admin@phapluatdansu.edu.vn

CÔNG ƯỚC XÓA BỎ MỌI HÌNH THỨC PHÂN BIỆT ĐỐI XỬ VỚI PHỤ NỮ VÀ DỰ ÁN LUẬT BÌNH ĐẲNG GIỚI CỦA VIỆT NAM

TS. DƯƠNG THANH MAI – Bộ Tư pháp

Công ước về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua năm 1979 và bắt đầu có hiệu lực từ tháng 9/1981, sau khi được 20 quốc gia phê chuẩn. Trong 25 năm qua, CEDAW đã thực sự trở thành một công cụ pháp luật quốc tế hữu hiệu trong việc thúc đẩy xóa bỏ các hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ, bình đẳng nam nữ, thực thi quyền phụ nữ trên phạm vi rộng lớn của 180 nước, lãnh thổ là thành viên của Công ước. 

Chính phủ Việt Nam ký tham gia Công ước vào tháng 7/1980 và tháng 11/1981, Hội đồng Nhà nước phê chuẩn Công ước. Từ đó, nhà nước ta đã làm rất nhiều việc để thực hiện trách nhiệm của một quốc gia thành viên CEDAW, đặc biệt là việc thiết lập sự bảo vệ bằng pháp luật các quyền của phụ nữ trên cơ sở không phân biệt đối xử và bình đẳng nam nữ. Việc Dự án Luật bình đẳng giới được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2006 của Quốc hội khoá XI là một minh chứng về quyết tâm chính trị của Đảng và nhà nước ta trong việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về bình đẳng nam nữ, xoá bỏ sự phân biệt đối xử với phụ nữ, thực hiện các cam kết quốc tế về quyền con người nói chung, quyền bình đẳng nam nữ nói riêng, nhằm phát huy mọi tiềm năng nguồn nhân lực nam, nữ thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” (Tác giả viết bài này vào thời điểm Luật bình đẳng giới năm 2006 chưa được ban hành – Civillawinfor). Để góp phần hoàn thiện Dự án Luật bình đẳng giới trước khi trình Quốc hội cho ý kiến, chúng tôi xin bàn luận về một số quan điểm chỉ đạo xây dựng Luật bình đẳng giới và cách thể hiện các quan điểm đó trong Dự án luật nhìn từ góc độ thực thi CEDAW tại Việt Nam.   

1. Các nguyên tắc của CEDAW và quan điểm “nội luật hoá các quy định phù hợp trong các Công ước quốc tế về quyền con người, đặc biệt là CEDAW”

Điều 2, a của CEDAW quy định các quốc gia thành viên cần “đưa nguyên tắc bình đẳng nam nữ vào Hiến pháp quốc gia hoặc các văn bản pháp lý thích hợp khác nếu chưa đưa vào và bảo đảm việc thực hiện các nguyên tắc này trong thực tế bằng pháp luật và các biện pháp thích hợp khác”. Thực hiện nguyên tắc “Nhà nước CHXHCN Việt Nam tuân thủ điều ước quốc tế mà CHXHCN Việt Nam là thành viên” (Điều 3 của Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế), kể từ ngày Việt Nam trở thành quốc gia thành viên của CEDAW, hệ thống pháp luật Việt Nam đã không ngừng được bổ sung, sửa đổi và hoàn thiện theo hướng thể hiện ngày một đầy đủ, toàn diện hơn các nội dung của CEDAW trên cơ sở phù hợp với điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội và văn hoá trong từng giai đoạn phát triển của đất nước.

Dự án Luật bình đẳng giới đang được xây dựng với quan điểm chỉ đạo “nội luật hóa các quy định phù hợp trong các Công ước quốc tế về quyền con người, đặc biệt là CEDAW” một lần nữa khẳng định Việt Nam nghiêm túc thực hiện cam kết tại Điều 2, a của CEDAW.

Nội luật hoá các quy định của CEDAW vào Dự án Luật bình đẳng giới cần tập trung vào những vấn đề gì và làm như thế nào? Theo chúng tôi, trước tiên và quan trọng nhất là phải nội luật hoá các nguyên tắc cơ bản, nền tảng của CEDAW, bởi vì, tất cả các điều khoản còn lại của CEDAW đều được xây dựng dựa trên các nguyên tắc này. Đó là:

Nguyên tắc không phân biệt đối xử với phụ nữ

Quan niệm phân biệt đối xử với phụ nữ được quy định tại Điều 1 của CEDAW, bao gồm  bất kỳ sự phân biệt, loại trừ hay hạn chế nào dựa trên cơ sở giới tính làm ảnh hưởng hoặc nhằm mục đích làm tổn hại, vô hiệu hoá việc phụ nữ được công nhận, hưởng thụ hay thực hiện các quyền con người và những tự do cơ bản trong lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá, dân sự và các lĩnh vực khác trên cơ sở bình đẳng nam nữ. Từ thực tiễn thi hành CEDAW, Uỷ ban CEDAW của Liên hợp quốc đã khuyến nghị các nước thành viên không chỉ xoá bỏ các hình thức phân biệt đối xử rõ ràng, thể hiện chính thức trong hệ thống pháp luật quốc gia hay trong các quy phạm xã hội khác, mà còn phải đặc biệt lưu ý đến các hành vi phân biệt đối xử trên cơ sở giới tính ở dạng “ẩn”, không chính thức nhưng tồn tại dai dẳng trong nhận thức, thói quen, văn hoá ứng xử của các cá nhân, tổ chức. Ví dụ: việc phá bỏ thai nhi với những lý do khác nhau như sức khoẻ, tuổi tác, điều kiện gia đình … nhưng thực chất là vì lý do giới tính nữ của thai nhi, dẫn đến hiện tượng mất cân bằng nghiêm trọng tỉ lệ sinh tự nhiên của bé trai và bé gái ở nhiều nước thuộc khu vực châu á, trong đó có Việt Nam.

Nguyên tắc bình đẳng thực chất giữa nam và nữ

Vấn đề cốt lõi, quan trọng nhất tạo nên sự tiến bộ có tính chất cách mạng trong nguyên tắc bình đẳng nam nữ của CEDAW chính là việc CEDAW thừa nhận rằng, giữa nam và nữ ở mọi nơi trên thế giới vẫn luôn tồn tại sự khác biệt về giới tính (khác biệt tự nhiên) và giới (khác biệt về xã hội) cho nên các quy định bình đẳng nam nữ không tính đến những sự khác biệt này (còn gọi là các quy phạm pháp luật trung tính về giới) trong nhiều trường hợp sẽ tác động không giống nhau đối với nam và nữ.  Điều đó dẫn đến kết quả là, trên thực tế, nam, nữ không được thụ hưởng bình đẳng như nhau những lợi ích có được từ quy định mang tính bình đẳng đó. Để góp phần khắc phục khoảng cách giữa bình đẳng trong quy định pháp luật và bất bình đẳng trên thực tế, Điều 4 của CEDAW đã đưa ra một nguyên tắc rất tiến bộ, đó là quy định việc các nước thành viên thông qua những biện pháp đặc biệt tạm thời nhằm mục tiêu thúc đẩy nhanh bình đẳng thực chất giữa nam và nữ sẽ không bị coi là phân biệt đối xử theo định nghĩa tại Điều 1 của Công ước.

Tính chất đặc biệt (chỉ quy định riêng cho một giới để thúc đẩy bình đẳng trên thực tế) và tính chất tạm thời (chỉ được áp dụng trong những điều kiện nhất định, trong một thời hạn nhất định khi chưa đạt được mục tiêu bình đẳng về cơ hội và ứng xử) của cỏc biện pháp này đòi hỏi các quốc gia thành viên phải thường xuyên rà soát việc áp dụng và đánh giá hiệu quả của các biện pháp, đồng thời chấm dứt các biện pháp đó khi mục tiêu bình đẳng về cơ hội và đối xử đã đạt được. Cũng theo Điều 4 thì, việc các nước thành viên thông qua những biện pháp đặc biệt nhằm bảo vệ người mẹ sẽ không bị coi là phân biệt đối xử.

Nguyên tắc bình đẳng nam nữ với việc cho phép áp dụng các biện pháp đặc biệt tạm thời của CEDAW đã thực sự trở thành một công cụ hữu hiệu, mạnh mẽ, rất cần thiết đối với nhiều quốc gia thành viên để thúc đẩy nhanh việc thực hiện mục tiêu bình đẳng thực chất, khắc phục những hậu quả dai dẳng của sự phân biệt đối xử với phụ nữ trong một số lĩnh vực. Ví dụ rõ nhất là nhiều quốc gia đã đưa ra và duy trì trong những giai đoạn nhất định quy định tỉ lệ bắt buộc số ứng cử viên nữ hoặc số đại biểu quốc hội nữ trong các kỳ bầu cử để bảo đảm có được tỉ lệ thích hợp đại diện nam và nữ trong các cơ quan đại diện nhân dân khi thực hiện việc hoạch định chính sách, pháp luật, nhờ đó, thúc đẩy nhanh hơn mục tiêu bình đẳng nam, nữ trong lĩnh vực chính trị.

Theo nguyên tắc này, các quốc gia thành viên khi hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật trong từng lĩnh vực luôn phải trả lời các câu hỏi sau:

1) Đã có quy định bình đẳng chung cho cả nam và nữ chưa? Những quy định bình đẳng này là cái tối thiểu, không thể thiếu để bảo đảm về mặt pháp lý quyền bình đẳng nam, nữ. Nếu đã có rồi thì trên thực tế, quy định đó có tác động như nhau đối với nam, nữ không? Nếu không thì vì lý do gì? 

2) Đã có các quy định riêng cho nữ để bảo đảm nữ vẫn được hưởng thụ một cách bình đẳng các cơ hội, các quyền và lợi ích trong khi thực hiện thiên chức riêng của người mẹ là mang thai và sinh con chưa? (theo Điều 4 của CEDAW về các biện pháp đặc biệt để bảo vệ người mẹ).

3) Đã có những quy định đặc biệt cần thiết để thúc đẩy nhanh sự bình đẳng thực chất trong những lĩnh vực còn tồn tại sự phân biệt đối xử với phụ nữ, sự bất bình đẳng của nữ so với nam chưa? Những biện pháp đặc biệt đó được áp dụng trong những điều kiện, hoàn cảnh, thời gian nào? (theo Điều 4 của CEDAW về các biện pháp đặc biệt tạm thời).

Như vậy, nhóm quy phạm thứ nhất là bắt buộc để bảo đảm sự bình đẳng pháp lý giữa nam và nữ nhưng trên thực tế, trong một số trường hợp, có thể chỉ đạt được bình đẳng hình thức. Nhóm quy phạm thứ hai bảo đảm bình đẳng thực chất cho phụ nữ khi thực hiện chức năng làm mẹ, do đó có tính ổn định, lâu dài. Nhóm quy phạm thứ ba nhằm thúc đẩy bình đẳng thực chất cho phụ nữ trong những lĩnh vực cụ thể, trong những điều kiện kinh tế – xã hội cụ thể và do đó, phải được coi chỉ là biện pháp tạm thời.

Nguyên tắc trách nhiệm quốc gia

Nguyên tắc này đòi hỏi các quốc gia thành viên phải bằng mọi biện pháp pháp luật (lập pháp, hành pháp, tư pháp), biện pháp tổ chức, biện pháp giáo dục, vận động để ghi nhận, bảo đảm thực thi bình đẳng nam nữ, xóa bỏ mọi sự phân biệt đối xử với phụ nữ; huy động mọi nguồn lực trong nước và quốc tế cho việc thực hiện mục tiêu bình đẳng nam nữ. Định kỳ bốn năm một lần, các quốc gia thành viên phải lập báo cáo chính thức gửi Uỷ ban CEDAW của Liên hợp quốc về kết quả thực hiện CEDAW tại nước mình, những tiến bộ đã đạt được và những khó khăn, cản trở trong việc đạt tới mục tiêu bình đẳng nam nữ, xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ.

Ba nguyên tắc cơ bản này của CEDAW có mối quan hệ logic, chặt chẽ và được thể hiện xuyên suốt trong tất cả sáu lĩnh vực mà CEDAW đề cập tới, đó là lĩnh vực chính trị, lao  động, giáo dục, chăm sóc sức khoẻ,  kinh tế và đời sống dân sự.

Câu hỏi đặt ra là tại sao Luật bình đẳng giới cần nội luật hoá các nguyên tắc cơ bản của CEDAW và nội luật hoá như thế nào?

Trả lời câu hỏi thứ nhất, Luật bình đẳng giới cần nội luật hoá các nguyên tắc cơ bản của CEDAW bởi vì cho đến nay, mặc dù nguyên tắc bình đẳng nam nữ, không phân biệt đối xử với phụ nữ đã được khẳng định trong hệ thống pháp luật Việt Nam, từ Hiến pháp đến các văn bản quy phạm pháp luật khác trong nhiều lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội, nhưng vẫn chưa có văn bản nào thể hiện một cách tập trung, đầy đủ và chính xác tinh thần, nội dung của các nguyên tắc cơ bản của CEDAW, đặc biệt là nguyên tắc không phân biệt đối xử với phụ nữ và nguyên tắc bình đẳng thực chất của CEDAW. Phân tích kỹ trong từng lĩnh vực, ví dụ, trong pháp luật lao động, có thể thấy, chúng ta đã có cả ba nhóm quy phạm pháp luật quy định: 1) bình đẳng nam nữ trong lao động (làm công việc như nhau thì hưởng lương như nhau…); 2) những chế độ ưu đãi áp dụng riêng cho lao động nữ gắn liền với việc người lao động nữ thực hiện thiên chức riêng của người mẹ như chế độ thai sản của lao động nữ; 3) những chế độ áp dụng riêng đối với lao động nữ (ví dụ: chế độ tuổi hưu của nữ sớm hơn nam giới 5 năm; hạn chế, cấm sử dụng lao động nữ trong một số ngành nghề nặng, nguy hiểm, nhiều độc hại…) với mục đích bảo vệ lao động nữ trong những điều kiện bảo hộ lao động, bảo hiểm xã hội còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên, việc xác lập nhóm quy phạm thứ ba chưa được nhìn nhận theo quan điểm của CEDAW như những biện pháp đặc biệt chỉ được áp dụng tạm thời vì, bên cạnh tác động tích cực đối với việc bảo đảm quyền lợi của phụ nữ trong điều kiện phát triển còn thấp của nền kinh tế- xã hội, những biện pháp đó, trên thực tế, cũng đặt ra những sự phân biệt đối xử, rào cản hạn chế sự bình đẳng về cơ hội tiếp cận việc làm, cơ hội phát triển của nữ so với nam (ví dụ tuổi được tham gia đào tạo, đề bạt của nữ đều bị hạn chế do tuổi về hưu thấp hơn …).

Theo yêu cầu của CEDAW, nhà nước có trách nhiệm thường xuyên rà soát để chấm dứt các biện pháp đặc biệt tạm thời này khi điều kiện kinh tế – xã hội đã thay đổi, mục tiêu bình đẳng có thể đạt được không cần đến sự hỗ trợ đặc biệt nữa.

Trả lời câu hỏi thứ hai, theo chúng tôi, Dự án Luật bình đẳng giới phải chuyển hoá các nguyên tắc của CEDAW theo các cách thức sau:

Một là, các nguyên tắc về bình đẳng giới phải được đưa vào phạm vi điều chỉnh của Luật.

Hai là, trong phần Những quy định chung, Dự án luật phải dành một điều khoản quy định các nguyên tắc cơ bản về bình đẳng giới, trong đó thể hiện đầy đủ, đúng đắn các nguyên tắc cơ bản của CEDAW.

Ba là, Dự  án luật phải thể hiện nhất quán các nguyên tắc đó trong các chương, điều xử lý những vấn đề cụ thể trong từng lĩnh vực cũng như trong những quy định và trách nhiệm của nhà nước, xã hội.

Bốn là, trong điều khoản về giải thích thuật ngữ, cần giải thích rõ khái niệm phân biệt đối xử đối với phụ nữ; khái niệm biện pháp đặc biệt tạm thời phù hợp với tinh thần của CEDAW.

2. Quan điểm “xác định rõ vị trí của Luật bình đẳng giới trong hệ thống pháp luật, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất trong hệ thống pháp luật”

Khi đánh giá về những bất cập của các quy định pháp luật hiện hành về bình đẳng giới, Ban soạn thảo cho rằng: nguyên tắc bình đẳng và không phân biệt đối xử giữa nam và nữ chưa được quán triệt toàn diện, đồng bộ, triệt để trong các văn bản quy phạm pháp luật; một số quy định bình đẳng còn chung chung, trung tính về giới (không tính đến sự khác biệt về giới tính của nam và nữ); một số quy định riêng cho nữ chỉ theo hướng “ưu tiên” chứ chưa bảo đảm bình đẳng về cơ hội, năng lực; một số quy định khác mang tính phân biệt đối xử (ví dụ: tuổi về hưu của lao động nữ thấp hơn nam) hạn chế sự bình đẳng cả về cơ hội lẫn hưởng thụ của phụ nữ nhưng không được xem xét sửa đổi…[1]. Điều đó cho thấy, nguyên tắc không phân biệt đối xử và bình đẳng thực chất của CEDAW chưa trở thành phương pháp tiếp cận và xử lý chung các vấn đề bình đẳng giới trong hệ thống pháp luật Việt Nam.

Có thể tham khảo nguyên tắc xử lý mối quan hệ giữa CEDAW với pháp luật quốc gia của các thành viên cũng như với các điều ước quốc tế khác. Trong quan hệ với pháp luật quốc gia, một mặt CEDAW yêu cầu các quốc gia thành viên phải đưa vào Hiến pháp và các văn bản pháp luật thích hợp khác các nguyên tắc của CEDAW (Điều 2), mặt khác, khẳng định các quy định của CEDAW không ảnh hướng đến bất kỳ quy định nào có lợi hơn cho việc thực hiện bình đẳng nam nữ trong pháp luật quốc gia  (Điều 23, a). Trong quan hệ với các công ước quốc tế, hiệp ước và thoả thuận quốc tế khác (văn bản đồng cấp hiệu lực) CEDAW cũng tuân thủ nguyên tắc ưu tiên thi hành các quy định “có lợi hơn cho thực hiện bình đẳng nam nữ”.

Trong hệ thống pháp luật quốc gia, các quy định về bình đẳng nam nữ trong Hiến pháp có giá trị cao nhất, mọi văn bản khác không được trái với Hiến pháp. Khi phê chuẩn CEDAW (không bảo lưu điều khoản nào về nội dung), Nhà nước ta đã chính thức thừa nhận các nguyên tắc và quy định của CEDAW là phù hợp với nguyên tắc bình đẳng nam nữ trong Hiến pháp. Vì vậy, việc Luật bình đẳng giới chuyển hoá một cách đầy đủ, chính xác các nguyên tắc cơ bản của CEDAW thành các nguyên tắc cơ bản về bình đẳng giới của Việt Nam chính là sự bảo đảm tính hợp hiến của các nguyên tắc này.

Vấn đề tiếp theo là các nguyên tắc cơ bản cần được bảo đảm trong hệ thống pháp luật như thế nào và phải xử lý ra sao đối với các quy định trong các luật khác trái với các nguyên tắc của Luật bình đẳng giới? Hiện nay, khái niệm và quan điểm về mối quan hệ giữa luật chung và luật riêng trong áp dụng pháp luật còn chưa thống nhất và cũng chưa được luật hoá thành nguyên tắc chung. Vì vậy, theo chúng tôi, để bảo đảm các nguyên tắc cơ bản của bình đẳng giới được tôn trọng và thể hiện thống nhất trong hệ thống pháp luật, cần bổ sung một nguyên tắc trong Luật bình đẳng giới, đó là: nếu có quy định trong các luật khác trái với nguyên tắc cơ bản của Luật bình đẳng giới thì áp dụng quy định của Luật bình đẳng giới.

Điều đó có nghĩa là, về mặt kỹ thuật lập pháp, đồng thời với Dự án Luật bình đẳng giới, Ban soạn thảo cần trình Quốc hội một danh mục các điều khoản trong các luật hiện hành trái với các nguyên tắc cơ bản về bình đẳng giới trong Dự án Luật để Quốc hội xem xét, ra nghị quyết về việc rà soát sửa đổi các luật liên quan để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của pháp luật về bình đẳng giới (kinh nghiệm của Canada cho thấy, phải mất ba năm cho công việc này sau khi Luật Bình đẳng giới được Quốc hội thông qua[2]). Trong thời gian chuyển tiếp đó, sẽ áp dụng nguyên tắc ưu tiên quy định của Luật bình đẳng giới. Các đạo luật có chứa các quy định về bình đẳng giới được ban hành sau Luật bình đẳng giới phải được xem xét, cân nhắc cho phù hợp với các nguyên tắc của Luật bình đẳng giới ngay trong quá trình soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, thông qua. Đồng thời, cũng cần cân nhắc về nguyên tắc ưu tiên thi hành quy định có lợi hơn cho bình đẳng giới trong các văn bản đồng cấp hiệu lực với Luật bình đẳng giới.

3. Quan điểm “Xác định rõ bình đẳng giới trong các lĩnh vực còn khoảng cách giới và các biện pháp thực hiện, bảo đảm bình đẳng giới trong xây dựng chính sách và hoạt động của cơ quan, tổ chức, các cấp, các ngành” và các khyến nghị của Uỷ ban CEDAW đối với việc hoàn thiện pháp luật,  thực thi CEDAW tại Việt Nam

Uỷ ban CEDAW của Liên hợp quốc trong bản kết luận và khuyến nghị đối với Việt Nam sau khi xem xét báo cáo quốc gia về thực hiện CEDAW tại Việt Nam năm 2001 đã ghi nhận “Uỷ ban bày tỏ sự quan ngại về việc có khoảng cách đáng kể giữa nỗ lực của quốc gia nhằm bảo đảm bình đẳng nam nữ trên phương diện pháp lý với việc thụ hưởng sự bình đẳng trên thực tế, đặc biệt trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội và chính trị” [3]. 

Các lĩnh vực cụ thể mà Uỷ ban CEDAW cho rằng còn khoảng cách giới lớn ở Việt Nam  là tham chính, giáo dục, hôn nhân và bạo lực gia đình, chăm sóc sức khoẻ sinh sản, kinh tế và lao động. Nhiều giải pháp khắc phục được Uỷ ban CEDAW khuyến nghị với nhà nước Việt Nam trong đó có việc áp dụng các biện pháp đặc biệt tạm thời theo đoạn 1 Điều 4 của CEDAW (ví dụ: để đạt được mục đích tăng số lượng phụ nữ tham gia vào quá trình ra quyết định ở tất cả các cấp và trên tất cả các lĩnh vực).

Theo quan điểm chỉ đạo nêu trên, chúng tôi hiểu là Luật bình đẳng giới không quy định về bình đẳng giới trong tất cả các lĩnh vực mà chỉ tập trung vào một số lĩnh vực được xác định là còn sự bất bình đẳng, sự phân biệt đối xử với phụ nữ theo tinh thần Hiến pháp và CEDAW. Thiết nghĩ, Luật bình đẳng giới nên tham khảo cách CEDAW giải quyết vấn đề xoá bỏ sự phân biệt đối xử  với phụ nữ trong từng lĩnh vực cụ thể: nhận diện và nêu chính xác vấn đề còn sự phân biệt đối xử, bất bình đẳng; nguyên tắc và giải pháp cụ thể cần áp dụng để giải quyết từng vấn đề (bao gồm cả biện pháp đặc biệt tạm thời nếu cần thiết). Theo chúng tôi, đây là phương pháp làm luật tốt, đáp ứng được yêu cầu về tính cụ thể, có thể thi hành ngay của Luật, giảm bớt luật khung và  giảm bớt việc ban hành văn bản hướng dẫn của Chính phủ.

Nhìn từ góc độ trách nhiệm thực thi CEDAW thì ba quan điểm nêu ở đây có mối quan hệ khá chặt chẽ: nếu Luật bình đẳng giới “nội luật hoá” đầy đủ, đúng đắn các nguyên tắc cơ bản của CEDAW và các nguyên tắc riêng của Việt Nam thì nó sẽ giữ vai trò rất quan trọng của một đạo luật chuyên về bình đẳng giới, là công cụ pháp lý hữu hiệu để bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và thống nhất trong hệ thống pháp luật Việt Nam về bình đẳng giới và  là căn cứ pháp lý để khắc phục các khoảng cách giới trong từng lĩnh vực riêng, cụ thể.g


[1] Xem Tờ trình số 203/TTr-BCH ngày 20/3/2006 về Dự án Luật bình đẳng giới của Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam.

[2] 2 Xem – Elizabeth Sheely  và Natalia Des Rosies-  Cấu trúc của Luật- phương pháp tiếp cận bằng một luật- Kỷ yếu Hội thảo Pháp luật về Bình đẳng giới, Hội An, tháng 4/2006.

[3] 3 Sách “Kết luận và khuyến nghị của Uỷ ban về quyền trẻ em và Uỷ ban CEDAW của Liên hợp  quốc” do UNICEF xuất bản.

SOURCE: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU LẬP PHÁP SỐ 75, THÁNG 5 NĂM 2006

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading