Site icon THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

VÀI Ý KIẾN VỀ TÍNH XÃ HỘI – NHÂN VĂN KHI HIỆN THỰC HÓA LUẬT TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG CỦA NHÀ NƯỚC

Advertisements

NGUYỄN TÔN THỊ TƯỜNG VÂN – Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM

Thực tế, có nhiều văn bản quy phạm pháp luật ra đời nhưng hiệu quả thực tế không như mong muốn, đơn cử Nghị định 66/2008/NĐ-CP về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Từ khi có hiệu lực đến nay, việc thực hiện Nghị định này của các cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn, khả năng triển khai vẫn rất thấp, trong khi doanh nghiệp vẫn tiếp tục tìm đến các văn phòng luật sư hay tư vấn luật tư nhân như trước khi có Nghị định. Như vậy, Nghị định ra đời chỉ mang đến sự hy vọng, hoặc sự sáng sủa hơn cho hoạt động tư vấn luật vốn khá sôi động hiện nay.

Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, tương tự, làm sáng tỏ hơn bức màn trách nhiệm của các cơ quan chức năng khi làm sai, làm ẩu. Bởi vì, trước khi có Nghị định này, với các văn bản quy phạm pháp luật khác như Nghị quyết số 388/2003/NQ-UBTVQH và các văn bản hướng dẫn thi hành, đã tạo ra tính pháp lý của việc bồi thường trong tố tụng hình sự. Mảng còn khá xa lạ là bồi thường thiệt hại do công tác hành chính gây ra. Nhưng, ở cả hai mảng, đều cần phải xem lại khả năng hiện thực hóa. Các góp ý ở Toạ đàm JICA ngày 4/3/2010 dựa trên chuẩn mực pháp lý, còn bài viết này của tôi xét trên khía cạnh xã hội – nhân văn. Khía cạnh này, khi ban hành chính sách, ít khi được xem xét tới đã gây ra khá nhiều khúc mắc khi có hiệu lực và khó khăn khi thi hành.

Ở mảng tố tụng hình sự, Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước kề thừa và luật hóa từ Nghị quyết số 388/2003/NQ-UBTVQH và đã xảy ra trong thực tiễn nên khá rõ và đầy đủ, ý kiến góp ý cũng nhiều. Nhưng thực tế là, số vụ được bồi thường thể hiện sự không tương ứng với số vụ oan sai; và để được bồi thường, người bị thiệt hại phải trải qua một thời gian khá dài đeo đuổi vụ kiện, có khi đến tàn gia bại sản, đôi khi liên đới nhiều người khác. Vậy, khi Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đi vào cuộc sống, dự báo nào sau đây được đưa ra: (1) số lượng vụ oan sai sẽ giảm đi, (2) số lượng người được bồi thường và bị bồi thường sẽ tăng lên?

Mảng bồi thường có nguyên nhân từ công tác hành chính trước nay chưa có, hoặc chưa thể xử vì thiếu căn cứ pháp lý, nhưgn có thể khiếu kiện và xác định thiệt hại để bồi thường hay không khi công tác hành chính ở TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung còn nhiều điều đáng phải bàn? Vì vậy, theo tôi, chỉ khi công tác cải cách hành chính không còn là quan trọng nhất (do được đánh giá rất tốt); cán bộ công chức làm tròn vai trò của mình và có ý thức phối hợp vì dân; thủ tục hành chính rõ ràng, dễ dàng để toàn dân (với mọi trình độ khác nhau, mọi giai cấp khác nhau) đều thực hiện được;… thì mới có cơ sở để phân xử.

Một khía cạnh nữa để hoài nghi tính khả thi của Luật này là do tâm lý người dân.

– Dân ta vốn “thích đụng nhưng ngại chạm”, tức là có thể chửi mắng oang oang cho bõ tức chứ không dám viết đơn khiếu nại hay tố cáo, hoặc không dám để lại tên tuổi, vì quan niệm “con kiến mà kiện củ khoai” hoặc sợ bị trả thù;

– “Cơ chế phong bì” còn hằn sâu trong ứng xử của người Việt Nam, đó là hối lộ công chức cho nhanh được việc, thay vì khởi kiện khi bị nhũng nhiễu, làm khó.

Như vậy, Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước ở mảng này chỉ trở thành hiệnt hực khi người dân được chuẩn bị đầy đủ “vũ khí” từ việc hiểu đến việc làm đúng các quy phạm pháp luật, đồng thời phải luôn trong tư thế sẵn sang phản biện, thậm chí khiếu kiện khi cần thiết. Đây lại là trách nhiệm của các cơ quan chức năng, cụ thể như:

– Đơn giản hóa thủ tục hành chính và môi trường pháp lý;

– Nâng cao hiểu biết pháp luật và ý thức thực hiện pháp luật cho toàn dân;

– Nâng cao ý thức trách nhiệm và đạo đức của đội ngũ cán bộ công chức hện nay.

Một vấn đề khác mà Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước nên xem xét tới là “hậu bồi thường” của cán bộ công chức sai phạm. Cần có cách thức bồi thường như thế nào (trong trường hợp khung tối đa là 36 tháng lương) để người cán bộ công chức có thể tiếp tục làm việc. Sự linh động trong từng trường hợp cụ thể là điều cần thiết, nhưng phải có quy định chung, để tránh bị lợi dụng. Và liệu rằng, sau bồi thường, cán bộ công chức ấy có thể tiếp tục làm việc hay kéo theo hệ lụy khác về mặt xã hội như mất việc làm, suy sụp tinh thần, bị xã hội ruồng bỏ, rơi vào nhóm đối tượng dễ bị tổn thương (NEED) của xã hội hiện đại.

Như vậy, ngoài các yếu tố hợp hiến, hợp pháp, hợp quy, các nhà ban hành chính sách khi hoàn chỉnh và hiện thực hóa Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước cần nên xem xét, cân nhắc và hướng dẫn thêm một số vấn đề về xã hội – nhân văn nêu trên.

SOURCE: TỌA ĐÀM NGÀY 16 THÁNG 3 NĂM 2010 DO VCCI, DỰ ÁN JICA TỔ CHỨC TẠI TPHCM

Trích dẫn từ: http://vibonline.com.vn/vi-VN/Forum/TopicDetail.aspx?TopicID=3056

Exit mobile version