admin@phapluatdansu.edu.vn

“TẤM ĐỆM” HAY “VÒNG KIM CÔ” PHÁP LÝ?

TRANG ANH

Công ước Viên 1980 của Liên Hợp Quốc về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (CISG) đang điều chỉnh khoảng 2/3 giao dịch thương mại thế giới và là Công ước về thương mại có diện áp dụng rộng rãi nhất hiện nay. Tham gia CISG, các doanh nghiệp (DN) sẽ có thêm một “tấm đệm” pháp lý an toàn để thực hiện các hợp đồng mua bán với các đối tác nước ngoài.

Doanh nghiệp được lời gấp bội

Công ước Viên hiện được áp dụng tại 74 quốc gia thành viên, trong đó có những đối tác thương mại đặc biệt lớn như Hoa Kỳ, Pháp, Đức, Canada, Australia, Nhật Bản, Trung Quốc… Việc CISG được áp dụng rộng rãi đã phần nào cho thấy lợi ích mà Công ước này mang lại cho các nền kinh tế. Ở Việt Nam, mặc dù đã không ít lần được các chuyên gia trong nước và nước ngoài khuyến nghị song đến nay chúng ta vẫn chưa gia nhập CISG.
Theo GS Nguyễn Thị Mơ (ĐH  Ngoại Thương), nguyên nhân chủ yếu do sự chậm trễ trong nhận thức của cơ quan công quyền, trong khi giới luật gia lại thờ ơ và thiếu hiểu biết về các công ước quốc tế. Nhưng “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, nguyên nhân chủ quan đầu tiên là vì DN chưa mạnh dạn kiến nghị những khó khăn gặp phải khi thương thảo hợp đồng mua bán với đối tác nước ngoài nên Nhà nước không thể biết mà gỡ khó. Có DN chấp nhận mất hợp đồng “béo bở” chỉ vì không thống nhất được nguồn luật áp dụng cho hợp đồng đồng mua bán với đối tác.
Tại buổi tọa đàm Công ước Viên về mua bán hàng hóa quốc tế do Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức (11/5), các chuyên gia đã thống nhất cho rằng Việt Nam không nên đứng ngoài một Công ước đem lại rất nhiều lợi ích kinh tế và lợi ích pháp lý.

TS nguyễn Minh Hằng (ĐH Ngoại Thương) chỉ rõ, việc gia nhập CISG sẽ giúp thống nhất pháp luật về mua bán hàng hóa quốc tế của Việt Nam với nhiều quốc gia khác. Các điều khoản của CISG sẽ trở thành các quy phạm của pháp luật Việt Nam áp dụng cho các giao dịch mua bán hàng hóa quốc tế có liên quan. Đây là một cách thức hiệu quả và ít tốn kém để hoàn thiện pháp luật Việt Nam trong lĩnh vực mua bán hàng hóa.
Quan trọng hơn, khi gia nhập CISG, các DN Việt Nam có thể tiết kiệm được chi phí và tránh được các tranh chấp phát sinh trong quá trình kinh doanh quốc tế. Trên cơ sở thống nhất được nguồn luật áp dụng trong mua bán hàng hóa quốc tế với các nước đối tác, khi ký kết hợp đồng mua bán các thương nhân Việt Nam và nước ngoài sẽ tìm được “tiếng nói” chung, trường hợp phát sinh tranh chấp sẽ dễ dàng được giải quyết. Vì những lý do đó mà CISG được ví như một “tấm đệm” an toàn thay vì là một “vòng kim cô” pháp lý đối với DN như lo ngại của một số người. 
“Cần nhấn mạnh rằng, những lợi ích kể trên đặc biệt có ý nghĩa đối với các DN nhỏ và vừa – đối tượng dễ gặp rủi ro do ít có điều kiện tiếp cận các dịch vụ tư vấn pháp lý cũng như ít thế và lực trong quá trình đàm phán lựa chọn luật áp dụng cho hợp đồng mua bán” – TS Nguyễn Minh Hằng nói.

Gia nhập CISG: Lợi hay thiệt

Câu trả lời là lợi, Việt Nam không phải đóng phí thành viên, không phải sửa đổi luật hiện hành vì về cơ bản pháp luật nước ta khá tương thích với các quy định của Công ước. Tuy nhiên với phạm vi hiện tại của mình, CISG chưa thể giải quyết tất cả các vấn đề pháp lý liên quan đến hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế. Chẳng hạn, CISG không điều chỉnh trách nhiệm của các bên trong giai đoạn đàm phán, điều kiện hiệu lực của hợp đồng, vấn đề ủy quyền, vấn đề thời hiệu, vấn đề chuyển quyền sở hữu của hàng hóa. Do đó, DN vẫn cần một nguồn luật khác để điều chỉnh các vấn đề mà Công ước Viên không đề cập đến.
Thêm nữa, CISG chưa có các quy phạm điều chỉnh các vấn đề pháp lý mới phát sinh trong thương mại quốc tế do được soạn thảo và thông qua từ cách đây 30 năm. Vì vậy các DN phải bằng lòng với nội dung hiện có của Công ước.
Trả lời câu hỏi vì sao CISG vẫn chưa được áp dụng ở một số quốc gia như Anh và ASEAN (ngoại trừ Singapore), Luật sư Nguyễn Trung Nam (Công ty EP Legal) cho rằng nguyên nhân chủ yếu là các nước này có truyền thống pháp luật “bảo thủ” khó chấp nhận thay đổi ngay cả khi cái mới tốt hơn cái cũ, hoặc do pháp luật nội địa đã “nội luật hóa” CISG tới mức họ không cần tham gia Công ước này nữa…
Với Việt Nam, chúng ta không có lý do để từ chối việc gia nhập CISG ngay cả khi những bất cập kể trên vẫn còn tồn tại vì nếu đặt lên “bàn cân” để đong đếm thì lợi ích cho nền kinh tế vẫn lớn hơn gấp bội.

SOURCE: BÁO KINH TẾ ĐÔ THỊ ĐIỆN TỬ

Trích dẫn từ: http://www.ktdt.com.vn

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading