admin@phapluatdansu.edu.vn

TRANH CHẤP SỞ HỮU CHUNG HỢP NHẤT CỦA VỢ CHỒNG: CHIA TÀI SẢN THEO NGUỒN GỐC, CÔNG SỨC ĐÓNG GÓP ĐỐI VỚI TÀI SẢN LIÊN QUAN ĐẾN 20 TỜ VÉ SỐ ĐỘC ĐẮC!?

VĨNH SƠN – HỒNG TÚ

Theo luật sư bảo vệ cho chị A., số tiền trúng số trên có được trong thời gian vợ chồng chung sống với nhau nên phải xem là tài sản chung và phải được chia đều. Tòa nói công sức đóng góp kẻ nhiều người ít cũng chưa thuyết phục. Nếu nói chị A. không có hoặc có ít công sức đóng góp lại càng bất hợp lý…

Ngày 9-12-2009, TAND tỉnh An Giang hoãn phiên xử phúc thẩm vụ án không công nhận là vợ chồng giữa chị Huỳnh Thị A. và anh Trần Văn T vì lấn cấn chuyện chia tài sản liên quan đến 20 tờ vé số độc đắc.

Năm 2008, anh T. và chị A. tổ chức đám cưới (chưa đăng ký kết hôn) và họ sống bằng nghề bán vé số dạo. Có tật hay ngủ quên nên anh T. thường “ôm” vé số ế. Có lần vợ anh phải cầm cả đôi bông tai ngày cưới lấy tiền trả nợ cho đại lý. Nghèo nhưng gia đình nhỏ của họ vẫn ấm cúng.

Ngày 25-3-2009, anh T. nhận của đại lý 200 tờ vé số (loại 5.000 đồng/tờ) đi bán nhưng đến chiều vẫn còn 40 tờ vé số ế. Thất thểu về nhà với 40 tờ vé số ế thì anh T. hay tin mình trúng số. Trong đó có 20 tờ trúng đặc biệt và 20 tờ trúng an ủi. Tổng giá trị giải thưởng anh T. nhận là hơn 2,5 tỉ đồng. Sau đó mâu thuẫn vợ chồng phát sinh nhưng hai người vẫn sống chung. Sau khi xây mới căn nhà, còn lại 1,4 tỉ đồng anh T. mang gửi ngân hàng…

Ngày 27-8, TAND huyện Thoại Sơn không công nhận hai người là vợ chồng vì không đăng ký kết hôn. Số tiền 1,4 tỉ đồng do trúng số mà có là tài sản tồn tại trong thời gian chung sống với nhau. Tuy lý luận như vậy nhưng khi chia tài sản này thì tòa quyết: anh T. nhận 80% trên tổng giá trị giải thưởng (tương đương 1 tỉ 120 triệu đồng), còn chị A. chỉ được 280 triệu đồng. Lý do là anh T. trực tiếp đi bán vé số, bị ế nên trúng thưởng, còn chị A. ít có công sức đóng góp. Cho rằng mình bị tòa xử ép, chị A. kháng cáo.

Theo luật sư bảo vệ cho chị A., số tiền trúng số trên có được trong thời gian vợ chồng chung sống với nhau nên phải xem là tài sản chung và phải được chia đều. Tòa nói công sức đóng góp kẻ nhiều người ít cũng chưa thuyết phục. Nếu nói chị A. không có hoặc có ít công sức đóng góp lại càng bất hợp lý…

Trong vụ án này có hai vấn đề pháp lý đáng chú ý: Thứ nhất, sống chung nhưng không đăng ký kết hôn có phải là quan hệ vợ chồng hay không? Thứ hai, nếu không phải là quan hệ vợ chồng thì tài sản phát sinh trong thời gian sống chung sẽ được phân chia như thế nào?

Thạc sĩ Lê Minh Hùng (giảng viên Đại học Luật TP.HCM) cho biết pháp luật nước ta về hôn nhân và gia đình đã có nhiều sự nhìn nhận về quan hệ hôn nhân qua từng thời kỳ.

Cụ thể, theo Nghị quyết 35 ngày 9-6-2000 của Quốc hội, những quan hệ hôn nhân thực tế trước thời điểm ngày 3-1-1987 tuy không đăng ký kết hôn nhưng không vi phạm điều kiện kết hôn theo Luật Hôn nhân và Gia đình (về sự tự nguyện, độ tuổi, huyết thống…) thì nhà nước khuyến khích họ đi đăng ký kết hôn. Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn thì các tranh chấp sẽ được giải quyết như đối với những người có đăng ký kết hôn.

Với quan hệ sống chung được xác lập từ sau ngày 3-1-1987 đến trước ngày 1-1-2001, các bên phải đi đăng ký kết hôn, thời hạn dành cho những trường hợp này là hai năm tính từ ngày 1-1-2001 đến ngày 1-1-2003. Nếu như các bên thực hiện đăng ký kết hôn đúng thời hạn thì nhà nước công nhận thời gian xác lập quan hệ vợ chồng từ thời điểm họ sống chung với nhau. Nếu như họ đăng ký kết hôn sau ngày 1-1-2003 thì quan hệ vợ chồng được nhà nước công nhận tại thời điểm họ đăng ký kết hôn.

Như vậy, trường hợp sống chung từ sau ngày 1-1-2001 (thời điểm Luật Hôn nhân và Gia đình 2000 có hiệu lực) mà không đăng ký kết hôn thì không được pháp luật công nhận là vợ chồng. Đối với những trường hợp này, khi có tranh chấp về tài sản được hình thành trong thời gian sống chung, tòa sẽ xác định, phân chia theo công sức, mức đóng góp của từng người.

Ở đây, anh T. và chị A. tổ chức đám cưới năm 2008 nhưng không đăng ký kết hôn nên nhà nước không công nhận quan hệ vợ chồng đối với họ. Do vậy, một khi tòa xác định tài sản họ đang tranh chấp là tài sản chung của hai người, được hình thành trong thời gian họ sống chung thì đó là tài sản chung theo phần và được chia theo công sức đóng góp của mỗi người. Còn nếu tòa xác định là tài sản riêng thì của ai người đó hưởng.

Một số vụ tranh chấp vé số độc đắc

– Tháng 7-2004, TAND huyện Tuy Phong đã tuyên buộc người bạn học phải trả lại 22,5 triệu đồng cho em V., học sinh một trường tiểu học tại địa phương. Trước đó, nhà trường vận động học sinh mua loại vé số 2.000 đồng/tờ để gây quỹ khuyến học. Em V. chỉ có 1.000 đồng nên rủ một bạn cùng lớp hùn thêm tiền mua, thỏa thuận nếu trúng thì chia đôi và đưa tờ vé số cho bạn giữ. Sau đó, tờ vé số trên trúng giải đặc biệt nhưng bạn em V. lại không chịu chia đôi tiền thưởng.

– Tháng 9-2005, chú cháu ông L. ở thị xã Trà Vinh vào một quán quen ngồi nhậu, được chủ quán cho mượn tiền mua sáu tờ vé số. Hôm sau, sáu tờ vé số trúng giải đặc biệt và người chú (giữ vé số) đã đi lãnh thưởng. Người cháu kiện yêu cầu người chú trả lại. Xử sơ thẩm, TAND thị xã Trà Vinh cho rằng các nhân chứng khai không nhất quán nên tuyên vé số thuộc về người chú, sau đó TAND tỉnh cũng y án sơ thẩm.

SOURCE: CIVILLAWINFOR TỔNG HỢP BÀI VIẾT CỦA CÁC TÁC GIẢ VĨNH SƠN – HỒNG TÚ TRÊN BÁO PHÁP LUẬT TPHCM

Trích dẫn từ:

http://www.phapluattp.vn/2009121010509927p1063c1016/chia-tai-san-theo-nguon-goc-cong-suc-dong-gop.htm

5 Responses

  1. Bổ sung thêm: theo Điều 27 Luật Hôn nhân và Gia đình thì: “Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh và những thu nhập hợp pháp khác của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân…”. Tiền trúng thưởng của anh T. và chị A. là lao động của 2 người tạo ra, nhưng không phải là trong thời kỳ hôn nhân vì không có quan hệ hôn nhân tồn tại. Như vậy, không có quan hệ hôn nhân thì thu nhập do ai tạo ra sẽ là tài sản riêng của người đó, chỉ trường những trường hợp khó xác định hoặc không xác định được tài sản đó do ai tạo ra, ví dụ: cùng nhà bỏ tiền để mở doanh nghiệp, xây dựng nhà cửa…) thì mới xác định công sức đóng góp dựa vào năng lực, ngày công… để xác định công sức đóng góp.

  2. xin đánh chính: “Theo nội dung vụ án thì đây là trường hợp chung sống với nhau như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn nên không phải là vợ chồng”.

  3. Theo nội dung vụ án thì đây là trường hợp chung sống với nhau nhưng đăng ký kết hôn nên không phải là vợ chồng. Do đó, không hề có quan hệ hôn nhân tồn tại. Vì vậy, các tài sản hình thành trong thời gian chung sống với nhau như vợ chồng không đương nhiên là tài sản chung theo Điều 27 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000.
    Điều 27. Tài sản chung của vợ chồng
    1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh và những thu nhập hợp pháp khác của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và những tài sản khác mà vợ chồng thoả thuận là tài sản chung.
    Quyền sử dụng đất mà vợ chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng. Quyền sử dụng đất mà vợ hoặc chồng có được trước khi kết hôn, được thừa kế riêng chỉ là tài sản chung khi vợ chồng có thoả thuận.
    Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất.
    2. Trong trường hợp tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì trong giấy chứng nhận quyền sở hữu phải ghi tên của cả vợ chồng.
    3. Trong trường hợp không có chứng cứ chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó là tài sản chung.

    Vì vậy, nếu các bên có căn cho rằng đó là tài sản riêng của mình (ví dụ: Tiền dùng để mua vế trúng thưởng là của riêng một người) thì tài sản sẽ thuộc về người đó. Nếu không chứng minh được thì coi như đó là tài sản chung theo phần. Việc phân chia căn cứ vào công sức đóng góp của mỗi bên. Trong trường hợp này, theo tôi không thể coi là công sức đóng góp bằng nhau được, theo tôi, công sức đóng góp ở đây căn cứ vào thu nhập mà mỗi bên có thể tạo ra trong thời gian chung sống như vợ chồng. Như vậy, rõ rằng trong trường hợp này anh T. kiến được nhiều tiền hơn, tức là anh T. có công sức đóng góp nhiều hơn chị A. (nếu không căn cứ vào mức thu nhập để tính công sức cho 2 người thì không có cơ sở nào để chứng minh được công sức của ai là bao nhiêu).
    Theo tôi, trường hợp trên Toà xử lý như vậy là hợp pháp.

  4. trúng độc đắc là sự may mắn nhưng có khi từ sự may mắn ấy đã lại lại nhiều điều tai họa. có thể là gia đình ly tán, vợ chồng phân tranh, có tiền sinh tật…. ôi biết bao hệ lụy từ cái may mắn ấy,. tốt nhất chúng ta nên sống bằng chính sức lao động của mình, bởi vì lao động là vinh vang mà!

  5. Trúng số chưa hẳn đã là may mắn, tốt nhất là tiền do tự mình tạo ra.

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading