Site icon THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

THỦ TỤC ĐĂNG KÝ KINH DOANH CÒN BẤT CẬP

Advertisements

NGUYỄN MAI

Thành lập doanh nghiệp là yêu cầu tất yếu để đầu tư, phát triển kinh tế trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên người dân, doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế còn gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện các quy định về đăng ký kinh doanh.

Vốn pháp định còn hình thức

Điều 5 Nghị định 139/2007/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp quy định về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh, trong đó có quy định về vốn pháp định. Theo đó, có khoảng 16 ngành nghề kinh doanh yêu cầu phải có vốn pháp định. Tuy nhiên, Nghị định 139 không quy định rõ trình tự, thủ tục, cơ quan có thẩm quyền xác định về vốn pháp định. Trên thực tế, việc xác định vốn pháp định thường được thực hiện bởi ngân hàng trên cơ sở một khoản tiền nhà đầu tư gửi vào. Luật Doanh nghiệp, Nghị định 139/2007/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp, Nghị định 88/2006/NĐ-CP hướng dẫn thủ tục đăng ký kinh doanh cũng không hướng dẫn việc chứng minh vốn pháp định. Nội dung này quy định chung chung “văn bản xác nhận vốn pháp định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền”, nhưng cơ quan, tổ chức nào có thẩm quyền, văn bản xác nhận ra sao thì không cụ thể. Do đó, nhiều nhà đầu tư cho rằng, việc xác nhận vốn pháp định như hiện nay là hình thức, nhưng lại gây khó khăn cho doanh nghiệp. Các cơ quan quản lý cũng không kiểm soát được việc xác nhận có thực chất và doanh nghiệp đó có vốn pháp định hay không.

Chứng chỉ hành nghề chưa phù hợp

Tại khoản 4 Điều 14 Nghị định số 88/2006/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký kinh doanh quy định: “Bản sao hợp lệ chứng chỉ hành nghề của Giám đốc (Tổng giám đốc) và cá nhân khác quy định tại khoản 13 Điều 4 của Luật Doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân kinh doanh các ngành, nghề mà theo quy định của pháp luật phải có chứng chỉ hành nghề”. Theo quy định hiện hành, hiện có khoảng 14 ngành nghề yêu cầu phải có chứng chỉ. Một số ngành nghề yêu cầu giám đốc (hoặc người đứng đầu cơ sở kinh doanh) phải có chứng chỉ hành nghề; ngành nghề khác thì chỉ yêu cầu chứng chỉ của người trực tiếp hoặc phụ trách hoạt động đó. Quy định này không phù hợp với thực tế, bởi Giám đốc là người quản lý chung, điều hành hoạt động kinh doanh hàng ngày của doanh nghiệp. Đối với hoạt động chuyên môn, doanh nghiệp có thể đi thuê nhân viên quản lý có đủ trình độ phụ trách và quản lý lĩnh vực kinh doanh tương ứng. Mặt khác, trong trường hợp công ty kinh doanh nhiều lĩnh vực thì một Giám đốc không thể có nhiều chứng chỉ hành nghề. Việc yêu cầu này chỉ có ý nghĩa về mặt hình thức vì trên thực tế, khi thành lập doanh nghiệp hoặc bổ sung ngành nghề kinh doanh theo quy định phải có chứng chỉ hành nghề, đa số chủ sở hữu “mượn” chứng chỉ để hợp pháp hóa về mặt thủ tục. Ngoài ra, những cá nhân có chứng chỉ hành nghề xét về mặt pháp lý chỉ là người lao động của doanh nghiệp, hợp đồng lao động với doanh nghiệp có thể chấm dứt bất kỳ lúc nào, cơ quan đăng ký kinh doanh không thể kiểm soát được.

Quy định chuyển nhượng không thống nhất

Thứ nhất là không thống nhất trong quy định yêu cầu “giấy tờ chứng minh hoàn tất chuyển nhượng có xác nhận của công ty” trong thành phần hồ sơ chuyển đổi công ty TNHH 1 thành viên lên công ty TNHH 2 thành viên, giữa Nghị định 88/2006/NĐ-CP và Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính. Tại Khoản 2 Điều 33 Nghị định số 88/2006/NĐ-CP quy định: Trường hợp thay đổi thành viên do chuyển nhượng phần vốn góp, trong thời hạn 10 (mười) ngày làm việc, kể từ ngày quyết định thay đổi, công ty gửi thông báo đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi công ty đã đăng ký kinh doanh. Trong đó, kèm theo thông báo phải có hợp đồng chuyển nhượng và các giấy tờ chứng thực “đã hoàn tất việc chuyển nhượng có xác nhận của công ty”, nhưng lại không cụ thể những tài liệu nào được coi là giấy tờ chứng thực đã hoàn tất việc chuyển nhượng. Trong khi thủ tục hành chính đăng trên website của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về thủ tục thay đổi công ty TNHH 1 thành viên thành công ty TNHH từ 2 thành viên trở lên không còn quy định phải có giấy tờ xác nhận đã hoàn tất việc chuyển nhượng. Sự thiếu thống nhất đã gây khó cho cơ quan đăng ký kinh doanh trong việc cấp phép.

Thứ hai là quy định rõ về cơ quan có thẩm quyền thực hiện thủ tục hành chính về chuyển nhượng vốn đối với công ty có vốn đầu tư nước ngoài. Thực tế đã phát sinh vấn đề đối với công ty sau khi chuyển nhượng: phần vốn góp của bên Việt Nam trong công ty giảm xuống dưới 49%; chưa quy định rõ công ty sẽ phải đăng ký chuyển đổi ở cơ quan đăng ký kinh doanh hay cơ quan quản lý đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Để thuận lợi cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, cần phải sửa đổi, bổ sung những quy định trên cho thống nhất, phù hợp với thực tế.

SOURCE: BÁO NGƯỜI ĐẠI BIỂU NHÂN DÂN

Trích dẫn từ:

http://nguoidaibieu.com.vn/Trangchu/VN/tabid/66/CatID/7/ContentID/108532/Default.aspx

Exit mobile version