admin@phapluatdansu.edu.vn

LẰNG NHẰNG LÃI SUẤT THỎA THUẬN: VÌ ĐÂU?

LAN ANH

Chủ trương bãi bỏ hoàn toàn quy định về trần lãi suất được ngân hàng Nhà nước (NHNN) chuẩn bị từ nhiều tháng trước, nay dường như sắp được áp dụng triệt để khi NHNN đã bật đèn xanh cho các tổ chức tín dụng áp dụng cơ chế lãi suất thoả thuận đối với các khoản vay ngắn hạn.

Xét cả về nguyên tắc hoạt động của kinh tế thị trường lẫn tình hình thực tế nền kinh tế hiện nay, việc bỏ trần lãi suất là hoàn toàn phù hợp. Cái vướng hiện nay nằm ở chỗ bãi bỏ hoàn toàn chính sách trần lãi suất sẽ vi phạm bộ luật Dân sự năm 2005, có hiệu lực từ 1.1.2006. Điều 476 của bộ luật này quy định: lãi suất vay trong các hợp đồng vay tài sản, bao gồm cả các hợp đồng tín dụng do các bên thoả thuận không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản do NHNN công bố đối với loại cho vay tương ứng. Nói cách khác, thoả thuận về lãi suất cho vay cao hơn 150% lãi suất cơ bản của NHNN là trái pháp luật.

Sẽ không ít người đặt câu hỏi: “À, thế thì giai đoạn trước khi áp dụng chính sách trần lãi suất vào thời điểm phải “chữa cháy” cho nền kinh tế năm 2008, tại sao không áp dụng trần lãi suất mà cũng không ai kêu ca gì?”

Hỏi lại những chuyên gia pháp chế hàng đầu của ngành ngân hàng, sẽ được giải thích rằng điều 476 bộ luật Dân sự được đưa ra nhằm ngăn ngừa hoạt động cho vay nặng lãi, với mục đích bao hàm toàn bộ các hoạt động dân sự. Những người làm luật lúc đó không nghĩ đến việc hoạt động ngân hàng cũng bắt buộc phải tuân thủ điều luật này, cho dù hoạt động ngân hàng ở Việt Nam đang tiến theo các nguyên tắc tự do hoá thị trường của tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Trong suốt thời gian từ 2006 đến 2008, dường như toàn ngành ngân hàng đã lờ đi điều 476 bộ luật Dân sự. Cho đến thời điểm nước sôi lửa bỏng của năm 2008, khi lạm phát vọt lên đến 24%, ngân hàng chạy đua lãi suất, nền kinh tế bên bờ vực của khủng hoảng, thì trần lãi suất có vẻ như trở thành một “chiếc gậy thần kỳ” có sẵn. Nói nôm na theo một số chuyên gia trong ngành, “bí quá thì NHNN lôi bộ luật Dân sự ra áp trần vào.” NHNN áp dụng ngay quy định về việc cho vay không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản. Những biện pháp kìm cương trong giai đoạn này, đau đớn với nhiều doanh nghiệp, nhưng có vẻ thành công. Chính sách trần lãi suất được coi như một biện pháp “thời chiến.” Nay thời chiến đã qua, tình hình hiện tại khiến chính phủ nhìn nhận đã đến lúc phải bỏ trần lãi suất. Nhưng muốn vậy phải sửa luật và phải được Quốc hội phê chuẩn. Thông tin từ NHNN và Thường vụ Quốc hội cho biết, tại kỳ họp Quốc hội tháng sáu tới đây, luật Ngân hàng sẽ được sửa theo hướng bãi bỏ chính sách trần lãi suất.

Giải thích về tính hợp lý của việc bỏ trần lãi suất, ông Vũ Viết Ngoạn, phó chủ nhiệm uỷ ban Kinh tế quốc hội nói: “Mình thực hiện kinh tế thị trường thì phải theo quy luật của kinh tế thị trường. Tất cả các biện pháp can thiệp hành chính phải phản ánh quy luật cung cầu của thị trường, cho nên những biện pháp can thiệp không thích hợp thì phải thay đổi, phải sửa lại sao cho lãi suất do các tổ chức tín dụng tự đặt ra dựa trên quan hệ cung cầu. NHNN vẫn đóng vai trò điều tiết và ban hành lãi suất cơ bản, nhưng điều chỉnh nền kinh tế chủ yếu thông qua việc điều chỉnh lượng cung tiền. Lượng tiền điều tiết trong nền kinh tế sẽ là yếu tố quyết định lãi suất”.

Ở hầu hết các nền kinh tế thị trường, ngân hàng trung ương đóng vai trò bình ổn giá cả và hỗ trợ kinh tế phát triển bằng việc đưa ra lãi suất chủ đạo mang tính định hướng cho thị trường, điều tiết tổng lượng tiền ra vào trong nền kinh tế cũng như đóng góp vào các chính sách kinh tế với Chính phủ. Hướng phát triển Chính sách hiện nay của luật Ngân hàng, về cơ bản là phù hợp với quy luật phát triển kinh tế thị trường: lãi suất cũng là giá của dịch vụ, và giá cả phải do thị trường quyết định.

Mặc dù vậy, nhìn lại quá trình thực thi chính sách lãi suất liên quan đến bộ luật Dân sự suốt từ năm 2001 đến nay, có rất nhiều vấn đề không ổn trong việc ban hành cũng như thi hành luật. Luật mâu thuẫn với luật, các quy định pháp luật chồng chéo nhau. Khi luật không phù hợp với tình hình thực tế thì việc sửa đổi diễn ra chậm chạp, và kết quả là Chính phủ cũng như các ngân hàng có thể bị đặt trong tình trạng vi phạm luật.

Việc áp dụng chính sách lãi suất thoả thuận đối với các khoản vay trung và dài hạn hiện nay, theo NHNN, là dựa vào một nghị quyết của Quốc hội cho phép thí điểm áp dụng cơ chế lãi suất thoả thuận với các dự án có hiệu quả. Áp dụng chính sách này là hợp lý, nhưng tính hợp pháp đến đâu, phải có sự thẩm định của những chuyên gia pháp chế. Một điều chắc chắn là các cơ quan có thẩm quyền đều thừa nhận, phải sửa đổi luật Ngân hàng và luật Dân sự, mới giải quyết được gốc rễ của sự nhập nhằng.

SOURCE: BÁO SÀI GÒN TIẾP THỊ

Trích dẫn từ:

http://sgtt.com.vn/detail23.aspx?newsid=65267&fld=HTMG/2010/0404/65267

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading