Site icon THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

ĐẢNG VÀ DOANH NGHIỆP TƯ NHÂN

Advertisements

MẠNH QUÂN

Trong suốt ba năm qua, với hàng loạt khó khăn của nền kinh tế như lạm phát cao (2007 – 2008), ảnh hưởng khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế thế giới (2009), đã có nhiều dự báo đen tối về khu vực kinh tế tư nhân (KTTN): hàng loạt doanh nghiệp sẽ phá sản, khối doanh nghiệp tư nhân (DNTN) mới hình thành có thể tan rã… Nhưng thực tế chứng minh DNTN có một sức sống rất dẻo dai, mãnh liệt.

Hiệu quả to lớn

Tại hội nghị sơ kết thực hiện nghị quyết Trung ương 5 (khoá IX) về “tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân” diễn ra hôm qua (6.4) tại Hà Nội, uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang đã đánh giá cao về sức tăng trưởng của khu vực KTTN: “KTTN đã phát triển nhanh về cả số lượng và chất lượng. Đã thu hút được các nguồn lực vào sản xuất, kinh doanh, tạo thêm việc làm, tăng thu cho ngân sách nhà nước, góp phần tích cực vào tăng trưởng nhanh của nền kinh tế”. Không có nhiều doanh nghiệp tư nhân bị phá sản trong suy thoái như dự báo, trái lại, số lượng doanh nghiệp đăng ký, thành lập mới vẫn đạt mức tăng trưởng trung bình 22%/năm.

Những con số do ông Ngô Văn Dụ, chánh văn phòng Trung ương Đảng nêu tóm tắt về tình hình phát triển khu vực KTTN trong bảy năm qua đã cho thấy những hiệu quả to lớn của khu vực này: nộp ngân sách tăng từ 6% năm 2002 lên trên 11% năm 2008; đóng góp 46,97% vào GDP cả nước, tạo việc làm cho trên 50% số lao động cả nước. Chỉ riêng ba năm 2007 – 2009, số DNTN thành lập mới tăng 1,5 lần về số lượng và gấp 5 lần về vốn đăng ký so với giai đoạn 2000 – 2005. Tổng số vốn đăng ký giai đoạn 2000 – 2008 của khu vực KTTN là 2.110 ngàn tỉ đồng, lớn hơn cả tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng trong giai đoạn này. Một thống kê khác của bộ Kế hoạch và đầu tư cho thấy, trong tổng số 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, số lượng DNTN chiếm tới 24% năm 2008 và tăng rất nhanh lên 30% trong năm 2009.

Trong điều kiện sản xuất, kinh doanh rất khó khăn trong ba năm qua, và so với những lợi thế của khu vực kinh tế nhà nước mà khu vực KTTN không có được thì sự tăng trưởng đó là rất có ý nghĩa. Rõ ràng, trong điều kiện thuận lợi hơn, và nếu được đối xử công bằng hơn, khu vực KTTN sẽ còn phát triển rất mạnh mẽ và đóng góp lớn hơn rất nhiều vào sự phát triển kinh tế – xã hội của cả nước. Chỉ nói về vấn đề giải quyết việc làm thôi, theo phó Thủ tướng  thường trực Nguyễn Sinh Hùng, hiện nay đã có gần nửa triệu DNTN và nếu đến năm 2015 tăng lên 1,2 triệu, mỗi doanh nghiệp chỉ cần tuyển dụng 12 – 15 lao động thôi, thì đã tạo việc làm cho khoảng 15 – 20 triệu lao động. Chỉ riêng con số này đã cho thấy tầm quan trọng lớn đến thế nào của khu vực KTTN.

Với khu vực kinh tế ngoài nhà nước hầu như không có hội nghị, hội thảo lớn nào để lắng nghe và giải quyết vướng mắc cho các doanh nghiệp khu vực này.

Và những khó khăn cần tháo gỡ

Trong hội nghị do văn phòng Trung ương Đảng tổ chức hôm qua, đại diện nhiều doanh nghiệp tư nhân cũng đã nói thẳng về những khó khăn, thách thức không phải đến từ bên ngoài mà từ những chính sách chưa công bằng, sự chưa thuận lợi trong môi trường kinh doanh trong nước. Ông Nguyễn Văn Đệ, tổng giám đốc tổng công ty Hợp Lực (Thanh Hoá) nói rằng: “Chúng tôi bị phân biệt đối xử, đặc biệt là trong các cuộc đấu thầu”. Ông Đệ cũng cho biết, bức xúc nhất với các DNTN như tổng công ty Hợp Lực là vấn đề đất đai. “Trong khi chúng tôi rất thiếu mặt bằng sản xuất thì thấy có 8.000m2 giao cho một đơn vị ngành giao thông bảy năm qua không thấy họ triển khai”, ông này nói. Ông Nguyễn Văn Cường, giám đốc một doanh nghiệp sản xuất cơ khí ở Ninh Bình cho rằng, DNTN đang cần nhiều chính sách hỗ trợ từ Nhà nước nhưng thực tế, chính sách lãi suất hiện nay chẳng hạn, theo ông, chỉ khuyến khích người đi buôn chứ không khuyến khích người sản xuất. Còn các chính sách hỗ trợ về đào tạo, công nghệ, ông Cường dẫn hai ví dụ. “Sinh viên ra trường hiện nay phải đào tạo thêm 3 – 4 năm mới làm việc được, không phân biệt nổi các loại máy móc. Còn hỗ trợ về công nghệ như đầu tư cho phòng thí nghiệm thì bốn năm nay vẫn bộ nọ đùn đẩy bộ kia”, ông Cường nói.

Nhưng cũng không thể nói rằng, Nhà nước đã không có những chính sách thúc đẩy sự tăng trưởng của khu vực KTTN. Những gì đã đạt được ở khu vực kinh tế này cho tới nay cũng là kết quả của chính sách cải cách, cởi trói mạnh mẽ cho KTTN, với những bộ luật như luật Doanh nghiệp, luật Đầu tư, 17 – 18 luật liên quan khác cùng hàng chục nghị định, quyết định, văn bản dưới luật.

Nhiều chính sách về thúc đẩy KTTN được ban hành chính là xuất phát từ chủ trương của Ban chấp hành Trung ương Đảng mà rõ ràng nhất là nghị quyết số 14/NQ-TW ban hành năm 2002. Nghị quyết này đã khẳng định KTTN là bộ phận quan trọng cấu thành nền kinh tế quốc dân và yêu cầu các cấp chính quyền tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tư nhân phát triển như: sửa đổi luật Doanh nghiệp; sửa đổi luật Đất đai, chính sách tài chính, tín dụng… theo hướng tạo điều kiện cho doanh nghiệp được quyền tiếp cận vốn, được sử dụng tài sản là đất đai, tài sản từ vốn vay để thế chấp, chuyển nhượng; được hỗ trợ về đào tạo, công nghệ… Tất cả những yêu cầu này, cho đến nay vẫn là rất đúng đắn và nếu thực hiện được tốt, chắc chắn sẽ tạo cho khu vực KTTN một bộ mặt khác.

Nhưng rõ ràng, từ chính sách của Đảng đến thực tế triển khai vẫn còn một khoảng cách. Thực tế, doanh nghiệp tư nhân vẫn khó khăn hơn rất nhiều trong việc tiếp cận các nguồn vốn vay, mặt bằng sản xuất, hỗ trợ về đào tạo, công nghệ, thông tin… so với các doanh nghiệp quốc doanh. Trong mấy năm qua, người ta cũng thấy Chính phủ làm việc rất nhiều lần với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước… nhưng với khu vực kinh tế ngoài nhà nước hầu như không có hội nghị, hội thảo lớn nào để lắng nghe và giải quyết vướng mắc cho các doanh nghiệp khu vực này. Trong phần đánh giá về những yếu kém của khu vực KTTN bảy năm qua, Thường trực Ban bí thư Trương Tấn Sang cũng nói rằng, nguyên nhân của những yếu kém này là “do sự quan tâm chưa đầy đủ của các cấp uỷ, tổ chức Đảng và mức độ đầu tư của Nhà nước cho KTTN còn thấp…”

Ban bí thư Trung ương Đảng, trong một văn bản kết luận mới đây về tình hình thực hiện nghị quyết số 14/NQ-TW cũng cho rằng, việc đổi mới, tạo điều kiện phát triển KTTN còn nhiều hạn chế, việc thể chế hoá một số nội dung theo nghị quyết còn chậm, chưa đồng bộ, một số quy định chưa sát với thực tiễn nên khó thực hiện, nhiều vướng mắc về cơ chế, chính sách chưa được tháo gỡ kịp thời…

SOURCE: BÁO SÀI GÒN TIẾP THỊ

Trích dẫn từ: http://sgtt.com.vn/detail23.aspx?ColumnId=23&newsid=65395&fld=HTMG/2010/0406/65395

Exit mobile version