admin@phapluatdansu.edu.vn

KHÔNG ĐƯỢC BÁN NHÀ TRÊN GIẤY

ĐỨC MINH

Bộ Tư pháp đề nghị Bộ Xây dựng rà soát lại Nghị định 02/2006 về việc ban hành quy chế khu đô thị mới.

Ngày 14-6-2010, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (QPPL), Bộ Tư pháp tiếp tục có văn bản phản đối việc Bộ Xây dựng bật đèn xanh cho phép các doanh nghiệp bán nhà trên giấy.

Văn bản của Bộ Tư pháp khẳng định hai công văn 02 và 03 mà Bộ Xây dựng ban hành để trả lời hai doanh nghiệp nhưng nội dung lại chứa QPPL, tức là có thể áp dụng chung cho những trường hợp tương tự. Cụ thể, Công văn 03 của Bộ Xây dựng hướng dẫn: “Việc huy động vốn chỉ được phép áp dụng khi thiết kế nhà ở đã được phê duyệt và công ty chứng minh được khả năng về tài chính để đầu tư xây dựng dự án theo quy định hiện hành và thực hiện khởi công công trình”. Theo Bộ Tư pháp, điều này có thể dẫn đến việc các doanh nghiệp hiểu và thực hiện việc huy động vốn đầu tư vào nhà ở trái với Điều 39 Luật Nhà ở.

“Hiện nay, tại nhiều dự án khu đô thị mới, các chủ đầu tư đã thực hiện việc huy động vốn đối với các dự án nhà ở căn cứ vào hướng dẫn nêu trên. Thực tế này dư luận gọi là “bán nhà trên giấy”, “bán lúa non”, có thể gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân trong khu đô thị mới, nguy cơ tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản, gây ra những hậu quả khó lường về kinh tế-xã hội” – văn bản của Cục Kiểm tra văn bản nêu rõ.

Ông Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Kiểm tra VBQPPL, cho biết thêm Cục không có ý kiến về việc huy động vốn đối với các loại hạ tầng khác trong khu đô thị mới. Tuy nhiên, việc huy động vốn tại các dự án nhà ở (cũng là một nội dung hướng dẫn có trong Công văn 02 và 03) cần phải bảo đảm phù hợp với Luật Nhà ở với nội dung như sau: Chủ đầu tư huy động vốn từ tiền ứng trước của người có nhu cầu mua hoặc thuê nhà ở thì chỉ được áp dụng trong trường hợp thiết kế nhà ở đã được phê duyệt và đã được xây dựng xong phần móng. Cũng Luật Nhà ở đã quy định rõ: Trường hợp có sự khác nhau của luật này với pháp luật có liên quan về sở hữu nhà ở, phát triển, quản lý việc sử dụng, giao dịch về nhà ở… thì áp dụng quy định của luật này.

Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp cũng khẳng định Thông tư 04/2006/TT-BXD có nội dung hướng dẫn trái với Luật Nhà ở. Cụ thể, thông tư này ban hành sau khi Luật Nhà ở có hiệu lực nhưng lại quy định: Việc huy động vốn để đầu tư xây dựng nhà ở trong dự án khu đô thị mới được thực hiện nhiều lần thông qua hợp đồng giữa bên bán và bên mua, lần đầu chỉ được huy động khi chủ đầu tư đã giải phóng mặt bằng và bắt đầu triển khai xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật theo giai đoạn đầu tư…

Bộ Tư pháp một lần nữa đề nghị Bộ Xây dựng rà soát lại Nghị định 02/2006 về việc ban hành quy chế khu đô thị mới (có hiệu lực thi hành trước ngày Luật Nhà ở có hiệu lực) để bảo đảm nội dung của nghị định này phù hợp với quy định của Luật Nhà ở.

Diễn biến

– Tháng 4- 2009 và tháng 3-2010, Bộ Xây dựng ban hành hai công văn 02 và 03 để xử lý những vụ việc cụ thể mà Công ty TNHH Gamuda Land Việt Nam và Công ty Capitaland-Hoàng Thành hỏi, nội dung hướng dẫn thời điểm đầu tiên của chủ đầu tư được phép huy động vốn để đầu tư xây dựng nhà ở trong dự án khu đô thị mới là sau khi đã được UBND TP Hà Nội cho phép đầu tư và chủ đầu tư đã giải phóng mặt bằng, bắt đầu triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật…

– Hai văn bản này sau đó đều bị Bộ Tư pháp “tuýt còi” cho rằng những hướng dẫn này trái với quy định tại Luật Nhà ở.

– Ngày 27-5-2010, Bộ Xây dựng có văn bản thông báo kết quả kiểm tra, rà soát văn bản gửi Bộ Tư pháp, cho rằng kết quả kiểm tra, rà soát cho thấy giữa các văn bản quy phạm về đầu tư xây dựng khu đô thị mới, nhà ở và kinh doanh bất động sản không có mâu thuẫn trong các quy định về việc huy động vốn.

SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM

Trích dẫn từ:

http://phapluattp.vn/20100616122126512p0c1085/khong-duoc-ban-nha-tren-giay.htm

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading