admin@phapluatdansu.edu.vn

KHI NÀO DOANH NGHIỆP LÀ MỘT PHÁP NHÂN?

LG. CAO BÁ KHOÁT – Thành viên Tổ Thi hành Luật Doanh nghiệp của Thủ tướng Chính phủ

(Bài được viết vào thời điểm Luật Doanh nghiệp năm 2005 và BLDS năm 2005 chưa được ban hành, nên một số thông tin có thể không còn phù hợp – Civillawinfor)

Tuy có nhiều tên gọi khác nhau, doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) 1 thành viên, công ty TNHH 2 thành viên trở lên, công ty cổ phần, công ty hợp danh… nhưng nếu xét về trách nhiệm tài sản của nhà đầu tư đối với các khoản nợ của doanh nghiệp thì chỉ có hai loại:

Một là, nhà đầu tư phải chịu trách nhiệm vô hạn đối với các khoản nợ của doanh nghiệp, thường gọi họ là các thể nhân;

Hai là, nhà đầu tư chỉ chịu trách nhiệm hữu hạn đối với các khoản nợ của doanh nghiệp, loại doanh nghiệp này được gọi một tên chung là pháp nhân.

Một người khởi nghiệp muốn thành lập doanh nghiệp của mình, trước hết phải có nhận thức đầy đủ về pháp nhân, phải thấy được pháp nhân khác với không có tư cách pháp nhân như thế nào? Theo quy định tại Điều 94 Bộ luật Dân sự, một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ 4 điều kiện sau đây:

1. Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập, cho phép thành lập, đăng ký hoặc công nhận

Pháp nhân là người do pháp luật sinh ra. Pháp nhân không có đời sống sinh học, không biết yêu, ghét, chỉ có đời sống pháp lý. Do vậy, pháp nhân phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập, cho phép thành lập, đăng ký hoặc công nhận. Được khai sinh hợp pháp là dấu hiệu đầu tiên của một tổ chức muốn được công nhận là pháp nhân. Như vậy, một doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận Đăng ký kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp, tức là được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chứng nhận việc khai sinh ra doanh nghiệp và tương tự như vậy với các DNNN, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài…

Tuy nhiên không phải doanh nghiệp nào được cấp Giấy chứng nhận Đăng ký kinh doanh cũng là pháp nhân. Doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp doanh theo Luật Doanh nghiệp cũng được cấp Giấy chứng nhận Đăng ký kinh doanh nhưng không được Luật Doanh nghiệp công nhận là pháp nhân, vì nó chưa hội đủ các điều kiện còn lại của Điều 94 Bộ luật Dân sự.

Khi khai sinh ra một con người thì phải có tên gọi cho con người, sinh ra pháp nhân phải có tên cho pháp nhân. Việc đặt tên cho con người không có quy định, cha mẹ hoàn toàn có quyền tự do đặt tên cho con cái, nhưng đặt tên cho doanh nghiệp thì phải hết sức thận trọng. Theo Điều 97 của Bộ luật Dân sự, pháp nhân phải có tên gọi bằng tiếng Việt, thể hiện rõ tổ chức loại hình của pháp nhân và phân biệt với các pháp nhân khác trong cùng một lĩnh vực.

Pháp nhân phải sử dụng tên gọi của mình trong giao dịch dân sự, tên gọi của pháp nhân được pháp luật công nhận và bảo vệ. Để bảo vệ tên pháp nhân thì tên pháp nhân không được trùng, không được gây nhầm lẫn với tên pháp nhân đã có trước.Việc đặt tên doanh nghiệp đối với những người thành lập doanh nghiệp là rất quan trọng, vì vậy luật pháp các nước đều có quy định riêng về tên doanh nghiệp.

2. Pháp nhân phải có tổ chức chặt chẽ

Ngoài tên riêng được đăng ký để gọi và nhận dạng, pháp nhân phải có điều lệ hoạt động, có cơ cấu tổ chức theo phân cấp quản lý quy định tại điều lệ, phải có người đại diện theo pháp luật để nhân danh pháp nhân tiến hành các giao dịch.

Để vận hành, con người đặc biệt này phải có các quy tắc ứng xử, tập hợp các quy tắc ứng xử thông qua các cơ quan quản lý của pháp nhân được quy định cụ thể trong điều lệ và các nội quy hoạt động. Cơ cu tổ chức của pháp nhân là dấu hiệu nhận dạng bên trong của pháp nhân giúp cho việc phân biệt các pháp nhân.

3. Pháp nhân phải có tài sản riêng của pháp nhân, tài sản này độc lập với tài sản của cá nhân, tổ chức khác và pháp nhân phải tự chịu trách nhiệm về các khoản nợ bằng tài sản do pháp nhân sở hữu

Điều kiện này là cốt lõi xác lập quyền sở hữu tài sản của công ty của nhà đầu tư và quyền sở hữu tài sản của công ty. Có thể minh họa điều kiện này bằng ví dụ: ba người A, B, C thành lập một công ty TNHH 2 thành viên trở lên là pháp nhân theo Luật Doanh nghiệp như sau:

A góp nhà trị giá: 300.000.000đ

B góp ôtô trị giá: 300.000.000đ

C góp bằng tiền mặt: 400.000.000đ.

A+B+C thành lập Công ty TNHH X. có vốn điều lệ 1.000.000.000 đ. Công ty TNHH X. kinh doanh sau 3 năm có số vốn sở hữu là 10 tỷ đồng. Công ty vay ngân hàng 12 tỷ để mua một tàu thủy, chưa kịp mua bảo hiểm thì tàu chìm. Công ty bị phá sản. Tòa án bán toàn bộ tài sản nhà, ôtô và tài sản công ty sở hữu được 10 tỷ trả nợ ngân hàng. Ngân hàng bị mất 2 tỷ mà không thể đòi các ông A, B, C .

Do công ty TNHH 2 thành viên trở lên là một pháp nhân (Theo khoản 3 Điều 26 Luật Doanh nghiệp) nên khi A góp nhà phải chuyển quyền sở hữu nhà sang công ty TNHH X.

B góp ôtô phải chuyển quyền sở hữu sang công ty TNHH X. mà không phải chịu lệ phí trước bạ (điểm a, khoản 1, điều 22 Luật Doanh nghiệp).

Khi được cấp Giấy chứng nhận Đăng ký kinh doanh, công ty phải cấp cho A, B, C Giấy chứng nhận phần vốn góp (theo khoản 2, điều 27 Luật Doanh nghiệp). Giấy chứng nhận phần vốn góp này đã xác lập quyền của A sở hữu 30%; B sở hữu 30%; C sở hữu 40%. Còn nhà, ôtô do A, B góp vốn đã được đăng ký tên công ty trở thành tài sản của công ty. Khi công ty phá sản, toàn bộ tài sản do công ty sở hữu đều được bán để trả nợ. Khi đã bán hết tài sản trả nợ mà còn thiếu nợ thì ngân hàng cho vay phải chịu rủi ro. A, B, C  chỉ mất toàn bộ số tài sản đã góp vốn vào công ty mà thôi. Mọi tài sản riêng của A, B, C được pháp luật bảo vệ, tức là A, B, C chỉ chịu trách nhiệm hữu hạn đối với các khoản nợ của công ty TNHH X.  trên số tài sản đã cam kết góp vào công ty để hình thành nên vốn điều lệ của công ty (điểm a, khoản 1, Điều 26 Luật Doanh nghiệp).

Trong một số bản điều lệ của công ty TNHH, công ty cổ phần thường quy định: Công ty chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trên số vốn điều lệ. Quy định như vậy là không chính xác. Người  góp vốn để thành lập công ty chỉ chịu trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi vốn góp của mình, còn công ty phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản do công ty sở hữu. Có sự phân biệt rõ giữa quyền sở hữu công ty của người góp vốn và quyền sở hữu tài sản của công ty để làm rõ trách nhiệm tài sản đối với các khoản nợ. Chế định TNHH dành cho người góp vốn vào công ty là pháp nhân, cho phép nhà đầu tư phân tán rủi ro, họ có thể thành lập nhiều công ty là pháp nhân để điều hòa lợi ích trong kinh doanh. Đó là điều khác biệt cơ bản giữa pháp nhân với các doanh nghiệp không phải là pháp nhân.

4. Pháp nhân nhân danh mình tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập

Quy định này xác lập quyền năng pháp lý của pháp nhân thông qua người đại diện theo pháp luật của pháp nhân. Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân có thể bị bắt, bị bỏ tù vì những hành vi của họ nhưng không vì vậy mà pháp nhân đi tù theo. Pháp nhân bầu người đại diện theo pháp luật khác để tiếp tục nhân danh pháp nhân hoạt động, tức là pháp nhân nhân danh mình tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập, không phụ thuộc vào một cá nhân nào.

Những nhà đầu tư lựa chọn mô hình kinh doanh không phải là pháp nhân như doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác… phải xác định khi có rủi ro họ phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ của doanh nghiệp bằng toàn bộ tài sản của doanh nghiệp và tài sản riêng của cá nhân họ mặc dù họ không phải chuyển đăng ký tài sản đó sang doanh nghiệp. Tuy nhiên khi lựa chọn mô hình doanh nghiệp không phải là pháp nhân thì tổ chức điều hành rất tự do, quyền của cá nhân rất lớn và có thể vay vốn ngân hàng thuận lợi hơn, huy động vốn kinh doanh bằng uy tín cá nhân dễ dàng hơn.

SOURCE: TẠP CHÍ NHÀ QUẢN LÝ SỐ 11, THÁNG 5 NĂM 2005

4 Responses

  1. các anh chị cho em hỏi ngân hàng nhà nước có phải là 1 pháp nhân không?

  2. bạn viết bài quá sai. Các Doanh nghiệp cần phải có điều lệ.. thì có hội đủ …. mới được phòng ĐKKD cấp giwy chưng nhận… không phải như bạn nói cấp rồi còn phải hội đủ các điều kiện như bạn nói.

  3. hiện nay thì vẫn còn nhiều tranh cãi về vấn đề công ty hợp danh có tư cách pháp nhân hay không bởi vì hầu hết các quốc gia trên thế giới đều không công nhận tư cách pháp nhân của công ty hợp danh trong khi đó việt nam thì công nhận, nhưng dù sao việt nam cũng có cái lý riêng của mình. do đó, vẫn chưa thể có câu trả lời xác đáng cho trường hợp này.

  4. Xin lỗi tác giả bài viết. Trong bài viết có đoạn “Tuy nhiên không phải doanh nghiệp nào được cấp Giấy chứng nhận Đăng ký kinh doanh cũng là pháp nhân. Doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp doanh theo Luật Doanh nghiệp cũng được cấp Giấy chứng nhận Đăng ký kinh doanh nhưng không được Luật Doanh nghiệp công nhận là pháp nhân, vì nó chưa hội đủ các điều kiện còn lại của Điều 94 Bộ luật Dân sự.”
    Theo em được biết khái niệm Công ty hợp doanh là không có mà chỉ có Công ty hợp danh. Và theo khoản 2 Điều 130 Luật Doanh nghiệp 2005 có quy định “Công ty hợp danh có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.”
    Bài viết được ghi chú: (Bài được viết vào thời điểm Luật Doanh nghiệp năm 2005 và BLDS năm 2005 chưa được ban hành, nên một số thông tin có thể không còn phù hợp – Civillawinfor) nhưng vẫn được post ngày 06/06/2010. Như vậy sẽ làm người đọc hiểu sai vấn đề nếu không để ý đến lời ghi chú đó.
    Rất mong được làm sáng tỏ ý của bài viết ở đây.

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading