Site icon THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

CẦN ĐIỀU CHỈNH MỘT SỐ QUI ĐỊNH CỦA LUẬT CÔNG CHỨNG

Advertisements

NGUYỄN THỊ ĐÀO

Qua 2 năm thực hiện Luật Công chứng, hoạt động công chứng đã từng bước đáp ứng nhu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch của cá nhân và tổ chức. Tuy nhiên, quá trình thực hiện Luật đã nảy sinh một số vướng mắc.

Thứ nhất, trường hợp yêu cầu công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản hoặc khai nhận di sản có đồng thừa kế là một số người hiện đang định cư tại nước ngoài. Người yêu cầu công chứng đã xuất trình các văn bản tặng, cho quyền hưởng di sản thừa kế, giấy ủy quyền… do cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại nước sở tại chứng thực, hoặc do Công chứng viên của nước sở tại công chứng và đã được hợp pháp hóa lãnh sự. Tuy nhiên, các cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài chỉ chứng nhận chữ ký trên các văn bản này mà không chứng nhận nội dung. Do đó đã nảy sinh hai luồng ý kiến khác nhau về vấn đề này, dẫn đến việc thực hiện không thống nhất. Ý kiến thứ nhất cho rằng, căn cứ vào khoản 2 Điều 142 Bộ luật Dân sự năm 2005 và Điều 16 Nghị định 138/2006/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành các quy định của Bộ luật Dân sự về quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài, các văn bản này phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam. Ý kiến khác lại yêu cầu các văn bản này nhất thiết phải được chứng nhận nội dung mới có giá trị sử dụng.

Thứ hai, trường hợp đất của những người đã định cư tại nước ngoài có nguyện vọng tặng cho con, cháu đang ở Việt Nam, hay chuyển nhượng nhưng chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở theo Nghị định số 60 của Chính phủ; chỉ có giấy tờ theo khoản 1, 2 Điều 50 Luật Đất đai, hoặc Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở được cấp theo quy định của pháp luật về nhà ở qua các thời kỳ, giấy chứng nhận tặng cho, đổi, thanh lý, hóa giá nhà ở, giấy tờ về thừa kế nhà ở, bản án, quyết định của Tòa án hoặc quyết định của cơ quan có thẩm quyền đã có hiệu lực pháp luật về sở hữu nhà ở. Theo quy định của Luật Đất đai và Luật Nhà ở, họ không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 2 Điều 66 Nghị định số 84/2007/NĐ-CP “… người sử dụng đất có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật Đất đai vẫn được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, tặng cho quyền sử dụng đất, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất” – tức là họ vẫn được thực hiện các quyền của người sử dụng đất. Tuy nhiên, do cách hiểu và áp dụng pháp luật chưa thống nhất giữa các cơ quan liên quan nên tại một số địa phương, hiện vẫn chưa giải quyết được các hồ sơ này.

Thứ ba, hợp đồng thế chấp tài sản của vợ chồng để bảo đảm nghĩa vụ của doanh nghiệp tư nhân mà một trong hai người (vợ hoặc chồng) là chủ doanh nghiệp vẫn chưa có sự thống nhất trong cách hiểu. Có ý kiến cho rằng, vì vợ chồng (cá nhân) và doanh nghiệp tư nhân (pháp nhân, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp) là hai chủ thể khác nhau, mỗi chủ thể có quyền hạn và nghĩa vụ độc lập với nhau. Vì vậy, đây là việc thế chấp để bảo đảm nghĩa vụ của doanh nghiệp (bên thứ ba). Cũng có ý kiến cho rằng, doanh nghiệp tư nhân chịu trách nhiệm vô hạn, không có sự phân định giữa tài sản của cá nhân và tài sản của doanh nghiệp nên hai chủ thể này là một. Vì vậy, đây là việc thế chấp để bảo đảm cho nghĩa vụ của chính mình.

Thứ tư, mức thu phí công chứng trong một số trường hợp chưa phù hợp. Theo quy định tại Thông tư số 91/2008/TTLT-BTC-BTP của liên bộ Tài chính và Tư pháp hướng dẫn về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí công chứng, mức thu đối với giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch dưới 100.000.000 đồng là 100.000 đồng. Đối với các giao dịch mua bán xe máy cũ, giá trị còn lại của tài sản thường không lớn nhưng lại phải nộp phí công chứng theo quy định như trên là quá cao. Hay như các giao dịch, hợp đồng không có giá ngạch cụ thể (thường gặp là các hợp đồng thuê nhà trong một thời gian dài, thỏa thuận trả tiền thuê nhà hàng năm theo tỷ giá ngoại tệ hoặc theo giá vàng tại thời điểm thanh toán) thì không có căn cứ để định mức thu phí công chứng… Vì vậy, cần sớm có sự điều chỉnh, thống nhất về nội dung các văn bản pháp luật, tạo khung pháp lý hoàn thiện đáp ứng yêu cầu công chứng trong giai đoạn hiện nay.

SOURCE: BÁO NGƯỜI ĐẠI BIỂU NHÂN DÂN ĐIỆN TỬ

Trích dẫn từ:

http://nguoidaibieu.com.vn/Trangchu/VN/tabid/66/CatID/7/ContentID/103408/Default.aspx

Exit mobile version