admin@phapluatdansu.edu.vn

ĐẦU TƯ MẠO HIỂM – HÌNH THỨC ĐẦU TƯ CẦN QUAN TÂM

TRẦN THỊ MAI HOA

Đầu tư mạo hiểm (ĐTMH) là một hình thức đầu tư khá phổ biến tại nhiều nước phát triển trên thế giới như Mỹ, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc… Kinh nghiệm của các nước này cho thấy, ĐTMH là một kênh cung cấp vốn hiệu quả và quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển nền khoa học và công nghệ của quốc gia. Tuy nhiên, đối với Việt Nam hình thức đầu tư này còn khá mới. Thông qua việc phân tích hình thức, cơ chế hoạt động của ĐTMH nói chung và những rào cản đối với ĐTMH tại Việt Nam nói riêng, tác giả đã đưa ra một số giải pháp trên hai cấp độ: Vĩ mô và vi mô nhằm phát triển hình thức đầu tư này tại Việt Nam.

Đặc điểm của ĐTMH

ĐTMH xuất hiện đầu tiên ở Mỹ vào năm 1946. Đến nay, hình thức đầu tư này đã khá phổ biến ở nhiều nước trên thế giới. Tại Mỹ, nhiều công ty công nghệ danh tiếng như Microsoft, Apple, Yahoo… đã được thành lập và phát triển từ nguồn vốn ĐTMH.

Khác với các hình thức đầu tư tài chính thông thường, đối tượng được nhận vốn ĐTMH phần lớn là các doanh nghiệp công nghệ cao, công nghệ tiên tiến có quy mô vừa và nhỏ đang trong giai đoạn khởi nghiệp. Vì đầu tư vào công nghệ cao, công nghệ tiên tiến nên độ rủi ro rất lớn, nhưng ngược lại nếu thành công thì lợi nhuận thu được rất cao. ĐTMH có một số đặc điểm sau:

Thứ nhất, đầu tư vào các doanh nghiệp mà không cần phải có một khoản đặt cọc hay ký quỹ nào.

Thứ hai, các chuyên gia quản lý vốn mạo hiểm rót vốn vào doanh nghiệp chủ yếu dựa trên sự tin tưởng vào việc tạo dựng thành công doanh nghiệp của người sáng lập và đội ngũ lãnh đạo doanh nghiệp.

Thứ ba, các chuyên gia quản lý vốn mạo hiểm đầu tư vào một doanh nghiệp nào đó thì có nghĩa là họ sẽ đồng tham dự vào việc kiểm soát điều hành doanh nghiệp. Điều này cũng có nghĩa là họ sẽ phải đối mặt với rủi ro bị mất khoản đầu tư trong trường hợp doanh nghiệp bị phá sản. Tuy nhiên, rủi ro cao thì sẽ được bù đắp bởi lợi nhuận cao khi doanh nghiệp đó thành công.

Thứ tư, bên cạnh việc cung cấp vốn, các chuyên gia quản lý vốn ĐTMH còn tư vấn ở cấp chiến lược, hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp trong quản lý và mở rộng các mối quan hệ nhằm tăng cường năng lực hoạt động kinh doanh, tạo dựng uy tín, xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường.

Do tính chất “mạo hiểm” trong hoạt động đầu tư, các chuyên gia quản lý quỹ ĐTMH thường tiến hành rất kỹ việc sàng lọc hay thẩm định đầu tư nhằm tìm ra các doanh nghiệp tiềm năng để đầu tư. Việc thẩm định đầu tư này được tiến hành trên tất cả các mảng của hoạt động kinh doanh, từ việc xem xét đội ngũ lãnh đạo, công nghệ cho đến mô hình kinh doanh.

Hình thức hoạt động của ĐTMH

Do ĐTMH có những đặc điểm mang tính đặc thù nên cơ chế và hình thức hoạt động của loại hình đầu tư này cũng có những điểm riêng biệt, khác với các loại hình đầu tư khác. Hoạt động ĐTMH có thể được tiến hành theo 3 bước:

Bước 1: Xem xét và thẩm định các dự án đầu tư. Các cá nhân hay tổ chức tiến hành ĐTMH thường thực hiện thông qua các quỹ ĐTMH. Quỹ ĐTMH sẽ thay mặt nhà đầu tư xem xét, nghiên cứu, thẩm định và tìm ra các doanh nghiệp hay dự án tiềm năng để đầu tư. Quỹ ĐTMH có thể được tổ chức dưới nhiều dạng như: Công ty hợp danh hữu hạn, quỹ tín thác, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn…

– Công ty hợp danh hữu hạn: Là hình thức trong đó những nhà đầu tư là các thành viên chính góp vốn, hưởng lợi nhuận và chịu trách nhiệm hữu hạn tương ứng theo tỷ lệ phần trăm vốn góp. Còn những người hoặc tổ chức không có vốn nhưng có kinh nghiệm và kỹ năng quản lý đầu tư thì góp một phần vốn rất nhỏ, mang tính chất tượng trưng nhưng được toàn quyền quản lý quỹ và chịu trách nhiệm vô hạn đối với hoạt động của quỹ. Đây là hình thức phổ biến đối với các quỹ ĐTMH ở Mỹ.

– Quỹ tín thác (trust fund): Đây không phải là một pháp nhân đầy đủ, mà chỉ phát hành tín phiếu đầu tư, sau đó uỷ thác cho công ty quản lý quỹ sử dụng nguồn vốn đầu tư đó. Trong trường hợp này, ngân hàng sẽ thay mặt nhà đầu tư giữ vai trò giám sát công ty quản lý quỹ nhằm bảo quản vốn và tài sản của quỹ hay đảm bảo quyền lợi của các nhà đầu tư.

– Các dạng khác như công ty con của một công ty lớn (corporation venture), công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty tư nhân: So với công ty hợp danh hữu hạn, những hình thức này thường không linh hoạt và không mang lại hiệu quả cao do những người quản lý quỹ hoặc không phải là những người quản lý đầu tư chuyên nghiệp, hoặc không có sự ràng buộc chặt chẽ về lợi ích giữa hiệu quả hoạt động của quỹ và lợi ích của người quản lý.

Bước 2: Các quỹ ĐTMH tiến hành đầu tư, rót vốn vào các doanh nghiệp công nghệ cao hay công nghệ tiên tiến có triển vọng, đang trong giai đoạn khởi nghiệp và chưa tham gia niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Bước 3: Kết thúc đầu tư, hay thu hồi vốn. ĐTMH thường có thời gian hoạt động nhất định, khoảng từ 7 đến 10 năm. Các khoản ĐTMH được thu hồi thông qua 4 kênh chính: Thị trường chứng khoán (chào bán ra công chúng lần đầu, IPO), bán cổ phần cho nhà đầu tư khác (trade sale), bán lại cổ phần cho doanh nghiệp và bán doanh nghiệp cho doanh nghiệp khác.

Hiện nay, ở Việt Nam ĐTMH được thực hiện chủ yếu thông qua các quỹ ĐTMH do các nhà đầu tư nước ngoài thành lập. Hình thức hoạt động chủ yếu của các quỹ này là công ty hợp danh hữu hạn.

Cơ chế hoạt động của ĐTMH

Do ĐTMH thường rót vốn vào các doanh nghiệp công nghệ cao, công nghệ tiên tiến đang trong giai đoạn khởi nghiệp, nên độ rủi ro rất cao. Vì vậy, để hạn chế rủi ro có thể phát sinh, hoạt động ĐTMH thường được thực hiện theo một số cơ chế nhất định sau:

Cơ chế lựa chọn dự án

Hiệu quả hoạt động của ĐTMH phụ thuộc vào sự thành công của các dự án đầu tư hay những doanh nghiệp công nghệ mà quỹ ĐTMH rót vốn vào. Một dự án công nghệ tốt sẽ đem lại lợi nhuận cao cho doanh nghiệp, cho các nhà ĐTMH và các nhà quản lý quỹ. Vì thế, việc lựa chọn một dự án tốt hay một doanh nghiệp tiềm năng đóng vai trò rất quan trọng. Quỹ ĐTMH sẽ căn cứ vào những tiêu chí nhất định để lựa chọn các dự án đầu tư phù hợp và có hiệu quả kinh tế cao như: Phải có ý tưởng rõ ràng về công nghệ mới, sản phẩm mới và về thị trường…

Cơ chế tài trợ theo giai đoạn phát triển của doanh nghiệp

Quỹ ĐTMH không tài trợ một lần cho dự án hay doanh nghiệp mà chia thành nhiều lần. Giai đoạn đầu, quỹ sẽ tài trợ một phần, sau đó nếu thấy khoản đầu tư mang lại hiệu quả đúng như dự định hoặc cam kết thì quỹ sẽ tiếp tục đầu tư trong giai đoạn tiếp theo. Thông thường, một quá trình ĐTMH đầy đủ có thể được chia thành 5 giai đoạn: Tài trợ vốn mồi (hay ươm tạo), tài trợ khởi động, tài trợ giai đoạn đầu, tài trợ mở rộng, và tài trợ tăng tốc.

– Tài trợ vốn mồi/ươm tạo (seed financing): Quỹ cấp vốn cho doanh nghiệp để phát triển ý tưởng sáng tạo.

– Tài trợ khởi động (start-up financing): Quỹ cấp vốn để phát triển sản phẩm và hoạt động tiếp thị khởi đầu.

– Tài trợ giai đoạn đầu (first stage financing): Tài tr cho doanh nghiệp để sản xuất hàng hoá và tung ra thị trường.

– Tài trợ mở rộng sản xuất (expansion financing): Tài trợ cho doanh nghiệp mở rộng sản xuất, mở rộng phạm vi thị trường, hoặc phát triển nâng cấp một sản phẩm, đồng thời giúp doanh nghiệp xây dựng cơ cấu sở hữu hợp lý.

– Tài trợ tăng tốc: Là giai đoạn đưa doanh nghiệp thâm nhập sâu vào thị trường bằng các hoạt động kinh doanh tăng tốc, tạo sản phẩm mới. Thị trường chứng khoán đóng vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp và thị trường trong giai đoạn này.

Cơ chế quản lý và tư vấn cho các doanh nghiệp được đầu tư

Để hạn chế rủi ro, quỹ ĐTMH sẽ kiểm soát doanh nghiệp nhận tài trợ bằng cách trực tiếp tham gia quản lý, đồng thời thông qua cổ phần mà quỹ sở hữu trong doanh nghiệp để theo dõi các khoản đầu tư của mình. Quỹ ĐTMH thường có một tỷ lệ cổ phần đáng kể trong doanh nghiệp tại thời điểm phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (tại Việt Nam, cao nhất là 30%). Bên cạnh đó, quỹ còn hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh như: Tư vấn quản lý doanh nghiệp, lựa chọn nhân sự, mở rộng quan hệ nhằm tăng cường năng lực kinh doanh, xây dựng uy tín, thương hiệu, tìm kiếm thị trường…

Tại Việt Nam, do ĐTMH được thực hiện chủ yếu bởi các quỹ của nước ngoài nên vốn ĐTMH thường tập trung vào hai giai đoạn cuối là mở rộng và tăng tốc. Điều này cũng dễ hiểu vì về bản chất, ĐTMH là hoạt động kinh doanh vốn và nhằm mục tiêu lợi nhuận. Trong 5 giai đoạn đầu tư, 3 giai đoạn đầu có độ rủi ro cao hơn 2 giai đoạn sau.

Một số giải pháp góp phần phát triển hình thức ĐTMH ở Việt Nam

Hiện nay, Việt Nam được coi là một thị trường hấp dẫn cho ĐTMH. Điều này được minh chứng rõ khi trên thị trường tài chính Việt Nam đang xuất hiện ngày càng nhiều các quỹ ĐTMH của nước ngoài như Mekong Capital, Vina Capital, Dragon Capital… và quỹ đầu tư IDG Ventures – một quỹ ĐTMH chuyên đầu tư vào lĩnh vực công nghệ thông tin và công nghệ cao tại Việt Nam. Sự xuất hiện của hình thức đầu tư vốn này đã góp phần làm cho thị trường tài chính Việt Nam trở nên sôi động và tăng sức cạnh tranh hơn. Bên cạnh đó, nó cũng góp phần xoa dịu phần nào cơn khát về vốn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp công nghệ thông tin, nhiều tiềm năng và đang trong giai đoạn khởi nghiệp. Tuy nhiên các nhà ĐTMH vẫn còn e ngại khi rót vốn vào thị trường Việt Nam, vì thị trường Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều rào cản như: Cơ sở pháp lý cho hoạt động của quỹ ĐTMH chưa hoàn thiện; môi trường kinh doanh chưa thực sự mang tính cạnh tranh và công bằng, còn có sự phân biệt đối xử giữa khu vực kinh tế tư nhân và khu vực kinh tế nhà nước; thị trường công nghệ chưa phát triển, thiếu các vườn ươm công nghệ và nguồn nhân lực có trình độ cao; bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ chưa đủ mạnh; thị trường chứng khoán chưa phát triển đầy đủ, quy mô còn nhỏ, tính thanh khoản chưa cao so với các nước trong khu vực.

Từ những phân tích về hình thức, cơ chế hoạt động của ĐTMH nói chung và những rào cản đối với ĐTMH nói riêng tại Việt Nam, xin đề xuất một số giải pháp nhằm góp phần phát triển hình thức đầu tư này tại Việt Nam.

Đối với Nhà nước

– Cải cách thủ tục hành chính và hoàn thiện cơ sở pháp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển của loại hình ĐTMH, xem xét nâng mức tỷ lệ sở hữu cho các nhà ĐTMH.

– Hoàn thiện cơ sở pháp lý và hệ thống chính sách nhằm tạo môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch và sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế phát huy hết năng lực sản xuất và cùng nhau phát triển.

– Đẩy mạnh việc xây dựng và phát triển các khu công nghệ cao (Hoà Lạc và thành phố Hồ Chí Minh), các vườn ươm công nghệ, các lĩnh vực công nghệ cao.

– Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Có sự liên kết, hợp tác chặt chẽ giữa trung tâm đào tạo trong khu công nghệ cao với các trường, viện.

– Có giải pháp đẩy mạnh phát triển thị trường công nghệ, kích cầu công nghệ, phát triển các loại hình dịch vụ xúc tiến mua/bán công nghệ.

– Tăng cường công tác sở hữu trí tuệ, đặc biệt là trong vấn đề thực thi; kết hợp đẩûy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục để mọi người có ý thức sử dụng các sản phẩm có bản quyền.

– Đẩy mạnh phát triển thị trường chứng khoán: Hoàn thiện khung pháp lý, thể chế, chính sách; nâng cao số lượng, chất lượng cung/cầu trên thị trường; quản lý chặt chẽ thị trường chứng khoán tự do; nâng cao năng lực của các tổ chức trung gian; tăng cường giám sát thị trường chứng khoán; tự động hoá toàn bộ các hoạt động giao dịch, thanh toán, công bố thông tin theo chuẩn mực quốc tế…

Đối với các doanh nghiệp muốn nhận tài trợ

– Xây dựng một mô hình kinh doanh vững chắc, được kiểm chứng với một hướng đi rõ ràng cho những khoản lợi nhuận dài hạn.

– Xây dựng một kế hoạch kinh doanh tốt, đưa ra được các dự đoán đáng tin cậy về tốc độ tăng trưởng và giải thích cụ thể cho chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp. Nó phải thể hiện một sự hiểu biết sâu rộng về thị trường, về vị thế cạnh tranh và các cơ hội kinh doanh mới. Thị trường mục tiêu của doanh nghiệp phải khá lớn để các nhà ĐTMH thấy đáng bỏ vốn đầu tư.

– Có sản phẩm đã sẵn sàng tung ra thị trường. Sản phẩm cần qua giai đoạn thử nghiệm và đạt được các kết quả tốt như đáp ứng yêu cầu của khách hàng, công nghệ mang tính độc đáo…

– Xây dựng một đội ngũ cán bộ quản lý và một ban lãnh đạo có năng lực. Doanh nghiệp cần đảm bảo tất cả các thành viên trong tập thể quản lý đều là những người có kinh nghiệm và năng lực, có tâm huyết với sự phát triển của doanh nghiệp. Các nhà ĐTMH hiểu rằng khi kế hoạch kinh doanh được triển khai, khó khăn là không thể tránh khỏi, và họ luôn tìm kiếm một tập thể quản lý có khả năng chèo lái con thuyền qua những cơn giông bão.

– Quan tâm thoả đáng đến vấn đề sở hữu trí tuệ nhằm đảm bảo rằng, doanh nghiệp có quyền sở hữu hợp pháp đối với tất cả các tài sản trí tuệ của mình như các sáng chế, nhãn hiệu…

SOURCE: TẠP CHÍ HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC SỐ 5 NĂM 2008

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading