admin@phapluatdansu.edu.vn

THỰC TIỄN THỰC THI PHÁP LUẬT SỞ HỮU TRÍ TUỆ: GIẢ MẠO “HÌNH THỨC” HAY GIẢ MẠO “NỘI DUNG”

LÊ VĂN KIỀU – Nguyên Chánh thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ

Vụ việc

Ông NK (huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), thành lập cơ sở sản xuất nước mắm. Do sinh sau đẻ muộn, lại không có tên tuổi nên cơ sở ít có khách hàng. Thấy mọi người thích các nhãn hiệu phổ biến như Tám Phú, Bốn Phương, Phú Quốc – Thanh Châu…, ông đã thu mua vỏ chai cũ của các cơ sở này về làm sạch rồi bơm nước mắm của mình vào để đem bán. Được một thời gian, ông mua chai mới, in nhãn hàng mới có các dấu hiệu, hình thức hệt như sản phẩm của các cơ sở trên để làm thành các chai nước mắm thành phẩm loại 1 lít và 1/2 lít.

Công an phát hiện ra các hành vi trên. Cơ quan điều tra đã trưng cầu giám định chất lượng nước mắm do cơ sở của ông K sản xuất. Kết quả giám định ghi nhận: “Sản phẩm không có lạc khuẩn, giới hạn phát hiện nhỏ hơn 0,03 ml, nồng độ đạm ghi trên nhãn mác đúng với độ đạm được xác định ở nước mắm trong chai. Tức là nước mắm của cơ sở ông K hoàn toàn không gây hại đến sức khỏe của người tiêu dùng và đảm bảo như tiêu chuẩn cơ sở đã công bố. Từ lúc bắt đầu thực hiện cho đến khi bị phát hiện, cơ sở của ông NK đã sản xuất khoảng 5.000 lít nước mắm, thu lợi nhuận khoảng 3 triệu đồng.

Tháng 2.2008, Viện kiểm sát nhân dân huyện Châu Đức đã ra quyết định truy tố ông NK về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm theo khoản 1 Điều 157 Bộ luật Hình sự. Tháng 3.2008, Tòa án nhân dân huyện mở phiên tòa sơ thẩm để xét xử bị cáo NK về tội danh này. Xét thấy hành vi của bị cáo gây thiệt hại không lớn, chất lượng nước mắm do cơ sở của bị cáo sản xuất tương đương với chất lượng nước mắm của các cơ sở mà bị cáo đã làm giả nên Tòa tuyên phạt bị cáo K 2 năm tù . Ông NK đã kháng cáo.

(Nguồn: Báo Pháp luật online – thành phố Hồ Chí Minh, ngày 9.5.2008)

Lời bình

1. Hành vi của ông NK là hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm (giả về nội dung hàng hoá) quy định tại khoản 1 Điều 157 hay là hành vi xâm phạm quyền, sản xuất buôn bán hàng hoá giả mạo nhãn hiệu (giả về hình thức hàng hoá) quy định tại Điều 171 của Bộ luật Hình sự?

Kết quả giám định cho thấy, nước mắm mà ông NK sản xuất và buôn bán: Không có lạc khuẩn, giới hạn phát hiện nhỏ hơn 0,03 ml, nồng độ đạm ghi trên nhãn mác đúng với độ đạm được xác định ở nước mắm trong chai, chất lượng tương đương với chất lượng nước mắm của các cơ sở mà bị cáo đã làm giả – nhận định của Toà. Như vậy, hàng hoá này không phải là không có giá trị sử dụng, hoặc không đúng bản chất của nó là nước mắm. Loại hàng này không có hàm lượng chất phụ gia cao đến mức làm thay đổi bản chất, trở thành loại hàng hoá khác với tên ghi bên ngoài; trong nước mắm này không có các chất lạ để có thể làm thay đổi bản chất của hàng hóa là nước mắm, thành một loại nước khác, và nó đúng là nước mắm như bản chất tự nhiên. Như vậy, nước mắm của ông NK không vi phạm về chất lượng, không phải là hàng giả chất lượng, như quy định của Thông tư liên tịch số 10/2000/TTLT-BTM-BTC-BCA-BKHCNMT ngày 27.4.2000 của Liên bộ Thương mại – Tài chính – Công an – Khoa học, Công nghệ và Môi trường. Vì vậy, áp dụng Điều 157 Bộ Luật Hình sự để xử lý hành vi của ông NK là không phù hợp.

2. Ông NK đã sử dụng các dấu hiệu làm nhãn hiu cho sản phẩm của mình trùng với các nhãn hiệu của người khác đang sử dụng và hàng hoá này cùng loại với hàng hoá của người khác mà không được sự đồng ý của những người này. ở đây cần phân biệt hai tình huống:

Thứ nhất: Cần làm rõ các dấu hiệu được các cơ sở khác sử dụng làm nhãn hiệu đã được Cục SHTT bảo hộ chưa, có văn bằng không? Nếu các nhãn hiệu này chưa được bảo hộ thì ông NK không có hành vi xâm phạm quyền SHCN của các cơ sở này. Bởi vì một trong các điều kiện để kết luận một hành vi có bị coi là xâm phạm quyền hay không phải là: Đối tượng bị xem xét thuộc phạm vi đối tượng đang được bảo hộ quyền SHCN của người khác.

Thứ hai: Nếu các nhãn hiệu này đã được bảo hộ thì ông NK đã có hành vi sản xuất, buôn bán hàng hoá giả mạo nhãn hiệu vì đã sử dụng nhãn hiệu trùng với nhãn hiệu đang được bảo hộ cho cùng loại hàng hoá của người khác.

Nếu đúng như tình huống thứ hai, thì ông NK có bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 171 Bộ luật Hình sự không? Để trả lời câu hỏi này cần xem xét điều kiện để áp dụng Điều 171, đó là: 1) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về SHCN nay tái phạm. Trong trường hợp này, ông NK vi phạm lần đầu; 2) Vi phạm lần đầu nhưng mức độ từ nghiêm trọng trở lên.

Theo Thông tư liên tịch số 01/2008/TTLT-VKSNDTC-BTP-BCA ngày 28.2.2008 của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Công an hướng dẫn về việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội kinh doanh hàng hoá giả mạo nhãn hiệu theo Điều 171 Bộ luật Hình sự, điều kiện để đánh giá mức độ gây hậu quả nghiêm trọng phải là: Đã thu được lợi nhuận từ 10 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng, hoặc gây thiệt hại về vật chất cho chủ sở hữu nhãn hiệu từ 50 triệu đồng đến dưới 150 triệu đồng, hoặc hàng hóa giả mạo có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 150 triệu đồng.

Đối chiếu với quy định trên, lợi nhuận thu được do hành vi vi phạm mà có từ khi bắt đầu sản xuất đến khi bị phát hiện của ông NK chỉ là 3 triệu đồng. Như vậy chưa đáp ứng điều kiện để truy cứu trách nhiệm hình sự.

3. Hành vi sản xuất, buôn bán hàng hoá giả mạo nhãn hiệu trong trường hợp này đáng bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 106/2006/NĐ-CP ngày 22.9.2006. Mức tiền phạt căn cứ trên giá trị hàng hoá mang nhãn hiệu của người khác bị phát hiện.

SOURCE: TẠP CHÍ HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC SỐ 8 NĂM 2008

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading