admin@phapluatdansu.edu.vn

BÀN VỀ VẤN ĐỀ LÃI SUẤT TRONG BỘ LUẬT DÂN SỰ

DƯƠNG THU HƯƠNG – Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam

Một vài năm gần đây, vấn đề lãi suất trong Bộ luật Dân sự năm 2005 (khoản 1, điều 476) thu hút sự quan tâm của nhiều người. Và khi QH xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Ngân hàng Nhà nước (sửa đổi) và dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) thì vấn đề lãi suất lại nóng lên.

Trước khi đi vào các vấn đề cụ thể, cần phải làm rõ và thống nhất một vấn đề chung nhất: mục tiêu của “vấn đề lãi suất” trong từng luật là gì?

Mục tiêu của Bộ Luật Dân sự: quy định lãi suất là để “chống cho vay nặng lãi”, tuy nhiên phạm vi điều chỉnh của luật này lại quy định các chuẩn mực pháp lý cho cách ứng xử của cá nhân, pháp nhân… Vì vậy cả cá nhân, các doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng đều được coi như nhau và áp dụng cơ chế như nhau.

Mục tiêu của Luật Ngân hàng Nhà nước và Luật Các tổ chức tín dụng là: hoạt động ngân hàng phải tuân thủ theo nguyên tắc thị trường, mọi “giá cả” của hàng hoá tiền tệ được hình thành trên quan hệ cung cầu về vốn trên thị trường vốn và thị trường tiền tệ. Vì vậy hai luật này bắt buộc phải tuân theo tính thị trường của hoạt động ngân hàng, thể hiện trong việc hình thành lãi suất, tỷ giá… trên thị trường tiền tệ như Luật Chứng khoán đã thể hiện sự tôn trọng giá cả của các loại chứng khoán được hình thành trên quan hệ cung cầu về vốn trên thị trường vốn, kể cả thị trường sơ cấp và thị trường thứ cấp.

Vì thế, Bộ luật Dân sự và Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Ngân hàng Nhà nước cần có những mục tiêu riêng biệt cho phù hợp với từng đối tượng. Sự ép buộc phải thực hiện theo một mục tiêu duy nhất của Bộ luật Dân sự khiến cho hoạt động của thị trường tiền tệ, hoạt động của ngân hàng không thuận lợi.

Các quan điểm xung quanh Điều 476 Bộ luật Dân sự năm 2005

Hiện tại, có 3 luồng quan điểm chính xung quanh Điều 476 Bộ luật Dân sự 2005.

Quan điểm thứ nhất cho rằng: không cần thiết sửa đổi Điều 476 Bộ luật Dân sự 2005 vì nguyên nhân của tình trạng huy động vốn, cho vay vốn của các tổ chức tín dụng trong thời gian qua vượt quá trần lãi suất không phải do bất cập của Điều 476 Bộ luật Dân sự, mà là do chưa thực hiện đúng quy định của Luật Ngân hàng Nhà nước là phải công bố lãi suất cơ bản để làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng ấn định lãi suất kinh doanh. Vì vậy, không cần thiết sửa đổi Điều 476 Bộ luật Dân sự 2005 mà chỉ cần Ngân hàng Nhà nước công bố theo định kỳ mức lãi suất cơ bản là đủ giải quyết các khúc mắc như hiện nay.

Quan điểm trên là phi thị trường và đã được xóa bỏ từ năm 2000 để hình thành lãi suất thỏa thuận dựa trên quan hệ cung cầu về vốn của thị trường, phù hợp với xu thế hội nhập kinh tế thị trường, nhất là khi Việt Nam đã gia nhập WTO.

Chúng ta cũng không nên lo lắng rằng nếu không áp Bộ Luật Dân sự vào hoạt động của Ngân hàng thương mại thì họ sẽ cho vay nặng lãi. Bởi, trong nền kinh tế thị trường, nếu Ngân hàng thương mại nào cho vay nặng lãi thì sẽ chẳng có khách hàng nào đến vay. Quy luật cạnh tranh sẽ đào thải ngay Ngân hàng thương mại đó.

Quan điểm thứ hai cho rằng, không cần thiết sửa đổi Điều 476 Bộ luật Dân sự nhưng Chính phủ cần ban hành Nghị định hướng dẫn Điều 476 Bộ luật Dân sự theo hướng làm rõ cơ sở để tính “ngưỡng” của tội cho vay nặng lãi, định lượng rõ “gấp 10 lần mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định”.

Quan điểm này, có mặt lợi là giúp cho Tòa án có căn cứ để xử tội cho vay nặng lãi. Song vấn đề được đặt ra là xử ai? Xử quan hệ vay mượn giữa dân với dân hay giữa hai doanh nghiệp không phải là tổ chức tín dụng? Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định đối tượng điều chỉnh cả thể nhân và pháp nhân rồi, thì có lẽ Tòa án sẽ xử cả dân, doanh nghiệp không phải là tổ chức tín dụng và cả doanh nghiệp là tổ chức tín dụng. Và nếu Tòa án xử tất cả mọi quan hệ như đã kể trên thì lại trở về câu chuyện cũ. Mâu thuẫn hiện tại vẫn không được xử lý, mâu thuẫn này đang gây cản trở sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế thị trường. Hơn nữa “lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định” là pháp luật nào? Lại sẽ tiếp tục trở thành vấn đề gây tranh cãi.

Quan điểm thứ ba cho rằng: cần thiết sửa đổi Điều 476 Bộ luật Dân sự năm 2005 vì quy định này đã gây nhiều khó khăn, vướng mắc đối với việc huy động và cho vay vốn của các tổ chức tín dụng, làm tăng nguy cơ rủi ro về lãi suất và tín dụng, ảnh hưởng không thuận lợi trong việc ổn định thị trường tiền tệ.

Có lẽ quan điểm thứ ba là quan điểm tiên tiến hơn cả, cầu thị hơn cả. Nếu quan điểm này được thực hiện, mọi mâu thuẫn, mắc mớ hiện nay sẽ được giải quyết, trả lại tính thị trường cho hoạt động ngân hàng.

Quan điểm thứ ba và những lý do

Tác giả bài viết rất đồng tình quan điểm thứ ba: cần thiết sửa đổi Điều 476 Bộ luật Dân sự năm 2005 vì những lý do sau.

Thứ nhất, hoạt động cho vay nặng lãi là hoạt động phi chính thức, cá biệt, đơn lẻ, chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong quan hệ ứng xử của xã hội. Trong lúc đó hoạt động huy động vốn và cho vay của tổ chức tín dụng là hoạt động chính thức, có thị trường chính thức, được pháp luật công nhận và cho phép, mang tính phổ biến, lại đang là một công cụ hữu hiệu giúp cho nền kinh tế quốc dân phát triển – và đang giúp cho GDP tăng trưởng hàng năm. (Tỷ lệ huy động vốn của hệ thống tổ chức tín dụng trên GDP chiếm 114% năm 2008; tỷ lệ dư nợ tín dụng trên GDP chiếm 105% trong năm 2008). Các số liệu này cho thấy sự đóng góp của quan hệ vay mượn trong hệ thống tổ chức tín dụng đối với nền kinh tế quốc dân có vị trí quan trọng như thế nào. Vậy thì tại sao lại lấy cơ chế điều chỉnh quan hệ phi chính thức, cá biệt, đơn lẻ, chiếm tỷ lệ quá nhỏ trong nền kinh tế quốc dân, để sử dụng, áp dụng, điều chỉnh quan hệ tín dụng chính thức, trên thị trường chính thức, mang tính phổ biến có đóng góp lớn cho sự phát triển nền kinh tế quốc dân? Hai hành động cho vay nặng lãi trên thị trường phi chính thức với hành động cho vay trên thị trường chính thức có giống nhau về bản chất không mà lại gộp chung chúng vào một cơ chế để điều hành và kiểm soát?

Thứ hai là, sửa đổi Điều 476 Bộ luật Dân sự năm 2005 sẽ trả lại tính thị trường cho hoạt động ngân hàng. Không thể thiếu thị trường tiền tệ trong nền kinh tế thị trường, nó luôn đi song hành với thị trường hàng hóa. Vì thế, không có cớ gì khi thị trường hàng hóa được thị trường hóa về giá cả mà thị trường tiền tệ lại bị đóng khung bởi trần lãi suất cho vay, hơn nữa lãi suất ấy không được hình thành trên quan hệ cung cầu về vốn.

Thứ ba, trong phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2006-2010 của văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ X có định hướng các nhiệm vụ chủ yếu: “Chuyển mạnh sang kinh tế thị trường, thực hiện các nguyên tắc của thị trường, hình thành đồng bộ và hoàn thiện các loại thị trường và thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa…”. “Hoàn thiện hệ thống pháp luật về kinh tế thị trường, tạo lập đồng bộ và vận hành thông suốt các loại thị trường, để các giao dịch thị trường diễn ra phù hợp với các nguyên tắc của thị trường. Hoàn thiện hệ thống quy tắc vận hành của các tổ chức tham gia thị trường đáp ứng yêu cầu của kinh tế thị trường và thông lệ quốc tế”.

Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X có chủ trương “thực hiện chính sách lãi suất thoả thuận theo nguyên tắc thị trường”.

Vậy quy định tại Điều 476 của Bộ luật Dân sự để áp dụng cho hệ thống tổ chức tín dụng có thực hiện đúng yêu cầu thể chế hóa các Nghị quyết của Đảng vào trong luật pháp để điều chỉnh hoạt động của tổ chức tín dụng theo đúng chủ trương của Đảng chưa?

Sự cần thiết sửa đổi Điều 476 Bộ luật Dân sự năm 2005

Với các lý giải trên, việc sửa đổi Điều 476 Bộ luật Dân sự năm 2005 là hết sức cần thiết để tách bạch rõ và điều chỉnh mục tiêu hoàn toàn khác nhau về bản chất. Đó là: mục tiêu chống cho vay nặng lãi ngoài xã hội trong quan hệ không chính thức, không được pháp luật thừa nhận và điều chỉnh. Việc cho vay nặng lãi này thường chỉ xảy ra giữa dân với dân và nên được quy định trong Bộ Luật Dân sự. Mục tiêu tạo ra khung pháp lý về thị trường cho hoạt động của các tổ chức tín dụng thì nên quy định  trong Luật Ngân hàng Nhà nước và Luật Các tổ chức tín dụng.

Việc sửa đổi Điều 476 còn nhằm khắc phục những tồn tại không thực tế của quy định này. Bởi gộp chung cả hai mục tiêu, hai đối tượng kể trên vào một khung pháp lý là phi lý. Lãi suất cho vay cơ bản của Ngân hàng Nhà nước – từ trước đến nay không “công bố với loại cho vay tương ứng” hay “lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ”. Điều có có nghĩa là lãi suất cơ bản không quy định cụ thể cho loại cho vay ngắn hạn riêng, loại cho vay dài hạn riêng. Mà nó chỉ có một mức duy nhất – chẳng cho tín dụng ngắn hạn hay tín dụng trung, dài hạn như Điều 476 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định. Thực tế không có, nhưng luật vẫn quy định, thì tính khả thi của luật không cao. Vì vậy, luật phải vị nhân sinh chứá  không phải luật vị luật hoặc quy định theo suy nghĩ chủ quan của ngườâi làm luật.

Về phương án sửa Điều 476

Với các luồng quan điểm như trên, được biết, hiện nay đã có một số phương án được đưa ra liên quan đến Điều 476 Bộ luật Dân sự năm 2005.

Phương án 1 (tương đương với quan điểm 1): giữ nguyên quy định hiện hành của Điều 476, không cần can thiệp bằng việc ban hành quy định pháp luật mà chỉ cần Ngân hàng Nhà nước thực hiện quy định về việc công bố lãi suất cơ bản là đủ.

Phương án 2 (tương đương với quan điểm 2): giữ nguyên quy định hiện hành của Điều 476 đồng thời Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn Điều 476 Bộ luật Dân sự theo hướng làm rõ cơ sở để tính “ngưỡng” của tội cho vay nặng lãi, định lượng rõ “gấp 10 lần lãi suất tái chiết khấu” để chốëng lại việc cho vay nặng lãi.

Phương án 3: sửa điều 476 theo hướng không dùng ngưỡng là “150% của lãi suất cơ bản” nữa, mà dùng ngưỡng “10 lần lãi suất tái chiết khấu” để chống lại việc cho vay nặng lãi.

Phương án 4: sửa Điều 476 như sau:

Lãi suất cho vay do các bên thỏa thuận.

Trong trường hợp các bên không có thỏa thuận hoặc có thỏa thuận nhưng không rõ, hoặc trường hợp có tranh chấp về lãi suất, thì áp dụng lãi suất bằng mức lãi suất trung bình của các ngân hàng thương mại tại thời điểm trả nợ.

Phương án 5: sửa Điều 476 như sau:

Lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 300% lãi suất trái phiếu Kho bạc thấp nhất của lần phát hành cui cùng trước thời điểm cho vay. Lãi suất đối với hoạt động huy động vốn và cho vay vốn của các tổ chức tín dụng được thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân hàng.

Trong trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất hoặc có tranh chấp về lãi suất thì áp dụng lãi suất trái phiếu Kho bạc thấp nhất của lần phát hành cuối cùng trước thời điểm đến hạn trả nợ.

Theo quan điểm cá nhân, tác giả cho rằng phương án 1, 2, 3 không thoát ra khỏi vướng mắc hiện tại.

Phương án 4 là phương án tốt hơn phương án 1, 2, 3 đã tôn trọng nguyên tắc của thị trường và đã lấy lãi suất cho vay được hình thành trên thị trường chính thức để điều tiết các quan hệ vay mượn không có thỏa thuận hoặc thỏa thuận không rõ ràng, có cơ sở cho tòa án xử lý. Tuy nhiên, hiện nay ngoài hệ thống tín dụng chính thức, còn hơn 300 tổ chức tín dụng vi mô do Hội Liên hiệp phụ nữ, Công đoàn, Hội Nông dân đang tự huy động và cho vay. Lãi suất cho vay hiện nay của các tổ chức tài chính vi mô là 24%/năm. Do vậy nếu quy định như khoản 2 của Phương án 4 sẽ không bao gồm được hoạt động của tài chính vi mô – hay nói cách khác, các tổ chức này sẽ vi phạm luật và vì thế không hoạt động được, vì vậy cần quy định mức 150% hay bao nhiêu đó của lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng thương mại lớn trên địa bàn.

Một nhược điểm nữa của phương án này là vẫn không tách được hoạt động của tổ chức tín dụng được điều chỉnh bởi Luật Các tổ chức tín dụng.

Phương án 5 tốt hơn phương án 1,2, 3 và tốt hơn phương án 4 ở chỗ là đã quy định rõ “lãi suất đối với huy động và cho vay của các tổ chức tín dụng được thực hiện theo quy định về luật ngân hàng”. Tuy nhiên, phương án này cũng có điểm chưa tốt bởi nó lại lấy lãi suất trái phiếu Kho bạc làm cơ sở trong khi lãi suất này không đại diện cho lãi suất thị trường bởi nó là lãi suất của Chính phủ vay dân, vay doanh nghiệp. Với uy tín của Chính phủ nên trái phiếu này không có rủi ro, vì vậy nó phải thấp nhất trong hệ thống lãi suất của thị trường và không mang tính thị trường. Trong lúc các quan hệ vay mượn giữa dân với dân, doanh nghiệp không phải tổ chức tín dụng với doanh nghiệp không phải tổ chức tín dụng; tổ chức tín dụng với dân và với doanh nghiệp đều theo quan hệ cung cầu về vốn trên thị trường, nó đại diện cho tính thị trường toàn diện nhất.

Nên sửa theo hướng nào?

– Không nên đặt vấn đề không điều chỉnh các chủ thể là ngân hàng và tổ chức tín dụng trong Bộ luật Dân sự. Bởi hoạt động của tổ chc tín dụng vẫn rất cần đến những vấn đề về thế chấp, cầm cố, bảo lãnh, đặt cọc, ký quỹ… trong Bộ luật Dân sự. Duy chỉ có Điều 476 về lãi suất nên sửa để tách ra phục vụ cho hai mục tiêu và hai đối tượng đã kể trên. Vì vậy, thiết nghĩ  Điều 476 Bộ luật Dân sự năm 2005 nên được chỉnh sửa theo hướng:

– Lãi suất cho vay của các cá nhân và doanh nghiệp không phải là tổ chức tín dụng do các bên thỏa thuận nhưng không được vượåt quá 150% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng thương mại lớn trên địa bàn tại thời điểm cho vay.

– Lãi suất cho vay, huy động của các tổ chức thực hiện theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng.

Quy định như trên có tác dụng: chống cho vay nặng lãi ngoài xã hội và có mức cụ thể cho toà án xử vì việc lấy lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng thương mại lớn trên địa bàn. Hoạt động của tổ chức tín dụng được thực hiện theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, luật chuyên ngành phù hợp với hoạt động của tổ chức tín dụng, tháo gỡ những khó khăn hiện nay là các tổ chức tín dụng đang bị “cứng nhắc” trong khung trần và sàn về lãi suất. Đồng thời trả lại tính chất định hướng thị trường của lãi suất mà Ngân hàng Nhà nước công bố. Dù được gọi dưới tên gì (lãi suất cơ bản, hay lãi suất chủ đạo) hay dưới loại lãi suất gì do Ngân hàng Nhà nước công bố (lãi suất tái chiết khấu, lãi suất liên ngân hàng…) thì tất cả chỉ nhằm giúp cho Ngân hàng trung ương phát đi tín hiệu mở rộng hay thắt chặt chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát, điều tiết thị trường; các ngân hàng thương mại căn cứ vào mức lãi suất này để điều chỉnh lãi suất kinh doanh của mình ở mức thích hợp phù hợp với quan hệ cung cầu về vốn. Ví dụ ở Anh, Ngân hàng trung ương chỉ công bố lãi suất Libor (là lãi suất liên ngân hàng); các ngân hàng dựa vào lãi suất Libor này, tùy theo quan hệ cung cầu vốn lúc đó và tùy theo mức độ tín nhiệm với khách hàng để đặt mức (Libor+phí) cao hay thấp mà thôi.

Nếu Điều 476 Bộ luật Dân sự năm 2005 được chỉnh sửa theo hướng nói trên sẽ vừa giải quyết được mọi mâu thuẫn, lo ngại, lại vừa bảo đảm giữ vững được tính thị trường cho hoạt động ngân hàng, đặc biệt là khi nước ta đang từng bước thực hiện các cam kết khi gia nhập WTO.

SOURCE: BÁO NGƯỜI ĐẠI BIỂU NHÂN DÂN

Trích dẫn từ:

http://www.nguoidaibieu.com.vn/Trangchu/VN/tabid/66/CatID/2/ContentID/94726/Default.aspx

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn
%d bloggers like this: