admin@phapluatdansu.edu.vn

HỘI THẨM NHÂN DÂN PHẢI TƯƠNG TẦM VỚI TRỌNG TRÁCH ĐƯỢC GIAO

CAO XUÂN THU VÂN

Đọc bài “Ai quản lý, điều hành Hội thẩm nhân dân?” của tác giả Phạm Dân, đăng trên báo ĐBND ngày 6.12.2009 và một số bài viết trước đó về chủ đề Hội thẩm nhân dân (HTND), tôi rất đồng cảm với những băn khoăn của các tác giả. Tuy nhiên, đối chiếu với quy định của pháp luật và thực tế hoạt động ở địa phương, tôi thấy cần trao đổi thêm một số vấn đề sau.

Theo quy định của Pháp lệnh Thẩm phán và HTND năm 2002 thì Chánh án Tòa án nơi HTND được bầu là người quản lý và điều hành HTND: HTND làm nhiệm vụ theo sự phân công của Chánh án và Chánh án có trách nhiệm quản lý HTND theo quy chế về tổ chức và hoạt động của HTND. Rõ ràng HTND do HĐND bầu chọn trên cơ sở giới thiệu của UBMTTQ cùng cấp, nhưng việc quản lý, điều hành HTND là thuộc trách nhiệm của Chánh án Tòa án nơi Hội thẩm được bầu. Vì vậy, bảo đảm chất lượng cũng như thành phần của HTND là trách nhiệm của nhiều cơ quan, người có thẩm quyền và cá nhân từng vị Hội thẩm. Thực tiễn hoạt động ở địa phương cho thấy, ngay từ khâu chọn lựa, giới thiệu nhân sự, UBMTTQ tỉnh và huyện, thị xã đã kết hợåp chặt chẽ với Chánh án Tòa án nhân dân cùng cấp và Thủ trưởng đơn vị (nơi có ứng củ viên được chọn giới thiệu) để lựa chọn, giới thiệu bầu HTND đúng tiêu chuẩn, thành phần, có thể tham gia tốt hoạt động xét xử của Tòa án. Và, việc bầu HTND phải có số dư để đại biểu HĐND chọn lựa.

Như vậy, ngay từ khi lựa chọn ứng cử viên, vai trò của Chánh án và Thủ trưởng đơn vị- nơi có ứng cử viên tham gia HTND đã thể hiện rất rõ, tránh được tình trạng UBMTTQ giới thiệu người tham gia HTND không đủ khả năng hoặc không có thời gian thực hiện nhiệm vụ của của HTND theo quy định. Phương châm của địa phương là không nhất thiết giới thiệu người có chức vụ của các cơ quan, ngành, lĩnh vực tham gia, mà quan trọng là lựa chọn người có khả năng và kiến thức pháp luật (Cử nhân hoặc Trung cấp, nhất là chuyên ngành Luật), có quỹ thời gian dành cho hoạt động Hội thẩm. Khi được HĐND bầu chọn thì nhiệm vụ của Chánh án Tòa án nơi Hội thẩm được bầu phải chủ động thực hiện đầy đủ các chính sách đối với HTND (trang bị trang phục, công khai các quyền, nghĩa vụ, chế độ…) Chánh án không chỉ giao nhiệm vụ cho HTND trong hoạt động xét xử mà còn có trách nhiệm tổ chức các hoạt động bồi dưỡng nghiệp vụ, kiến thức pháp lý, kỹ năng xét xử; xét thi đua đề nghị cơ quan có thẩm quyền hoặc chính mình khen thưởng đối với HTND trong thực hiện nhiệm vụ xét xử; đề nghị HĐND miễm nhiệm, bãi nhiệm HTND theo quy định của pháp luật. Như vậy, trách nhiệm quản lý, điều hành HTND đã rõ. Tác giả  bài báo đề xuất lịch xét xử của Tòa án gửi cho Thường trực HĐND và Thường trực HĐND phân công HTND tham gia xét xử, theo dõi đánh giá hoạt động của HĐND… là thiếu cơ sở pháp lý và chưa phù hợp với thực tế hoạt động của HTND. Bởi, Thường trực HĐND không có quyền hạn và trách nhiệm này; hoạt động của HTND gắn liền với hoạt động xét xử và người có trách nhiệm đánh giá hiệu quả hoạt động của Hội thẩm là Chánh án- thông qua việc xem xét tiêu chí, xem xét chất lượng của các bản án, quyết định mà Hội thẩm tham gia xét xử, giải quyết”.

Trên thực tế, HTND cũng như Thẩm phán- khi có tỷ lệ vụ việc do mình tham gia xét xử, giải quyết bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của Hội đồng xét xử thì ngoài việc không được xét thưởng, còn bị xem xét mức độ để có thể đề nghị miễm hoặc bãi nhiệm. Chế định này pháp luật quy định chưa rõ, nên có trường hợp cả năm HTND không được phân công, hoặc được phân công nhưng từ chối tham gia xét xử vì thiếu hụt trình độ, kiến thức khi làm nhiệm vụ HTND.

Việc HTND cả nhiệm kỳ không tham gia xét xử hoặc không được Chánh án phân công xét xử (dù cá biệt) cũng cần được xem xét. Về trách nhiệm pháp lý, theo Pháp lệnh Thẩm phán và HTND năm 2002, nếu trong một năm HTND không được Chánh án Tòa án phân xét xử thì HTND có quyền yêu cầu Chánh án cho biết lý do. Mặt khác, theo luật Tổ chức HĐND và UBND, hàng năm Chánh án báo cáo công tác của mình trước HĐND cùng cấp (công tác HTND là một trong những nội dung phải có trong báo cáo công tác của Chánh án); trên cơ sở  báo cáo thẩm tra của Ban Pháp chế của HĐND, đại biểu HĐND xem xét báo cáo công tác của Chánh án để xem xét chất lượng hoạt động của HTND và kịp thời kiến nghị chấn chỉnh việc không thực hiện các quy định có liên quan đến hoạt động của HTND.

Việc thay đổi vị trí công tác của người tham gia HTND là khó tránh khỏi, để bảo đảm cơ cấu thành phần HTND, nht là HTND công tác trong ngành Giáo dục, cán bộ Đoàn, nhằm bảo đảm yêu cầu tham gia HĐXX vụ án có bị can chưa thành niên cần phải thực hiện miễm nhiệm và bầu bổ sung HTND. Trách nhiệm của của Thủ trưởng đơn vị (nơi Hội thẩm công tác) thông báo đến Chánh án nơi Hội thẩm tham gia xét xử biết việc thay đổi nhân sự đó và giới thiệu người thay thế; Chánh án trao đổi UBMTTQ cùng cấp, thực hiện các thủ tục theo quy định để HĐND miễn hoặc bãi nhiệm HTND và bầu HTND đúng yêu cầu. HĐND một năm ít nhất có 2 kỳ họp nên việc bầu bổ sung HTND cho đúng thành phần, cơ cấu không phải không thực hiện được.

Điều cần phải đặc biệt quan tâm đối với HTND là chất lượng tác nghiệp. Muốn giải quyết được vấn đề này, đòi hỏi phải có các phương án và giải pháp đồng bộ cùng với sự tham gia tích cực, trách nhiệm từ nhiều phía. Chánh án Tòa án Tối cao cần hoàn thiện tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ cho HTND, từ khâu nghiên cứu hồ sơ vụ án, kỹ năng tham gia thẩm vấn tại phiên tòa, nghe phân tích các tranh luận tại phiên tòa đến việc tham gia nghị án… Thời gian qua, chương trình bồi dưỡng cho Hội thẩm quá nghèo nàn, thời gian quá ngắn, không đáp ứng yêu cầu thực tế. Trách nhiệm của HĐND tỉnh và cấp huyện là phải tăng cường giám sát, có chính sách hỗ trợ hoạt động của HTND, thông qua hỗ trợ ngân sách để Tòa án mở thêm các lớp bồi dưỡng chuyên đề, bổ sung kiến thức cho HTND; mở các phiên tòa xét xử lưu động; sử dụng một phần kinh phí phòng chống tội phạm và phòng chống ma túy để hỗ trợ cho HĐXX (trong đó có HTND) khi tham gia xét xử vụ án hình sự phức tạp, tội phạm liên quan đến ma túy…; Thực hiện đầy đủ các chế độ bồi dưỡng HTND trong nghiên cứu hồ sơ, tham gia xét xử (50.000đ/ngày)… Ngoài ra, cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu để cấp chế độ phụ cấp hàng tháng cho HTND và tăng tiền bồi dưỡng khi tham gia xét xử của HTND. Quan trọng hơn là hoạt động của HTND phải được QH, các cơ quan của QH và HĐND và đại biểu dân cử quan tâm nhiều hơn, để tương tầm với trọng trách mà pháp luật quy định.

SOURCE: BÁO NGƯỜI ĐẠI BIỂU NHÂN DÂN

Trích dẫn từ:

http://www.nguoidaibieu.com.vn/Trangchu/VN/tabid/66/CatID/7/ContentID/93753/Default.aspx

One Response

  1. PHẢN HỒI BÀI VIÊT: HỘI THẨM NHÂN DÂN PHẢI TƯƠNG TẦM VỚI TRỌNG TRÁCH ĐƯỢC GIAO
    Ths. Cao Việt Thăng

    Chế định Hội thẩm nhân dân là một trong những chế định rất quan trọng trong hoạt động xét xử ở nước ta . Tuy nhiên, để hiểu rõ về vai trò của Hội thẩm nhân dân đã có rất nhiều tranh luận và cách hiểu khác nhau xung quanh chế định này. Chẳng hạn, đọc bài viết của tác giả Cao Xuân Thu Vân tại địa chỉ: http://thongtinphapluatdansu.wordpress.com/2010/01/08/4317/, tôi cho rằng cách hiểu của tác giả về chế định này có lẽ là chưa chính xác. Dưới đây là một số quan điểm của tác giả về chế định Hội thẩm nhân dân để tác giả Thu Vân và các độc giả cùng tham khảo.
    Về nội dung của việc quy định về thành phần của Hội thẩm nhân dân phải đảm bảo đa số thành viên trong Hội đồng xét xử sơ thẩm các vụ án thì có rất nhiều ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho rằng: Việc tham gia của Hội thẩm nhân dân là đảm bảo tính làm chủ của nhân dân trong quá trình xét xử. Hay ngay như trong Hiến pháp, ở Chương I – Về Chế độ chính trị có quy định: Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân . Nên việc quy định thành phần của Hội đồng xét xử đảm bảo sự đa số của số lượng Hội thẩm nhân dân là phù hợp…
    Tuy nhiên, về mặt thực tiễn, chúng ta thấy nguồn của Hội thẩm nhân dân chủ yếu là các công, viên chức nhà nước thuộc nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau do Mặt trận tổ quốc giới thiệu chứ không phải là những người dân thường không nằm trong biên chế của các cơ quan nhà nước. Do đó, có thể thấy rằng đó không phải là quy định nhằm bảo đảm tính “nhân dân” trong Hội đồng xét xử.
    Về chuyên môn, nghiệp vụ có thể thấy rằng: việc quy định các Hội thẩm nhân dân ngang quyền với Thẩm phán khi xét xử, rõ ràng Hội thẩm có đủ thẩm quyền quyết định mọi vấn đề trong quá trình xét xử, nghĩa là họ có quyền phán quyết kể cả những vấn đề hóc búa như định tội danh trong vụ án hình sự. Tuy nhiên, chỉ với tiêu chuẩn của Hội thẩm là: Công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có phẩm chất đạo đức tốt, liêm khiết và trung thực, có kiến thức pháp lý, có tinh thần kiên quyết bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, kiên quyết đấu tranh bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, có sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao thì có thể được bầu hoặc cử làm Hội thẩm , thì khi gặp những bị cáo là những người có trình độ pháp luật, bị cáo có người giám hộ, người đại diện là các chuyên gia pháp luật, là một hay nhiều luật sư chuyên nghiệp trợ giúp thì chắc chắn với các tiêu chuẩn về Hội thẩm như trên sẽ không đủ năng lực và trình độ pháp lý để đấu lại họ và không thể phán xử được. Ở phương diện này, chắc chắn các nhà làm luật cũng đã biết được điều này. Và nếu họ thấy bất cập chắc hẳn phải đặt ra vấn đề sử dụng toàn bộ thành viên Hội đồng xét xử phải là các Thẩm phán chuyên nghiệp chứ sẽ không quy định việc tham gia của Hội thẩm vào thành phần của Hội đồng xét xử.
    Từ những vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra như trên, vậy nên hiểu thể nào cho đúng về chế định về Hội thẩm nhân dân ở nước ta hiện nay? Ở đây nên xem xét từ góc độ gốc rễ của vấn đề. Chúng ta thấy, chế định Hội thẩm nhân dân xuất phát từ yêu cầu của việc đưa phán xét về mặt xã hội vào trong bản án, các quyết định của Toà án chứ không chỉ đơn thuần là vấn đề xem xét hoàn toàn dưới góc độ pháp lý thuần tuý. Nghĩa là các nhà lý thuyết cho rằng: pháp luật chỉ là những khuôn mẫu chung khá cứng nhắc được xây dựng trên sự đồng thuận theo tỷ lệ mà xã hội chấp nhận được chứ đó không được xây dựng trên cơ sở đồng thuận tuyệt đối, cho nên pháp luật cũng không phải là một giá trị tuyệt đối đúng để có thể áp dụng giải quyết chung cho mọi trường hợp. Thứ hai, pháp luật cũng chỉ là một loại quy phạm xã hội có giá trị áp dụng cao nhất chứ không phải là toàn bộ các quy phạm xã hội có thể thay thế hoàn toàn các quy phạm xã hội khác trong đời sống hàng ngày. Do đó, cần có những tiếng nói từ phía thực tiễn xã hội trong việc đưa ra các phán quyết có tính quyết định đối với một quan hệ xã hội nào đó và người nắm giữ sứ mệnh này chính là các vị Hội thẩm nhân dân. Cụ thể là: trong các quan hệ xã hội luôn này sinh xảy ra các vấn đề một cách muôn màu muôn vẻ, ở nhiều lĩnh vực khác nhau và chứa đựng yếu tố bất ngờ do đó không thể lường trước được đâu là lĩnh vực có thể xảy ra tình huống tranh chấp hay phạm tội. Ví dụ, trong thao tác nghề nghiệp của một bác sỹ theo chỉ định được phép sử dụng chất moocphin để cấp cứu bệnh nhân nhưng nạn nhân bị chết, những thành viên Hội thẩm cùng thuộc ngành nghề với bị cáo thì mới có thể đưa ra kết luận rằng anh ta đã làm như thế là đúng hay không đúng với nghiệp vụ và lương tâm? Hay trong các tập quán hôn nhân của các vùng khác nhau thì họ chấp nhận việc thành hôn ở các độ tuổi khác nhau và nhiều khi là vi phạm pháp luật quốc gia nhưng xét về mặt cấu trúc xã hội cũng có nhà nước chấp nhận các tập quán này vì cho rằng nó thuộc về các giá trị truyền thống cần được tôn trọng. Trong những trường hợp như vậy, vai trò của các Hội thẩm nhân dân ở đây phải đưa ra phán quyết về mặt xã hội là: hành vi này được chấp nhận hay không chấp nhận ở cộng đồng nơi họ đang sống. Hay đối với tranh chấp thương mại: trong các điều kiện cá biệt, các giao dịch thương mại trên một địa bàn hẹp thường áp dụng các tập quán giao dịch bất thành văn, nếu các Hội thẩm không phải là những người ở địa bàn đó, không làm trong cùng lĩnh vực, ngành nghề đó thì liệu có thể đưa ra những giải đáp khách quan không?
    Bên cạnh đó, một yêu cầu cũng rất quan trọng đối với Hội thẩm đó là sự đồng cảm về mặt xã hội đối với tình hình thực tiễn. Nghĩa là, việc lựa chọn những Hội thẩm có cùng môi trường, hoàn cảnh sống gần gũi với các quan hệ xã hội bị tranh chấp thì bằng niềm tin nội tâm, môi trường và hoàn cảnh sống họ mới đưa được tiếng nói của xã hội vào các phán xét của Toà án.
    Vấn đề cuối cùng là việc đưa ra quyết định của Hội thẩm: từ thực tiễn nhất là trong xét xử các vụ án hình sự chúng ta thấy việc định tội danh của Hội đồng xét xử chủ yếu do Thẩm phán thực hiện nên vai trò của Hội thẩm ở đây chỉ nên xem xét ở 2 khía cạnh chủ yếu: thứ nhất, đánh giá mức độ nguy hiểm của hành vi mà bị cáo thực hiện là có nguy hiểm đối với quan hệ xã hội mà bị cáo xâm hại đối với cộng đồng đó hay không (Hội thẩm là người gần gũi với mối quan hệ xã hội này mới đánh giá đúng mức được tính nguy hiểm hay không của hành vi) và đưa ra kiến nghị đối với Thẩm phán là có nên áp dụng hình phạt đối với bị cáo về hành vi đó hay không còn việc áp dụng hình phạt và định tội danh gì thì thuộc thẩm quyền của Thẩm phán? thứ hai, xem xét các tình tiết của vụ án và đưa ra những nhận thức xã hội bằng kinh nghiệm, sự gần gũi với hoàn cảnh của bị cáo thì nên áp dụng tình tiết tăng nặng hay tình tiết giảm nhẹ…
    Từ những nhận thức về Hội thẩm như vậy, chúng ta mới đặt ra vấn đề là nên xem xét đòi hỏi tiêu chuẩn của Hội thẩm cần phải đáp ứng tiêu chuẩn gì? Và giá trị nào của Hội thẩm là giá trị cần khai thác nhất thì mới đáp ứng được yêu cầu đặt ra đối với Hội thẩm.
    Trên đây là một số ý kiến về vai trò của chế định Hội thẩm trong nhà nước ta hiện nay kính mong các ý kiến phản hồi của các độc giả.

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn
%d bloggers like this: