Site icon THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

TỜ TRÌNH CỦA BỘ TƯ PHÁP DỰ THẢO NGHỊ ĐỊNH VỀ ĐĂNG KÝ GIAO DỊCH BẢO ĐẢM

Advertisements

Dự thảo ngày 02/02/2010

Kính gửi:

Chính phủ

Thực hiện Chương trình xây dựng văn bản, đề án năm 2010 của Bộ Tư pháp trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian vừa qua, Bộ Tư pháp đã triển khai xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 08/2000/NĐ-CP ngày 10/3/2000 của Chính phủ về đăng ký giao dịch bảo đảm (sau đây gọi là Nghị định về đăng ký giao dịch bảo đảm). Sau một thời gian xây dựng theo đúng trình tự, thủ tục pháp luật quy định, Bộ Tư pháp xin kính trình Chính phủ Dự thảo Nghị định về đăng ký giao dịch bảo đảm như sau:

I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH NGHỊ ĐỊNH VỀ ĐĂNG KÝ GIAO DỊCH BẢO ĐẢM

Việc ban hành Nghị định về đăng ký giao dịch bảo đảm là cần thiết xuất phát từ các lý do chủ yếu sau đây:

1. Trong thực tiễn, đăng ký giao dịch bảo đảm không chỉ đáp ứng lợi ích của người vay và người cho vay vốn, mà còn khuyến khích sự lưu thông nguồn vốn và giúp thị trường tín dụng hoạt động hiệu quả, an toàn, góp phần thúc đẩy sản xuất – kinh doanh phát triển. Thiết chế đăng ký giao dịch bảo đảm ra đời có vai trò, ý nghĩa quan trọng trong việc xác định thứ tự ưu tiên thanh toán giữa các bên cùng nhận bảo đảm khi xử lý tài sản bảo đảm, giúp công khai hóa, minh bạch hóa các thông tin liên quan đến giao dịch bảo đảm. Ngoài ra, thông qua việc tổ chức, vận hành có hiệu quả hệ thống đăng ký giao dịch bảo đảm, Nhà nước có được những thông tin cần thiết phục vụ cho quá trình hoạch định chính sách vĩ mô, đặc biệt liên quan trực tiếp đến mục tiêu bảo đảm an toàn tín dụng.

Bên cạnh đó, quá trình giải quyết các vụ án về tranh chấp quyền sở hữu tài sản cho thấy, một trong những nguyên nhân có thể dẫn đến tranh chấp là do các bên thiếu thông tin về tình trạng pháp lý của tài sản bảo đảm (ví dụ: Trong vụ án tranh chấp giữa Ngân hàng thương mại cổ phần Dầu khí toàn cầu (GP Bank) với một số hộ dân về quyền sở hữu 47 biệt thự thuộc dự án xây dựng khu biệt thự tại xã An Khánh, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội thì 47 biệt thư nêu trên là tài sản bảo đảm trong hợp đồng tín dụng giữa Cty D&T với ngân hàng thương mại cổ phần Dầu khí toàn cầu (GP Bank) để vay vốn thực hiện dự án đầu tư). Do không có thông tin chính thức về tình trạng pháp lý của tài sản nên các hộ dân đã mua 47 lô đất với giá 2,8 tỷ đồng/lô và khi Cty D&T không có khả năng thanh toán số vốn vay hơn 66 tỷ đồng nên đến tháng 12/2008, GP Bank đã ra thông báo chuyển quyền thụ hưởng 47 lô đất trên và GP Bank chính thức thay D&T thực hiện quyền, nghĩa vụ hợp pháp đối với 47 biệt thự là tài sản đảm bảo nêu trên).

2. Trong những năm qua, cùng với những kết quả đạt được trong quá trình xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hệ thống đăng ký giao dịch bảo đảm của nước ta được xây dựng trên cơ sở các quy định của Nghị định số 08/2000/NĐ-CP ngày 10/3/2000 của Chính phủ về đăng ký giao dịch bảo đảm đã phát huy tác dụng trong việc công khai và minh bạch các giao dịch bảo đảm, giúp cá nhân, tổ chức có nguồn thông tin để tra cứu, tìm hiểu trước khi xem xét, quyết định giao kết hợp đồng nói chung và đầu tư, cho vay vốn nói riêng, đồng thời có căn cứ để xác định thứ tự ưu tiên thanh toán trong trường hợp cần xử lý tài sản để thanh toán nghĩa vụ. Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, hoạt động đăng ký giao dịch bảo đảm vẫn còn một số hạn chế như sau:

– Hệ thống văn bản pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm còn phân tán, một số quy định trùng lặp, mâu thuẫn, không phù hợp với yêu cầu thực tiễn, chưa có cơ chế cơ chế phối hợp, cung cấp thông tin giữa các cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm với một số cơ quan đăng ký sở hữu tài sản;

– Hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực đăng ký giảo dịch bảo đảm còn hạn chế do sự phân tán, thiếu thống nhất, cũng như thiếu cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành có liên quan;

– Thiếu quy phạm điều chỉnh thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm đối với một số tài sản có giá trị như: rừng sản xuất là rừng trồng, vườn cây lâu năm, trong khi nhu cầu khai thác, huy động vốn từ các tài sản này ngày càng lớn;

– Thủ tục đăng ký, cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm thiếu thống nhất, chưa thực sự đơn giản, nhanh chóng và thuận lợi cho cá nhân, tổ chức. Nhiều cơ quan giải quyết hồ sơ đăng ký và cung cấp thông tin còn chậm hoặc từ chối không có căn cứ pháp lý, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp;

– Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động đăng ký và cung cấp thông tin còn hạn chế. Việc đăng ký và tìm hiểu thông tin hiện nay hầu hết còn được thực hiện bằng giấy, nên chưa kịp thời, đôi khi làm mất cơ hội tiếp cận nguồn vốn của cá nhân, tổ chức và gây tốn kém cho các bên liên quan;

– Bên cạnh đó, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta đòi hỏi pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm phải tiếp tục được hoàn thiện, để tạo thuận lợi hơn nữa cho việc xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự, thương mại, tăng cường khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp khi tham gia thị trường trong và ngoài nước.

3. Số lượng đơn yêu cầu đăng ký, cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm ngày càng tăng đã chứng minh thiết chế đăng ký giao dịch bảo đảm đã thực sự phát huy tác dụng trong đời sống – xã hội, giúp các giao dịch được xác lập, thực hiện an toàn và minh bạch.

3.1. Cụ thể về số liệu thống kê lượng đơn yêu cầu đăng ký, cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm bằng động sản (trừ tàu bay, tàu biển) tại các Trung tâm đăng ký giao dịch, tài sản của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm (Bộ Tư pháp) từ năm 2007 đến năm 2009 như sau:

Cơ quan đăng ký

Năm 2007

Năm 2008

Năm 2009

Trung tâm số 1 tại Hà Nội

35010

45126

59753

Trung tâm số 2 tại TP Hồ Chí Minh

45375

46994

72000

Trung tâm số 3 tại Đà Nẵng

16418

23626

29704

3.2. Số lượng đơn yêu cầu đăng ký ngày càng tăng đã chứng minh nhu cầu thực tế của xã hội và tác động tích cực của thiết chế đăng ký giao dịch bảo đảm trong đời sống kinh tế nước ta. Vì vậy, bên cạnh thiết chế công chứng với ý nghĩa nhằm xác nhận tính xác thực, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch thì đăng ký giao dịch bảo đảm là thiết chế giúp công khai hóa thông tin về giao dịch bảo đảm, xác lập hiệu lực đối kháng với người thứ ba tham gia giao dịch và xác định thứ tự ưu tiên thanh toán giữa bên nhận bảo đảm (bên cho vay) với các chủ thể khác có liên quan đến tài sản bảo đảm.

4. Tham khảo kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới (ví dụ như: Hoa Kỳ, Canada, New Zealand, Nhật Bản, Hàn Quốc, Cộng hòa liên bang Nga; Canada, Cộng hòa Pháp) cho thấy, dù mô hình tổ chức, nguyên tắc đăng ký, kỹ thuật pháp lý điều chỉnh các giao dịch bảo đảm bằng động sản, bất động sản ở mỗi quốc gia có khác nhau, nhưng đều có chung một nguyên tắc là nếu người có quyền với tài sản bảo đảm không thực hiện việc đăng ký, thì không được hưởng quyền đối kháng với bên thứ ba và thông tin về tài sản bảo đảm được cung cấp khi tổ chức, cá nhân khi có nhu cầu tìm hiểu.

5. Việc ban hành Nghị định về đăng ký giao dịch bảo đảm nhằm hiện thực hóa, kế thừa mạnh mẽ quan điểm của Chính phủ trong quá trình xây dựng dự án Luật Đăng ký giao dịch bảo đảm, qua đó góp phần tích cực vào quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật nước ta trong tiến trình xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, thực hiện chủ trương pháp điển hóa các quy định của Nghị định, Thông tư trước yêu cầu của xã hội, của người dân và chủ trương của Đảng, Nhà nước ta về cải cách hành chính, cải cách tư pháp. Ngoài ra, đây cũng là dịp để khắc phục một số hạn chế về pháp luật và các bất cập trong thực tiễn đăng ký giao dịch bảo đảm. Từ đó, phát huy các giá trị tích cực của hoạt động này đối với sự phát triển kinh tế nói chung và phát triển thị trường tài chính, tiền tệ nói riêng được ổn định, lành mạnh.

Từ những lý do trên cho thấy, việc ban hành Nghị định về đăng ký giao dịch bảo đảm thay thế Nghị định số 08/2000/NĐ-CP ngày 10/3/2000 của Chính phủ về đăng ký giao dịch bảo đảm là cần thiết, xuất phát từ vai trò, ý nghĩa quan trọng của hoạt động đăng ký giao dịch bảo đảm, yêu cầu hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực này và đòi hỏi của người dân, doanh nghiệp về một hệ thống đăng ký thân thiện, thuận lợi và hiện đại.

II. QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG DỰ THẢO NGHỊ ĐỊNH

Để xây dựng dự thảo Nghị định, trong thời gian qua, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan thành lập Ban soạn thảo gồm đại diện của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Văn phòng Chính phủ và một số chuyên gia, nhà khoa học về lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm.

Ban soạn thảo đã tiến hành xây dựng Dự thảo Nghị định về đăng ký giao dịch bảo đảm theo đúng các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có các hoạt động chủ yếu sau đây:

1. Tổ chức tổng kết thực tiễn triển khai công tác đăng ký giao dịch bảo đảm tại Việt Nam trong thời gian vừa qua.

2. Rà soát các văn bản pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm; tổ chức nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm của các nước có hệ thống đăng ký giao dịch bảo đảm phát triển.

3. Xây dựng Báo cáo đánh giá tác động pháp luật đối với Nghị định về đăng ký giao dịch bảo đảm;

4. Tổ chức các cuộc Hội thảo, Toạ đàm nhằm lấy ý kiến đóng góp trực tiếp của các Bộ, ngành ở Trung ương và các chủ thể chủ yếu chịu sự điều chỉnh của Luật này như các tổ chức tín dụng và các doanh nghiệp khác.

5. Gửi dự thảo văn bản xin ý kiến Bộ, ngành, địa phương và một số đối tượng chịu sự tác động của văn bản.

Dự thảo đã được chỉnh lý, hoàn thiện trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu ý kiến và bám sát các nội dung, quan điểm đã được Chính phủ cho ý kiến trong quá trình xây dựng dự án Luật Đăng ký giao dịch bảo đảm năm 2008.

III. MỤC TIÊU VÀ QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO XÂY DỰNG DỰ THẢO NGHỊ ĐỊNH VỀ ĐĂNG KÝ GIAO DỊCH BẢO ĐẢM

1. Mục tiêu

Việc xây dựng Nghị định đăng ký giao dịch bảo đảm nhằm các mục tiêu chủ yếu sau đây:

a) Pháp điển hoá pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm đã được thực tế kiểm nghiệm, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, khả thi của các quy định trong lĩnh vực này; khắc phục tình trạng phân tán, mâu thuẫn, trùng lặp trong các quy định của pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm. Từ đó, tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong việc tra cứu và áp dụng pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm;

b) Nâng cao hăng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đăng ký giao dịch bảo đảm, cải cách, hoàn thiện về thủ tục đăng ký, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin từng bước xây dựng hệ thống đăng ký trực tuyến giao dịch bảo đảm nhằm tạo điều kiện cho hoạt động đăng ký được tiến hành thông suốt, nhanh chóng, thuận lợi tối đa cho cá nhân và tổ chức trong quá trình đăng ký và tìm hiểu thông tin về giao dịch bảo đảm, đáp ứng yêu cầu của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế;

c) Góp phần đảm bảo an toàn pháp lý cho các bên tham gia hoạt động đầu tư, cho vay vốn như các nhà đầu tư, tổ chức tín dụng, ngân hàng thông qua cơ chế công khai, minh bạch các giao dịch bảo đảm; thiết lập cơ chế bảo vệ và tăng cường khả năng thu hồi vốn;

d) Từng bước xây dựng Hệ cơ sở dữ liệu quốc gia giao dịch bảo đảm, trong đó tập trung toàn bộ các thông tin về giao dịch bảo đảm trong phạm vi cả nước, để cung cấp cho mọi cá nhân, tổ chức có nhu cầu tìm hiểu.

2. Quan điểm chỉ đạo

Việc xây dựng dự thảo Nghị định về đăng ký giao dịch bảo đảm đã quán triệt sâu sắc các quan điểm chỉ đạo sau đây:

a) Tiếp tục củng cố, cụ thể hóa quan điểm về xây dựng, hoàn thiện pháp luật đăng ký giao dịch bảo đảm đã được Chính phủ khẳng định rõ trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Đăng ký giao dịch bảo đảm năm 2008 (Tờ trình số 102/TTr-CP ngày 16/7/2008 của Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Đăng ký giao dịch bảo đảm). Do vậy, trong bối cảnh dự án Luật Đăng ký giao dịch bảo đảm chưa được thông qua, thì việc xây dựng dự thảo Nghị định đăng ký giao dịch bảo đảm là cần thiết nhằm từng bước cụ thể hoá quan điểm hoàn thiện pháp luật của Chính phủ;

b) Quán triệt và thể chế hoá đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó có Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 31/01/2008 Hội nghị lần thứ sáu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa:“Phát triển đồng bộ các dịch vụ tư vấn pháp luật, công chứng, thẩm định, đấu giá, đăng ký giao dịch… tạo môi trường thuận lợi, an toàn cho các giao dịch…”; Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; Nghị quyết số 17-NQ/TW ngày 01/8/2007 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khoá X về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước;

c) Hoàn thiện thủ tục đăng ký, cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm theo hướng cụ thể, rõ ràng, đơn giản, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động đăng ký, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đăng ký, góp phần tạo lập đồng bộ các yếu tố thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa;

d) Kế thừa và pháp điển hoá các quy định của pháp luật hiện hành về đăng ký giao dịch bảo đảm đã được kiểm nghiệm tính đúng đắn, phù hợp trong thực tiễn, xây dựng một số quy định mới trên cơ sở tổng kết thực tiễn, tham khảo, chọn lọc kinh nghiệm của các nước có hệ thống pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm phát triển và vận dụng phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội ở nước ta;

đ) Đảm bảo tính hợp hiến và tính khả thi của Nghị định; đồng thời đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ giữa các quy định của dự thảo Nghị định với các văn bản Luật có liên quan.

IV. BỐ CỤC VÀ NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA DỰ THẢO NGHỊ ĐỊNH VỀ ĐĂNG KÝ GIAO DỊCH BẢO ĐẢM

1. Bố cục của dự thảo Nghị định

Dự thảo gồm 5 chương với 56 điều được bố cục như sau:

– Chương I: Những quy định chung (từ Điều 1 đến Điều 16).

– Chương II: Quản lý Nhà nước về đăng ký giao dịch bảo đảm và cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm (từ Điều 17 đến Điều 23).

– Chương III: Thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm (từ Điều 24 đến Điều 49).

Mục 1: Quy định chung về thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm (từ Điều 24 đến Điều 26).

Mục 2: Thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm bằng tàu bay (từ Điều 27 đến Điều 30).

Mục 3: Thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm bằng tàu biển (từ Điều 31 đến Điều 34).

Mục 4: Thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng rừng, quyền sử dụng mặt nước biển để nuôi trồng thuỷ sản, tài sản gắn liền với đất (từ Điều 35 đến Điều 38).

Mục 5: Thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm bằng tài sản khác (từ Điều 39 đến Điều 44).

Mục 6: Quy định về đăng ký trực tuyến giao dịch bảo đảm (từ Điều 45 đến Điều 49)

– Chương IV: Cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm (từ Điều 50 đến Điều 53).

– Chương V: Điều khoản thi hành (Điều 54 đến Điều 56).

2. Nội dung chủ yếu của dự thảo Nghị định

a) Về phạm vi điều chỉnh (Điều 1)

Xuất phát từ quan điểm kế thừa và pháp điển hóa các quy định về đăng ký giao dịch bảo đảm còn phù hợp, ổn định qua thực tiễn áp dụng mà hiện nay đang được quy định chủ yếu ở các Nghị định và Thông tư, đồng thời xây dựng một số quy định mới trên cơ sở tổng kết thực tiễn, đảm bảo tính hợp hiến, khả thi, thống nhất và đồng bộ với văn bản pháp luật có liên quan, dự thảo Nghị định quy định trình tự, thủ tục đăng ký, cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm; tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm và quản lý nhà nước về đăng ký giao dịch bảo đảm.

b) Về đối tượng đăng ký giao dịch bảo đảm (Điều 3)

Để thuận tiện cho cá nhân, tổ chức trong quá trình đăng ký giao dịch bảo đảm, dự thảo Nghị định tập hợp, liệt kê các trường hợp đăng ký bắt buộc (khoản 1 Điều 3) và đăng ký tự nguyện (khoản 2 Điều 3) trên cơ sở đã có các quy định của Bộ luật dân sự năm 2005, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Bộ luật Hàng hải Việt Nam, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, Nghị định số 08/2000/NĐ-CP ngày 10/3/2000 của Chính phủ về đăng ký giao dịch bảo đảm và Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm.

c) Thời hạn có hiệu lực của đăng ký giao dịch bảo đảm (Điều 6)

Dự thảo Nghị định đã đưa ra quy định chung về thời hạn có hiệu lực của đăng ký giao dịch bảo đảm, là thời hạn được tính từ thời điểm đăng ký cho đến thời điểm xóa đăng ký theo đơn của người yêu cầu xóa đăng ký.

d) Thời điểm đăng ký giao dịch bảo đảm (Điều 7)

Với mục tiêu cơ bản của hoạt động đăng ký giao dịch bảo đảm là công khai hoá thông tin về giao dịch bảo đảm và ưu tiên bảo vệ quyền lợi của người tìm hiểu thông tin về giao dịch bảo đảm, dự thảo Nghị định quy định thời điểm thời điểm đăng ký giao dịch bảo đảm như sau:

a) Trong trường hợp tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất thì thời điểm đăng ký giao dịch bảo đảm là thời điểm nhận hồ sơ đăng ký hợp lệ.

b) Trong trường hợp tài sản bảo đảm là tàu bay, tàu biển thì thời điểm đăng ký giao dịch bảo đảm là thời điểm thông tin về giao dịch bảo đảm được ghi vào trong Sổ đăng bạ tàu bay, Sổ đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam.

c) Trong trường hợp tài sản bảo đảm là các tài sản khác không thuộc các trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 7 của Nghị định này thì thời điểm đăng ký giao dịch bảo đảm là thời điểm nội dung của đơn yêu cầu đăng ký được nhập vào cơ sở dữ liệu về giao dịch bảo đảm.

d) Nội dung quản lý nhà nước về đăng ký và trách nhiệm quản lý nhà nước (Điều 17, 18, 19, 20, 21)

Nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm, dự thảo quy định cụ thể nội dung quản lý nhà nước và trách nhiệm của Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm trước Chính phủ về thống nhất quản lý nhà nước về đăng ký giao dịch bảo đảm, đồng thời quy định trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ có liên quan trong việc phối hợp với Bộ Tư pháp quản lý và trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quản lý đăng ký giao dịch bảo đảm tại địa phương mình, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm trong việc xây dựng Hệ thống dữ liệu quốc gia các giao dịch bảo đảm.

đ) Thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm (Chương III)

Dự thảo quy định chung về thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm từ đăng ký lần đầu, đăng ký thay đổi nội dung giao dịch bảo đảm đã đăng ký, sửa chữa sai sót đến xoá đăng ký, trong đó khái quát các thủ tục chung được áp dụng đối với đăng ký các loại giao dịch bảo đảm như kê khai, nộp hồ sơ đăng ký, thời hạn giải quyết và nghiệp vụ của người thực hiện đăng ký.

Đồng thời, xuất phát từ một số điểm đặc thù của mỗi loại đăng ký giao dịch bảo đảm, dự thảo có quy định riêng về thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm bằng tàu bay, tàu biển, quyền sử dụng đất, quyền sử dụng rừng, quyền sử dụng mặt nước biển để nuôi trồng thuỷ sản, tài sản gắn liền với đất và các tài sản khác.

Với phương pháp điều chỉnh như trên, dự thảo không chỉ đảm bảo quy trình, thủ tục chung thống nhất, mà còn chú trọng các điểm đặc thù của mỗi loại giao dịch bảo đảm. Do đó, việc điều chỉnh tập trung về đăng ký giao dịch bảo đảm trong một văn bản Nghị định thể hiện tính khoa học và thuận tiện cho việc tra cứu, áp dụng.

Ngoài ra, nhằm ứng dụng công nghệ thông tin vào dịch vụ công, dự thảo trong quy định một số vấn đề chung về thủ tục đăng ký trực tuyến phù hợp với Luật Giao dịch điện tử.

e) Cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm (Chương IV)

Dự thảo quy định quyền tìm hiểu thông tin của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, các phương thức tra cứu, tìm hiểu thông tin và nội dung thông tin được cung cấp, nhằm cụ thể hoá nguyên tắc công khai, minh bạch các thông tin về giao dịch bảo đảm.

Do dự thảo Nghị định về đăng ký giao dịch bảo đảm kế thừa và phát triển những nội dung, quan điểm cơ bản đã được tập thể Chính phủ cho ý kiến trong quá trình xây dựng Dự án Luật Đăng ký giao dịch bảo đảm nên trong quá trình soạn thảo Nghị định, đa số ý kiến nhất trí với nội dung và cơ cấu của dự thảo Nghị định.

Trên đây là nội dung cơ bản của dự thảo Nghị định về đăng ký giao dịch bảo đảm và những vấn đề cần xin ý kiến, Bộ Tư pháp kính trình Chính phủ xem xét, quyết định./.

(Xin gửi kèm theo: (1) Dự thảo Nghị định về đăng ký giao dịch bảo đảm; (2) Báo cáo đánh giá tác động của dự thảo Nghị định về đăng ký giao dịch bảo đảm; (3) Báo cáo tổng hợp ý kiến góp ý của các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh và các tổ chức có liên quan về dự thảo Nghị định về đăng ký giao dịch bảo đảm; (4) Báo cáo rà soát văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm; (5) Báo cáo tổng kết 5 năm triển khai công tác đăng ký giao dịch bảo đảm; (6) Báo cáo tổng hợp kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới về đăng ký giao dịch bảo đảm).

BỘ TRƯỞNG

Hà Hùng Cường

Exit mobile version