Chính quyền địa phương Philippines hoạt động theo quy định của Hiến pháp 1987 và Bộ luật chính quyền địa phương 1991.Trong đó, chính quyền địa phương được thu thuế như thuế tài sản, thuế kinh doanh, phí, cấp phép kinh doanh đối với các doanh nghiệp chưa hoạt động và cấp lại một số giấy tờ đối với các doanh nghiệp đã hoạt động ở địa phương đó. Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng có quyền chuyển đổi đất nông nghiệp thành đất công nghiệp, thương mại và đất ở, thực thi các quy định về môi trường, thực thi Bộ luật Xây dựng, xây dựng và thông qua các kế hoạch sử dụng đất, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm; quản lý việc sử dụng xe ba bánh; quy định về bảo vệ sức khỏe, phúc lợi xã hội, nông nghiệp, dịch vụ công….
1. Cơ chế chung về cấp phép kinh doanh
Chính quyền địa phương Philippines hoạt động theo quy định của Hiến pháp 1987 và Bộ luật chính quyền địa phương 1991. Theo Điều X của Hiến pháp, các địa phương được quyền tự chủ trong phạm vi của mình; Quốc hội phải ban hành một Bộ luật về chính quyền địa phương với nguyên tắc phân cấp; mỗi đơn vị địa phương có quyền tạo các nguồn thu, đánh thuế, phí theo hướng dẫn và giới hạn do Quốc hội đặt ra.
Dựa trên nguyên tắc phân quyền, Bộ luật chính quyền địa phương đã quy định một số thẩm quyền quản lý của chính quyền địa phương. Theo đó, chính quyền địa phương có quyền chuyển đổi đất nông nghiệp thành đất công nghiệp, thương mại và đất ở, thực thi các quy định về môi trường, thực thi Bộ luật Xây dựng, xây dựng và thông qua các kế hoạch sử dụng đất, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm; quản lý việc sử dụng xe ba bánh; quy định về bảo vệ sức khỏe, phúc lợi xã hội, nông nghiệp, dịch vụ công.
Trong lĩnh vực kinh tế, chính quyền địa phương được thu thuế như thuế tài sản, thuế kinh doanh, phí, cấp phép kinh doanh đối với các doanh nghiệp chưa hoạt động và cấp lại một số giấy tờ đối với các doanh nghiệp đã hoạt động ở địa phương đó. Thuế kinh doanh thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương, một dạng công cụ quản lý và là nguồn thu lớn của chính quyền địa phương ở Philippines.
Để thực thi quyền lực nói trên, chính quyền địa phương ở Philippines gồm có hội đồng lập pháp ban hành các chính sách và quy định ở tầm địa phương và nhánh hành chính đứng đầu là thị trưởng thực hiện. Dưới quyền của thị trưởng có nhiều văn phòng về y tế, nông nghiệp, phúc lợi xã hội, môi trường, kế toán, ngân sách, lập kế hoạch, cấp phép kinh doanh.
Văn phòng cấp phép kinh doanh là bộ phận rất quan trọng trong chính quyền địa phương Philippines, thường là thuộc Văn phòng Thị trưởng. Chẳng hạn, Văn phòng Cấp phép kinh doanh thành phố Quezon có 126 người, có Phòng Cấp phép kinh doanh, Phòng Thanh tra, Phòng Cấp phép lao động và Phòng Hồ sơ, thống kê. Ngoài ra, Văn phòng còn có hai bộ phận phụ trách pháp lý và công việc hành chính, cộng với một văn phòng nhánh ở quận lớn nhất thành phố.
Hệ thống cấp phép kinh doanh ở cấp độ địa phương, ngoài các cơ quan thuộc chính quyền địa phương, còn có một số cơ quan thuộc chính quyền trung ương cũng liên quan đến hoạt động này. Các cơ quan đó cấp giấy chứng nhận, giấy đăng ký, hoặc giấy phép đối với các doanh nghiệp trước khi họ hoạt động. Đó là Cục cứu hỏa thuộc Bộ Nội vụ và Chính quyền địa phương; Bộ Thương mại và Công nghiệp; Ủy ban Chứng khoán; Cục Thực phẩm và Dược phẩm thuộc Bộ Y tế, Bộ Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên.
Cục Cứu hỏa có các trạm cứu hỏa tại tất cả các thành phố, đô thị trên cả nước. Tuy nhiên, trưởng trạm cứu hỏa không thuộc quyền quản lý của thị trưởng, mà nằm dưới quyền của Bộ Nội vụ và Chính quyền địa phương. Trưởng trạm cứu hỏa được quyền cấp giấy chứng nhận an toàn phòng chống cứu hỏa-một trong những điều kiện để cấp giấy phép kinh doanh cho doanh nghiệp trước khi đi vào hoạt động.
Bộ Thương mại và Công nghiệp có các văn phòng tại tất cả các khu vực, tỉnh và thành phố trên cả nước. Theo quy định, các công ty kinh doanh hoặc hợp danh phải đăng ký tại Ủy ban Chứng khoán thuộc Bộ này. Còn đối với công ty một thành viên, phải đăng ký tại các văn phòng địa phương của Bộ.
Cục Thực phẩm và Dược phẩm cấp giấy phép cho doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm, dược phẩm và mỹ phẩm, và thu hồi giấy phép khi có vi phạm.
Bộ Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên được quyền yêu cầu các doanh nghiệp muốn hoạt động phải tuân thủ các quy định về xử lý chất thải và chống ô nhiễm, lúc đó Bộ mới cấp giấy chứng nhận an toàn môi trường. Một trong những yêu cầu đối với doanh nghiệp là phải có một người phụ trách theo dõi việc xử lý chất thải và chống ô nhiễm trong công ty.
2. Qui trình, thủ tục cấp phép kinh doanh
Để được phép hoạt động, các doanh nghiệp mới ra đời ở Phillipines phải có nhiều loại giấy tờ khác nhau do các cơ quan quản lý ở địa phương cấp tùy vào loại hình doanh nghiệp. Chẳng hạn, chủ doanh nghiệp phải có giấy phép xây dựng trụ sở hoặc nhà xưởng của Phòng công trình, hoặc trình hợp đồng thuê trụ sở, hoặc nộp giấy chứng nhận sở hữu nhà; nộp phí cho chính quyền cấp thấp nhất; sự chứng nhận của Phòng kế hoạch và phát triển về việc địa điểm hoạt động của doanh nghiệp phù hợp với kế hoạch sử dụng đất; giấy chứng nhận an toàn điện lực của Phòng công trình; giấy chứng nhận an toàn phòng chống cháy của Trạm cứu hỏa; giấy phép lao động của người lao động do Phòng cấp phép kinh doanh cấp; và giấy chứng nhận sức khỏe đối với nhân công và vệ sinh dịch tễ đối với công ty của Phòng Y tế. Sau một thời gian nhất định, trừ giấy phép xây dựng, các doanh nghiệp cũ phải xin cấp lại các loại giấy tờ nói trên mới được hoạt động tiếp.
Còn đối với các tập đoàn hoặc công ty hợp danh cần nộp các giấy tờ sau cho Phòng Cấp phép kinh doanh thuộc Văn phòng Thị trưởng: giấy đăng ký ở Ủy ban Chứng khoán; Điều lệ công ty; thuế cộng đồng doanh nghiệp. Các công ty sở hữu một thành viên phải nộp đăng ký tên doanh nghiệp của Bộ Thương mại và Công nghiệp cho Phòng này.
Ngoài ra, còn có nhiều loại giấy phép, giấy chứng nhận khác nhau tùy thuộc vào lĩnh vực hoạt động. Chẳng hạn, các công ty có phần lớn cổ phần nước ngoài hoặc 100% vốn nước ngoài thì phải có giấy phép của Ủy ban Đầu tư; trường tư cấp mẫu giáo, tiểu học, trung học phải có giấy của Bộ Giáo dục; bán lẻ, bán sỉ gạo phải được sự đồng ý của Cục Lương thực quốc gia…
Nói chung, chủ doanh nghiệp phải đến Văn phòng Cấp phép kinh doanh thuộc Văn phòng Thị trưởng để xin giấy phép kinh doanh. Để được cấp giấy phép, doanh nghiệp phải có đầy đủ các loại giấy tờ đã nói ở trên. Nhân viên của Trạm cứu hỏa, Phòng Công trình, Phòng Y tế sẽ đến kiểm tra địa điểm kinh doanh có tuân thủ các yêu cầu của luật định không trước khi cấp giấy chứng nhận. Sau đó, người của Văn phòng Cấp phép kinh doanh sẽ đến kiểm tra địa điểm của doanh nghiệp có phù hợp với quy hoạch của địa phương không. Cuối cùng, doanh nghiệp phải nộp phí cấp phép dựa trên quy định của chính quyền địa phương tùy theo loại hình kinh doanh.
Sau khi cấp giấy phép, theo quy định của pháp luật, chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan thuộc chính quyền trung ương đóng trên địa bàn phải tiếp tục theo dõi, giám sát sự tuân thủ của các doanh nghiệp đối với các yêu cầu đã đặt ra khi cấp giấy phép, và vào tháng một hàng năm doanh nghiệp phải xin cấp lại giấy phép. Điều này nhằm mục đích thường xuyên bảo đảm trật tự, an toàn, sức khỏe và sự thịnh vượng chung trên địa bàn. Tuy nhiên, trên thực tế, một số nhân viên công quyền địa phương cũng đã lợi dụng cơ chế hậu kiểm này (và cả cơ chế tiền kiểm) để vòi vĩnh, làm khó doanh nghiệp. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương các cấp ở Philippines chưa xây dựng được cơ chế phản hồi hữu hiệu để tiếp nhận khiếu nại của người tiêu dùng và các bạn hàng của doanh nghiệp. Chỉ có rất ít người tìm đến cơ chế này vì e ngại sự phiền nhiễu, rắc rối từ phía nhân viên công quyền.
3. Thực tiễn cấp phép kinh doanh
Để hiểu thêm về cơ chế cấp phép kinh doanh vận hành trên thực tế như thế nào tại các địa phương ở Philippines, chúng ta sẽ xem xét kinh nghiệm ở hai thành phố Quezon và Dagupan.
Quezon là thành phố có hơn 2 triệu dân vào năm 2000, với hơn 52 ngàn doanh nghiệp vào năm 2001, trong đó bán lẻ chiếm 35%, bán sỉ 18%, quán ăn 11%, cung cấp dịch vụ 11%, sản xuất 10% và 10% thầu khoán. Cũng trong năm 2001, thu từ thuế kinh doanh và phí cấp phép kinh doanh chiếm 47% tổng thu tại chỗ của thành phố, trong đó khu vực sản xuất đóng góp 28%. Còn thành phố Dagupan có hơn 130 ngàn dân vào năm 2000, với gần 5000 doanh nghiệp vào năm 2001. Thu từ thuế kinh doanh và phí cấp phép kinh doanh chiếm 67% tổng nguồn thu tại chỗ của chính quyền thành phố vào năm 2002.
Về quy trình cấp phép kinh doanh, ngoài trình tự chung, Thị trưởng thành phố Quezon đã ra quy định phân biệt giữa các doanh nghiệp có độ “nguy cơ thấp” và “nguy cơ cao” khi xét cấp lại giấy phép hàng năm. Doanh nghiệp có “độ nguy cơ cao”- doanh nghiệp có thể đe doạ sức khỏe con người và trật tự công cộng – phải chịu những điều kiện khắt khe hơn nhiều khi muốn được xét cấp lại giấy phép kinh doanh. Còn ở Dagupan, chính quyền thành phố thành lập Trung tâm Doanh nghiệp một cửa phụ trách việc cấp phép kinh doanh gồm 6 phòng và 16 nhân viên, với quy trình không phức tạp bằng ở Quezon.
Hoạt động cấp phép kinh doanh ở Quezon và Dagupan gặp khá nhiều vướng mắc giống nhau. Các doanh nghiệp thường than phiền là họ phải đáp ứng quá nhiều yêu cầu, khiến cho việc nhận giấy phép trở thành gánh nặng. Doanh nghiệp tỏ ý không hài lòng về thời gian cấp phép kéo dài hàng tuần đến hàng tháng, nhất là do thanh tra cứu hỏa. Một số chủ doanh nghiệp cho biết, họ đã cố gắng đáp ứng mọi yêu cầu, nhưng các nhân viên công quyền luôn tìm ra sai sót để kéo dài thời gian. Sự chậm trễ cũng do một phần nhân lực của các cơ quan không kham nổi khối lượng công việc. Các quy định về cấp phép cũng tỏ ra thiếu mềm dẻo. Hồ sơ thường không được lưu giữ một cách hợp lý chung cho mọi bộ phận, nhân viên, mà nhân viên nào xử lý thì người đó lưu giữ. Điều này khiến cho việc tìm kiếm, sử dụng hồ sơ rất khó khăn, dữ liệu thiếu chính xác. Cuối cùng, việc tính thuế, phí, lệ phí diễn ra khá tùy tiện và không tiện lợi đối với doanh nghiệp. Những bất cập này tạo đất cho các loại “cò” lợi dụng, chẳng hạn phí chính thức là 20 peso nhưng phải đợi đến hàng tháng, trong khi“cò” sẽ lấy 300 peso và sau 15 phút giấy phép đã nằm trong tay.
Tuy nhiên, thời gian gần đây chính quyền thành phố Quezon và Dagupan đã có những biện pháp cải thiện tình trạng này. Chẳng hạn, Quezon đã thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu chung giữa Văn phòng Cấp phép kinh doanh và Văn phòng Dự trữ thành phố cài đặt phần mềm tính thuế và phí; phát hành hóa đơn mới chống việc làm hóa đơn giả. Chính quyền thành phố cũng xây thêm phòng để các doanh nghiệp có chỗ ngồi chờ với cô phê và trà đá miễn phí; trong thời gian cao điểm vào đầu năm, chính quyền thuê thêm người để hướng dẫn doanh nghiệp điền đơn và làm những thủ tục khác; đưa các phòng ban liên quan tập trung về một chỗ vào thời gian cao điểm; không cho người ngoài vào trụ sở và rút ngắn thời gian cấp phép xuống còn 3-4 ngày nhằm ngăn chặn “cò”.
Nhờ đó, ở Quezon, trong năm 2002, số lượng giấy phép được cấp đã tăng gần 70% so với năm 2001, còn trong 6 tháng đầu năm 2003, số lượng đó lên đến hơn 9000, tức là gần bằng cả năm 2002; thu từ thuế kinh doanh đạt 62% tổng thu của chính quyền thành phố năm 2002 so với 47% năm 2001. Còn ở Dagupan, số lượng doanh nghiệp đã đăng ký tăng từ gần 3800 năm 2001 lên đến 4700 năm 2002 và 5500 năm 2003. Những biện pháp nói trên cũng giảm tình trạng tham nhũng, hối lộ, thất thoát thuế và phí.
SOURCE: Civillawinfor tổng hợp từ loạt bài do nhà Nghiên cứu Nguyễn Đức Lam viết dưới các bút danh Nguyễn Lê, Hoài Thu và Minh Thy. Tên bài trên trang này do Civillawinfor đặt (Có gì sai sót mong tác giả thông cảm).
Trích dẫn từ: Blog cá nhân của tác giả – echxanh1968.wordpress.com
Like this:
Like Loading...
Related
Filed under: Xã hội, nhà nước và pháp luật nước ngoài |
Leave a Reply