đến cuối năm 2007, ông S. bệnh chết, hai chị em N. và H. đến xin chịu tang thì bị các cô chú ngăn cản. Vì thế, hai chị em họ đã nộp đơn ra tòa, yêu cầu xác định ông S. là cha của họ với chứng cứ là lời khai của người mẹ cùng một số nhân chứng đang sống tại địa phương.

Không giám định được ADN

Quá trình giải quyết án, hai chị em N. và H. đã yêu cầu xin quật mộ ông S. thu thập mẫu ADN để giám định huyết thống. Nhưng phía bị đơn đồng loạt phản đối. Họ nói chưa từng nghe hay biết gì về mối quan hệ giữa mẹ của hai chị em N. và H. với ông S. Lúc còn sống, ông S. chưa từng lần nào thừa nhận hai chị em N. và H. là con ruột; ngược lại, hai chị em N. và H. cũng chưa lần nào yêu cầu xác định ông S. là cha, nay ông S. đã mất mới yêu cầu là không thể chấp nhận.

Xử sơ thẩm hồi tháng 5, TAND tỉnh Tây Ninh phân tích: Nhà ông S. và nhà người mẹ của hai chị em N. và H. chỉ cách nhau khoảng 2 km. Suốt nhiều năm ông S. không có con, chỉ ở chung với một người vợ chính thức (đã mất từ năm 2005). Tuy nhiên, giữa ông S. và hai chị em N. và H. không có sự qua lại, chăm sóc nhau. Cạnh đó, ông S. khi còn sống không chính thức thừa nhận hai chị em N. và H. là con ruột. Khi mất, ông cũng không để lại di chúc hay thừa nhận miệng rằng họ là con ông.

Mặt khác, giấy khai sinh của hai chị em N. và H. không thể hiện ông S. là cha của họ. Dù các nhân chứng đều khẳng định họ là con ruột của ông S. nhưng chỉ là sự suy đoán không có căn cứ, không phải là chứng cứ pháp lý để xem xét. Ngoài ra, suốt 24 năm (từ 1983 đến khi ông S. mất năm 2007), phía nguyên đơn sinh sống cùng địa phương nhưng không yêu cầu xác định ông S. là cha, nay lại yêu cầu khai quật mộ để giám định ADN là không thể chấp nhận bởi không phù hợp, trái quy luật xã hội, không được bên bị đơn đồng tình.

Từ đó, TAND tỉnh Tây Ninh đã bác yêu cầu của hai chị em N. và H. Hai chị em N. và H. kháng cáo. Theo họ, nếu cơ quan tố tụng không cho khai quật mộ ông S. để lấy ADN giám định thì họ xin được xác định huyết thống thông qua ADN của các anh em ông S.

Khó xử

Có mặt tại phiên phúc thẩm, mẹ của hai chị em N. và H. trình bày rằng chỉ vì ngày đó bà hận một câu nói của ông S. mà không cho các con biết ông S. là cha ruột. Khi hai chị em N. và H. lớn lên, mọi người nói ra nói vào, bà mới cho con biết để cha con còn nhìn nhận nhau. Giờ đây, ông mất rồi, các con chỉ muốn thờ phụng cha mà bên bị đơn không thừa nhận nên bà quyết làm rõ trắng đen.

Chính vì thế, khi tòa hỏi nếu giám định ADN thì chi phí rất cao, liệu phía nguyên đơn có khả năng chịu nổi không, người mẹ giục các con đồng ý ngay!

Tại phiên xử, tòa cũng khuyên các anh em bị đơn là nên chấp nhận yêu cầu giám định của hai chị em N. và H. Theo tòa, họ cần tạo điều kiện để làm sáng tỏ vụ án, nếu xét nghiệm ADN giống nhau, họ có thêm hai người cháu, còn nếu không thì sự việc cũng được rõ ràng.

Một thẩm phán nhấn mạnh: Ở đây tòa chỉ động viên chứ không bắt buộc. Thật ra dù chưa có chứng cứ nhưng nếu nhìn bằng mắt thường, hai chị em N. và H. đều có những nét rất giống với các anh em của ông S… Tuy nhiên, các anh em của ông S. vẫn cương quyết từ chối, nói “không có lý do gì để phải đi giám định cả”.

Bế tắc?

Nhiều thẩm phán nhận xét sẽ rất khó giải quyết thỏa đáng vụ án này. Việc quật mộ ông S. để giám định ADN là trái đạo đức xã hội và vấp phải sự phản đối quyết liệt từ phía bị đơn. Trong khi đó, phía bị đơn lại từ chối, không chịu hợp tác để tiến hành giám định AND mà luật thì không có quy định nào cho phép tòa cưỡng chế họ cả. Chưa kể, việc giám định thông qua gien của cô chú khó có thể cho kết quả chính xác cao. Thực tế, nhiều vụ giám định ADN cha con còn cho những kết quả khác nhau, phải làm tới làm lui nhiều lần.

Một thẩm phán Tòa Dân sự TAND TP.HCM lấy làm tiếc trước cách xử lý của tòa sơ thẩm trong vụ này. Theo ông, vụ việc ngoài tính pháp lý còn có yếu tố thiêng liêng của quan hệ cha con. Nếu khi xử sơ thẩm, tòa cho rằng không thể giám định ADN thì nên căn cứ vào lời khai của các nhân chứng để xác định ông S. là cha của hai chị em N. và H. Nếu phía bị đơn không đồng ý, kháng cáo thì lên cấp phúc thẩm, họ có trách nhiệm chứng minh ngược lại là ông S. và hai chị em N. và H. không có quan hệ huyết thống. Lúc đó, chính họ sẽ phải chủ động đề nghị giám định ADN để có chứng cứ rõ ràng.

SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM

Trích dẫn từ:

http://phapluattp.vn/2010072309414928p1063c1016/truy-nhan-nguoi-da-chet-la-cha-kho.htm

5 Responses

  1. Nếu muốn nhận cha sao không nhận lúc họ còn sống mà đợi chết mới nhận.chẳng qua cũng vì để được chia tài sản.

  2. vấn đề này theo tôi không thể làm theo yêu cầu của nguyên đơn xét cả về tình và lý. Về tình cảm, dây là vấn đề tâm linh, người đã chết thì nên để họ được thanh thản, đừng nên khai quật mộ chỉ vì lợi ích của cá nhân mà làm ảnh hưởng đến danh dự cũng như của bản thân người đã chết và người đang sống chỉ vì tài sản, đó thật sự là thất đức, con người có lương tâm không ai làm như thế cả. T6i nghĩ Tòa nên bác đơn của nguyên đơn là hợp tình hợp lý.

  3. Tôi không đồng ý với ý kiến của thẩm phán trên bởi nếu xét xử như vậy dễ mang tính cảm tính và không chắc đã giải quyết triệt để được vấn đề mà nhiều khi lại nảy sinh mâu thuẫn khác, phát sinh tranh chấp khác từ việc xét xử này. Theo tôi việc nhận cha mẹ con bất kể là sống hay chết là quyền của người xin nhận cha, mẹ con; luật pháp cần có chế tài cụ thể đối với phía bị đơn để đảm bảo quyền này của nguyên đơn.

  4. việc xác định huyết thống giữa gia đình hai chị em với ông cụ đã mất ,khỏi cần làm gì cả,khỏi tốn kém mà còn làm cho vấn đề trở nên đõ khổ hơn,vậy hai chị em cố gắng vun đắp từ từ tình cảm hai gia đình chứ sự thật nhìn nhận như vậy cũng khó cho bị đơn bởi vì ông ăn chả ở ngoài ,con ngoài gia thú vẫn được hưởng di chúc như con ruột được thừa nhận vậy,nên việc rút đơn của nguyên đơn và chắp nối tình cảm trên bình diện tình cảm là hay hơn hết,pháp luật hãy làm cho vấn đề tình lí phân minh

  5. viec lat mo len de giam dinh la trai dao duc,phap luat khong cho phep,chang nhe viec xac dinh huyet thong kho khan nhu vay thi lam duoc gi nua,rac roi

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading