admin@phapluatdansu.edu.vn

VỀ VẤN ĐỀ QUI ĐỊNH LÃI SUẤT CƠ BẢN: MỘT TIỀN LỆ ĐẸP CỦA PHƯƠNG PHÁP LẬP PHÁP

BẠCH LONG

Dự án Luật Ngân hàng Nhà nước (sửa đổi) đã được trình QH cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Sáu và hiện đang trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý trình UBTVQH xem xét. Tuy nhiên, tại Hội thảo lấy ý kiến về dự án Luật này do Ủy ban Kinh tế vừa tổ chức thì các nhà lập pháp và các nhà kinh tế học vẫn tranh luận quyết liệt về những vấn đề lớn của dự án Luật. Đây cũng là một trong những trường hợp khá hãn hữu đối với các dự án Luật đã được chuyển sang giai đoạn tiếp thu, chỉnh lý.

Vấn đề nóng nhất và cũng là tiêu điểm tranh luận quyết  liệt giữa các nhà lập pháp và các nhà kinh tế tại Hội thảo lấy ý kiến về dự án Luật Ngân hàng Nhà nước (sửa đổi) chính là việc dự thảo Luật đề nghị bãi bỏ quy định về lãi suất cơ bản.

Ủng hộ quan điểm của Ngân hàng Nhà nước, cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật, một số chuyên gia kinh tế cho rằng: lãi suất cơ bản thiếu cả cơ sở lý thuyết chặt chẽ và cơ sở thực tiễn. Mặc dù đã được luật hóa từ năm 1997 nhưng cho đến giữa năm 2008 lãi suất cơ bản trên thực tế không được sử dụng như một cơ sở để các tổ chức tín dụng ấn định lãi suất như mong muốn. Bằng chứng là trong khoảng thời gian này, lãi suất trên thị trường hầu như không có bất cứ mối tương quan nào với lãi suất cơ bản. Phó giám đốc nghiên cứu, giảng dạy Chương trình Fulbright Vũ Thành Tự Anh nêu dẫn chứng: trong suốt hai năm 2006-2007, mặc dù lãi suất qua đêm liên ngân hàng có lúc lên tới gần 9%, có lúc xuống tới 3% nhưng lãi suất cơ bản hoàn toàn đứng yên. Lãi suất cơ bản chỉ được thực sự sử dụng như một công cụ của chính sách tiền tệ kể từ giữa năm 2008 khi chỉ số lạm phát so với cùng kỳ năm trước đã vượt quá 20%. Và, khi các ngân hàng thương mại tranh nhau đẩy lãi suất lên tới 15-16% (tức là gần gấp đôi lãi suất cơ bản ở thời điểm đó). Tuy nhiên, trong trường hợp khẩn cấp này, lãi suất cơ bản được sử dụng không phải như một cơ sở có tính định hướng thị trường mà thuần túy là một công cụ hành chính nhằm áp đặt trần lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng.

Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Dương Thu Hương, người đã trực tiếp tham gia xây dựng Luật Ngân hàng Nhà nước năm 1997 thừa nhận: khái niệm lãi suất cơ bản trong luật hiện hành khá mập mờ và phiến diện. Mập mờ vì lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố. Nhưng vấn đề đặt ra là, Ngân hàng Nhà nước căn cứ vào cơ sở nào để xây dựng và công bố lãi suất cơ bản? Lãi suất cơ bản cũng không được sử dụng như một công cụ để giải quyết mối quan hệ vay mượn thực của Ngân hàng Nhà nước với các tổ chức tín dụng nên không phản ánh được mối quan hệ giữa cung cầu về vốn trên thị trường tiền tệ; không phản ánh được vai trò phát đi tín hiệu của chính sách tiền tệ. Phiến diện ở chỗ, lãi suất cơ bản chỉ làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng ấn định lãi suất kinh doanh của mình chứ không thể hiện mối quan hệ vay mượn giữa Ngân hàng Nhà nước với tổ chức tín dụng. Chính điều này đã khiến cho lãi suất cơ bản trở nên vô nghĩa trong vai trò là công cụ của chính sách tiền tệ, là lãi suất không có thực, không có tác động mang tính thị trường mà mang nặng tính hành chính, không phù hợp với nền kinh tế thị trường.

Không tán thành với lập luận của các nhà kinh tế, Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng khẳng định: không thể nói rằng, Ngân hàng Nhà nước không có cơ sở để công bố lãi suất cơ bản. Vì theo dẫn chứng mà các chuyên gia kinh tế đưa ra để minh chứng cho việc Ngân hàng Trung ương các nước không sử dụng lãi suất cơ bản như Ngân hàng Trung ương của Mỹ, FED căn cứ vào tình hình cụ thể hàng tháng, hàng quý để quyết định lãi suất mục tiêu, lãi suất chỉ đạo. Ở Việt Nam, hàng tháng, hàng quý, hàng năm, các bộ, ngành, Chính phủ đều có báo cáo về tình hình giá cả, lạm phát, các thông số của nền kinh tế… – tại sao lại nói là Ngân hàng Nhà nước không có căn cứ để xác định lãi suất cơ bản? Huống hồ, theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Phúc thì các khái niệm lãi suất cơ bản, lãi suất định hướng, lãi suất mục tiêu… nhiều khi chỉ là vấn đề dịch thuật chứ chưa hẳn đã khác nhau về bản chất.

Trên một bình diện khác, Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng thẳng thắn: việc đầu tiên mà các cơ quan chức năng trình QH không phải là bỏ lãi suất cơ bản mà chỉ đề nghị QH sửa đổi một số điều liên quan đến lãi suất cơ bản trong Bộ Luật Dân sự. Cụ thể là quy định về tội cho vay nặng lãi, thay vì quy định lãi suất vượt quá 150% lãi suất cơ bản thì bị xử phạt như luật hiện hành bằng quy định lãi suất vượt quá 300% lãi suất cơ bản mới bị xử phạt. Điều đáng chú ý là, cơ quan trình đề nghị quy định lãi suất cho vay không quá 300% lãi suất cơ bản có hiệu lực kể từ ngày ban hành Bộ luật Dân sự năm 1995. Nếu QH chấp thuận thông qua đề xuất sửa đổi này đồng nghĩa với việc QH chấp thuận rằng: toàn bộ hoạt động cho vay của các ngân hàng thương mại từ năm 1995 đến nay, đặc biệt là trong hai năm 2007-2008 các ngân hàng thương mại đẩy lãi suất cho vay lên gấp 2,3 lần lãi suất cơ bản là không vi phạm pháp luật. UBTVQH đã kiên quyết không chấp thuận đề nghị bãi bỏ quy định về lãi suất cơ bản trong các lần trình trước đó vì không thể chấp nhận tư duy lập pháp theo kiểu gọt chân cho vừa giày.

Cùng quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cho rằng: các nhà lập pháp không quan tâm đến tên gọi lãi suất cơ bản hay lãi suất mục tiêu, lãi suất định hướng mà vấn đề quan trọng cần phải rạch ròi ngay trong dự thảo Luật Ngân hàng Nhà nước là Nhà nước có can thiệp vào thị trường tiền tệ hay không? Nếu can thiệp mà không sử dụng công cụ lãi suất cơ bản thì sử dụng công cụ nào? Các nước khác có sử dụng công cụ nào để can thiệp vào thị trường tiền tệ hay không?

Câu trả lời của các nhà kinh tế là: Có. Ví dụ như lãi suất định hướng của FED. Ở nước ta, trong trường hợp đặc biệt thì Ngân hàng Nhà nước có thể ban hành trần lãi suất để can thiệp thị trường tiền tệ.

Vậy thì, về bản chất trần lãi suất và lãi suất cơ bản có khác nhau không? Chủ nhiệm Nguyễn Văn Thuận hỏi tiếp.

Thực chất, như giải trình của các nhà kinh tế tại Hội thảo thì không có sự khác biệt căn bản giữa hai khái niệm nêu trên – Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng nhận xét và nêu rõ: tư tưởng của QH khi ban hành Luật Dân sự là bảo đảm mọi chủ thể trong xã hội đều bình đẳng trước pháp luật. Bất kể anh là nhà nước, là tư nhân hay chỉ là một công dân bình thường khi đi vay tiền thì đều có quyền thỏa thuận về lãi suất với người cho vay. Nhưng Bộ luật Dân sự quy định lãi suất cho vay không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố là vì thị trường của nước ta là thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Thể chế chính trị của nước ta không cho phép những người có thế mạnh về tài chính áp đặt, o ép những người gặp khó khăn. Tư tưởng này hoàn toàn thống nhất giữa Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự về tội cho vay nặng lãi và Luật Ngân hàng Nhà nước. Nếu lãi suất cho vay vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố thì người cho vay phải bị xử lý hành chính, nếu gấp 10 lần lãi suất cơ bản thì phải xử lý hình sự.

Điều lạ lùng nữa theo các nhà lập pháp là cơ quan soạn thảo đề nghị bỏ lãi suất cơ bản nhưng lại không đề cập gì đến việc sửa các quy định có liên quan đến lãi suất cơ bản trong Bộ Luật Dân sự và Bộ Luật Hình sự. Nếu Luật Ngân hàng Nhà nước không quy định về lãi suất cơ bản thì Nhà nước căn cứ vào đâu để xử lý tội cho vay nặng lãi? Không thể nói như một số chuyên gia kinh tế là lãi suất cơ bản của Bộ luật Dân sự, Bộ Luật Hình sự nhằm mục tiêu chống cho vay nặng lãi trong khu vực cho vay phi chính thức còn Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng là khu vực cho vay chính thức thì có thể nằm ngoài những quy định này. Ngay cả Ngân hàng Nhà nước, nếu cho các ngân hàng thương mại vay với lãi suất vượt quá 150% lãi suất cơ bản thì cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật giống như trường hợp công dân này cho công dân khác vay. Theo Ủy viên Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên, đề xuất bỏ quy định về lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước không chỉ vướng với Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự mà còn vướng ngay với thực tế của 70% dân số nước ta đang sống tại khu vực nông thôn. Một thành viên khác của Ủy ban Kinh tế cho rằng: nếëu thực hiện lãi suất thỏa thuận sẽ dẫn đến tình trạng, cứ không huy động được vốn thì các ngân hàng thương mại lại đẩy lãi suất lên. Với quy định này, bảo đảm được lợi ích của 97 Ngân hàng thương mại hiện nay nhưng đổi lại, cả nền kinh tế sẽ phải gánh chịu hậu quả.

Tất nhiên, tranh luận, cọ xát, va chạm về quan điểm, về lý lẽ trong hoạch định chính sách, trong công tác lập pháp là điều bình thường. Giữ hay bỏ quy định về lãi suất cơ bản trong toàn bộ hệ thống pháp luật cần phải tiếp tục nghiên cứu và trình QH quyết định. Song nói như Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận, có một nguyên tắc không thể thay đổi là trong một nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, không thể áp dụng hai hệ thống pháp luật khác nhau, không thể đánh đổi sự ổn định xã hội, đánh đổi lợi ích của 80 triệu dân lấy lợi ích kinh tế của một bộ phận mang tính đặc thù của xã hội.

Với hội thảo này, những người quan sát tiếp nhận một thông điệp về tính khoa học lập pháp cao mà Ủy ban Kinh tế đang theo đuổi. Cùng với Ủy ban Kinh tế, các Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng… đã cho thấy khả năng thăng hoa của lập pháp Việt Nam vì một nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân.

Sau hội thảo này, sẽ là tiền lệ đẹp cho một phương pháp làm việc mới – phương pháp chiến thắng sự lạc hậu của nhóm lợi ích trái với lòng dân.

SOURCE: BÁO NGƯỜI ĐẠI BIỂU NHÂN DÂN

Trích dẫn từ:

http://nguoidaibieu.com.vn/Trangchu/VN/tabid/66/CatID/2/ContentID/94886/Default.aspx

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading