Site icon THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

THAY THẾ ĐIỀU KHOẢN HỢP ĐỒNG

Advertisements

NGUYỄN TRUNG NAM  -  Công ty Luật EPlegal

Trong nhiều trường hợp khi các bên mua bán hàng hóa trao đổi qua lại rất nhiều đề nghị – đề nghị thay đổi đề nghị cũ bằng cả miệng và văn bản, việc xác định đề nghị nào sẽ có giá trị ràng buộc đối với các bên là hết sức khó khăn, đặc biệt là khi một hay hai bên đã tiến hành thực hiện một phần hoặc toàn bộ hợp đồng.

Tranh chấp giữa bên bán (nguyên đơn) là một Cty của Italia với bên mua (bị đơn) là một Cty ở New York, Mỹ. Nội dung tranh chấp về mẫu hợp đồng, trong đó điều khoản trọng tài sẽ áp dụng theo thư đề nghị của bên nào.

Diễn biến tranh chấp

Bên mua gửi một đơn đặt hàng đến bên bán của Italia về việc mua 100.000 đôi giày tại biên giới Italia/Yugoslav tuân theo một mẫu hợp đồng khung về các điều khoản, trong đó có điều khoản về trọng tài xử tại Moscow. Ngoài ra, theo đơn hàng này bên mua phải mở Thư tín dụng cho bên bán trước mỗi đợt giao hàng. Bên bán chấp nhận đơn đặt hàng này bằng một thư xác nhận. Tuy nhiên có thông báo loại trừ điều khoản về trọng tài (trước tòa bên mua tuyên bố không hề nhận được thông báo này). Chỉ khoảng 5 tháng sau khi nhận được đơn đặt hàng, bên mua mới nhận được một văn bản khác của bên bán nêu rõ không chấp nhận áp dụng điều khoản trọng tài. Trong thời gian đó các bên đàm phán bằng miệng nhiều lần về điều khoản trọng tài, đồng thời các bên bắt đầu thực hiện hợp đồng trước khi đạt được thỏa thuận về điều khoản này. Bên mua đã mở thư tín dụng đầu tiên cho người thụ hưởng là bên bán và bên bán đã vận chuyển một phần hàng hóa theo thỏa thuận. Sau đó bên mua khiếu nại bên bán về lỗi hợp đồng và yêu cầu phân xử trọng tài tại Moscow theo mẫu hợp đồng khung ban đầu.

Tòa án cho rằng, tại thời điểm hợp đồng xác lập các bên tham gia hợp đồng có trụ sở tại Mỹ và Italia, vì vậy hợp đồng thuộc sự điều chỉnh của Công ước Vienna (CISG). Tòa đã xem xét các giao dịch trước đó của các bên và cho rằng từ rất nhiều giao dịch theo thông lệ của hai bên từ trước, bên bán có trách nhiệm phải cảnh báo bên mua kịp thời về việc mình không đồng ý áp dụng điều khoản trọng tài, trách nhiệm này còn cao hơn khi bên bán biết rằng bên mua đã mở thư tín dụng cho người thụ hưởng là bên bán. Tòa không chấp nhận lập luận bên bán cho rằng thư trả lời của bên bán từ chối áp dụng điều khoản trọng tài đã tạo thành một đề nghị thay thế đề nghị cũ vì thư này được gửi quá trễ. Ngược lại, việc bên bán đã vận chuyển một phần hàng hóa, cũng như sau đó vẫn tiếp tục dựa vào mẫu hợp đồng khung cho thấy bên bán đã chấp nhận đề nghị của bên mua thông qua hành động (Điều 18.1; 8.3 CISG). Cuối cùng, tòa kết luận hợp đồng đã được hình thành trên cơ sở đơn hàng ban đầu do bên mua gửi và được chấp nhận bởi bên bán.

Bài học kinh nghiệm

Khi xem xét những trao đổi của các bên về mẫu hợp đồng, trọng tài và tòa án có toàn quyền diễn giải CISG một cách linh hoạt (ví dụ như thời gian trả lời đề nghị bao lâu là hợp lý, chấp nhận thông tin văn bản hay bng miệng…) để xác định thời điểm hợp đồng được hình thành cũng như đề nghị của bên nào mang giá trị ràng buộc. Vì vậy, khi đề nghị/chào giá của một bên đối tác không có thời hạn hiệu lực cụ thể, doanh nghiệp nên trả lời chấp thuận hoặc đề nghị triệt hạ đề nghị cũ bằng văn bản trong thời gian sớm nhất có thể, với những tuyên bố rõ ràng về điểm khác trong đề nghị mới của mình. Đồng thời cần tránh thực hiện hợp đồng trước khi đạt được những thỏa thuận rõ ràng của các bên về những vấn đề quan trọng như điều khoản trọng tài.

Theo Điều 15.1 CISG, một đề nghị chỉ được coi là có hiệu lực khi bên được đề nghị nhận được đề nghị đó (khác với luật VN, một đề nghị có thể có hiệu lực theo ấn định của bên đề nghị). Vì vậy để đảm bảo đề nghị của mình có hiệu lực, DN cần kiểm tra kỹ để có xác nhận của đối tác là đã nhận được văn bản hay chưa, tránh việc đối tác chối cãi hiệu lực đề nghị của mình.

SOURCE: THỜI BÁO KINH TẾ VIỆT NAM

Trích dẫn từ: http://dddn.com.vn/2010051310364120cat69/thay-the-dieu-khoan-hop-dong.htm

Exit mobile version