THS. NGUYỄN VĂN CƯƠNG - Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp
1. Nhận diện một thông lệ
Thực hiện chủ trương xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân ở nước ta, trong những năm qua, công tác xây dựng pháp luật nói chung và ban hành các đạo luật nói riêng được đặc biệt tăng cường. Nếu như trước năm 1986, trong mỗi khoá Quốc hội chỉ một vài đạo luật được ban hành, thì kể từ khi đất nước tiến hành đường lối đổi mới, số lượng luật, bộ luật được Quốc hội thông qua tăng lên đáng kể. Chẳng hạn, chỉ tính riêng Quốc hội khoá X (nhiệm kỳ 1997-2002), Quốc hội đã ban hành được gần 40 luật, bộ luật. Trong khoá Quốc hội đó, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ban hành được hơn 40 pháp lệnh. Quốc hội khoá XI (nhiệm kỳ 2002-2007) đã ban hành được hơn 80 luật, bộ luật (gấp đôi số lượng đạo luật được Quốc hội khoá X ban hành). Ủy ban thường vụ Quốc hội khoá XI cũng ban hành được hơn 30 pháp lệnh.
Nếu rà soát kỹ các đạo luật hoặc pháp lệnh được Quốc hội hoặc Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành trong thời gian qua, có thể dễ dàng nhận thấy đặc điểm cơ bản là số lượng các đạo luật có quy định các biện pháp chế tài đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định pháp luật thường chỉ được khu biệt vào một số đạo luật hoặc pháp lệnh[1]. Cụ thể:
Chế tài về dân sự (buộc bồi thường thiệt hại, buộc chấm dứt thực hiện hành vi nhất định hoặc buộc phải thực hiện những hành vi nhất định, phạt vi phạm nghĩa vụ dân sự v.v..) được tập trung quy định trong Bộ luật Dân sự[2]. Riêng chế tài dân sự đối với các hành vi vi phạm hợp đồng trong lĩnh vực thương mại được quy định trong Luật Thương mại[3].
Chế tài lao động (hoặc chế tài kỷ luật) được quy định tập trung trong Bộ luật Lao động năm 1994[4] với các hình thức như cảnh cáo, khiển trách, hạ bậc lương, buộc thôi việc v.v.. Riêng chế tài lao động áp dụng cho cán bộ, công chức, viên chức nhà nước còn được quy định trong Pháp lệnh Cán bộ, công chức.
Chế tài hành chính được quy định thống nhất bởi Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính[5] với các hình thức như cảnh cáo, phạt tiền với mức phạt không quá 500.000.000 đồng, buộc chấm dứt hành vi vi phạm v.v..
Chế tài hình sự (hình phạt) chỉ được quy định duy nhất trong một đạo luật, đó là Bộ luật Hình sự. Điều 2 của Bộ luật này quy định rõ: Chỉ người nào phạm một tội đã được Bộ luật Hình sự quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự. Theo quy định đó, Bộ luật Hình sự là nguồn duy nhất của pháp luật hình sự nước ta, không một văn bản pháp luật nào khác được quy định về tội phạm và hình phạt.
Ngoài ra, một điểm cũng cần lưu ý ở đây là ngay bản thân các đạo luật và văn bản vừa nêu, mỗi loại văn bản thường chỉ quy định một loại biện pháp chế tài. Việc một đạo luật quy định đồng thời nhiều loại biện pháp chế tài (tức là bao gồm cả chế tài dân sự, chế tài hành chính hoặc chế tài hình sự v.v..) là một điều rất không bình thường ở nước ta.
Có thể nhận thấy rằng, các đạo luật quy định biện pháp chế tài vừa nêu (Bộ luật Dân sự, Luật Thương mại, Bộ luật Lao động, Bộ luật Hình sự) là các đạo luật có tầm quan trọng đặc biệt trong hệ thống pháp luật. Đây cũng là đặc điểm chung của các hệ thống pháp luật trên thế giới, nhất là ở các quốc gia theo hệ thống luật thành văn[6].
Ngoài các văn bản vừa nêu, các đạo luật hoặc pháp lệnh khác, nhất là các đạo luật điều chỉnh các lĩnh vực cụ thể của đời sống kinh tế, xã hội ở nước ta thường không quy định các biện pháp chế tài đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm. Thay vào đó, các đạo luật và pháp lệnh sử dụng một mô típ chung khi dành 01 hoặc 02 điều gần cuối của đạo luật hoặc pháp lệnh để quy định về xử lý vi phạm theo hướng dẫn chiếu tới các đạo luật có quy định chế tài. Trong nghiên cứu này, chúng tôi gọi chung các văn bản này là các đạo luật thiếu chế tài. Dưới đây là một số ví dụ:
Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 (Điều 125): “(1) Người nào vi phạm quy định của luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật; (2) Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn vi phạm các quy định về cấp giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép đặt văn phòng đại diện của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm nước ngoài tại Việt Nam, quản lý nhà nước về kinh doanh bảo hiểm và các quy định khác của luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”.
Luật Doanh nghiệp năm 2005 (Điều 165): “1. Người có hành vi vi phạm các quy định của luật này thì tuỳ theo tính chất và mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật; trường hợp gây thiệt hại đến lợi ích của doanh nghiệp, chủ sở hữu, thành viên, cổ đông, chủ nợ của doanh nghiệp hoặc người khác thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”.
Luật Đầu tư năm 2005 (Điều 87): “(1) Người có hành vi vi phạm luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan đến hoạt động đầu tư thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật; (2) Người lợi dụng chức vụ, quyền hạn cản trở hoạt động đầu tư; có hành vi sách nhiễu, gây phiền hà đối với nhà đầu tư; không giải quyết kịp thời yêu cầu của nhà đầu tư theo quy định; không thực thi các công vụ khác do pháp luật quy định thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự”.
Các quy định tương tự có thể tìm thấy trong những đạo luật khác.
Như vậy, nếu không phải là Bộ luật Dân sự, Luật Thương mại, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Lao động, Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính, các đạo luật điều chỉnh từng lĩnh vực hoạt động cụ thể của đời sống kinh tế – xã hội thường không quy định các biện pháp chế tài áp dụng cho chủ thể có hành vi vi phạm. Có thể khẳng định, đây là một thông lệ trong quá trình xây dựng pháp luật ở nước ta thời gian qua. Thông lệ ấy chi phối không chỉ công tác xây dựng, áp dụng pháp luật mà cả công tác nghiên cứu, tìm hiểu, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.
Đối với công tác xây dựng pháp luật, khi được giao nhiệm vụ soạn thảo một dự án luật điều chỉnh một lĩnh vực cụ thể của đời sống kinh tế – xã hội, các Ban soạn thảo sẽ chỉ tập trung luận giải nhu cầu xây dựng đạo luật, các quy định cụ thể mà các tổ chức, cá nhân cần tuân thủ chứ không cần thiết kế hệ thống chế tài dân sự, hành chính, hình sự hoặc kỷ luật nếu các chủ thể đó có hành vi vi phạm.
Đối với công tác áp dụng pháp luật, khi muốn chọn lựa các biện pháp chế tài để áp dụng cho các hành vi vi phạm, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ phải dựa vào các đạo luật quy định chế tài để tìm ra giải pháp phù hợp.
Đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, khi muốn tìm hiểu các quy định pháp luật mình cần tuân thủ, những hậu quả bất lợi mà mình có thể phải gánh chịu khi không tuân thủ pháp luật, người dân, doanh nghiệp không chỉ phải tìm hiểu các quy định trong các đạo luật điều chỉnh ngành, lĩnh vực mình quan tâm mà còn phải tìm hiểu cả các quy định trong đạo luật quy định biện pháp chế tài (Bộ luật Dân sự, Luật Thương mại, Bộ luật Hình sự v.v..).
Vậy, thông lệ xây dựng các đạo luật hoặc pháp lệnh thiếu chế tài như vậy có ưu và bất lợi như thế nào? Liệu thông lệ ấy có đáp ứng được những đòi hỏi của thực tiễn cải cách, đổi mới ở nước ta hiện nay hay không?
2. Đánh giá về thông lệ
Có thể nói, việc các biện pháp chế tài chỉ được tập trung quy định vào một số đạo luật như đã kể trên có những ích lợi nhất định.
Ích lợi thứ nhất là phòng ngừa sự lạm dụng trong việc quy định các biện pháp chế tài. Khi mà các biện pháp chế tài chỉ được tập trung quy định trong một vài đạo luật cơ bản của hệ thống pháp luật thì việc quy định các biện pháp chế tài đối với các hành vi vi phạm luôn được quản lý rất chặt chẽ. Việc rà soát, hệ thống hoá các biện pháp chế tài, đánh giá tính thống nhất của hệ thống chế tài ấy sẽ đơn giản hơn.
Ích lợi thứ hai là sự đơn giản hoá công tác xây dựng pháp luật. Đạo luật không có chế tài thường có dung lượng nhỏ hơn đạo luật có quy định chế tài. Chính vì thế, xây dựng các đạo luật thiếu các biện pháp chế tài sẽ tiết kiệm được thời gian, công sức hơn cho cơ quan được giao chủ trì soạn thảo (thường là các Bộ quản lý chuyên ngành), cho chính Quốc hội trong việc thảo luận và thông qua các đạo luật.
Tuy nhiên, cách xây dựng các đạo luật như vậy cũng có nhiều điểm bất lợi nhất định. Chúng ta hãy xét từ một thực tiễn xây dựng pháp luật ở nước ta: Năm 1993, Luật Bảo vệ môi trường đầu tiên của Việt Nam được ban hành. Đây là đạo luật thiếu chế tài. Đạo luật này hoàn toàn không quy định về các biện pháp chế tài (dân sự, hành chính, hình sự) áp dụng cho chủ thể có hành vi vi phạm. Điều cần lưu ý là khi xây dựng luật này, trong hệ thống pháp luật nước ta chưa có Bộ luật Dân sự (vì thế, chưa có đạo luật nào quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi gây ô nhiễm môi trường gây ra). Khi xây dựng luật này, việc xử lý về hình sự đối với các hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường, gây thiệt hại lớn cho môi trường cũng chưa được quy định (vì phải tới năm 1999, các tội trong lĩnh vực môi trường mới được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 1999). Như vậy là, để áp dụng đầy đủ tinh thần của Luật Bảo vệ môi trường năm 1993 thì phải đợi cho đến năm 1999 khi Bộ luật Hình sự mới được ban hành. Rõ ràng, ví dụ vừa nêu minh chứng cho nhiều điểm bất lợi của việc xây dựng các đạo luật thiếu chế tài. Cụ thể:
Bất lợi thứ nhất là sự thiếu kịp thời trong cơ chế điều chỉnh pháp luật. Chúng ta đều biết pháp luật là một bộ phận quan trọng trong cơ chế điều chỉnh pháp luật. Việc xây dựng các đạo luật, các quy định mới trong hệ thống pháp luật (để hướng dẫn, khuôn mẫu hành vi của các tổ chức, cá nhân trong xã hội) chỉ đặt ra khi xã hội có nhu cầu điều chỉnh pháp luật. Khi nảy sinh nhu cầu điều chỉnh pháp luật, để việc điều chỉnh được toàn diện, đầy đủ, thì việc chỉ tồn tại các quy phạm mang tính chất hướng dẫn tổ chức, cá nhân nên ứng xử như thế này hay thế khác là không đủ. Các quy định thiếu chế tài sẽ chỉ là các khẩu hiệu trống rỗng. Việc chấp nhận các đạo luật thiếu chế tài tất yếu dẫn đến tình trạng dẫn chiếu đến nhau (đạo luật thiếu chế tài phải dẫn chiếu đến các đạo luật quy định chế tài) giữa các đạo luật trong hệ thống pháp luật. Trong bối cảnh, các đạo luật có liên quan đến nhau thường không được sửa đổi, bổ sung đồng thời, một đạo luật thiếu chế tài muốn được thực thi đầy đủ sẽ phải chờ đợi các đạo luật quy định chế tài có sự sửa đổi tương ứng. Điều này có nghĩa là, chấp nhận xây dựng các đạo luật thiếu chế tài sẽ dẫn đến tình trạng luật chờ luật để tạo ra cơ chế điều chỉnh pháp luật hoàn chỉnh.
Ngạn ngữ phương Tây có một câu nói rất chí lý rằng: Công lý bị trì hoãn là công lý bị từ chối”[7]. Nói một cách nôm na rằng, việc không thực thi kịp thời công lý cũng chính là sự ủng hộ đối với sự bất công. Trong ngạn ngữ của phương Đông về cách xử lý công việc, chúng ta đều biết rằng, hãy rèn sắt khi còn nóng. Nói cách khác, khi nhu cầu điều chỉnh pháp luật đã phát sinh, thì việc đáp ứng nhu cầu ấy phải kịp thời và toàn diện. Tình trạng luật chờ luật với tư cách là hệ quả của việc xây dựng các đạo luật thiếu chế tài rõ ràng không có lợi đối với việc điều chỉnh pháp luật.
Tình trạng luật chờ luật trong việc thiết kế cơ chế điều chỉnh pháp luật hoàn chỉnh còn làm cho chất lượng xây dựng các đạo luật có chế tài bị ảnh hưởng. Chẳng hạn, khi xây dựng Luật Bảo vệ môi trường, khi được nghe thuyết trình khá toàn diện về nhu cầu điều chỉnh pháp luật trong lĩnh vực này, nhu cầu bảo vệ môi trường trước những thách thức mà sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đang đặt ra, các nhà lập pháp sẽ có xu hướng ủng hộ các giải pháp bảo vệ môi trường ở mức cao. Tuy nhiên, tính thời sự như vậy có thể sẽ không còn được phản ánh đầy đủ khi quy định các tội phạm về môi trường tại thời điểm sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự cách thời điểm ban hành Luật Bảo vệ môi trường tới vài năm, khi mà người thảo luận và ban hành Bộ luật Hình sự có thể đã là các đại biểu Quốc hội của nhiệm kỳ khác.
Bất lợi thứ hai là không cho phép các đạo luật điều chỉnh các lĩnh vực chuyên biệt của đời sống xã hội được quyền quy định các biện pháp chế tài có tính chất đặc thù, tương xứng với những đặc điểm riêng có của lĩnh vực mà đạo luật đó điều chỉnh. Điều này làm giảm tính tương thích của pháp luật khi điều chỉnh các lĩnh vực đặc thù của đời sống kinh tế -xã hội.
Bất lợi thứ ba là gây khó khăn cho công tác tìm hiểu pháp luật của người dân, doanh nghiệp và các tổ chức khác. Người dân khi muốn tìm hiểu pháp luật trong một lĩnh vực thì ngoài các quy định trong đạo luật điều chỉnh lĩnh vực mình quan tâm còn phải tìm hiểu cả các quy định về các biện pháp chế tài tương ứng trong Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự hoặc Bộ luật Lao động. Hệ quả đương nhiên kéo theo là sự khó khăn trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân.
3. Nhìn ra nước ngoài
Nếu chú ý phân tích một số đạo luật của các nước, chúng ta sẽ thấy, có thể có những gợi ý hay về giải pháp khắc phục tình trạng kể trên.
Nhiều đạo luật điều chỉnh các lĩnh vực chuyên biệt của đời sống kinh tế, xã hội có quy định khá chi tiết các biện pháp chế tài, thậm chí quy định cả các biện pháp chế tài hành chính hoặc hình sự.
Ví dụ, tại Canada, Luật Bảo vệ người tiêu dùng của bang Quebec không chỉ quy định các biện pháp bồi thường về mặt dân sự đối với hành vi của thương nhân vi phạm quyền lợi người tiêu dùng mà còn quy định các biện pháp phạt hành chính hoặc hình sự. Chẳng hạn, Điều 277 và 278 Luật Bảo vệ người tiêu dùng bang Quebec của Canada quy định: thương nhân vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin trong các cuộc điều tra của cơ quan bảo vệ người tiêu dùng thì bị phạt tiền ở mức từ 6.000 đôla đến 15.000 đô la (đối với thương nhân là cá nhân) hoặc bị phạt tiền từ 2.000 đô la đến 100.000 đô la (đối với thương nhân là các công ty). Trường hợp tái phạm, mức phạt sẽ được tăng gấp đôi[8].
Tại Pháp, các đạo luật điều chỉnh lĩnh vực cụ thể của đời sống, kinh tế – xã hội cũng có các quy định về biện pháp chế tài. Chẳng hạn, Điều L122-7 Bộ luật Bảo vệ người tiêu dùng của Pháp quy định: thương nhân không hoàn trả lại tiền đã giữ của người tiêu dùng khi người tiêu dùng hoàn trả lại hàng hoá không đạt yêu cầu thì bị phạt tiền đến 30.000 quan và bị phạt tù đến 1 năm”[9].
Điều L335-4 Bộ luật Sở hữu trí tuệ của Pháp quy định: người nào sao chụp và phát hành ra công chúng các chương trình biểu diễn nghệ thuật mà không được phép… thì bị phạt tù đến 2 năm và bị phạt tiền đến 150.000 Euro[10].
Điều L310-28 Bộ luật Bảo hiểm của Pháp quy định: người quản lý điều hành của công ty bảo hiểm… mà không cung cấp trung thực thông tin cho cơ quan quản lý bảo hiểm mặc dù đã có yêu cầu chính thức… thì bị phạt tù đến 2 năm và bị phạt tiền đến 2.000.000 quan[11].
Có thể một số người sẽ cảm thấy rất ngạc nhiên khi biết rằng, trong Bộ luật Thương mại của Pháp ngoài các quy định về biện pháp chế tài có tính dân sự lại có các quy định về hình phạt. Chẳng hạn, Điều L123-5 Bộ luật Thương mại của Pháp quy định: người nào cung cấp thông tin gian dối trong quá trình tiến hành các thủ tục đăng ký thương mại mà không ngay tình thì bị phạt đến 30.000 quan hoặc bị phạt tù đến 6 tháng”[12]. Điều L241-2 Bộ luật Thương mại của Pháp quy định: người quản lý điều hành nào phát hành chứng khoán mà vi phạm quy định của Bộ luật này thì bị phạt tù đến 6 tháng hoặc bị phạt tiền đến 60.000 quan. Điều L241-2 Bộ luật Thương mại của Pháp quy định: người có trách nhiệm triệu tập đại hội thành viên hoặc đại hội cổ đông mà không thực hiện việc triệu tập trong vòng 6 tháng kể từ khi kết thúc năm tài chính thì bị phạt tù đến 6 tháng hoặc bị phạt tiền đến 60 ngàn quan v.v…
Tại Hoa Kỳ, các đạo luật điều chỉnh các lĩnh vực cụ thể của đời sống kinh tế, xã hội cũng có các quy định về biện pháp chế tài. Chẳng hạn, trong lĩnh vực kiểm soát độc quyền, Luật Sherman quy định: người nào cấu kết với nhau để bóp nghẹt, cản trở hoạt động thương mại thì bị phạt tiền đến 10.000.000 đô la nếu người vi phạm là công ty, bị phạt tiền đến 350.000 đô la nếu người vi phạm là cá nhân, hoặc bị phạt tù đến 3 năm hoặc bị áp dụng cả hai loại hình phạt. Đạo luật này cũng cho phép những người bị thiệt hại từ hành vi cản trở cạnh tranh được yêu cầu doanh nghiệp vi phạm bồi thường thiệt hại ở mức 3 lần thiệt hại thực tế mà những người này phải gánh chịu[13].
Như vậy, các nhà lập pháp của các quốc gia vừa nêu sẵn sàng xây dựng các đạo luật điều chỉnh các lĩnh vực cụ thể của đời sống kinh tế, xã hội với các biện pháp chế tài cụ thể mà không phải lệ thuộc quá nhiều vào các quy định trong pháp luật dân sự hoặc pháp luật hình sự. Cách xây dựng luật như thế rõ ràng sẽ khắc phục được những điều bất cập của việc xây dựng các đạo luật thiếu chế tài.
4. Một vài nỗ lực cải cách của Việt Nam
Thực ra, trong thực tế xây dựng luật ở nước ta thời gian qua, các nhà làm luật đã chấp nhận cho phép các đạo luật điều chỉnh các lĩnh vực cụ thể của đời sống kinh tế, xã hội có quy định một số biện pháp chế tài đặc thù.
Chẳng hạn, Luật Cạnh tranh năm 2004 (Điều 117) quy định: Đối với mỗi hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh, tổ chức, cá nhân vi phạm có thể bị áp dụng hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền. Ngoài ra, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về cạnh tranh còn có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung như: a) Thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề; b) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm pháp luật về cạnh tranh. Thêm vào đó, tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về cạnh tranh còn có thể bị áp dụng một hoặc các biện pháp khắc phục hậu quả sau đây: a) Cơ cấu lại doanh nghiệp lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường; b) Chia, tách doanh nghiệp đã sáp nhập, hợp nhất; buộc bán lại phần doanh nghiệp đã mua; c) Cải chính công khai; d) Loại bỏ những điều khoản vi phạm pháp luật ra khỏi hợp đồng hoặc giao dịch kinh doanh; đ) Các biện pháp cần thiết khác để khắc phục tác động hạn chế cạnh tranh của hành vi vi phạm.
Đặc biệt, Điều 118 Luật Cạnh tranh còn quy định rõ mức phạt tiền đối với doanh nghiệp có hành vi vi phạm Luật Cạnh tranh, theo đó, đối với hành vi vi phạm quy định về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền hoặc tập trung kinh tế, cơ quan có thẩm quyền xử phạt có thể phạt tiền tối đa đến 10% tổng doanh thu của tổ chức, cá nhân vi phạm trong năm tài chính trước năm thực hiện hành vi vi phạm.
Rõ ràng, mức phạt tiền mà Luật Cạnh tranh quy định kể trên vượt quá mức phạt tiền tối đa (500.000.000 đồng) mà Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 đã quy định[14] trước đó, bởi lẽ các doanh nghiệp vi phạm Luật Cạnh tranh thường là các doanh nghiệp lớn, có doanh thu hàng trăm tỷ thậm chí hàng chục ngàn tỷ đồng.
Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 cũng đã có một số quy định mang tính chất đặc thù để giúp cho việc áp dụng chế tài bồi thường thiệt hại trong lĩnh vực môi trường được hợp lý hơn. Chẳng hạn, Điều 130 của luật này giải thích rõ thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường bao gồm: (1) Suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường; (2) Thiệt hại về sức khoẻ, tính mạng của con người, tài sản và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân do hậu quả của việc suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường gây ra.
Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, xuất phát từ những khó khăn trong việc chứng minh thiệt hại của lĩnh vực sở hữu trí tuệ, đã có các quy định cho phép người bị thiệt hại yêu cầu Toà án áp dụng mức bồi thường không nhất thiết phải lệ thuộc vào mức thiệt hại thực tế. Cụ thể, Điều 205 của luật này quy định: trong trường hợp nguyên đơn chứng minh được hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đã gây thiệt hại về vật chất cho mình thì có quyền yêu cầu Toà án quyết định mức bồi thường theo một trong các căn cứ sau đây:
a) Tổng thiệt hại vật chất tính bằng tiền cộng với khoản lợi nhuận mà bị đơn đã thu được do thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, nếu khoản lợi nhuận bị giảm sút của nguyên đơn chưa được tính vào tổng thiệt hại vật chất;
b) Giá chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ với giả định bị đơn được nguyên đơn chuyển giao quyền sử dụng đối tượng đó theo hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ trong phạm vi tương ứng với hành vi xâm phạm đã thực hiện;
c) Trong trường hợp không thể xác định được mức bồi thường thiệt hại về vật chất theo các căn cứ quy định tại điểm a và điểm b khoản này thì mức bồi thường thiệt hại về vật chất do Toà án ấn định, tuỳ thuộc vào mức độ thiệt hại, nhưng không quá năm trăm triệu đồng.
Tuy nhiên, nếu phân tích kỹ, chúng ta cũng thấy rằng, các đạo luật kể trên chỉ khác hơn so với các đạo luật khác ở điểm là có quy định chi tiết hơn về việc áp dụng chế tài dân sự (bồi thường thiệt hại) hoặc chế tài hành chính (mức xử phạt v.v..). Việc quy định chế tài hình sự vẫn là điều chưa được thực hiện. Thêm vào đó, những tiền lệ kể trên vẫn chỉ mang tính chất ngoại lệ, chưa trở thành một thông lệ chính thức trong công tác xây dựng các đạo luật điều chỉnh từng lĩnh vực cụ thể của đời sống kinh tế, xã hội ở nước ta.
Mặc dù vậy, cách xây dựng các đạo luật vừa nêu theo hướng tiếp cận mới là những ví dụ thể hiện tinh thần cải cách, đổi mới, không theo khuôn mẫu cũ rất đáng ghi nhận.
5. Kiến nghị
Nếu nói, đạo luật trong nhà nước pháp quyền cũng phải có thuộc tính riêng, thì chắc chắc, thuộc tính của đạo luật ấy không thể là tính nửa vời trong việc điều chỉnh pháp luật. Thay vào đó, trong nhà nước pháp quyền, các đạo luật được xây dựng phải có tính minh bạch cao, tạo ra các thông điệp rõ ràng với hệ thống thưởng phạt tương xứng để điều chỉnh hành vi của các cá nhân, doanh nghiệp[15].
Từ những bất lợi mà việc xây dựng các đạo luật thiếu chế tài có thể mang lại như đã phân tích kể trên, cộng với kinh nghiệm quốc tế và một số tiền lệ bước đầu của Việt Nam, chúng ta có thể khẳng định rằng, đã đến lúc, thông lệ xây dựng các đạo luật thiếu chế tài ở nước ta cần phải được khắc phục. Thay vào đó, khi xây dựng các đạo luật điều chỉnh các lĩnh vực cụ thể của đời sống kinh tế, xã hội, nhà làm luật nên cân nhắc xây dựng hệ thống chế tài phù hợp với đặc thù của lĩnh vực mà đạo luật điều chỉnh. Làm được như thế, hiệu quả điều chỉnh pháp luật ở nước ta chắc chắn sẽ được cải thiện.
Tuy nhiên, làm điều đó cũng cần gỡ bỏ các rào cản về mặt pháp lý hiện nay. Chẳng hạn, quy định tại Điều 2 Bộ luật Hình sự: “chỉ người nào phạm một tội đã được Bộ luật Hình sự quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự” cần phải được bãi bỏ.
Ngoài ra, soạn thảo theo cách tiếp cận mới (tức là đạo luật điều chỉnh các lĩnh vực kinh tế, xã hội được phép quy định các biện pháp chế tài phù hợp, bao gồm cả chế tài dân sự, hành chính và hình sự), đạo luật được xây dựng sẽ đồ sộ và chi tiết hơn. Điều đó sẽ tạo ra những thách thức cho công tác xây dựng pháp luật ở nước ta hiện nay. Một trong những thách thức phải tính đến đó là việc Ban soạn thảo luật sẽ phải dành nhiều thời gian hơn trong quá trình soạn thảo các đạo luật. Các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập cũng phải được trang bị kỹ năng soạn thảo luật cần thiết để vừa kế thừa được các quy định về biện pháp chế tài mà những đạo luật xương sống đã quy định, lại vừa có thể thiết kế được hệ thống biện pháp chế tài tương thích với các đặc thù của lĩnh vực mà đạo luật điều chỉnh. Tương ứng với đó, khối lượng công việc của Quốc hội trong quá trình thảo luận, xem xét, thông qua đạo luật cũng tăng lên.
Tuy nhiên, điều thu được thật đáng đầu tư bởi sản phẩm của cách tiếp cận mới ấy sẽ là các đạo luật có chất lượng, không còn mang tính nửa vời. Chính vì thế, hi vọng, ngay trong các kỳ họp đầu tiên của Quốc hội mới (Quốc hội khoá XII), những bất cập trong tư duy xây dựng pháp luật ở nước ta mà phần trên đã phân tích sẽ được khắc phục./.
[1] Trong nghiên cứu này, đạo luật được hiểu bao gồm các bộ luật và luật do Quốc hội ban hành.
[2] Bộ luật Dân sự đầu tiên được ban hành năm 1995 sau đó được sửa đổi, bổ sung và thay thế bởi Bộ luật Dân sự năm 2005.
[3] Luật Thương mại đầu tiên của Việt Nam được ban hành năm 1997. Đạo luật này được sửa đổi, bổ sung và thay thế bởi Luật Thương mại năm 2005.
[4] Bộ luật Lao động năm 1994 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều vào các năm 2002, 2006 và 2007.
[5] Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính đầu tiên được ban hành năm 1995. Pháp lệnh này được sửa đổi, bổ sung và thay thế bởi Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002. Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2007.
[6] Nghiên cứu hệ thống pháp luật của các quốc gia trên thế giới, dù đó là Pháp, Nhật hay Đức, thì Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Thương mại (cùng với Hiến pháp, các Bộ luật Tố tụng) luôn được coi là các đạo luật có tầm quan trọng đặc biệt trong hệ thống pháp luật. Đây cũng là các đạo luật mà trong chương trình đào tạo luật của các quốc gia, việc nghiên cứu chúng được coi là bắt buộc đối với sinh viên luật.
[7] Nguyên văn Justice delayed is justice denied.
[8] Nguồn: http://www.canlii.org/qc/laws/sta/p-40.1/20050513/whole.html.
[9] Nguồn: http://www.legifrance.gouv.fr/html/codes_traduits/consolegtextA.htm.
[10] Nguồn: http://www.legifrance.gouv.fr/html/codes_traduits/cpialtext.htm.
[11] Nguồn: http://www.legifrance.gouv.fr/html/codes_traduits/code_assu_textE.htm.
[12] Nguồn: http://www.legifrance.gouv.fr/html/codes_traduits/commercetextA.htm.
[13] Nguồn: http://www.usdoj.gov/atr/foia/divisionmanual/ch2.htm#a1.
[14] Điều 14 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002.
[15] Lon Fuller, một nhà luật học nổi tiếng của Hoa Kỳ từ những năm 1960 trong tác phẩm Đ ạo của pháp luật “(Morality of Law), đã chỉ ra có nhiều yếu tố khiến cho một hệ thống pháp luật trở nên vô nghĩa trong đó có một yếu tố là sự thiếu minh bạch trong việc quy định các biện pháp chế tài.
SOURCE: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU LẬP PHÁP SỐ 117, THÁNG 2 NĂM 2008
Like this:
Like Loading...
Related
Filed under: Xã hội, nhà nước và pháp luật Việt Nam |
Leave a Reply