admin@phapluatdansu.edu.vn

VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ PHÁP LUẬT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO TRONG HOẠT ĐỘNG CÔNG CHỨNG

PHAN THỦY – Bộ Tư pháp

Pháp luật về khiếu nại, tố cáo trong hoạt động công chứng đã được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật về công chứng như: Nghị định số 45/HĐBT về tổ chức và hoạt động công chứng Nhà nước ngày 27/02/1991 Hội đồng Bộ trưởng. Nghị định số 31/CP ngày 18/5/1996 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động công chứng nhà nước. Nghị định 75/2000/NĐ-CP về công chứng, chứng thực ngày 18/5/1996 của Chính phủ. Luật công chứng ngày 29/11/2006 của Quốc hội.

Nhìn chung các quy định về khiếu nại, tố cáo trong hoạt động công chứng đã góp phần tích cực cho sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, khẳng định ngày càng rõ hơn vị trí, vai trò quan trọng của công chứng trong đời sống xã hội, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về công chứng của nhân dân trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, đồng thời là công cụ đắc lực phục vụ quản lý nhà nước có hiệu quả, bảo đảm an toàn pháp lý cho các giao dịch, góp phần tích cực vào việc phòng ngừa tranh chấp, vi phạm pháp luật, tăng cường pháp chế XHCN.

Đánh giá chung những quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo trong hoạt động công chứng cho thấy các quy định này trong gần 20 năm qua đã có nhiều đóng góp tích cực cho việc ngăn ngừa vi phạm pháp luật, phòng chống những hành vi sai phạm xảy ra trong hoạt động công chứng, bảo vệ được quyền và lợi ích của người yêu cầu công chứng. Đây cũng là biện pháp để thực hiện tốt chức năng quản lý của Nhà nước, phát hiện được các sai phạm, đồng thời cũng là biện pháp để hạn chế hậu quả pháp lý xảy ra trong hoạt động công chứng. Thông qua việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm các cơ quan có thẩm quyền, chức nămg đã ngăn chặn được việc tái phạm và có biện pháp giải quyết kịp thời.

So sánh Văn bản quy phạm pháp luật có trước và có sau về khiếu nại, tố cáo trong hoạt động công chứng cho thấy quy định ngày càng cụ thể hơn. Mục đích tạo điều kiện cho hoạt động công chứng ở Việt Nam phát triển cả về chiều sâu và chiều rộng, phục vụ tốt hơn các nhu cầu công chứng của cá nhân, tổ chức góp phần đắc lực hơn trong việc đảm bảo sự an toàn về pháp lý đối với các quan hệ dân sự, kinh tế, thương mại và các quan hệ khác. Chính từ những quy định về khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm lại là động lực thúc đẩy cho sự phát triển của hoạt động công chứng đã giữ ổn định cho hoạt động công chứng trong nhiều năm qua. Góp phần nâng cao đạo đức nghề nghiệp của công chứng viên, loại bỏ được những công chứng viên thiếu phẩm chất, không đủ năng lực chuyên môn khi hành nghề công chứng. Pháp luật khiếu nại, tố cáo ngày càng được nâng cao hơn, nhìn nhận một cách khách quan hơn khi đã đưa các quyền của công chứng viên, các tổ chức hành nghề công chứng vào chương tố cáo, khiếu nại.

Như vậy có thể khẳng định rằng, pháp luật về khiếu nại, tố cáo trong hoạt động công chứng hơn hai mươi năm qua đã mang lại niềm tin cho cá nhân, tổ chức khi tham gia vào hoạt động công chứng, là công cụ đắc lực phục vụ quản lý Nhà nước có hiệu quả.

Mặc dù đã đạt được kết quả nêu trên nhưng khi thực hiện các quy định của Nghị định số 45, Nghị định số 31 và Nghị định số 75 về khiếu nại, tố cáo cho thấy vẫn còn thiếu một số quy định, chưa đầy đủ đối với các chủ thể khi tham gia hoạt động công chứng mà chỉ có các quy định như:

-  Đương sự có quyền khiếu nại về việc từ chối thực hiện công chứng hoặc về nội dung công chứng đã làm của cơ quan công chứng; Công dân và tổ chức có quyền tố cáo việc thực hiện công chứng trái pháp luật;

-  Công dân và tổ chức có quyền khiếu nại với Trưởng phòng công chứng về việc từ chối công chứng hoặc về nội dung công chứng mà công chứng viên đã thực hiện và có quyền tố cáo hành vi công chứng trái pháp luật…..

           Như vậy, không có quy định cho công chứng viên hoặc tổ chức công chứng có quyền khiếu nại, tố cáo những sai phạm của người yêu cầu công chứng gây ra mà những sai phạm này nhiều khi rất nghiêm trọng thường gây thiệt hại rất lớn cho người tham gia giao dịch, cho công chứng viên, cho tổ chức, cơ quan nhà nước. Trong hoạt động công chứng thì công chứng viên, Phòng công chứng và các cá nhân, tổ chức khác khi phát hiện người yêu cầu công chứng có những hành vi sai phạm, lừa dối, giả mạo cũng phải có quyền khiếu nại, tố cáo. Thực tế, sai phạm của công chứng viên xét về chủ quan chiếm tỷ lệ  ít hơn khách quan trong hoạt động công chứng.

Song cùng với sự phát triển của xã hội, mục đích tạo điều kiện cho hoạt động công chứng ở Việt Nam phát triển phục vụ tốt hơn các nhu cầu công chứng của người dân, của các cơ quan, tổ chức; ngày 29/11/2006 tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XI đã ban hành Luật Công chứng với chủ trương xã hội hoá công chứng, tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động công chứng của Việt Nam phù hợp với chuẩn mực và thông lệ của hoạt động công chứng khu vực và thế giới. Luật công chứng ban hành có hiệu lực vào ngày 1 tháng 7 năm 2009 không những mở rộng, thông thoáng về hình thức tổ chức hành nghề công chứng mà còn phân biệt rạch ròi về phạm vi công chứng, chứng thực để người dân, các cơ quan, các tổ chức khi có yêu cầu công chứng, chứng thực không lẫn lộn giữa hai lĩnh vực này. Đồng thời đã giải quyết được tình trạng quá tải trong một thời gian dài đầy áp lực tại các Phòng công chứng và đã có các quy định cụ thể đối với vấn đề giải quyết khiếu nại, xử lý vi phạm, giải quyết tranh chấp trong họat động công quyết.

Luật công chứng đã nhìn nhận đầy đủ hơn về quyền khiếu nại, việc xử lý vi phạm, giải quyết tranh chấp của các thành phần tham gia hoạt động công chứng. Luật công chứng đã dành cả Chương VII quy định về xử lý vi phạm, khiếu nại và giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực công chứng. Các quy định này thể hiện được sự thống nhất trong công tác quản lý nhà nước bằng pháp luật. Nhằm, phục vụ tốt hơn yêu cầu công chứng của nhân dân. Cụ thể, tại chương VII Luật công chứng có 7 điều quy định về xử lý vi phạm, khiếu nại và giải quyết tranh chấp (từ điều 58 đến điều 64).

Về  xử lý vi phạm được quy định cho các đối tượng sau đây:

          – Xử lý vi phạm đối với công chứng viên ;

          – Xử lý vi phạm đối với tổ chức hành nghề công chứng ;

          – Xử lý vi phạm đối với người có hành vi xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng ;

          – Xử lý vi phạm đối với cá nhân, tổ chức hành nghề công chứng bất hợp pháp;

          – Xử lý vi phạm đối với người yêu cầu công chứng.

Việc khiếu nại được quy định cho người yêu cầu công chứng khi bị từ chối công chứng.

Việc giải quyết tranh chấpđược quy định giữa người yêu cầu công chứng và công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng.

Các quy định này có nhiều đổi mới, đối tượng được mở rộng hơn so với một số quy định trước đây trong hoạt động công chứng. Việc xử lý vi phạm đối với công chứng viên được xem là vấn đề chủ chốt cần đặt lên hàng đầu trong Chương VII. Bởi vì, nhiệm vụ của công chứng viên được đưa vào nội dung quan trọng nhất trong quy định của Luật công chứng, tiếp theo là các hình thc tổ chức hành nghề công chứng. Luật công chứng đã có quy định nghiêm cấm một số hành vi đối với công chứng viên như: không được tiết lộ thông tin về nội dung công chứng mà mình biết được khi hành nghề, không được sử dụng thông tin đó để xâm hại quyền, lợi íc hợp pháp của người khác; không được thực hiện công chứng khi mục đích và nội dung hợp đồng, giao dịch trái với đạo đức xã hội, vi phạm pháp luật… Công chứng viên là người có nhiệm vụ bảo đảm an toàn pháp lý cho các bên tham gia hợp đồng, giao dịch. Xuất phát từ những nhiệm vụ quan trọng của công chứng viên, cần phải có  quy định để ngăn chặn những việc làm tắc trách, thiếu đạo đức, thiếu tinh thần trách nhiệm của công chứng viên, Luật công chứng đã quy định: " Công chứng viên vi phạm quy định của Luật này thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật" (điều 58). Quy định này đã có tác dụng lớn đến công chứng viên khi làm nhiệm vụ phải thận trọng, phải khách quan, trung thực và nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công việc mình đang thực hiện. Đồng thời quy định này cũng để cho người dân, tổ chức yên tâm hơn và thấy được sự đảm bảo an toàn pháp lý trong việc giao kết hợp đồng khi đến yêu cầu công chứng.

Điểm tiến bộ trong Luật công chứng hơn hẳn các văn bản về hoạt động công chứng trước đây là không chỉ có quy định đối với cá nhân công chứng viên khi vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật mà còn đối với tổ chức hành nghề công chứng nếu để xảy ra vi phạm cũng được quy định xử lý trong Luật. Hình thức kỷ luật và mức độ kỷ luật của tổ chức hành nghề công chứng sẽ phải chịu xử lý tuỳ theo mức độ và tính chất của sự việc, nếu nhẹ thì bị xử lý hành chính, nếu gây thiệt hại sẽ phải bồi thường. Bên cạnh quy định xử phạm nghiêm minh thì quyền, lợi ích của công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng cũng cần được bảo vệ khi có người khác xâm phạm. Đây cũng là quy định hoàn toàn mới của Luật công chứng nhằm để ngăn chặn những người có chức vụ, quyền hạn lợi dụng bắt buộc công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng làm theo mệnh lệnh của mình, làm trái quy định của pháp luật. Tại điều 60 Luật công chứng quy định như sau: " Người có chức vụ, quyền hạn mà có hành vi xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng thực hiện quyền, nghĩa vụ thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường".

Ngoài ra, để ngăn chặn một số người tự do thành lập ra các tổ chức hành nghề công chứng nhằm mục đích thu lợi mà không được sự cho phép của các cơ quan có thẩm quyền hoặc cá nhân, tổ chức không đủ tiêu chuẩn, điều kiện mà hành nghề công chứng bất hợp pháp cũng được Luật đưa vào chế tài xử phạt. Mặc dù trong Luật công chứng có quy định hai hình thức hành nghề công chứng là Phòng công chứng và Văn phòng công chứng. Văn phòng công chứng do một công chứng viên thành lập được tổ chức và  hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân. Văn phòng do hai công chứng viên trở lên thành lập được tổ chức và hoạt động theo loại hình công ty hợp danh. Nhằm ngăn ngừa một số người cho rằng " doanh nghiệp tư nhân" hay "công ty hợp danh"  có thể tự thành lập khi có khả năng về tài chính, do đó tại điều 61 có quy định: "Cá nhân không đủ điều kiện hành nghề công chứng mà hành nghề công chứng dưới bất kỳ hình thức nào thì phải chấm dứt hành vi vi phạm, bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Tổ chức không đủ điều kiện hành nghề công chứng mà hành nghề công chứng dưới bất kỳ hình thức nào thì phải chấm dứt hành vi vi phạm, bị xử phạt hành chính, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường." Đối với những người có hành vi lừa dối, không trung thực để mưu cầu đạt lợi ích không chính đáng khi yêu cầu công chứng như: sửa chữa giấy tờ, sử dụng giấy tờ giả mạo hoặc có hành vi gian dối khác khi yêu cầu công chứng thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường ( điều 62 quy định). Những vấn đề trên đây là quy định mới phù hợp với thực tiễn trong giai đoạn hiện nay.

Trong Luật công chứng, vấn đề khiếu nại được quy định giải quyết ngắn gọn hơn để không kéo dài việc giải quyết khiếu nại đến nhiều cơ quan và các cấp chính quyền như quy định trước đây tại Nghị định số 75 về công chứng, chứng thực. Mục đích không để tình trạng chuyển đơn thư vòng vèo, cơ quan cấp dưới đùn đẩy lên cơ quan cấp trên giải quyết. Do vậy, Luật công chứng quy định cho người yêu cầu công chứng có quyền khiếu nại khi công chứng viên từ chối công chứng mà có căn cứ cho rằng việc từ chối đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Việc giải quyết khiếu nại được giao cho Trưởng phòng công chứng hoặc Trưởng văn phòng công chứng nơi có đơn khiếu nại giải quyết, thời gian giải quyết khiếu nại không quá 3 ngày làm việc. Nếu người yêu cầu công chứng khiếu nại mà không đồng ý với việc giải quyết khiếu nại của Trưởng phòng công chứng, Trưởng văn phòng công chứng thì có quyền khiếu nại đến Giám đốc Sở Tư pháp. Thời gian quy định việc giải quyết khiếu nại là không quá 5 ngày làm việc, Giám đốc Sở Tư pháp phải có trách nhiệm giải quyết. Vấn đề này được quy định tại điều 63 Luật công chứng.

Ngoài việc giải quyết xử lý các vi phạm và khiếu nại, Luật công chứng còn quy định về giải quyết tranh chấp giữa người yêu cầu công chứng và công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng khi xảy ra tranh chấp các bên có quyền khởi kiện vụ việc ra Toà án để giải quyết tranh chấp đó (điều 64 quy định).

Qua nghiên cứu tìm hiểu tại một số điều Luật công chứng về xử lý vi phạm, khiếu nại và giải quyết tranh chấp chothấy: Luật công chứng đã quy định đầy đủ và chặt chẽ hơn so với các văn bản trước đây về vấn đề này. Đối tượng xử lý vi phạm, khiếu nại, giải quyết tranh chấp có cả người yêu cầu công chứng, công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng nếu làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của nhau trong hoạt động công chứng.

Mặc dù vậy, khi triển khai Luật công chứng trong thực tế vẫn còn một số vấn đề cần bàn và cần có biện pháp giải quyết để giảm thiểu khiếu nại, tố cáo đối với lĩnh vực này. Hoạt động công chứng rất phức tạp, sai phạm trong hoạt động công chứng liên quan đến nhiều thành phần chủ thể. Do đó, biện pháp nhằm  hạn chế vi phạm, ngăn ngừa khiếu nại, tố cáo trong hoạt động công chứng cần phải giải quết những vấn đề sau:

Thứ nhất:  Cần phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động công chứng. Hiện nay, việc kiểm tra hoạt động công chứng đã được thực hiện nhưng cơ chế thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động công chứng cũng cần phải được xem xét, điều chỉnh sao cho phù hợp. Thanh tra, kiểm tra trong hoạt động công chứng là  xem xét, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ của công chứng viên, của tổ chức hành nghề công chứng. Việc thanh tra, kiểm tra chuyên sâu về nghiệp vụ công chứng trong thời gian qua thực chất chưa đạt với yêu cầu. Công tác thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động công chứng chưa được tổ chức theo hướng chuyên nghiệp, chuyên sâu về nghiệp vụ. Thanh tra, kiểm tra đối với văn bản công chứng, trình tự, thủ tục công chứng rất cần thiết, sẽ ngăn chặn được các khiếu nại, tố cáo xảy ra.

Thứ hai: Trách nhiệm của Sở Tư pháp là phải xây dựng Trung tâm thông tin dữ liệu về công chứng. Hệ thống này đặt tại Sở Tư pháp nhằm cung cấp, ngăn chặn các các thông tin về giao dịch hợp đồng bất động sản trong phạm vi  tỉnh, thành phố cho các tổ chức hành nghề công chứng, từ đó mới giảm thiểu được  vi phạm, giảm thiểu được vấn đề khiếu nại, tố cáo trong hoạt động công chứng.

Thứ ba: Để giảm bớt được khiếu nại, tố cáo nên có sửa đổi trong quy định của Luật công chứng về việc phân định mức độ xử lý sai phạm trách nhiệm của công chứng viên khi chứng nhận văn bản công chứng. Tại  khoản 3 Điều 3 Luật công chứng quy định về Nguyên tắc hành nghề công chứng cho thấy công chứng viên phải “ Chịu trách nhiệm trước pháp luật về văn bản công chứng” quy định cần nghiêm khắc nhưng quá nặng. So sánh với quy định của ngành nghề khác như Toà án khi xét xử sai cấp sơ thẩm còn có cấp phúc thẩm và gíám đốc thẩm xét xử lại. Công chứng viên khi ký công chứng sai một phần hay toàn bộ văn bản công chứng đề phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, có khi sai phạm đó do khách quan nhiều hơn chủ quan. Chính vì sự thiếu đồng bộ và quy định quá cứng nhắc trong pháp luật hiện hành dẫn đến rất nguy hiểm cho công chứng viên khi hành nghề công chứng. Từ đó việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động công chứng chưa mang lại hiệu quả cao và hợp lý. 

Thứ Tư: Thực tế cho thấy, khiếu nại và tố cáo khó phân định ranh giới, thẩm quyền, trình tự, thủ tục. Qua theo dõi đơn thư khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực công chứng thì nội dung khiếu nại, tố cáo rất phức tạp, đa dạng, có đơn khiếu nại về nghiệp vụ công chứng viên,  tố cáo công chứng viên. Ngược lại cũng có đơn thư của công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng tố cáo hành vi lừa đảo của người yêu cầu công chứng, khiếu nại, kiến nghị về các văn bản pháp luật chồng chéo, không rõ ràng dẫn đến sai phạm hoặc khó thực hiện vv….

Để giải quyết được vấn đề khiếu nại, tố cáo trong hoạt động công chứng cần phải phân biệt rõ nội dung khiếu nại, nội dung tố cáo để xử lý. Trong thực tiễn  tố cáo, khiếu nại trong hoạt động công chứng thường tập trung vào các nội dung sau:

– Do công chứng viên từ chối việc công chứng;

– Công chứng hợp đồng sai làm thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người yêu cầu công chứng;

– Công chứng viên công chứng hợp đồng, giao dịch không xác minh đầy đủ đối với các trường hợp phức tạp, cẩu thả … gây thiệt hại cho người yêu cầu công chứng;

– Công chứng viên công chứng hợp đồng, giao dịch trái pháp luật, trái đạo đức xã hội  gây thiệt hại cho công dân, tổ chức, cơ quan Nhà nước.

– Người yêu cầu công chứng dùng giấy tờ giả mạo, sử dụng giấy tờ giả mạo, gian dối, sửa chữa giấy tờ để yêu cầu công chứng gây thiệt hại cho tổ chức hành nghề công chứng, cho công chứng viên.

– Khiếu nại của công chứng viên về việc xử lý kỷ luật công chứng viên, miễn nhiệm công chứng viên.

– Khiếu nại về việc Tổ chức hành nghề công chứng vi phạm trong điều hành, trong hoạt động không đúng chức năng, nhiệm vụ theo quy định.

– Giải quyết khiếu nại chậm, giải quyết khiếu nại không phù hợp.

– Đòi bồi thường thiệt hại do hoạt động công chứng trái pháp luật.

Đối với các loại việc nêu trên nhiều khi việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo thường giải quyết chưa kịp thời, đa số  trường hợp phải phối hợp nhiều cơ quan để giải quyết.

Thứ năm:  Tại Điều 63 quy định về khiếu nại cũng chỉ quy định cho việc từ chối công chứng, cấp giải quyết chỉ có Trưởng phòng công chứng, Trưởng Văn phòng công chứng, cấp giải quyết tiếp theo là Giám đốc Sở Tư pháp. Quy định này tránh được sự vòng vèo giải quyết đơn khiếu nại nhưng cũng có sự bất lợi cho cá nhân, tổ chức khi khiếu nại chưa giải quyết thoả đáng.

Luật công chứng không có điều chốt để giải quyết việc khiếu nại, tố cáo. Lẽ ra, cần phải có quy định “Việc khiếu nại, tố cáo các việc công chứng được xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo”  để người có đơn khiếu nại, tố cáo biết được quy trình, thủ tục khi có yêu cầu.

Do vậy, pháp luật về khiếu nại, tố cáo trong hoạt động công chứng vẫn cần phải sửa đổi, bổ sung hợp lý và hoàn thiện hơn.

Thứ sáu: Cần sớm ban hành Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng, nâng cao đạo đức nghề nghiệp của công chứng viên. Sớm thành lập Tổ chức hiệp hội công chứng nhằm hỗ trợ công chứng viên về chuyên môn nghiệp vụ, trao đổi kinh nghiệm, kiểm tra, giám sát phù hợp với chuyên ngành để phòng ngừa sai phạm trong hoạt động công chứng.

Trên đây là một số vấn đề về lý luận và thc tiễn đối với pháp luật về khiếu nại, tố cáo trong hoạt động công chứng. Có thể nói giải quyết vấn đề này rất phức tạp, cần có sự phối hợp nhiều cơ quan, cần tránh sự chồng chéo, bất cập, không thống nhất trong các quy định của văn bản pháp luật thì vấn đề  khiếu nại, tố cáo trong hoạt động công chứng sẽ có hiệu quả  hơn.

SOURCE: CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BỘ TƯ PHÁP

Trích dẫn từ:

http://www.moj.gov.vn/p/tag.idempotent.render.userLayoutRootNode.target.n406.uP?uP_root=me&cmd=item&ID=14343

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading