admin@phapluatdansu.edu.vn

CHỈ THỊ SỐ 134/CT-TTg NGÀY 20 THÁNG 1 NĂM 2010 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG KIỂM TRA, XỬ LÝ VI PHẠM PHÁP LUẬT ĐẤT ĐAI CỦA CÁC TỔ CHỨC ĐƯỢC NHÀ NƯỚC GIAO ĐẤT, CHO THUÊ ĐẤT

Kết quả kiểm kê quỹ đất đang quản lý, sử dụng của các tổ chức được Nhà nước giao đất, cho thuê đất theo Chỉ thị số 31/2007/CT-TTg ngày 14 tháng 12 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ cho thấy tình hình quản lý, sử dụng đất của các tổ chức đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, vi phạm pháp luật đất đai của các tổ chức trên phạm vi cả nước vẫn còn nhiều, phổ biến ở hầu hết các địa phương, dưới nhiều hình thức như: sử dụng đất không đúng mục đích được giao, được thuê hoặc cho thuê, cho mượn, chuyển nhượng đất trái phép; để đất hoang hóa, quản lý lỏng lẻo để bị lấn, bị chiếm đất. Mức độ vi phạm pháp luật đất đai nhiều nhất là các tổ chức kinh tế, các nông trường, lâm trường quốc doanh và các tổ chức sự nghiệp công; nhiều vụ việc phức tạp, kéo dài nhiều năm chưa được giải quyết. Trong thời gian qua, mặc dù Chính phủ, các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các địa phương đã tích cực chỉ đạo, tổ chức nhiều đợt kiểm tra và xử lý vi phạm trong sử dụng đất của các tổ chức, nhưng việc xử lý các vi phạm còn hạn chế, hiệu quả chưa cao, nhiều vụ việc vi phạm kéo dài vẫn chưa được giải quyết.

Để kịp thời khắc phục những yếu kém, đồng thời chấn chỉnh lại việc quản lý sử dụng đất của các tổ chức được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện ngay một số việc sau đây:

1. Trên cơ sở kết quả kiểm kê quỹ đất đang quản lý, sử dụng của tổ chức theo Chỉ thị số 31/2007/CT-TTg ngày 14 tháng 12 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ, tập trung kiểm tra cụ thể các trường hợp vi phạm và phân loại để có giải pháp giải quyết dứt điểm tình trạng vi phạm pháp luật đất đai của các tổ chức sử dụng đất, trước hết là các vụ việc điển hình, gây nhiều bức xúc trong dư luận.

Việc xử lý các vi phạm trong sử dụng đất của các tổ chức phải được thực hiện nghiêm minh, theo đúng pháp luật đất đai hiện hành; những trường hợp cho thuê, cho mượn đất hoặc để đất hoang hóa không sử dụng và các trường hợp vi phạm khác gây nhiều bức xúc trong dư luận phải cương quyết thu hồi; những trường hợp vi phạm nghiêm trọng phải truy tố trước pháp luật.

2. Rà soát việc thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai của các tổ chức kinh tế; truy thu tiền thuê đất với thời gian chưa nộp tiền thuê đất theo quy định của pháp luật; truy thu số tiền cho thuê, chuyển nhượng, chuyển mục đích trái phép để nộp vào ngân sách Nhà nước.

3. Làm rõ trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân và người đứng đầu tổ chức sử dụng đất có vi phạm để xử lý kỷ luật theo đúng quy định của pháp luật.

4. Kinh phí kiểm tra, xử lý vi phạm trong quản lý và sử dụng đất của tổ chức:

Kinh phí cho các hoạt động kiểm tra, xử lý các vi phạm về quản lý sử dụng đất đai của các tổ chức được Nhà nước giao đất, cho thuê đất của các Bộ, ngành do ngân sách Trung ương đảm bảo; kinh phí cho các hoạt động kiểm tra, xử lý các vi phạm về quản lý sử dụng đất đai của các tổ chức được Nhà nước giao đất, cho thuê đất của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do ngân sách địa phương đảm bảo.

5. Trách nhiệm của các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

a. Bộ Tài nguyên và Môi trường:

– Hướng dẫn kế hoạch thực hiện; kiểm tra, đôn đốc các Bộ ngành và địa phương trong quá trình thực hiện.

– Chủ trì, phối hợp với Thanh tra Chính phủ và Bộ Tài chính hướng dẫn các địa phương trong quá trình xử lý vi phạm pháp luật đất đai của các tổ chức.

– Chủ trì, phối hợp với Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài chính, các Bộ, ngành khác có liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện kiểm tra, xử lý các vụ vi phạm pháp luật đất đai có tính chất phức tạp đến nhiều Bộ, ngành.

b. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện rà soát và kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật đất đai của các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý. Kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm phải được hoàn thành và gửi báo cáo về Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 30 tháng 10 năm 2011 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

c. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm rà soát, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật đất đai của các tổ chức sử dụng đất ở địa phương, trừ các trường hợp nêu tại điểm a, điểm b mục này, đồng thời giải quyết dứt điểm tình trạng tranh chấp sử dụng đất giữa các tổ chức với cá nhân, nhất là các trường hợp tranh chấp đã kéo dài nhiều năm. Kết quả xử lý vi phạm phải được hoàn thành và gửi báo cáo về Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 30 tháng 10 năm 2011 để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

d. Bộ Tài chính có trách nhiệm bố trí kinh phí cho các Bộ, ngành ở Trung ương và hướng dẫn sử dụng kinh phí ở các địa phương để thực hiện kiểm tra, xử lý vi phạm theo yêu cầu của Chỉ thị này.

đ. Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ để xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể của Bộ, ngành và địa phương mình; đồng thời tổ chức, chỉ đạo thực hiện để hoàn thành việc rà soát kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật đất đai theo yêu cầu trên đây trong 2 năm (2010, 2011).

Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện Chỉ thị này, tổng hợp kết quả kiểm tra xử lý báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30 tháng 12 năm 2011.

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG
Hoàng Trung Hải

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading