Site icon THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

TRANH CHẤP VỀ TRÁCH NHIỆM DÂN SỰ CỦA CHỦ CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG: LÀM LÚN NỨT NHÀ HÀNG XÓM

Advertisements

TRẦN VŨ

Tòa sơ thẩm tuyên phải bồi thường, tòa phúc thẩm lại ra phán quyết hoàn toàn trái ngược. Gây thiệt hại, chỉ khắc phục một lần?

Ngày 10-12-2009 vừa qua, TAND tỉnh Cà Mau đã bác yêu cầu khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại vì nhà bị lún nứt của bà TND, đồng thời buộc bà D. phải nộp 1 triệu đồng tiền án phí.

Gây thiệt hại, chỉ khắc phục một lần?

Theo hồ sơ, giữa năm 2008, ông N. đã khởi công xây một căn nhà mới sát vách nhà bà D. (ven kinh sáng Cà Mau-Bạc Liêu, phường 6, TP Cà Mau). Sau đó, bà D. phát hiện ra nhà của mình bị nứt dần và lún sụp, liền báo cho ông hàng xóm tới xem.

Sau khi xem hiện trạng, ông N. đã chấp nhận bù đắp cho bà D. bằng cách đổ hai cây cột, hai cây kèo gia cố chống lún nứt, ngoài ra còn trám, trét hết những vết nứt trong nhà bà D.

Tuy nhiên, tình trạng lún, nứt nhà không hết mà vẫn diễn ra nên bà D. tiếp tục đòi ông N. phải có trách nhiệm. Cho rằng mình đã lo một lần là hết trách nhiệm rồi, ông N. từ chối nên bà D. phải làm đơn yêu cầu chính quyền địa phương giải quyết.

Nhiều lần tổ chức hòa giải, chính quyền cơ sở đều có quan điểm là ông N. nên bù đắp thêm cho bà D. một khoản tiền nữa để sửa nhà bởi thực tế việc lún nứt nhà của bà D. là do ảnh hưởng từ hoạt động xây nhà của ông N. Dù đã được thuyết phục như vậy nhưng ông N. vẫn quyết liệt từ chối.

Cuối cùng bà D. phải khởi kiện ông N. ra TAND TP Cà Mau để đòi bồi thường thiệt hại.

Dưới thắng, trên thua

Tại phiên xử sơ thẩm, TAND TP Cà Mau nhận định thiệt hại của nhà bà D. là có xảy ra và điều này đã được đôi bên thừa nhận. Tại phiên tòa, chính ông N. cũng thừa nhận việc ông cất nhà sát nhà bà D. cũng một phần là nguyên nhân dẫn đến nhà bà D. bị lún nứt. Trên thực tế, trước đây ông đã từng thừa nhận trách nhiệm của mình bằng việc đổ cột, dựng kèo gia cố, trám trét hết vết nứt cho nhà bà D.

TAND TP Cà Mau kết luận ông N. có lỗi trong việc xây nhà làm lún nứt nhà hàng xóm và tuyên ông phải bồi hoàn thêm cho bà D. 5 triệu đồng. Sau phiên xử, ông N. kháng cáo.

Tại phiên phúc thẩm vừa qua, TAND tỉnh Cà Mau không phủ nhận việc xây nhà của ông N. đã ảnh hưởng đến tình trạng lún nứt nhà của bà D. nhưng lại ra một phán quyết trái ngược với cấp sơ thẩm. Tòa cho rằng cả hai nhà của ông N. và bà D. đều là nhà ven sông, không có giấy phép xây dựng nên tuyên bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà D.

Không được bồi thường thiệt hại còn phải nộp án phí 1 triệu đồng vì thua kiện, bà D. ấm ức cho biết đang làm đơn xin người có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm bản án trên.

Án sơ thẩm hợp lý hơn

Điều 267, Điều 268, Điều 604 BLDS và Nghị quyết 03 ngày 8-7-2006 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao (hướng dẫn thi hành một số điều của BLDS) đều có chung một nguyên tắc: Chủ công trình xây dựng phải tuân theo pháp luật về xây dựng; có nghĩa vụ đảm bảo an toàn cho công trình bên cạnh; nếu gây ra thiệt hại thì phải bồi thường.

Ở vụ việc này, bản án sơ thẩm của TAND TP Cà Mau hợp lý hơn bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Cà Mau. Bởi lẽ dù chưa có giấy phép xây dựng và nằm ven sông nhưng căn nhà bà D. đã ở và đã tồn tại. Ở đây, chúng ta cần tách bạch hai mối quan hệ: Một bên là mối quan hệ giữa việc bà D. xây nhà không phép và sự chế tài của cơ quan thẩm quyền đối với hành vi đó; một bên là việc gây thiệt hại của ông N. đối với tài sản của bà D. Nhà của bà D. đã tồn tại, không gây ảnh hưởng đến trật tự công cộng, không bị các cơ quan chức năng buộc tháo dỡ. Do vậy, căn nhà này cũng là tài sản hợp pháp của cá nhân bà và được pháp luật bảo vệ. Khi có sự xâm phạm gây thiệt hại thì về nguyên tắc, người đã có hành vi xâm phạm phải bồi thường. Thạc sĩ Nguyễn Xuân Quang, giảng viên Trường Đại học Luật TP.HCM

HỒNG TÚ ghi

SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM

Trích dẫn từ: http://phapluattp.vn/20100105124333868p1063c1016/lam-lun-nut-nha-hang-xom.htm

Exit mobile version