admin@phapluatdansu.edu.vn

BỘ LUẬT LAO ĐỘNG: NHỮNG BẤT CẬP CẦN SỬA

LS. NGUYỄN BÌNH AN – Văn phòng luật sư Ngọn Lửa Việt – Đoàn Luật sư TP.Hà Nội

Thực hiện Chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội khoá XII, Tổng LĐLĐVN được giao nhiệm vụ là cơ quan chủ trì soạn thảo Dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) và Bộ LĐTBXH được giao chủ trì soạn thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tháng 5.2010 và thông qua vào kỳ họp tháng 10.2010.

Từ khi ban hành cho đến nay, Bộ luật Lao động (BLLĐ) đã tạo một hành lang pháp lý quan trọng điều chỉnh mối quan hệ lao động giữa người sử dụng lao động và NLĐ hài hoà, ổn định, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và đời sống xã hội. Khi nền kinh tế và xã hội phát triển nhanh với điểm nhấn VN gia nhập WTO, BLLĐ đã lộ ra những bất cập cần sửa đổi, bổ sung nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia vào quan hệ lao động.

Bất cập giữa luật và văn bản hướng dẫn

Theo tinh thần của BLLĐ và Luật Dạy nghề 2006, trường hợp người học nghề, tập nghề được DN tổ chức dạy nghề không thu phí học nghề, nếu đã ký HĐLĐ và cam kết làm việc cho DN theo một thời hạn nhất định mà không làm việc hoặc chấm dứt hợp đồng trước thời hạn cam kết làm việc cho DN thì phải bồi thường chi phí dạy nghề (theo Điều 24, BLLĐ, Điều 37 Luật Dạy nghề 2006).
Tinh thần của BLLĐ và Luật Dạy nghề là vậy, nhưng Nghị định số 44/2003/NĐ-CP do Chính phủ ban hành đã loại trừ một số trường hợp, đó là khi NLĐ chấm dứt HĐLĐ đúng và đủ theo các quy định tại Điều 37 BLLĐ thì không phải bồi hoàn chi phí đào tạo.
Trong thực tế, để chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực và kỹ năng làm việc của NLĐ VN, các DN có vốn đầu tư nước ngoài, bằng chi phí của mình, đã đưa NLĐ của mình sang các nước phát triển để đào tạo từ vài tháng đến vài năm với cam kết NLĐ phải làm việc cho DN trong khoảng thời gian nhất định. Nhiều NLĐ đã về nước, đã đóng góp tích cực vào sự phát triển của DN nói riêng và kinh tế VN nói chung.

Tuy nhiên, một số NLĐ, căn cứ vào lỗ hổng của pháp luật lao động hiện hành, đã đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không xác định thời hạn của mình theo đúng quy định của pháp luật, không thực hiện cam kết làm việc cho DN trong một thời hạn nhất định như đã thỏa thuận.
Theo đó, họ đương nhiên có quyền hủy bỏ cam kết làm việc cho DN mà không phải bồi hoàn chi phí đào tạo. Căn cứ họ đưa ra theo quy định tại điều 13 Nghị định số 44/2003/NĐ-CP, điều 4, khoản b, thông tư số 21/2003/TT-BLĐTBXH, trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động theo đúng quy định tại Điều 37 BLLĐ thì không phải bồi thường chi phí đào tạo.

Chúng tôi nhận thấy rằng:

a) Những quy định tại Nghị định số 44/2003/NĐ-CP và thông tư số 21/2003/TT-BLĐTBXH đã đi ngược lại tinh thần của BLLĐ và Luật Dạy nghề 2006 do Quốc hội ban hành, NLĐ đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động phải bồi thường chi phí đào tạo.
b) Bản thân toà lao động, Toà án Nhân dân Tối cao cũng không có hướng giải quyết rõ ràng cho đến thời điểm này vì đang tồn tại hai quan điểm xét xử hoàn toàn trái ngược nhau đối với trường hợp này.
Căn cứ theo báo cáo tổng kết công tác năm 2006 và phương hướng nhiệm vụ công tác năm 2007 của ngành toà án nhân dân, tại trang 78, quan điểm thứ nhất cho rằng NLĐ không phải bồi thường chi phí đào tạo căn cứ theo điều 13 Nghị định số 44/2003/NĐ-CP, điều 4, khoản b, thông tư số 21/2003/TT-BLĐTBXH; quan điểm thứ hai, trái ngược lại, cho rằng NLĐ phải bồi thường chi phí đào tạo với lý do bản cam kết làm việc cho DN cũng có giá trị pháp lý, bổ sung cho hợp đồng lao động. Toà lao động, Toà án Nhân dân Tối cao tuy nhất trí với quan điểm thứ hai, nhưng cho rằng phải có hướng dẫn cụ thể của cơ quan có thẩm quyền.
c) Sự bất cập trong những văn bản dưới luật trên sẽ làm nản lòng những nhà đầu tư muốn chuyển giao công nghệ, đào tạo nâng cao trình độ, năng lực cho NLĐ VN.

Phải sòng phẳng về tiền lương làm thêm giờ

Điều 70 BLLĐ, điều 6 Nghị định số 195/CP ngày 31.12.1994 quy định thời gian làm việc ban đêm là từ 22h đến 6h hoặc từ 21h đến 5h sáng hôm sau. Hiện nay, hầu hết các DN phía nam đều áp dụng thời gian làm việc ban đêm là từ 22h đến 6h vì có lợi cho chi phí lương của DN. Thông thường, giờ hành chính sẽ chấm dứt từ 17h. Nếu DN áp dụng thời gian làm việc ban đêm là từ 22h, trường hợp một NLĐ làm thêm giờ từ 17h đến 22h, DN sẽ thanh toán tiền làm thêm giờ cho NLĐ như sau:
5h x 150% = 7,5h thay vì 4h x 150% + 1h x 150% x 130% = 7,95h (nếu thời gian làm việc ban đêm là từ 21h).
Như vậy, DN đã giảm bớt chi phí 0,45h tiền lương cho một NLĐ làm thêm giờ. Việc áp dụng sai quy định này của các DN phía nam chưa bao giờ bị thanh tra lao động nhắc nhở hoặc xử phạt.
Nhưng còn lý do khác để giải thích vì sao DN phía nam áp dụng quy định giờ làm việc ban đêm là từ 22h đến 6h. Đó là vì sức khỏe của NLĐ và sự phù hợp với điều kiện thời tiết. Các DN thường quy định thời gian làm việc ban đêm trùng với giờ làm ca 3 trong các ca sản xuất. Nếu NLĐ làm việc ca 1 (6h -14h) sẽ dậy lúc 5h sáng và ra khỏi nhà lúc 5h30, thời gian này phù hợp hơn là dậy lúc 4h sáng và khỏi nhà lúc 4h30 cho ca 1 từ 5h sáng trong môi trường thời tiết ở miền Nam VN.
Vì vậy, Điều 70 BLLĐ nên sửa đổi là "Thời gian làm việc ban đêm tính từ 22h – 6h sáng hôm sau".

SOURCE: CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ DIỄN ĐÀN CÁC DOANH NGHIỆP VIỆT NAM

Trích dẫn từ: http://vibonline.com.vn/vi-VN/Forum/TopicDetail.aspx?TopicID=2985

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading