admin@phapluatdansu.edu.vn

NGUỒN PHÁP LUẬT ĐIỀU CHỈNH HOẠT ĐỘNG NGÂN HÀNG TRONG HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ

TS. NGÔ HOÀNG OANH – Bộ Tư pháp

Trên thế giới tồn tại hai hệ luật mang đặc trưng khác biệt là hệ luật Châu Âu lục địa và hệ luật Anh – Mỹ (còn gọi là hệ thông luật). Xuất phát từ sự khác biệt của các hệ luật mà ở các nước thuộc hệ luật Châu Âu lục địa, nguồn luật điều chỉnh các hoạt động ngân hàng là các văn bản chứa các quy phạm pháp luật về ngân hàng. Các nước thuộc hệ luật Anh – Mỹ ngoài các văn bản quy phạm pháp luật, nguồn Luật ngân hàng còn có án lệ. Ngoài ra, nói đến nguồn luật điều chỉnh các hoạt động của ngân hàng của các nước trên thế giới, chúng ta còn phải kể đến các tập quán và thông lệ quốc tế, các hiệp ước và hiệp định quốc tế song phương và đa phương trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng.

1. Luật Ngân hàng các quốc gia

Cũng giống như Luật Ngân hàng của Việt nam, Luật Ngân hàng của hầu hết các nước trên thế giới cũng bao gồm chủ yếu hai loại quy phạm pháp luật, đó là các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ quản lý nhà nước về ngân hàng và các qui phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ tổ chức và kinh doanh ngân hàng.

Dưới đây chúng tôi xin giới thiệu luật ngân hàng của một số nước trên thế giới.

Pháp luật điều chỉnh hoạt động ngân hàng Mỹ:

Luật về Ngân hàng ở Mỹ phản ánh toàn bộ lịch sử phát triển của hệ thống ngân hàng nước này trong suốt quá trình hoàn thiện về các hoạt động cũng như hệ thống ngân hàng của các bang. Sự hình thành của các hệ thống ngân hàng vào giữa thế kỷ 19 đã để lại dấu ấn trong hệ thống pháp luật Hoa kỳ, hiện nay một phần lớn các văn bản pháp luật được thông qua bởi Quốc hội và các bang, ban hành vào giữa và cuối thế kỷ 19 vẫn có hiệu lực. Vào những năm 70 và 80 đã có một cuộc cách mạng đối với hệ thống ngân hàng Mỹ, đó là sự đổi mới về công nghệ và các hoạt động ngân hàng.

Tính đến 31/12/2004, hệ thống ngân hàng Mỹ có 7630 ngân hàng thương mại, 211 ngân hàng nước ngoài từ 60 nước trên thế giới, ngoài ra còn phải kể đến các tổ chức nhận tiền gửi khác như quỹ tín dụng, hiệp hội tiết kiệm và một hệ thống các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực tài chính và không nhận tiền gửi khác1

Những nội dung chính của luật điều chỉnh hoạt động ngân hàng chủ yếu được quy định tại Tuyển tập luật Hoa kỳ – bản chính thức do chính phủ phát hành. Chương 12 của Tuyển tập luật có tên gọi là “Ngân hàng và các hoạt động ngân hàng” gồm có 22 phần điều chỉnh lĩnh vực hết sức rộng lớn: Giám sát hoạt động tiền tệ, hệ thống dự trữ liên bang, thuế, các hoạt động của Ngân hàng Mỹ ở nước ngoài, ngân hàng xuất nhập khẩu, cấp tín dụng cho các trang trại, tín dụng nông nghiệp quốc gia, ngân hàng cấp tín dụng mua nhà, các tổ chức tiết kiệm, các ngân hàng chuyên biệt và các tổ chức tiền gửi – tiết kiệm. Trong quá trình tồn tại, bộ luật đã liên tục được hoàn chỉnh và sửa đổi với tên gọi hiện nay là Tập hợp các quy định và hướng dẫn của Liên bang2.

Giao dịch ngân hàng theo luật Mỹ được hiểu là các hoạt động kế toán, mua và bán các hối phiếu đơn giản và hối phiếu chuyển nhượng, các giấy tờ ghi nhận nợ khác, nhận tiền gửi, mua và bán ngoại tệ, tiền hoặc các vật có giá trị khác, cho vay được bảo lãnh bởi các động sản. Các hạn chế trong các giao dịch ngân hàng được hình thành bởi các chế độ kiểm soát tiền tệ trong Liên bang. Ngoài ra luật cũng quy định cho vay 1 khách hàng hoặc đầu tư vào 1 dự án không được vượt quá 10% vốn thực có của các dự án hoặc khách hàng này.

Các hiệp hội Ngân hàng quốc gia có thể có các chi nhánh không chỉ ở thành phố, nơi có trụ sở chính mà còn ở bất kỳ nơi nào trong bang và ở bất kỳ bang nào. Ngân hàng quốc gia có quyền được phát hành tiền với các đơn vị là 1, 2, 20, 50, 100, 500 và 1000 đôla US. Hoạt động này được kiểm soát chặt chẽ từ phía nhà nước.

Các hoạt động ngân hàng được được điều chỉnh tại Điều 96 Luật về các hoạt động ngân hàng bang Nữu York, bao gồm:

1. Mua bán các hối phiếu đơn giản và hối phiếu chuyển đổi, các giấy nhận nợ khác, mua bán ngoại tệ, tiền kim loại và các sản phẩm từ vàng, bạc, cho vay mua nhà và các tài sản là động sản, nhận tiền gửi, giấy tờ có giá hoặc và động sản khác từ bất cứ cá nhân, tổ chức nào.

2. Thanh toán bằng uỷ nhiệm thu, chi, mở thư tín dụng;

3. Nhận lưu giữ theo các điều kiện của ngân hàng các chứng chỉ, chứng từ có giá, đồ trang sức, kim loại quí, các giấy tờ tài liệu, cho thuê két, các dịch vụ bảo quản và ký gửi khác;

4. Phát hành, dưới sự đồng ý của Hội đồng quản trị Ngân hàng, các hối phiếu, các chứng từ có giá khác;

5. Là thành viên của Dự trữ Liên bang, được hưởng toàn bộ các quyền thành viên, việc này không làm giảm bất cứ trách nhiệm nào của ngân hàng trước pháp luật;

6. Có nghĩa vụ thực hiện các quy định của tập đoàn bảo hiểm Liên bang trong các hoạt động bảo hiểm tiền gửi;

7. Thực hiện các quyết định về tiền tệ, đươc tuyên bố bởi Tòa án bang, của tòa án bang khác hoặc Tòa án liên bang;

8. Hoạt động như đại diện tài chính và lưu giữ tiền của Hợp chủng quốc Hoa kỳ.

Các hoạt động tài trợ cho vay bất động sản không được vượt quá 2/3 trị giá của bất động sản. Các ngân hàng không được chiếm giữ 80% vốn điều lệ của một ngân hàng khác.

Pháp luật điều chỉnh hoạt động Ngân hàng ở Pháp

Văn bản quan trọng nhất điều chỉnh hoạt động của các tổ chức tín dụng là Luật số 84-46 ngày 1/1/1984 “Về các tổ chức tín dụng và kiểm soát hoạt động của các tổ chức tín dụng”3. Pháp lệnh số 85-371 ngày 27/3/1985 về “Một vài thay đổi trong điều chỉnh hoạt động ngân hàng của các tổ chức tín dụng và kiểm soát hoạt động của các tổ chức tín dụng”4

ở Pháp việc quốc hữu hoá và tư nhân hoá hệ thống ngân hàng diễn ra không chỉ một lần, vì nhóm các quy phạm pháp luật điều chỉnh về vấn đề vốn của các ngân hàng phải kể đến “Luật quốc hữu hoá Ngân hàng Pháp và các ngân hàng lớn, các tổ chức hệ thống ngân hàng tín dụng” số 45-015 ngày 2 tháng 12 năm 1945, Luật quốc hữu hoá số 82-155 ngày 11 tháng 2 năm 19825… Một trong những yếu tố quan trọng trong hệ thống pháp luật này là sự kiểm soát chặt chẽ các các hoạt động ngoại hối với các đối tác nước ngoài. Trong lĩnh vực này phải kể đến Pháp lệnh số 89-938 ngày 29 tháng 12 năm 1989 “Về điều chỉnh các quan hệ tài chính với nước ngoài”.

Ngân hàng được thành lập dưới hình thức công ty cổ phần, vì vậy hoạt động của ngân hàng cũng chịu sự điều chỉnh của Bộ luật thương mại năm 1999: Các tổ chức thương mại và các nhóm liên quan đến lợi ích kinh tế” (quyển 2).

Theo luật số 84-46 ngày 24 tháng 12 năm 1984, chỉ có các tổ chức tín dụng, trong đó bao gồm các ngân hàng có thể thực hiện các giao dịch ngân hàng. Theo Điều 1 của luật này định nghĩa các hoạt động ngân hàng bao gồm huy động tiền gửi, cấp tín dụng, cung cấp các dịch vụ thanh toán…

Deposit là các giao dịch, qua đó ngân hàng huy động tiền gửi từ các khách hàng của mình. Đây là nguồn vốn chủ yếu của ngân hàng. Có 2 loại tiền gửi: không kỳ hạn và có kỳ hạn. Đối với tiền gửi không kỳ hạn ngân hàng không trả lãi, người gửi có thể rút tiền bất kỳ lúc nào, bù vào đó ngân hàng cung cấp cho người gửi các dịch vụ thanh toán. Đối với tiền gửi có kỳ hạn người gửi không được rút trước thời hạn. Sự hạn chế này đối với người gửi đã mang lại cho ngân hàng nguồn vốn vững chắc và cho phép ngân hàng cung cấp các hoạt động cho vay ngắn hạn và dài hạn. Vì vậy ngân hàng quan tâm đến việc gửi tiền có kỳ hạn và việc tính lãi suất phụ thuộc vào thời hạn và số lượng tiền gửi.

Tiền gửi tiết kiệm cho phép thay đổi số lượng tiền gửi trong một tài khoản đặc biệt của khách hàng. Khi ngân hàng mở cho khách hàng tài khoản này có nghĩa là ngân hàng cũng đã cho phép khách hàng quyền yêu cầu thanh toán số lượng tiền bất kỳ trong tài khoản vào bất kỳ thời gian nào.

Ngoài 2 hình thức huy động tiền gửi trên ngân hàng còn huy động tiền gửi dưới hình thức khác, đó là phát hành chứng chỉ tiền gửi dưới 2 hình thức: ghi danh và vô danh. Hình thức vô danh cho phép người sở hữu được quyền yêu cầu rút tiền khi xuất trình các chứng chỉ này, còn hình thức ghi danh: trả tiền cho người có tên trên chứng chỉ hoặc theo lệnh của họ.

Hoạt động cấp tín dụng: Có các hình thức cấp tín dụng như cho vay hoặc thuê mua.

Hiện nay ở Pháp có nhiều loại hình cho vay khác nhau. Đối với các tổ chức kinh tế có các lọai tín dụng truyền thống là: cho vay ngắn hạn (2 năm), cho vay trung hạn (2 đến 7 năm), cho vay dài hạn (trên 7 năm). Ngân hàng còn cho vay với khoảng thời gian rất ngắn là từ 1 đến 3 tháng dưới hình thức quay vòng. Việc cho vay theo hình thức nào tuỳ thuộc vào mục đích: cho vay để làm việc theo mùa vụ, cho vay để nhập khẩu…

Đối với các cá thể ngân hàng thường cho vay tiêu dùng ngắn hạn như cho vay để mua ô tô, cho vay để mua nhà ở…

Các giao dịch tín dụng khác nhau phụ thuộc vào các mục đích và hình thức sử dụng tiền khác nhau của bên vay:

– Cho vay đơn giản: Ngân hàng chỉ chuyển vào tài khoản của khách hàng số tiền nhất định

– Cho vay ngắn hạn: Ngân hàng mở một tài khoản thanh toán cho khách hàng và khách hàng có thể sử dụng tài khoản vào mục đích thanh toán.

– Thuê mua tài chính: Ngân hàng mua các trang thiết bị theo sự lựa chọn của khách hàng và cho chính khách hàng đó thuê lại. …

Chính sách của các ngân hàng là phát triển các loại hình khách hàng phong phú với mục đích bảo đảm phù hợp của ngân hàng.

Pháp luật điều chỉnh hoạt động ngân hàng ở Đức:

Luật của Đức về hệ thống ngân hàng và các hoạt động ngân hàng chứa đựng các quy phạm pháp luật điều chỉnh quan hệ của các tổ chức thương mại dưới các hình thức, và các qui phạm pháp luât điều chỉnh riêng đối với các tổ chức ngân hàng tiền tệ. Các luật này bao gồm luật Công ty cổ phần, Luật chống cạnh tranh năm 1980, Luật chứng khoán 1986, Luật về Ngân hàng Liên bang Đức năm 1957, Luật tín dụng năm 1976 (bản sửa năm 1985), Luật về ngân hàng cho vay nông nghiệp năm 1989, Luật về Hợp tác ngân hàng năm 1975, luật về bảo đảm ngân hàng năm 19866.

Khái niệm về tổ chức tín dụng rất rộng: Tổ chức tín dụng là các tổ chức thực hiện các giao dịch ngân hàng, nếu khối lượng các giao dịch này đòi hỏi phải thành lập một tổ chức chuyên nghiệp để thực hiện các giao dịch đó (khoản 1 Điều 1 Luật Tín dụng).

Các ngân hàng thương mại ở Đức thực hiện các loại hình giao dịch ngân hàng rất phong phú. Giám sát hoạt động của các tổ chức này là Cục Giám sát của Liên bang về các hoạt động của các tổ chức tín dụng, cục này có quyền giới hạn các loại hình nghiệp vụ ngân hàng, cho phép các ngân hàng được thực hiện hay không thực hiện các loại hình dịch vụ ngân hàng.

Hoạt động huy động tiền gửi là một loại hình hoạt động phổ biến nhất của ngân hàng. Trong các giao dịch cho vay cấp tín dụng, ngân hàng là người cho vay, cung cấp tín dụng. Trong các giao dịch thanh toán ngân hàng là người mua, thanh toán và có nghĩa vụ thanh toán các séc, hối phiếu cho khách hàng. Mua và bán các giấy tờ có giá theo lệnh của các chủ sở hữu được thực hiện bởi các quỹ tín dụng.

Theo lệnh của các khách hàng của mình, ngân hàng thực hiện các giao dịch thanh toán từ tài khoản của khách hàng và ghi nợ đối với khách hàng trong hệ thống thanh toán luân chuyển tiền tệ bằng tiền mặt hoặc các hình thức thanh toán khác không bằng tiền mặt.

Luật ngân hàng Đức quy định rất rộng về khái niệm cho vay nợ, trong đó bao gồm cho vay, chi trả séc và hối phiếu, thanh toán quá hạn các khoản vay từ ngân hàng hoặc thanh toán trong giao dịch thương mại. Khái niệm tín dụng còn bao gồm yêu cầu “likvidnox”, đây là nghĩa vụ của ngân hàng trong việc sử dụng các nguồn vốn của mình (của mình hoặc đi huy động của khách hàng) để trong bất kỳ thời điểm nào và đối với bất kỳ khoản tiền nào đảm bảo cho việc ngân hàng thanh toán các nghĩa vụ của mình đã cam kết. Số lượng nguồn vốn bắt buộc để bảo đảm thực hiện các nghĩa vụ thanh toán theo các cam kết này được quy định khác nhau phụ thuộc vào từng loại hình tổ chức tín dụng.

Pháp luật điều chỉnh hoạt động Ngân hàng ở Anh:

Đạo luật quan trọng là Luật về các hoạt động ngân hàng năm 1987, luật công ty năm 1985, điều chỉnh các loại hình công ty trong các chuyên ngành đặc biệt, và các ngân hàng được gọi là “công ty ngân hàng”. Khái niệm “công ty ngân hàng” được luật sử dụng đối với những công ty được phép nhận tiền gửi theo luật về các hoạt động của ngân hàng năm 1987. Các công ty này chịu sự điều chỉnh của luật công ty năm 1985 trong các vấn đề về báo cáo tài chính, thanh toán và cân đối tài sản. Ngoài ra còn một loại hình tổ chức ngân hàng nữa được thành lập và hoạt động theo luật công ty trách nhiệm hữu hạn năm 1907.

Đối với các hoạt động ngân hàng còn có các quy phạm pháp luật điều chỉnh riêng các nghiệp vụ ngân hàng. Có thể kể đến Luật về Hối phiếu năm 1882, Luật về huy động tiền gửi và phá sản năm 1954, Luật về Séc năm 1957, Luật về tín dụng tiêu dùng năm 1974, Luật về các tổ chức tiền gửi năm 1985, Luật về các dịch vụ tài chính năm 1986.

Nguồn điều chỉnh hoạt động ngân hàng của Anh còn phải kể đến án lệ và các tập quán, thông lệ.

Toàn bộ hệ thống ngân hàng Anh được giám sát bởi Ngân hàng Trung ương Anh, ngân hàng này thực hiện việc kiểm soát tiền tệ.

Hệ thống ngân hàng của Anh bao gồm các ngân hàng cung cấp dịch vụ bán lẻ, các ngân hàng thanh toán bù trừ (London, Scotlen), Ngân hàng Giro (được thành lập năm 1968 như môt đơn vị trực thuộc bưu điện, cung cấp dịch vụ ngân hàng đơn giản, rẻ tiền và hiệu quả), các ngân hàng đầu tư (các định chế tài chính cung cấp các dịch vụ đặc biệt bao gồm: chấp nhận hối phiếu, tư vấn tài chính, quản lý các danh mục đầu tư và các dịch vụ ngân hàng khác). Có gần khoản 100 tổ chức ở Anh được gọi là ngân hàng đầu tư. Chúng là thành viên của Hiệp hội các ngân hàng đầu tư và các hãng chứng khoán (BMBA).

Các tập đoàn Ngân hàng (Consortium Ngân hàng): được lập ra bởi tập hợp các ngân hàng, thường là từ một số nước khác nhau. Ngân hàng Trung ương Anh định nghĩa tập đoàn Ngân hàng là một ngân hàng được sở hữu bởi các ngân hàng khác, trong đó mỗi ngân hàng không giữ trực tiếp trên 50% cổ phần và ít nhất có một ngân hàng nước ngoài là cổ đông. Ngân hàng Standard Chartered là một trong những tập đoàn ngân hàng đầu tiên ở London. Các tập đoàn này được thành lập để cùng nhau tài trợ các khoản vay trọn gói nhằm đáp ứng nhu cầu tài chính dài hạn của các quốc gia7

Hoạt động huy động tiền gửi được điều chỉnh bởi Luật về các hoạt động của Ngân hàng năm 1987. Khái niệm huy động tiền gửi được hiểu là các huy động của ngân hàng đối với các nguồn vốn dùng vào các hoạt động tài chính khác nhau. Để được thực hiện hoạt động này các ngân hàng cần nộp đơn đến Ngân hàng Anh để xin cấp phép và phải đáp ứng một loạt các điều kiện.

Đối với các hoạt động tiền gửi có 2 loại: tiền gửi có thời hạn và không có thời hạn. Đối với tiền gửi không thời hạn khách hàng có thể nhận tiền hoặc viết séc vào bất kỳ thời điểm nào. Các khoản tiền gửi này không có lãi. Các loại tiền gửi có kỳ hạn đươc hưởng lãi. Ngân hàng còn mở các tài khoản tiền gửi tiết kiệm, khách hàng có thể chuyển thêm tiền vào tài khoản khi tài khoản đạt được môt số tiền nhất định thì sẽ được hưởng lãi (250 bảng Anh).

Các hoạt động tích cực là cấp tín dụng và bảo đảm cho các khoản vay. Hệ thống các ngân hàng Anh còn thực hiện nhiều loại hình hoạt động ngân hàng khác.

2. Các tập quán và thông lệ quốc tế.

Nguồn luật quan trọng thứ hai sau luật quốc gia điều chỉnh hoạt động của Ngân hàng của các nước trên thế giới là các tập quán và thông lệ quốc tế. Đó là các chuẩn mực quốc tế trong lĩnh vực ngân hàng được thừa nhận bởi Thông lệ quốc tế và Công ước Liên hợp quốc. Một thực tế rõ ràng là tập quán thương mại quốc tế áp dụng trong các giao dịch thương mại quốc tế (ví dụ trong hoạt động xuất nhập khẩu giữa các nước) và đi theo nó là các quan hệ thanh toán xuất nhập khẩu với các nước là các hoạt động hoàn toàn mang tính nghiệp vụ, kỹ thuật chuyên môn và được thế giới chấp nhận sử dụng trong quan hệ thương mại và thanh toán quốc tế. Đó là:

– Các quy tắc thực hành thống nhất về tín dụng chứng từ của ICC- UCP 600

– Quy tắc thống nhất nhờ thu, bản sửa đổi 1995, số 522 của ICC (Uniform Rules for Collection of Payment , 522, 1995,ICC-URC522,ICC)

– Qui tắc bảo lãnh hợp đồng URCG, có hiệu lực năm 1978, số xuất bản 325

– Bản qui tắc thống nhất về bảo lãnh theo yêu cầu URDG, có hiệu lực từ 4/1992, số xuất bản 458 của ICC

– Bản qui tắc thông nhất về bảo chứng URCB được thông qua 23/4/1993 và có hiệu lực từ 1/1/1994, số xuất bản 524 của ICC

– Công ước UCILTRAN về bảo lãnh độc lập và tín dụng thư dự phòng của Liên hợp quốc.

– Ngoài ra còn phải kể đến các thông lệ và chuẩn mực quốc tế trong kế toán, kiểm toán, quy chế quan hệ bắt buộc giữa các Ngân hàng trung gian với Ngân hàng trung ương về tái cấp vốn, thị trường mở, thanh toán quốc gia và các chuẩn mực về thanh tra – giám sát Ngân hàng

3. Các hiệp ước và hiệp định quốc tế song phương và đa phương trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng

Việt Nam tham gia nhiều hiệp định hợp tác song phương về lĩnh vực ngân hàng đã được ký kết thành công với Chính phủ, NHTƯ, các tổ chức song phương trong khu vực Đông á – Thái Bình Dương, Đông Âu, Bắc Mỹ như Hiệp định khung về kết nối kinh tế Việt Nam – Singapore trong lĩnh vực ngân hàng, tham gia xây dựng chiến lược đối tác kinh tế chung Việt Nam – Thái Lan, Hiệp định khung về tăng cường hợp tác kinh tế Asean Singapore, ngày 28 tháng 01 năm 1992, ký các thỏa thuận hợp tác trao đổi thông tin trong lĩnh vực thanh tra ngân hàng với các cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng của Australia, Hồng Kông, Malaysia, Singapore, Hoa Kỳ. Đặc biệt là Hiệp định thương mại Việt Mỹ và các cam kết của Vit nam khi gia nhập WTO trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. Nội dung của các hiệp định này chủ yếu là các thỏa thuận hợp tác của các nước trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, các cam kết về việc hoàn thiện môi trường pháp luật về ngân hàng và lộ trình hiện diện thương mại và đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực tài chính ngân hàng.

Bên cạnh đó là các hiệp ước quốc tế trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, các hiệp ước này ràng buộc các nước thành viên phải đáp ứng các chuẩn mực nhất định trong lĩnh vực tài chính ngân hàng trong hội nhập kinh tế quốc tế, đó là:

– Hiệp ước tín dụng Quốc tế Basel I năm 1988: Hiệp ước Basel I mang tính chất thỏa thuận quốc tế và các tiêu chuẩn về vốn đã trở thành chuẩn mực quốc tế về vốn tự có. Nó quy định về tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu và quản lý rủi ro tín dụng đối với ngân hàng, là một trong những căn cứ, tiêu chuẩn để các ngân hàng của các quốc gia trên thế giới áp dụng quản lý, bảo đảm an toàn trong hoạt động. Thực hiện thỏa ước an toàn vốn tối thiểu của Basel I đã và đang là một trong những mục tiêu quản lý rủi ro đối với các tổ chức tín dụng ở các nước đang phát triển như Việt Nam. Tuy nhiên, Basel I mới chỉ đề cập đến những rủi ro về tín dụng chứ chưa đề cập đến những rủi ro khác như rủi ro hoạt động, rủi ro thị trường, rủi ro lãi suất.

– Hiệp ước tín dụng Quốc tế Basel II năm 2004: Là hiệp ước quốc tế về tiêu chuẩn an toàn vốn, tăng cường quản trị toàn cầu hóa tài chính cũng như việc khai thác tối đa tiềm năng lợi nhuận và hạn chế rủi ro. Basel II quy định tỷ lệ vốn an toàn tối thiểu gắn chặt chẽ với mức độ rủi ro của tài sản ngân hàng, mức độ rủi ro của tài sản có tính đến nhiều yếu tố như độ tín nhiệm của khách hàng, thời hạn khoản vay, độ tập trung của các khoản vay vào một nhóm khách hàng nhất định, quá trình xem xét giám sát của cơ quan quản lý và cuối cùng là các quy tắc thị trường.

– Hiệp định Giơ ne vơ về Séc và Hối phiếu năm 1930-1931.

Chú thích:

1. Regulatory Guide for Foreigner banks in United Stated, 2005- 2006, PricewaterhouseCoopers, p.12

2. Code Commerce//P Dalloz.1987-1988.P339, dẫn theo Luật Dân sự và thương mại của các nước trên Thế giới. tr.425

3. Recueil Dalloz. 1985.No 16.p427, dẫn theo Luật Dân sự và thương mại của các nước trên Thế giới. tr.425

4. Luật Dân sự và thương mại của các nước trên Thế giới. tr. 426

5 Luật Dân sự và thương mại của các nước trên Thế giới. tr. 428

6 . David Cox, Nghiệp vụ Ngân hàng hiện đại, Nhà xuất bản chính trị quốc gia, Hà nội 1997, tr. 96

SOURCE: TẠP CHÍ NGHỀ LUẬT SỐ 1 NĂM 2008

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading