admin@phapluatdansu.edu.vn

TRUNG QUỐC – MỘT MẪU MỰC KINH TẾ KẾ HOẠCH HIỆN ĐẠI?

GS. TS. NGUYỄN VÂN NAM

Khoảng 500 chính khách, nhà nghiên cứu, đại diện nhiều tập đoàn xuyên quốc gia danh tiếng như tập đoàn Bosch, ngân hàng Deutsche Bank, tập đoàn hóa chất BASF, tập đoàn sản xuất xe hơi Volkswagen (VW)…, đã đến Singapore tham dự Hội nghị Châu Á – Thái Bình Dương từ ngày 13 đến 15 tháng 05 năm 2010. Trung Quốc (TQ) đã trở thành chủ đề chính làm mọi người kinh ngạc.

Dưới góc nhìn doanh nhân quốc tế, TQ là một sự thần kỳ kinh tế. Trong khi Mỹ chưa thoát khỏi khủng hoảng tài chính, Châu Âu đang chìm trong cuộc khủng hoảng nợ nần, thì TQ lại thặng dư ngân sách với những thành tựu đáng kinh ngạc bằng nền kinh tế kế hoạch, một nền kinh tế kế hoạch (KTKH) duy nhất được chỉ huy hoạt động tốt. Trong 10 công ty lớn nhất thế giới – tính theo vốn hóa thị trường – có 4 công ty của TQ; đứng thứ 2 là công ty dầu khí TQ Petrochina. Trong năm nay, TQ sẽ vượt Nhật để trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Theo ông Hambrecht, chủ tịch tập đoàn BASF đồng thời là chủ tịch ủy ban Châu Á-Thái Bình Dương của Đức, TQ vừa nhảy vọt qua hàng loạt cấp bậc phát triển mà Châu Âu đã phải cần hàng chục năm. Sếp tập đoàn xe hơi VW lớn nhất Châu Âu thừa nhận “Tốc độ phát triển của TQ đã vượt xa sự trông đợi”. TQ được khen ngợi không chỉ vì tốc độ tăng trưởng kinh tế. Gần đây, người ta cũng bắt đầu thán phục hệ thống chính trị ở đó. John Naisbitt, nhà nghiên cứu tương lai của Mỹ, không ngần ngại nói thẳng “TQ không chỉ thay đổi các điều kiện của kinh tế thế giới, kiểu mẫu TQ còn thách thức vị thế của các nền dân chủ phương tây, những nền dân chủ cho đến nay vẫn tin rằng họ có một kiểu mẫu chính quyền duy nhất vừa có khả năng giảm đói nghèo, vừa đem lại phát triển kinh tế“. Các nhà lập kế hoạch của Bắc Kinh không chỉ thành công trong việc hạ nhiệt đầu cơ bất động sản; chuyển hướng nền kinh tế quốc dân từ xuất khẩu qua phục vụ thị trường nội địa khi cần thiết. Điều quan trọng là họ đạt được điều đó mà không phải vay nợ, không có thất nghiệp hàng loạt. Từ nhiều năm qua TQ đã thực hiện một chính sách công nghiệp và sáng tạo nhằm những mục tiêu cụ thể rất thành công.

Câu hỏi quan trọng nhất đối với hội nghị Châu Á – Thái Bình Dương lần này là “như thế nào?“. Như thế nào mà Bắc Kinh chỉ đạo được hàng tỷ người đạt được mục tiêu tăng trưởng 8% với tốc độ lạm phát bình thường và sự thâm hụt ngân sách bằng không? Như thế nào mà cánh tay mạnh mẽ của Nhà nước, chứ không phải cánh tay vô hình của thị trường, đã điều khiển nền kinh tế thành công như vậy?

Về hình thức và tổ chức, các cơ quan Nhà nước của TQ về cơ bản vẫn làm người ta nhớ tới hệ thống đó trong các nước XHCN Đông Âu trước đây. Chính phủ vẫn tiếp tục đề ra các kế hoạch 5 năm, mà bao giờ cũng hoàn thành. Ở Bắc kinh, hầu như chẳng ai phản đối nền KTKH được chỉ huy từ trung ương cả. Ngược lại, với những gì phương Tây đang làm để cứu nền kinh tế bằng các chương trình hàng trăm tỷ Euro của Nhà nước, TQ càng tin rằng họ đi đúng hướng, họ có kế hoạch tốt và phương Tây chẳng có gì. Hàng ngày, hàng tuần, ban lãnh đạo TQ – thông qua các cơ quan truyền thông được kiểm soát chặt chẽ của mình – luôn kêu gọi người dân tin tưởng vào Nhà nước và nền kinh tế. Họ đã được điều quan trọng nhất trong những hoàn cảnh kinh tế khó khăn: Lòng tin của người dân.

Để bù đắp thiệt hại do xuất khẩu giảm mạnh, TQ đã chi gói kích cầu 400 tỷ Euro, thêm vào đó là khoảng 1000 tỷ Euro khuyến khích cho vay tín dụng. Bằng cách đó, họ đã thành công trong việc chuyển hướng đầu tư vào thị trường nội địa. Trong quí một, tiêu dùng cá nhân đã đóng góp gần 50% vào tăng trưởng, đầu tư có hỗ trợ của Nhà nước vào cơ sở hạ tầng và hiện đại hóa công nghiệp góp 50% còn lại.

Từ lâu, TQ cũng gặp phải vấn nạn bong bóng bất động sản. Ở TQ, có khoảng 20% tổng số tiền đầu tư là đầu tư vào bất động sản, khoảng 30% trong tiền lãi kinh doanh của doanh nghiệp là do kinh doanh bất động sản đem lại. Vì vậy, các nhà kinh tế phương Tây quả quyết rằng TQ sẽ lặp lại thảm họa sụp đổ thị trường bất động sản dẫn đến khủng hoảng nặng nề như Mỹ mới đây và Nhật 20 năm trước. Nhưng, họ quên rằng, trong nền kinh tế kế hoạch chỉ huy, chính phủ TQ chỉ cần ban hành nghị định giới hạn lượng tiền tối đa mà các ngân hàng được cho vay (năm nay là khoảng 825 tỷ Euro). Và bằng cách đó, kết hợp với các biện pháp hành chính khác, đã hạ nhiệt thành công thị trường bất động sản.

Hệ thống thị trường tài chính – chứng khoán của TQ, được đánh giá là còn ở dưới mức phát triển và bị quản lý chặt chẽ, lại chứng tỏ ưu thế của mình, khi không phải đối đầu với những sản phẩm tài chính phức tạp không thể kiểm soát được như ở phương Tây. Và vì vậy, nguy cơ đổ vỡ như ở Mỹ vừa qua cũng rất thấp.

Ban lãnh đạo TQ đang có kế hoạch giúp các doanh nghiệp Nhà nước tận dụng điểm yếu của phương Tây để phát triển bùng nổ toàn cầu. Tháng qua, công ty Geely – một nhà sản xuất xe hơi vô danh tiểu tốt của TQ – với hỗ trợ tài chính của Nhà nước đã mua hãng xe hơi Volvo danh tiếng. Các tập đoàn TQ lùng sục toàn cầu để mua bằng được những mỏ nguyên liệu quan trọng.

KTKH chỉ huy hiện nay của TQ khác xa với KTKH kiểu Đông Âu như dưới thời Mao Trạch Đông trước đây. Nó không còn là phân công ai, ở đâu, sản xuất cái gì, mà về cơ bản đã chuyển sang định hướng kinh tế bằng luật chơi. Mục tiêu cũng rõ ràng: Công nghệ hiện đại phương Tây. Khi một giám đốc người TQ đàm phán với đối tác phương Tây, câu hỏi cuối cùng phải trả lời bao giờ cũng là: tôi sẽ nhận được bao nhiêu công nghệ, khi tôi cho bạn cái gì đó từ thị trường của tôi? Một nguyên tắc lập kế hoạch khác của Bắc Kinh là: Nếu một người nước ngoài kiếm được tiền ở TQ,thì ít nhất cũng phải có một người TQ được lợi nhiều hơn. Bắc kinh vạch ra nhiều kế hoạch để làm sao nhanh chóng nhận được công nghệ. Ngay từ những năm 80 của thế kỷ trước, TQ đã chủ trương không lắp ráp cho các nhà sản xuất xe hơi của Nhật, mà ngay lập tức để phương Tây chỉ dạy cách sản xuất xe hơi thông qua hợp đồng liên doanh với các qui định chuyển giao công nghệ chặt chẽ. Và quan trọng hơn cả, với các kế hoạch của mình, người TQ đã thuyết phục được nhiều nhà đầu tư nước ngoài tin rằng, rủi ro khi đầu tư vào TQ còn thấp hơn nhiều so với rủi ro khi không đặt chân vào thị trường TQ.

Phương Tây tin rằng TQ đang chuyển từ KTKH sang kinh tế thị trường. Có lẽ đó sẽ là một ngộ nhận. Cuộc khủng hoảng kinh tế ở phương Tây và các thành tựu mới đây của TQ khiến họ càng tin tưởng hơn vào nền KTKH của mình. Cuốn sách đang bán chạy nhất tại TQ mang một cái tên đầy tự tin “Chúng ta có thể nói Không“.

Thế nhưng, những khen ngợi hết lời của giới doanh nhân dành cho TQ ngày nay cũng làm người ta nhớ lại những lời tương tự mà họ dành cho Thái lan hơn 20 năm trước. Một Thái lan đầy giận dữ và xung đột đẫm máu hiện nay hoàn toàn có thể là TQ tương lai. Thái Lan là câu trả lời cho câu hỏi, điều gì đe dọa một xã hội khi phần đông người dân trong một thời gian dài bị gạt ra ngoài sự phát triển kinh tế của đất nước. Nó cũng chỉ rõ sự phát triển bùng nổ của các nước châu Á như Trung Quốc, Indonesia, Philippines… dựa trên cơ sở nguy hiểm như thế nào. Kinh tế phát triển bùng nổ đầy ấn tượng, đồng thời khoảng cách giàu nghèo ngày càng mở rộng với một tốc độ còn nhanh hơn tăng trưởng kinh tế. Ở đây kinh tế phát triển tạo ra ngày càng quá nhiều việc làm được trả lương rất thấp, số người cùng khổ ngày càng tăng mạnh.

So với các nước láng giềng, Thái lan đã hội nhập sớm hơn, thành công hơn vào qúa trình Toàn cầu hóa. Cũng như hầu hết các nước châu Á khác, thành công của Thái lan chủ yếu dựa vào xuất khẩu, một lĩnh vực cần rất nhiều vốn tư bản nhưng tạo ra ít công ăn việc làm hơn (nếu so sánh tỷ lệ tăng việc làm với chỉ số tăng trưởng), sức sản xuất tăng mạnh, trong khi đồng lương thực tế tăng không đáng kể. Hội nhập sớm, Thái lan cũng là người sớm nhận được hậu quả của phát triển không bài bản: khủng hoảng tài chính năm 1997 và nay là xung đột xã hội đẫm máu. Người ta không thấy một lý do khác biệt nào để ngăn ngừa hậu quả tương tự sẽ đến với TQ. Thêm vào đó, khác với Thái lan, TQ còn có một đội quân nghèo đói khổng lồ phải trả giá cho sự thịnh vượng của kẻ khác bằng cả sự đầu độc môi trường sống.

TQ sẽ là tấm gương phát triển kinh tế kế hoạch hiện đại cho thế giới? Có thể lắm chứ, nếu…

SOURCE: BÀI ĐĂNG DƯỚI SỰ ĐỒNG Ý CỦA GS.TS. NGUYỄN VÂN NAM (với sự giúp đỡ của chị Nguyễn Thị Hải Vân –haivanmail@yahoo.com)

VIỆC SỬ DỤNG LẠI BÀI VIẾT PHẢI ĐƯỢC SỰ ĐỒNG Ý CỦA TÁC GIẢ

CÁC BẠN TRA CỨU CÁC BÀI VIẾT CỦA GS.TS. NGUYỄN VÂN NAM TẠI ĐÂY

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn
%d