Site icon THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

TRÌNH TỰ TỐ TỤNG HÀNH CHÍNH CỦA HỆ THỐNG TÀI PHÁN HÀNH CHÍNH Ở PHÁP

Advertisements

MẦU VIỆT THẮNG (Sưu tầm)

Cơ quan tài phán hành chính của Pháp – Hội đồng Nhà nước (HĐNN) ra đời với cuộc cách mạng tư sản Pháp 1789 (tiền thân là Hội đồng nhà Vua). Ngay sau khi cơ quan này được thành lập, một đạo luật mới được ban hành trong đó quy định toà án tư pháp của nước này không còn thẩm quyền xét xử bộ máy hành chính.

Vì dưới chế độ cũ vua Lu-i XVI muốn cải tổ thông qua các đạo luật tiến bộ, các toà án lúc đó từ chối áp dụng các đạo luật này và vì vậy toà án bị coi là phản động, nó không có quyền thay thế hoặc kiểm soát bộ máy hành chính. Năm 1800, Na-pô-le-ông đã lập ra Hội đồng Nhà nước và các cơ quan ở tỉnh (sau này trở thành các toà án hành chính). Nhưng mãi đến năm 1986 Hội đồng Nhà nước mới được thừa nhận về mặt Hiến pháp như một cơ quan tài phán hành chính. Vì Hiến pháp năm 1958 chỉ quy định HĐNN cho ý kiến đối với các dự luật chứ chưa quy định chức năng tài phán, trái lại Hiến pháp năm 1986 quy định việc tồn tại hệ thống tài phán hành chính là một nguyên tắc của Hiến pháp.

Trình tự tố tụng hành chính là toàn bộ các nguyên tắc pháp lý chi phối việc xem xét đơn khiếu kiện của một công dân trước cơ quan tài phán hành chính. Nguyên tắc này phải rất cụ thể và mang tính bắt buộc đối với thẩm phán hành chính. Nếu toà án hành chính không tôn trọng các nguyên tắc tố tụng, thì có thể phạm những sai lầm nghiêm trọng và quyết định bị kháng án lên toà án cấp trên và toà án cấp trên có quyền huỷ bản án, việc khiếu nại của công dân được xem xét lại từ đầu để tôn trọng các nguyên tắc tố tụng.

Quá trình giải quyết một vụ việc khiếu kiện tại HĐNN có 2 giai đoạn là giai đoạn thẩm cứu và giai đoạn xét xử:

1. Giai đoạn thẩm cứu: Giai đoạn này có chức năng chuẩn bị cho giai đoạn thứ hai (giai đoạn xét xử). Giai đoạn thẩm cứu là việc nghiên cứu hồ sơ khởi kiện. Sau khi các thành viên của HĐNN đã xem xét kỹ đơn kiện, Hội đồng đưa ra các phán quyết của mình.

     a. Chỉ đạo chung quá trình thẩm cứu có 3 nguyên tắc:

            + Quá trình tố tụng chủ yếu bằng văn bản: Hai bên trong một vụ việc phải đưa ra nhận xét của mình bằng văn bản.

            + Nguyên tắc đối chất: Thể hiện nguyên tắc tất cả các bên đều có quyền tự bảo vệ. Tòa án phải nghe cả 2 bên trình bày. Sự đối chất liên quan trực tiếp đến công dân khiếu nại. Tòa án không có quyền nêu ra một yếu tố, một lập luận hay sự khẳng định của một bên nào đó mà không thông báo cho bên kia biết.

            + Nguyên tắc bắt buộc trả lời: Trong tố tụng hành chính, chính tòa án chỉ đạo quá trình tố tụng chứ không phải các bên tranh chấp (điều này khác so với nguyên tắc tố tụng dân sự).

      b. Việc áp dụng các nguyên tắc: Trước HĐNN, việc xem xét một vụ việc từ khi có đơn khiếu nại đến khi HĐ ra quyết định xét xử đều cần quán triệt các nguyên tắc trên.

Khi một người gửi đơn đến HĐNN đòi hủy bỏ quyết định hành chính hoặc bồi thường, trong đơn cần nói rõ tại sao quyết định hành chính được coi là bất hợp pháp. Đơn khiếu nại cần phải được đánh số (theo thứ tự gửi đến), ghi rõ ngày nhận đơn. Người làm công việc này không phải là thành viên HĐNN, đó là những cán bộ hành chính làm ở phòng văn thư. Sau khi thụ lý hồ sơ, nếu đơn trình bày nhiều vụ việc thì đơn này được gửi đến phòng phân tích (phòng này có nhiệm vụ tóm tắt nội dung khiếu nại). Sự phân loại đơn nhằm mục đích hướng nội dung khiếu nại đến các tiểu ban có đủ thẩm quyền giải quyết hoặc nghiên cứu lý do tranh chấp.

2. Giai đoạn phán quyết: Giai đoạn này phần lớn là công khai, diễn ra như sau:

    a. Trước giai đoạn phán quyết: Uỷ viên Chính phủ sẽ nghiên cứu lại vụ việc, đọc lại toàn bộ hồ sơ liên quan đến vụ việc. Nhiệm vụ của Uỷ viên Chính phủ là nhấn mạnh những nguyên tắc pháp lý cũng như các khó khăn cần phải giải quyết. Uỷ viên Chính phủ sẽ chuẩn bị một dự thảo kết luận trong đó nhắc lại tóm tắt vụ việc, trình bày những khó khăn pháp lý liên quan đến vụ việc, các án lệ, phương pháp giải quyết của HĐNN và thẩm quyền của nó, nghĩa là cách thức xét xử từ trước đến nay đối với những vụ việc tương tự. Kết luận này rất quan trọng và sẽ được đọc trong buổi xét xử công khai cùng quyết định của HĐNN (đây là giai đoạn công khai duy nhất của quá trình tố tụng).

   b. Giai đoạn phán quyết: Sau khi Uỷ viên Chính phủ thảo xong kết luận vụ việc thì phải ghi vào lịch trình các vụ việc đã được kết luận trong một buổi xét xử. Có nhiều loại buổi họp phán quyết, tuy nhiên nó diễn ra tương đối giống nhau, bao gồm 3 giai đoạn:

        + Giai đoạn công khai: Mọi người đều có thể tham dự, thường chỉ những người liên quan, thân nhân – bạn bè và các nhà báo. Mỗi vụ việc được xem xét như sau: Chủ tọa khai mạc, yêu cầu đưa ra vụ việc thứ nhất – báo cáo viên phát biểu ngắn gọn điều mà công dân hoặc cơ quan hành chính yêu cầu HĐNN – Chủ tọa yêu cầu luật sư phát biểu ý kiến – Uỷ viên Chính phủ phát biểu ý kiến (Uỷ viên Chính phủ đưa ra đề nghị hoàn toàn độc lập và một giải pháp phù hợp nhất cho mỗi vụ việc) – phiên tòa xử công khai kết thúc.

        + Giai đoạn phán quyết: Giữa hai giai đoạn có 15 phút nghỉ sau đó tiếp tục họp – giai đoạn này hoàn toàn bí mật. Trong cuộc họp bí mật đưa ra phán quyết này, thường ít khi có sự bất đồng giữa dự thảo quyết định với kết luận của Uỷ viên Chính phủ, khi đó việc xem xét diễn ra nhanh chóng và chỉ còn vấn đề là thảo bản án. Nếu có sự bất đồng thì sau khi báo cáo viên đọc dự thảo quyết định, chủ tọa yêu cầu báo cáo viên trình bày lý do của sự bất đồng với Uỷ viên Chính phủ. Sau đó là thảo luận, mọi người đều được phát biểu ý kiến kể cả Uỷ viên Chính phủ (mặc dù Uỷ viên Chính phủ không có quyền bỏ phiếu). Sau khi chủ toạ thấy việc thảo luận đầy đủ, thì yêu cầu bỏ phiếu thông qua dự thảo quyết định; nếu có đa số thì dự thảo đó được thông qua và như vậy ý kiến của Uỷ viên Chính phủ bị bác bỏ. Nếu dự thảo không được chấp nhận, tức là Tòa đã chấp nhận kết luận của Uỷ viên Chính phủ.

        + Giai đoạn công bố: Sau 15 ngày thì công bố quyết định của HĐNN và niêm yết công khai tại trụ sở HĐNN.

SOURCE: MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ TÀI PHÁN HÀNH CHÍNH CỦA CỘNG HÒA PHÁP – NXB CTQG

Trích dẫn từ:

http://vibonline.com.vn/vi-VN/Drafts/ArticleDetails.aspx?ArticleID=507

Exit mobile version