Site icon THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

QUAN HỆ TƯƠNG TÁC GIỮA LUẬT SƯ VỚI CÁC CƠ QUAN TIẾN HÀNH TỐ TỤNG VÀ CÁC CƠ QUAN NHÀ NƯỚC KHÁC

Advertisements

LS. TRẦN CÔNG LY TAO – Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM

Nghề Luật sư được xã hội trọng vọng, tôn kính. Ngay từ thời La Mã Cổ đại, người Luật sư được xem như một hiệp sĩ, nghề luật sư được coi như một thiên chức (chức vụ thiêng liêng). Ở miền Nam Việt Nam trước ngày giải phóng 30/4/1975, ban nhạc hài hước nổi tiếng AVT đã từng cất lời ca trên đài phát thanh Sài Gòn: Luật sư đắc vợ, nhiều tiền, từ hai tay trắng làm nên nhà lầu!

Được biết, người Sài Gòn đã có thói quen tìm đến luật sư khi hữu sự, chẳng may phải “đáo tụng đình”. Vì vậy mà tổ chức luật sư ra đời tại “thánh địa” nầy ngay từ năm 1867 tính tới nay là 142 năm (chỉ gián đoạn 14 năm: từ năm 1975 đến năm 1989).

Để tạo được truyền thống danh giá tốt đẹp, giữ được sự tin cậy và trọng nể của người đời thì luật sư và tổ chức hành nghề luật sư suy nghĩ và hành động mẫu mực, thao thức với lời căn dặn được lưu truyền từ ngàn xưa: mua danh ba vạn, bán danh ba đồng; hoặc mất tiền bạc có thể làm ra tiền bạc, mất uy tín là mất tất cả.

Là luật sư, hơn các giới khác trong xã hội, chúng ta cần tuân thủ triệt để quy định pháp luật và ứng xử nhân văn trong làm việc và lối sống. Ở chừng mực nào đó, dân thường vi phạm pháp luật có thể được tha thứ hoặc châm chế do lạc hậu về kiến thức và nhận thức. Nhưng những “thầy luật” mà vi phạm pháp luật thì thật đáng chê trách. Trong số những điều tối kỵ của nghề luật sư là hành vi “chạy án”. Tại hội nghị tổng kết hàng năm của Đoàn Luật sư Tp.Hồ Chí Minh, chúng ta luôn mạnh mẽ lên tiếng: cương quyết nói “không” với chạy án.

Khái niệm “chạy án” được hiểu theo nghĩa rộng, nhưng nói theo dân gian là việc làm “đổi trắng, thay đen” trong hoạt động tố tụng làm sai lệch sự thật khách quan được thể hiện trong bản án để hưởng lợi bất chính. Là người “phụ tá công lý”, chúng ta xem công lý là kim chỉ nam, là vị thần bất khả xâm phạm. Sài Gòn, hòn ngọc Viễn Đông, nơi đất lành chim đậu, với hào khí Nam bộ không cho phép chúng ta làm ngơ trước bất công, mà phải tỏ rõ thái độ “kiến nghĩa bất vi vô dõng giả” (thấy việc nghĩa không làm thì không phải là người có dũng khí).

Xuất phát từ quan điểm “nhập thế” nói trên, chúng ta là người được đào tạo qua trường lớp kinh điển để hành nghề “thầy cãi”, Luật sư cần cẩn trọng và thể hiện bản lĩnh trong thao tác nghề nghiệp: từ ngôn ngữ, cử chỉ tới hành động tại chốn pháp đình; nơi đó có “quan trên ngó xuống, người ta trông vào”, nhất cử nhất động của luật sư có thể nâng cao hoặc làm suy giảm uy tín của người luật sư, nghề luật sư.

Để biến ý tưởng thành hành động thực tiễn, chúng ta đang “thai nghén” Bộ Quy tắc Đạo đức Nghề nghiệp luật sư (BQTĐĐNNLS) nhằm thể chế hóa các điều mà luật sư cần phải triệt để tuân thủ khi quan hệ với các cơ quan tiến hành tố tụng (THTT), xem các quy chuẩn trong BQTĐĐNNLS như bùa hộ mệnh, “những điều răn” mà “tín đồ” của đạo “thờ luật” không được phạm giới, tức là chúng ta nghiêm chỉnh chấp hành những quy định của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Đoàn Luật sư mà mình là thành viên. Trong quan hệ cộng tác với các cơ quan bảo vệ pháp luật, luật sư chúng ta phải tôn trọng quy định của các cơ quan hữu quan. Trường hợp xảy ra xung đột pháp lý trong quá trình hành nghề luật sư với các cơ quan THTT thì luật sư cần có thái độ ôn tồn, hợp tác để hóa giải mâu thuẫn một cách tốt đẹp. Nếu quan điểm của hai bên không thể thống nhất thì luật sư nên làm văn bản đề nghị tổ chức hành nghề luật sư can thiệp (trong quá khứ, Đoàn Luật sư TP.HCM đã tổ chức 4 cuộc họp liên ngành với các Cơ quan cảnh sát điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án TP.HCM, phối hợp giữa luật sư với các cơ quan THTT trong vụ án hình sự, khắc phục dần xung đột  trong hoạt động tố tụng giữa luật sư với các cơ quan điều tra, truy tố và xét xử). Phương châm hành xử của Luật sư với cơ quan THTT là đối thoại cởi mở, tránh đồi đầu không cần thiết. Đối với cơ quan THTT Luật sư cần tôn trọng đúng mực, thể hiện văn hóa giao tiếp. Luật sư phải đắn đo lời ăn tiếng nói trước cán bộ, nhân viên của các cơ quan THTT. Tuyệt đối, không lợi dụng danh nghĩa luật sư nặng lời, chỉ trích người khác nhằm thỏa mãn tự ái cá nhân để cử tọa vị nể luật sư đã dám “mạnh miệng”, coi những người THTT chẳng ra gì! Luật sư cố gắng tạo bầu không khí ôn hòa, hợp tác với những người THTT là có lợi đôi đường; góp phần làm sáng tỏ sự thật khách quan vụ án, giúp HĐXX có thêm dữ liệu để đưa vào phần nhận định của bản án phù hợp, đúng pháp luật. Từ đó, quyết định của bản án khách quan, đúng mực; với luận cứ thể hiện quan điểm pháp lý xác đáng, trách nhiệm và xây dựng luật sư sẽ được sự đồng thuận của cử tọa có mặt tại phiên tòa.

Luật sư phải biết kiềm chế tránh cường điệu, phát huy khả năng hùng biện, thay vì hùng hổ! “Ngoa ngôn” bao giờ cũng lợi bất cập hại: vừa làm giảm giá trị của mình mà có khi còn dẫn đến vạ lây cho thân chủ (HĐXX cũng chỉ là những “người phàm” họ sẽ giận cá (luật sư) mà chém thớt (thân chủ của luật sư). Sự bất hòa, lạnh nhạt với các cơ quan THTT của luật sư về lâu dài sẽ không ích lợi gì cho luật sư cả.

Thái độ đúng mực của luật sư sẽ tạo ra hình ảnh tt đẹp về người luật sư, nghề luật sư đối với công chúng, tôn trọng người khác thì sẽ được người khác tôn trọng.

Luật sư chúng ta luôn cầu thị, khiêm tốn nhưng vẫn giữ tiết tháo “bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất” (nghèo khó không thay lòng, vũ lực không khuất phục).

Vướng mắc trong hoạt động nghề nghiệp giữa luật sư và Cơ quan THTT là điều khó tránh, cần được giải quyết bằng con đường ôn hòa, chấp nhận đấu lý để tìm ra chân lý.

Luật sư phải toàn tâm toàn ý, lý lẽ hùng hồn, vạch ra sự thật khách quan bằng dẫn chứng sinh động, xác thực góp phần giúp HĐXX giải quyết vụ án khách quan, thấu tình đạt lý.

Luật sư phải biết giữ mình, đừng vì lợi thiển cận mà làm hoen ố thanh danh nghề nghiệp, cái nghề mà các thế hệ tiền bối đã dầy công gầy dựng. Các thế hệ Luật sư lớp trước như: LS. Phan Anh, LS. Phan Công Trường, LS. Thái Văn Lung, LS Trịnh Đình Thảo và đặc biệt là Luật sư Nguyễn Hữu Thọ (nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam, Chủ tịch Quốc Hội và quyền Chủ tịch nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam) đã làm rạng danh giới Luật sư, góp phần to lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước.

Nói một cách khái quát: quan hệ giữa luật sư với cơ quan nhà nước khác có nhiều điểm tương đồng với quan hệ giữa luật sư với các cơ quan THTT, tuy nhiên vẫn có một số đặc điểm riêng.

– Điểm tương đồng: khi tiếp xúc, làm việc với cơ quan Nhà nước khác, luật sư phải tuân thủ các quy định của cơ quan Nhà nước mà luật sư giao tiếp: từ tốn, hợp tác xây dựng, hài hòa giữa lợi ích người dân (thân chủ của luật sư) với lợi ích cộng đồng, lợi ích chung. Luật sư thể hiện bản lĩnh, thuyết phục cán bộ phần hành giải quyết yêu cầu của người dân nhằm đáp ứng nguyện vọng chính đáng của họ. Trước cơ quan Nhà nước khác, luật sư cố gắng thuyết phục cán bộ tiếp dân bằng những lập luận có sức thuyết phục (dẫn chứng các văn bản pháp luật một cách chính xác).

– Khác ở chỗ,  luật sư làm dịch vụ pháp lý (cùng với đương sự) tham gia đối thoại với cán bộ chuyên trách trong việc làm thủ tục hành chính pháp lý, không phải luật sư nào cũng tham gia. Nhưng nguyên tắc chung vẫn là “nhu thắng cương”, bằng “ tùy cơ ứng biến” mối quan hệ giữa luật sư với cơ quan Nhà nước diễn ra đằm thắm là điều chúng ta hằng mong muốn. Vạn bất đắc dĩ phải đối phó thì phải kiên trì đòi hỏi công lý bằng được.

Tương lai tươi đẹp của nghề luật sư đang mỉm cười ở phía trước. Vinh quang và thách thức đang chào đón các luật sư. Hỡi các đồng nghiệp thế hệ 7X, 8X hãy tự tin bước vào “vườn xuân luật sư” với ngàn hoa tươi thắm đang vẫy gọi các bạn đấy!

SOURCE: CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐOÀN LUẬT SƯ TPHCM

Trích dẫn từ:

http://www.hcmcbar.org/?option=com_contentlist&task=detail&cat=4&type=2&id=277

Exit mobile version