admin@phapluatdansu.edu.vn

VIẾT TIẾP BÀI “QUẢN LÝ TÀI SẢN TRÍ TUỆ TRONG CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÓ ĐÀO TẠO VỀ KINH TẾ VÀ QUẢN LÝ”

TS. TRẦN VĂN HẢI – Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn

Sau khi http://thongtinphapluatdansu.wordpress.com đăng bài “Quản lý tài sản trí tuệ trong các trường đại học có đào tạo về kinh tế và quản lý” (sau đây gọi tắt là bài nghiên cứu trước), đã có một số sinh viên, học viên cao học và những người khác có quan tâm gặp trực tiếp hoặc gọi điện hỏi tác giả về quản lý nhãn hiệu dịch vụ của các trường đại học ở Việt Nam. Nhận thấy đây là một vấn đề mới, chưa hề có các nghiên cứu đi trước và cũng là để cho các bạn học viên cao học, sinh viên có tình huống thực tiễn thảo luận trong quá trình học tập và nghiên cứu sở hữu trí tuệ, tác giả viết tiếp bài nghiên cứu nói trên nhằm cung cấp thêm một số thông tin có liên quan.

Cũng cần lưu ý rằng hiện nay có một số website đã đăng không đầy đủ bài nghiên nói trên mà chưa được sự đồng ý của tác giả, nên tác giả cũng không có điều kiện để kiểm tra lại trước khi các website này đăng tải, dẫn đến việc các độc giả có thể không tiếp nhận đầy đủ về thông tin, nhằm khắc phục yếu tố này, tác giả chọn http://thongtinphapluatdansu.wordpress.com để đăng tải toàn bộ thông tin về vấn đề nghiên cứu.

Trong bài nghiên cứu trước, có chi tiết được quan tâm, đó là Trường Đại học Dân lập Công nghệ Sài Gòn, chủ sở hữu nhãn hiệu ĐẠI HỌC SÀI GÒN, số bằng 78863, ngày cấp 25.01.2007. Trong chi tiết này đã xuất hiện hai chủ thể:

Trường Đại học Dân lập Công nghệ Sài Gòn (tiền thân là Trường Đại học Dân lập Kỹ nghệ Thành phố Hồ Chí Minh được thành lập tháng 04.2004 theo Quyết định số 57/2004/QĐ-TTg), sau đó trường đổi tên thành Trường Đại học Dân lập Công nghệ Sài Gòn vào tháng 03.2005 theo Quyết định số 52/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ;

Trường Đại học Sài Gòn được thành lập ngày 25.04.2007 theo Quyết định số 478/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Vào ngày 19.08.2005 Trường Đại học Dân lập Công nghệ Sài Gòn đã nộp đơn xin bảo hộ nhãn hiệu ĐẠI HỌC SÀI GÒN. Ngày 25.01.2007, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp văn bằng số 78863 bảo hộ nhãn hiệu ĐẠI HỌC SÀI GÒN do Trường Đại học Dân lập Công nghệ Sài Gòn là chủ sở hữu cho nhóm dịch vụ số 41 giáo dục và đào tạo, nhóm dịch vụ số 42 chuyển giao công nghệ.

Như vậy văn bằng bảo hộ nhãn hiệu ĐẠI HỌC SÀI GÒN có hiệu lực thời gian trước Quyết định số 478/QĐ-TTg về việc thành lập Trường Đại học Sài Gòn. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi tạm thời không phân tích về xung đột pháp lý giữa văn bằng số 78863 do Cục Sở hữu trí tuệ cấp ngày 25.01.2007 với Quyết định số 478/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ký ngày 25.04.2007.

Đồng thời trong bài nghiên cứu trước, cũng có thêm một chi tiết khác được quan tâm, đó là trường hợp nhãn hiệu VINATABA.

Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng số 4-0001481-000 vào ngày 19.05.1990 bảo hộ cho nhóm sản phẩm số 34 thuốc lá điếu. Theo nguyên tắc bảo hộ độc lập do Công ước Paris quy định, văn bằng này chỉ có hiệu lực bảo hộ trên lãnh thổ Việt Nam.

Trong khoảng thời gian đến năm 2001, Công ty Putra Satbat Industry có trụ sở tại Indonexia đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu VINATABA cũng cho nhóm sản phẩm số 34 thuốc lá điếu tại 13 nước, trong đó có các quốc gia láng giềng của Việt Nam như Lào, Camphuchia và Trung Quốc[1] – nơi có thể là thị trường xuất khẩu thuốc lá điếu của Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam trong tương lai.

Điểm đáng chú ý là Công ty Putra Satbat Industry hoàn toàn biết rõ thông tin nhãn hiệu VINATABA cho nhóm sản phẩm 34 đã thuộc về Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam. Bởi vậy, Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam đã phải rất vất vả mới chỉ dành lại quyền sở hữu nhãn hiệu VINATABA tại Campuchia, đương nhiên nếu xuất khẩu thuốc lá mang nhãn hiệu VINATABA sang các quốc gia khác thì Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam phải trả phí license nhãn hiệu VINATABA (của mình) cho Công ty Putra Satbat Industry.

Như vậy, trường hợp nhãn hiệu ĐẠI HỌC SÀI GÒN và nhãn hiệu VINATABA là hoàn toàn khác nhau, bởi lẽ:

Trường Đại học Dân lập Công nghệ Sài Gòn không hề có lỗi, hành vi xin bảo hộ nhãn hiệu ĐẠI HỌC SÀI GÒN của họ diễn ra trước khi Trường Đại học Sài Gòn được thành lập;

– Công ty Putra Satbat Industry hoàn toàn có lỗi khi thực hiện hành vi cạnh tranh không lành mạnh vì đã biết rõ thông tin nhãn hiệu VINATABA cho nhóm sản phẩm 34 đã thuộc về Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam, nhưng vẫn tiến hành đăng ký bảo hộ nhãn hiệu VINATABA cho nhóm sản phẩm 34 tại một số quốc gia khác.

Tác giả bài nghiên cứu cũng mong rằng sẽ không xảy ra tranh chấp về nhãn hiệu ĐẠI HỌC SÀI GÒN giữa Trường Đại học Dân lập Công nghệ Sài Gòn Trường Đại học Sài Gòn.

Trên đây là một số thông tin nhằm cung cấp cho độc giả và các nhà quản lý. Qua đây cho thấy pháp luật điều chỉnh mối quan hệ giữa các đối tượng khác nhau của quyền sở hữu công nghiệp còn có rất nhiều điểm phải bàn thêm. Các bạn độc giả có thể tìm thấy một phần câu trả lời này trên các bài viết của nhiều tác giả được đăng tải trên http://thongtinphapluatdansu.wordpress.com và các phương tiện thông tin khác. Chúng ta sẽ bàn thêm về khả năng giả định có thể xảy ra tranh chấp nhãn hiệu, giải quyết sự xung đột (nếu có) giữa các quyết định của các cơ quan nhà nước được nêu trong bài nghiên cứu này.

Trong bài nghiên cứu trước, do giới hạn của một hội thảo khoa học, tác giả không có điều kiện để cung cấp cho độc giả đầy đủ thông tin về một phần nhỏ trong tổng số nhiều phần của bài tham luận.

Xin cảm ơn http://thongtinphapluatdansu.wordpress.com đã cho đăng bài viết này nhằm kịp thời cung cấp thông tin cho độc giả.,.


[1] Xin tham khảo thêm http://www.dost-bentre.gov.vn, http://www.vir.com.vnhttp://www.itjsc.com.vn

CÁC BẠN CÓ THỂ ĐỌC CÁC BÀI VIẾT CỦA TS. TRẦN VĂN HẢI TẠI ĐÂY

CÁM ƠN TÁC GIẢ ĐÃ CHIA SẺ BÀI VIẾT

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading