Site icon THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

các thoả thuận loại bỏ các rào cản phi thuế quan trong ASEAN, APEC VÀ WTO

Advertisements
VĂN PHÒNG ỦY BAN QUỐC GIA VỀ HỢP TÁC KINH TẾ QUỐC TẾ

A. Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)

Mục tiêu

Việc thành lập Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN (AFTA) năm 1992 đã đưa ASEAN vượt ra khỏi khuôn khổ của một Thoả thuận Ưu đãi Thương mại thành một hình thức hội nhập sâu hơn. Hiệp định ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung (CEPT) yêu cầu các Quốc gia Thành viên phải loại bỏ các hạn chế định lượng đối với những sản phẩm quy định trong Chương trình CEPT ngay sau khi cắt giảm thuế quan, và tập trung loại bỏ các Rào cản Phi Thuế quan khác trong giai đoạn 5 năm sau khi các sản phẩm này được cắt giảm thuế quan. Theo Hiệp định ASEAN – CEPT, các Rào cản Phi Thuế quan được định nghĩa là các biện pháp ngăn cấm hoặc hạn chế một cách có hiệu quả việc nhập khẩu hoặc xuất khẩu hàng hoá. Lộ trình Hội nhập của ASEAN quy định chi tiết rằng các Rào cản Phi Thuế quan cần phải được loại bỏ vào năm 2010 đối với ASEAN – 6 và năm 2015/2018 đối với các nước CLMV (Campuchia, Lào, Myanma và Việt Nam).

Chương trình và các cam kết

ASEAN phân loại các biện pháp phi thuế quan thành: (i) Các rào cản kỹ thuật đối với thương mại (TBT); (ii) Các biện pháp kiểm dịch động thực vật (SPS); (iii) các biện pháp an ninh và môi trường; (iv) các quy trình thủ tục cấp phép nhập khẩu và/hoặc các biện pháp hành chính. Qui trình loại bỏ các Rào cản Phi Thuế quan về cơ bản đã được thống nhất, bao gồm việc (a) xác minh thông tin về các Rào cản Phi Thuế quan, (b) sắp xếp thứ tự ưu tiên các sản phẩm và các Rào cản Phi Thuế quan, (c) thiết lập một chương trình công tác, và (d) nhận nhiệm vụ từ các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN giao thực thi chương trình công tác.

Một chương trình công tác đã được thiết lập chủ yếu bao gồm việc xác minh và thông báo chéo về các Rào cản Phi Thuế quan, thiết lập cơ sở dữ liệu, và rà soát các định nghĩa hoạt động về các Rào cản Phi Thuế quan được thông qua bởi Hệ thống Mã hoá về các Biện pháp Kiểm soát Thương mại của UNCTAD. Mô hình của chương trình này dựa trên các tiêu chí đã được thông qua tại Cuộc họp lần thứ 19 của Hội đồng AFTA năm 2005, cụ thể như sau:

(i) Các Biện pháp Phi Thuế quan không minh bạch, có tính phân biệt đối xử khi áp dụng, không có cơ sở khoa học và trong khi có thể áp dụng một biện pháp thay thế ít cản trở thương mại hơn, thì phải được loại bỏ ngay (hộp màu đỏ).

(ii) Các Biện pháp Phi Thuế quan có tính minh bạch, nhưng có tính phân biệt đối xử khi áp dụng, làm vô hiệu hoá hoặc giảm thiểu một số lợi ích hoặc nghĩa vụ của quốc gia, làm ảnh hưởng đến các sản phẩm thương mại thường xuyên trong khu vực hoặc thuộc 9 ngành ưu tiên, không thể chứng minh hoặc xác định rõ là một rào cản, thì phải được đưa ra đàm phán (hộp màu hổ phách).

(iii) Các Biện pháp Phi Thuế quan có tính minh bạch, không phân biệt đối xử khi áp dụng, không có các biện pháp thay thế, có cơ sở khoa học, được áp dụng vì sức khoẻ cộng đồng và an toàn công cộng hoặc tôn giáo hoặc các lý do an ninh quốc gia, phù hợp với WTO và hợp lý, ví dụ như các quy định về kiểm dịch động thực vật và môi trường, thì được thừa nhận và có thể được duy trì (hộp màu xanh).

Cơ sở dữ liệu ASEAN về các Biện pháp Phi Thuế quan đã được thiết lập từ những thông báo chính thức của các Quốc gia Thành viên gửi Ban Thư ký ASEAN. Mỗi Quốc gia Thành viên gửi một danh sách các Biện pháp Phi Thuế quan áp dụng đối với hàng hoá nhập khẩu vào quốc gia đó theo mã HS và phân loại Biện pháp Phi Thuế quan, trong đó mô tả biện pháp phi thuế quan và nguồn gốc/thời điểm xác định biện pháp phi thuế quan.

Những quy định về thể chế:

Các quyết định về các Biện pháp Phi Thuế quan chủ yếu liên quan đến: (1) các quy trình thông báo và thông báo chéo giữa các bên; (2) việc thiết lập cơ sở dự liệu; (3) sự rà soát các định nghĩa và tiêu chí hoạt động; (4) sự xác minh và chứng minh của các thành viên về các Biện pháp Phi Thuế quan; (5) việc phân loại các Biện pháp Phi Thuế quan thành các rào cản kỹ thuật đối với thương mại, các biện pháp kiểm dịch động thực vật, các biện pháp an ninh và môi trường, các quy trình thủ tục cấp phép nhập khẩu và/hoặc các biện pháp hành chính khác; (6) cơ chế giải quyết khiếu nại; và (7) việc thiết kế chương trình công tác nhằm loại bỏ các Biện pháp Phi Thuế quan “không hợp lý và không cần thiết”.

Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN (AEM) đóng vai trò chính: trong việc đề ra các khuyến nghị để các chính phủ xem xét; trong việc rà soát quá trình phối hợp và thực thi các chương trình và dự án hợp tác kinh tế đã được thống nhất; và trao đổi quan điểm và tham vấn về các kế hoạch và chính sách quốc gia nhằm hài hoà hoá trong khu vực. Các quyết định được đưa ra thông qua quá trình đàm phán và đồng thuận giữa các Quốc gia Thành viên.

Uỷ ban Điều phối Thực thi Kế hoạch CEPT của AFTA (CCCA) là cơ quan trong ASEAN chịu trách nhiệm về chương trình công tác nhằm loại bỏ các Rào cản Phi Thuế quan với vai trò xác định biện pháp nào là rào cản thương mại. Các nhóm công tác tương ứng có liên quan như Uỷ ban Tham vấn ASEAN về Tiêu chuẩn và Chất lượng (ACCSQ) phụ trách các rào cản kỹ thuật đối với thương mại, các nhóm công tác trong Hội nghị các Quan chức Cấp cao trực thuộc các Bộ trưởng ASEAN về Nông nghiệp và Lâm nghiệp (SOM-AMAF) phụ trách các vấn đề kiểm dịch động thực vật và/hoặc Uỷ ban các Chuyên gia về các Vấn đề Hải quan (ECCM) phụ trách các vấn đề hải quan.

B. Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC)

Mục tiêu

APEC hoạt động theo hướng thiết lập các nền kinh tế nội địa hiệu quả và thúc đẩy tăng trưởng trong khu vực thông qua cắt giảm thuế quan và các rào cản thương mại khác.

Chương trình và các cam kết

Các Kế hoạch Hành động Tập thể (CAP) và Kế hoạch Hành động Quốc gia (IAP) là những phương tiện để các nền kinh tế thành viên theo đuổi chương trình nghị sự thương mại và đầu tư tự do. Các CAP chi tiết hoá các hành động tập thể thường niên của tất cả các nền kinh tế thành viên APEC trong 15 lĩnh vực, bao gồm cả vấn đề loại bỏ các biện pháp phi thuế quan, và để đề ra các hành động và mục tiêu hướng tới thương mại và đầu tư tự do, cũng như giám sát và báo cáo tiến độ. Uỷ ban Thương mại và Đầu tư (CTI) rà soát và hoàn thiện các CAP nhằm đảm bảo tính hiệu quả của chúng và hỗ trợ APEC đạt được các mục tiêu của mình.

Các Kế hoạch Hành động Quốc gia (IAP) là biên bản các hành động do các nền kinh tế thành viên thực thi nhằm đạt được những mục tiêu mà họ đề ra. Thời gian biểu và mục tiêu được đề ra và các hành động được thực thi trên cơ sở tự nguyện và không ràng buộc. Hàng năm các nền kinh tế thành viên tự nguyện chịu sự rà soát IAP của họ theo một cơ chế Rà soát Định kỳ (Peer Review) gồm một nhóm rà soát chính thức xem xét IAP của từng nền kinh tế tự nguyện.

Những quy định về thể chế:

APEC là một nhóm liên kết liên chính phủ hoạt động trên cơ sở các cam kết không ràng buộc, đối thoại mở và tôn trọng ngang bằng quan điểm của tất cả các thành viên. Các quyết định được đưa ra trong APEC trên cơ sở đồng thuận và các cam kết được thực hiện trên cơ sở tự nguyện.

Nhóm Tiếp cận Thị trường (MAG) trực thuộc Uỷ ban Thương mại và Đầu tư (CTI) chịu trách nhiệm thiết lập các CAP và đối chiếu các Biện pháp Phi Thuế quan đã được thông báo để Tự do hoá Tự nguyện theo Ngành Sớm (EVSL). Nhóm đã phân tích các thông báo về các Biện pháp Phi Thuế quan thông qua việc xác định các khía cạnh được quan tâm như các vấn đề về minh bạch hoá, tính đồng nhất, và tính có thể dự đoán được. Sau đó, kết quả đã được đưa vào qui trình xác định các lĩnh vực để thực thi các sáng kiến về thuận lợi hoá thương mại, hoặc nhằm thiết lập và thống nhất thực thi các thực tiễn hành chính tốt nhất.

APEC cũng đã thông qua các Tiêu chuẩn về Minh bạch hoá đối với các Biện pháp Thuế quan và Phi thuế quan vào tháng 1 năm 2005, theo đó mỗi nền kinh tế cho phép tất cả các bên quan tâm tiếp cận thông tin về các luật lệ, quy định, quy trình và thủ tục hành chính của mình về thuế và các Rào cản Phi Thuế quan thông qua các phương tiện truyền thông phổ cập và đảm bảo rằng các Biện pháp Phi Thuế quan được thực thi một cách minh bạch. Các thành viên cung cấp cho Ban Thư ký các đường dẫn tới các trang web của chính phủ, cung cấp thông tin về những quy định nhập khẩu cho trang web về Quy định Nhập khẩu của MAG, và bao gồm tất cả các quy tắc và quy trình thủ tục và các điểm hỏi đáp trong các Kế hoạch Hành động Quốc gia điện tử (e-IAP).

C. Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)

Mục tiêu

WTO là một cơ quan quốc tế áp dụng các quy tắc thương mại để thúc đẩy lưu chuyển thương mại giữa các quốc gia, thông qua các hiệp định ràng buộc các chính phủ giới hạn những chính sách thương mại của họ trong phạm vi quy định. Những hiệp định này là kết quả của các vòng đàm phán, và tuân thủ các nguyên tắc cơ bản về không phân biệt đối xử (đối xử tối huệ quốc – MFN và đối xử quốc gia – NT), tự do hoá thương mại hơn nữa, tính có thể dự đoán được và minh bạch, cạnh tranh lành mạnh, và phát triển và cải cách kinh tế. Những khác biệt được giải quyết thông qua các quy trình thủ tục dựa trên một nền tảng pháp lý đã được thống nhất.

Tiếp cận thị trường trong khuôn khổ WTO bao hàm toàn bộ các quy định do chính phủ đặt ra theo đó một sản phẩm có thể được nhập khẩu vào một quốc gia trên cơ sở các điều kiện không phân biệt đối xử. Các biện pháp phi thuế quan bao gồm tất cả các biện pháp ngoài thuế quan được sử dụng để bảo vệ ngành công nghiệp nội địa. Trong khi việc cắt giảm hoặc loại bỏ thuế quan được thực hiện thông qua các cam kết cụ thể, các biện pháp phi thuế quan được giải quyết thông qua thiết lập các quy tắc và luật lệ nhằm hạn chế tác động cản trở thương mại của chúng.

Chương trình và các cam kết

Các Hiệp định quy định cụ thể các cam kết của từng quốc gia liên tục cắt giảm các rào cản thương mại bao gồm các biện pháp thuế quan và phi thuế quan. Các Hiệp định yêu cầu các chính phủ minh bạch hoá chính sách thương mại của mình bằng cách thường xuyên thông báo WTO về các luật lệ đã có hiệu lực thực thi và các biện pháp đã được thực hiện. Một hiệp định về Cơ chế Rà soát Chính sách Thương mại quy định bắt buộc các thành viên WTO thực hiện rà soát chính sách thương mại thường xuyên đối với từng quốc gia.

Các quy trình thủ tục pháp lý quan liêu quốc gia khác có thể gây cản trở thương mại phải chịu sự điều tiết theo các quy định của WTO thông qua các Hiệp định về:

· Các Quy trình Thủ tục Cấp phép Nhập khẩu

· Quy tắc Xuất xứ

· Trị giá Hải quan

· Kiểm tra Trước khi xếp

· Các Biện pháp Đầu tư liên quan đến Thương mại

· Các Biện pháp Kiểm dịch Động Thực vật

· Các Rào cản kỹ thuật đối với Thương mại

· Chống bán phá giá

· Trợ cấp và các biện pháp trả đũa

· Các biện pháp tự vệ

Những quy định về thể chế:

WTO là một tổ chức được dẫn dắt bởi các thành viên và dựa trên cơ sở đồng thuận. Tất cả các quyết định quan trọng được đưa ra trên cơ sở đồng thuận, được thực hiện bởi toàn thể các thành viên, thông qua các hội đồng và uỷ ban khác nhau. Hội nghị Bộ trưởng quyết định tất cả các vấn đề thuộc bất cứ hiệp định thương mại đa phương nào. Các luật lệ áp đặt quy tắc đối với các chính sách của các quốc gia là kết quả của quá trình đàm phán. Các luật lệ được toàn thể các thành viên thông qua và thực thi bởi chính các thành viên theo các quy trình thống nhất, bao gồm khả năng thực thi các biện pháp trừng phạt thương mại.

SOURCE: CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BỘ CÔNG THƯƠNG

Exit mobile version