admin@phapluatdansu.edu.vn

MỨC LÃI SUẤT PHẢI TRẢ DO NỢ QUÁ HẠN CHƯA HỢP LÝ

PHẠM THÁI

Pháp luật dân sự quy định, bên có nghĩa vụ trả tiền mà chậm thực hiện nghĩa vụ thì phải trả lãi đối với số tiền chậm trả. Biện pháp này một mặt bảo đảm giá trị cũng như khả năng sinh lợi của đồng tiền cho bên có quyền; mặt khác, cũng là một hình thức phạt để hạn chế bên có nghĩa vụ cố tình dây dưa, không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ. Tuy nhiên, quy định của pháp luật về vấn đề này vẫn còn bất cập nên không phát huy tác dụng.

Khi các chủ thể tham gia vào các quan hệ dân sự, phải tuân thủ nguyên tắc: thiện chí, trung thực, tôn trọng các quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể khác. Do đó, khi bên có nghĩa vụ không thực hiện, hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì phải chịu trách nhiệm dân sự với bên có quyền. Để bảo đảm thực hiện trách nhiệm dân sự, tại khoản 2 Điều 313 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 1995 quy định: “Trong trường hợp người có nghĩa vụ chậm trả tiền, thì người đó phải trả lãi đối với số tiền chậm trả theo lãi suất nợ quá hạn do Ngân hàng Nhà nước quy định tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm thanh toán, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”. Để cụ thể hoá quy định này, ngày 19.6.1997 Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư liên tịch số 01/TTLT hướng dẫn việc xét xử và thi hành án về tài sản (Thông tư 01). Theo hướng dẫn của Thông tư 01, đối với nghĩa vụ là các khoản tiền bồi thường, tiền hoàn trả, tiền công, tiền lương, tiền chia tài sản, tiền đền bù công sức, tiền cấp dưỡng, tiền vay không có lãi, tiền truy thu thuế, tiền truy thu do thu lợi bất chính thì ngoài việc bên có nghĩa vụ phải chịu tiền lãi quá hạn từ thời điểm phát sinh nghĩa vụ, đến khi xét xử sơ thẩm còn phải chịu lãi cả từ thời điểm bên có quyền làm đơn yêu cầu thi hành án đến khi thi hành án xong tất cả các khoản tiền phải trả. Trước đây, theo cơ chế điều hành lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng (TCTD), ngoài việc quy định lãi suất tái cấp vốn, mức trần lãi suất cho vay, Ngân hàng Nhà nước còn quy định cả lãi suất nợ quá hạn. Căn cứ vào mức lãi suất nợ quá hạn do Ngân hàng Nhà nước quy định, khi xét xử và thi hành án, các Toà án và Cơ quan Thi hành án Dân sự buộc bên có nghĩa vụ phải trả một khoản tiền lãi theo mức lãi suất nợ quá hạn cho bên có quyền.

Sau một thời gian thực hiện, cơ chế điều hành lãi suất của Ngân hàng Nhà nước không còn phù hợp. Ngày 2.8.2000, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành quyết định số 241/2000/QĐ-NHNN1 thay đổi cơ chế điều hành lãi suất cho vay của các TCTD đối với khách hàng. Một trong những thay đổi căn bản của các văn bản trên là Ngân hàng Nhà nước không còn quy định mức lãi suất nợ quá hạn như trước, mà chỉ công bố mức lãi suất cơ bản. Với sự thay đổi này, BLDS năm 2005 được ban hành ngày 14.6.2005 cũng có sự điều chỉnh cho phù hợp. Trên cơ sở kế thừa quy định tại khoản 2 Điều 313 của BLDS năm 1995, tại khoản 2 Điều 305 của BLDS năm 2005 đã thay thế cụm từ “lãi suất nợ quá hạn” bằng cụm từ “lãi suất cơ bản”. Theo đó, quy định của Thông tư 01 nói trên cũng cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự có hiệu lực thi hành đã gần bốn năm, nhưng đến nay các cơ quan có thẩm quyền vẫn chưa kịp thời ban hành thông tư liên tịch để thay thế Thông tư 01 nói trên, nên thực tế rất khó áp dụng quy định tại khoản 2 Điều 305 hợp tình, hợp lý. Bởi, theo cơ chế điều hành lãi suất cho vay của Ngân hàng Nhà nước nêu trên thì không ấn định một mức lãi suất cụ thể chung cho tất cả các TCTD mà Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh bằng việc công bố mức lãi suất cơ bn và biên độ dao động để hình thành một khung lãi suất, được giới hạn bởi mức sàn (mức thấp nhất) và mức trần (mức cao nhất); trên cơ sở đó, tuỳ thuộc vào điều kiện kinh doanh mà mỗi TCTD tự ấn định mức lãi suất cho vay riêng, nằm trong khung lãi suất mà Ngân hàng Nhà nước đã công bố. Chẳng hạn, tại một thời điểm nào đó Ngân hàng Nhà nước công bố mức lãi suất cơ bản là 1%/tháng và biên độ dao động là 0,5% thì mức trần lãi suất mà các TCTD ấn định lãi suất cho vay không được vượt quá 1,5%/tháng. Vậy, trong trường hợp tại thời điểm Ngân hàng nhà nước công bố mức lãi suất cơ bản nói trên thì Toà án và Cơ quan Thi hành án Dân sự phải áp dụng mức lãi suất nào để tính lãi chậm trả đối với bên có nghĩa vụ, theo mức lãi suất cơ bản (1%), mức trần (1,5%) hay với một mức bất kỳ nằm trong khung lãi suất này? Nếu xét theo đúng ngữ nghĩa của cụm từ quy định tại điều luật đã viện dẫn thì phải áp dụng ở mức lãi suất cơ bản là 1%/tháng và thực tế, các Toà án và Cơ quan thi hành án Dân sự áp dụng theo mức này. Tuy nhiên, như vậy thì quá thiệt thòi cho bên có quyền. Theo nguyên lý kinh doanh, sẽ không một TCTD nào lại ấn định mức lãi suất cho vay thấp hơn lãi suất đi vay. Nên trên thực tế, không có TCTD nào ấn định mức lãi suất cho vay thấp hơn mức lãi suất cơ bản, mà hầu hết đều ấn định mức lãi suất xấp xỉ bằng hoặc bằng với mức trần lãi suất. Do đó, khi một người chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền mà chỉ phải chịu một mức lãi thấp hơn mức lãi suất đi vay ở các TCTD và còn thấp hơn mức lãi suất tiền gửi thì chẳng ai “dại” mà không dây dưa, kéo dài việc trả nợ. Hơn thế nữa, nếu các Toà án và Cơ quan Thi hành án Dân sự “linh động” áp dụng mức lãi ngang với mức trần lãi suất mà Ngân hàng Nhà nước quy định thì cũng mới đáp ứng được một nửa đòi hỏi thực tiễn đặt ra. Đó là, mới chỉ bảo đảm được giá trị đồng tiền và mức sinh lợi chính đáng từ đồng vốn của bên có quyền mà chưa phải là một hình thức phạt đối với bên vi phạm nghĩa vụ như mục đích của quy định này.

Hiện nay, tuy Ngân hàng Nhà nước không quy định mức lãi suất nợ quá hạn nhưng các TCTD đều quy định mức lãi suất này, thường là bằng 150% mức lãi suất cho vay đối với khách hàng. Chính vì vậy mà tại Điều 306 của Luật Thương mại đã quy định: Trường hợp bên vi phạm hợp đồng chậm thanh toán tiền thì bên bị vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu trả lãi trên số tiền chậm trả đó theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường, tại thời điểm thanh toán. Quy định này của Luật Thương mại là rất hợp lý, bảo đảm quyền lợi cho bên có quyền, hạn chế bên có nghĩa vụ không chịu thực hiện theo quy định.

Như vậy, cùng một vấn đề nhưng hai văn bản quy định khác nhau. Các cơ quan có thẩm quyền cần sớm khắc phục bất hợp lý nêu trên, theo hướng thống nhất quy định như Luật Thương mại.

SOURCE: BÁO NGƯỜI ĐẠI BIỂU NHÂN DÂN

Trích dẫn từ:

http://nguoidaibieu.com.vn/Trangchu/VN/tabid/66/CatID/7/ContentID/94458/Default.aspx

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading