admin@phapluatdansu.edu.vn

THỰC TIỄN TỐ TỤNG DÂN SỰ: TÒA BỊ KIỆN NHƯNG KHÔNG CHỊU THỤ LÝ

VĂN ĐOÀN

Tòa không nhận đơn kiện vì đất không phải của đương sự trong khi ở quyết định kê biên thì tòa đã khẳng định đất này là của đương sự.

Tòa huyện chỉ đương sự chạy lên tòa thị xã, còn tòa thị xã bảo đã chuyển về tòa huyện.

Giữa năm 2009, do có tranh chấp về tài sản, ông A. đã kiện vợ chồng ông M. ra TAND huyện Tân Châu (tỉnh Tây Ninh). Sau đó ông A. lại tiếp tục yêu cầu tòa áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời kê biên toàn bộ tài sản của ông M.

TAND huyện đã ra quyết định khẩn cấp tạm thời, phong tỏa hơn 20 ha đất mà tòa cho rằng đây là tài sản của vợ chồng bị đơn. Nhận thấy tòa kê biên sai và lố, ông M. đã khiếu nại. Ông cho rằng trong khối tài sản này có phần đất của con trai ông. Phần này không hề liên quan đến vụ án nhưng lại bị kê biên gộp vào đất ông là vô lý. Hơn nữa sau khi tìm hiểu, ông biết được tòa huyện cũng không buộc ông A. đóng tiền đảm bảo khi yêu cầu tòa áp dụng biện pháp kê biên. Điều này là trái với quy định.

Kiện tòa vì bị kê biên lố

Ông M. đã khởi kiện TAND huyện Tân Châu vì đã ra quyết định kê biên gây thiệt hại cho ông. Cụ thể là đất của cha con ông đang làm thủ tục thế chấp ngân hàng để lấy tiền làm ăn và trả nợ nhưng khi bị kê biên thì không thể thế chấp được…

Tháng 8-2009, TAND huyện Tân Châu đã trả lại đơn kiện của ông M. Tòa cho rằng ông M. không nói rõ số tiền bồi thường là bao nhiêu và không có tài liệu chứng minh tài sản này là của chính ông…

Nhận lại đơn, ông M. chưng hửng: “Không hiểu sao tòa này lại trả lời trớt hướt như vậy. Bởi lẽ trong quyết định kê biên đất, tòa đã ghi rõ tên tôi và xác định tôi là chủ sở hữu”. Do vậy, ông M. lại làm đơn khiếu nại.

Tháng 9-2009, TAND huyện lại có công văn gửi ông M. cho hay đơn kiện của ông đã được chuyển đến TAND thị xã Tây Ninh vì người mà ông kiện hiện đang ở thị xã Tây Ninh.

Ông M. lại một lần nữa tròn mắt ngạc nhiên vì ông khởi kiện chính TAND huyện Tân Châu chứ không kiện ai ở thị xã cả. Dù vậy, ông vẫn đến TAND thị xã Tây Ninh tìm hiểu, yêu cầu làm rõ…

Tháng 3-2010, TAND thị xã Tây Ninh báo cho ông biết đơn của ông được chuyển về TAND huyện Tân Châu. Ông lại đến TAND Tân Châu hỏi nhưng tòa vẫn chưa chịu thụ lý.

Thấy tòa huyện nhùng nhằng, ông M. lại làm đơn khiếu nại đến TAND tỉnh Tây Ninh. Tuy nhiên, đến nay ông không nhận được trả lời và vụ việc của ông đã gần một năm nay vẫn chưa nhúch nhích, động đậy gì.

Tòa huyện phải thụ lý

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết: “Theo quy định, nếu TAND huyện Tân Châu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng, gây thiệt hại, ông M. có quyền khởi kiện tòa tại chính tòa án huyện này. TAND huyện Tân Châu phải thụ lý đơn của đương sự chứ không thể từ chối”.

“Mặt khác, tòa án chỉ có thẩm quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời kê biên tài sản đối với tài sản đang tranh chấp. Đồng thời, người yêu cầu tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời kê biên tài sản thì phải gửi một khoản tiền, kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá do tòa án ấn định nhưng phải tương đương với nghĩa vụ tài sản mà người có nghĩa vụ phải thực hiện.

Điều này để bảo vệ lợi ích của người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời và ngăn ngừa sự lạm dụng quyền yêu cầu. Do đó, nếu TAND huyện Tân Châu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời mà không yêu cầu nguyên đơn có biện pháp bảo đảm là không đúng quy định của pháp luật” – luật sư Hậu khẳng định.

SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM

Trích dãn từ: http://phapluattp.vn/20100722120711113p1063c1016/toa-bi-kien-nhung-khong-chiu-thu-ly.htm

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading