admin@phapluatdansu.edu.vn

VỀ VIỆC HỌC VÀ DẠY NGOẠI NGỮ TẠI MỘT SỐ TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHÔNG CHUYÊN NGỮ

PHẠM THU NGUYỆT & TRỊNH THÚY HOA

Trong quá trình học đại học, cùng với các kiến thức về chuyên môn, ngoại ngữ cũng rất cần được trang bị. Trình độ chuyên môn tốt, vốn ngoại ngữ khá sẽ là tiền đề cho những người đã tốt nghiệp đại học hoàn thành tốt nhiệm vụ khi ra công tác. Qua điều tra ở một số trường đại học, tác giả đưa ra một số đánh giá và kiến nghị mà theo chúng tôi đây là những vấn đề cần được quan tâm.

Trong bối cảnh hiện nay, ngoại ngữ đã trở thành công cụ không thể thiếu để giao lưu, phát triển kinh tế – xã hội. Để sinh viên các trường đại học sau khi tốt nghiệp phát huy được vốn ngoại ngữ đã học được trong trường, có nhiều vấn đề chúng ta cần phải quan tâm. Bằng biện pháp thăm dò thông qua phiếu điều tra đối với sinh viên của một số trường đại học không chuyên ngữ ở Hà Nội, chúng tôi xin đưa ra một vài đánh giá và kiến nghị.

Về số giờ lên lớp của sinh viên

Ngoại ngữ trong các trường đại học không chuyên ngữ được quy định là môn học bắt buộc. Trước năm 2000, số giờ áp dụng theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) là 450 tiết học, trong đó, sinh viên được học 400 tiết ngoại ngữ cơ bản, 50 tiết ngoại ngữ chuyên ngành. Từ năm 2000-2003, số giờ học giảm xuống còn 350 tiết. Nhưng theo quy chế hiện nay của Bộ GD&ĐT, số giờ học ngoại ngữ ở các trường đại học không chuyên ngữ chỉ có 150 tiết (tức là 10 đơn vị học trình) dành cho kiến thức chung; một số ít trường cho phép học thêm từ 3 đến 5 đơn vị học trình cho ngoại ngữ chuyên ngành. Môn học này được bố trí trong một năm học (năm thứ nhất hoặc năm thứ hai), kết thúc chương trình, học sinh không học môn này nữa. Tuy vậy, vẫn có một số trường tổ chức một số lớp nâng cao, nhưng chủ yếu là áp dụng cho tiếng Anh. Với thời lượng 150 tiết, các bộ môn ngoại ngữ bắt buộc phải điều chỉnh và xây dựng chương trình giảng dạy của mình sao cho phù hợp. Do vậy, mục tiêu đặt ra chỉ là biết đọc và biết viết những câu đơn giản sau khi hết chương trình.

Ngoại ngữ đã được quy định là môn học bắt buộc, tuy nhiên trong tình hình hiện nay, đa số sinh viên của một số địa phương khi tốt nghiệp phổ thông trung học có trình độ ngoại ngữ còn rất yếu. Khi được hỏi, 61% số sinh viên cho rằng, nếu học ít hơn 350 tiết thì không đủ trình độ để đáp ứng nhu cầu của nơi thu nhận vào làm việc. Điều đó chứng tỏ họ hoàn toàn nhận thức được vai trò của việc học tập môn này và càng quan trọng hơn với những sinh viên không hề được học ngoại ngữ ở chương trình phổ thông trung học.

Sinh viên vào đại học, tuỳ lựa chọn có thể đăng ký học tiếng Anh, Pháp hay Nga. Nhưng nếu đăng ký học tiếng Anh phải qua sát hạch, nếu không đạt thì học năm sau hoặc học tiếng Nga và tiếng Pháp. Đa phần sinh viên đăng ký học tiếng Anh và đây cũng là nhu cầu của xã hội. Việc xác định động cơ, mục đích học tập có vai trò quan trọng trong quá trình học tập. Trước kia ngoại ngữ là môn học phụ, ít được sinh viên đầu tư thời gian một cách tương xứng, nhưng gần đây đã có những thay đổi. Theo điều tra của chúng tôi, 56% số sinh viên được hỏi xác định được việc học ngoại ngữ ‘‘vừa là môn học lấy điểm, vừa quan trọng cho tương lai’’. Có lẽ tỷ lệ này còn thấp, nhưng so với vài năm trước đây đã cao hơn rất nhiều.

Về tinh thần, thái độ học tập

70% số sinh viên các trường đại học dân lập cho rằng, để học tốt ngoại ngữ vừa cần thông minh, vừa cần chăm chỉ. Dù biết vậy nhưng cũng chỉ có 19% số sinh viên được hỏi là có đầu tư thời gian 1 giờ/ngày cho việc học ngoại ngữ. Có đến gần một nửa số sinh viên được hỏi (47%) cho rằng, chỉ có 20-30% số sinh viên tự giác học và làm bài môn ngoại ngữ. Có đến 94% số sinh viên khẳng định việc lên lớp là cần thiết (chỉ có 6% cho rằng lên lớp là không cần thiết). Nhưng trên thực tế có tới 30-40% số sinh viên đã không lên lớp thường xuyên, con số này còn có thể lên tới 50% nếu giáo viên giảng dạy không nhiệt tình, thiếu sát sao, đặc biệt là từ khi việc lên lớp không còn là bắt buộc. Con số sinh viên không lên lớp giảm xuống khoảng 5-7% tại những lớp duy trì thường xuyên việc điểm danh và cộng điểm thưởng chuyên cần vào các bài kiểm tra thường xuyên.

Nhiều sinh viên có thái độ, tinh thần học tập đúng mực, nhưng lại thiếu phương pháp khi học môn học này. Gần 60% số sinh viên được hỏi cho biết, họ chỉ học và làm bài trước khi lên lớp hoặc trước khi thi. Có đến 56% số sinh viên khẳng định khi làm bài kiểm tra có tham khảo ý kiến bên cạnh hoặc hoàn toàn chờ vào sự giúp đỡ của người khác.

Qua một vài con số nêu trên, ta thấy đa số sinh viên nhận thức được tầm quan trọng của việc học ngoại ngữ, nhưng vẫn còn một tỷ lệ khác xa giữa nhận thức và thực tế. Họ cũng thấy được tầm quan trọng của môn học này, nhưng cũng chỉ có 30% là học tập nghiêm túc (gần một nửa số sinh viên được hỏi đã đưa ra con số này).

Môi trường giảng dạy

Trung bình sĩ số mỗi lớp ngoại ngữ là 30-35 sinh viên, đây là điều làm hạn chế quá trình luyện kỹ năng cho sinh viên; chỉ đơn cử việc yêu cầu 5 sinh viên nhắc lại 1 mẫu câu, và luyện cho 5 mẫu câu thì đã hết 45 phút của một tiết học. Chính vì vậy, khi được hỏi thì 56% số sinh viên bày tỏ mong muốn sĩ số của một lớp học ngoai ngữ nên là 20-25 sinh viên.

Cấu trúc phòng học ngoại ngữ tại các trường không chuyên ngữ (trường công lập) hầu hết là chưa phù hợp với việc dạy và học ngoại ngữ (64% số sinh viên được hỏi đã đưa ra ý kiến này), vì việc học ngoại ngữ được tổ chức trong cùng phòng học các môn khác.

Phương tiện giảng dạy chủ yếu là sử dụng đài catset cho việc luyện kỹ năng nghe (việc khai thác phương tiện này một cách hiệu quả không phải giáo viên nào cũng làm được); sách giáo khoa và giáo trình chủ yếu do nước ngoài biên soạn (điều này có lợi là cấu trúc hoàn toàn của ngôn ngữ bản xứ, nhưng bất lợi là các bộ môn ngoại ngữ phải “gọt rũa” chương trình cho phù hợp với đối tượng sinh viên của trường mình).

Đội ngũ giáo viên

Đội ngũ giáo viên dạy tiếng nước ngoài tại các trường đại học không chuyên ngữ ở Hà Nội tương đối đông, yêu nghề, đa số được đào tạo cơ bản, tốt nghiệp từ các trường sư phạm ngoại ngữ, trường chuyên ngoại ngữ và nhiều người đã từng tu nghiệp tại nước ngoài. Tuy nhiên, khi được hỏi thì sinh viên đánh giá như sau:

63% số sinh viên được hỏi cho rằng giáo viên có chuyên môn cao và giảng dạy có phương pháp ; 20% cho rằng giáo viên chưa thật sáng tạo, giờ giảng bình thường ; 8% cho rằng chưa có trách nhiệm và thậm chí trình độ chuyên môn yếu (3%).

Về kỹ năng sư phạm, việc sử dụng đài catset làm phương tiện giảng dạy nhiều lúc cũng phi sư phạm; về giảng từ vựng, phương pháp được sử dụng đơn thuần là dịch, giảng giải, dịch cụm từ – nhiều khi dịch cũng không chính xác và thiếu tính giao tiếp thực tiễn; về luyện kỹ năng, kỹ xảo chủ yếu là cho sinh viên làm bài tập trong sách, không có biện pháp giúp cho sinh viên hăng say, hứng thú với bài tập, các dạng bài tập thì đơn điệu về chủng loại.

Một vài kiến nghị

Để góp phần nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong các trường đại học, qua kết quả điều tra nêu trên, chúng tôi xin có một vài kiến nghị:

Thứ nhất, cần đặt môn ngoại ngữ là môn học chính trong các trường đại học, cân nhắc để tăng số học trình một cách hợp lý. Không nên dồn môn học ngoại ngữ vào một năm học.

Thứ hai, tăng cường trang thiết bị phục vụ công tác dạy và học ngoại ngữ, xây dựng cho sinh viên phương pháp học để đạt hiệu quả cao nhất.

Thứ ba, giáo viên cần được tạo điều kiện tham gia tập huấn về phương pháp giảng dạy mới, các lớp giới thiệu chương trình sách giáo khoa mới để thường xuyên nâng cao trình độ.

Thứ tư, cần có những cải tiến về phương pháp kiểm tra, đánh giá (xây dựng khung đề thống nhất), nâng cao trách nhiệm của người coi và chấm thi.

SOURCE: TẠP CHÍ HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC SỐ 4. 2008

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading