ĐÔNG PHƯƠNG
Thời gian qua, sự hiện diện của các văn phòng công chứng tư đã góp phần giảm tải cho công chứng Nhà nước. Tuy nhiên, tốc độ phát triển quá nhanh trong khi thiếu sự điều chỉnh kịp thời từ phía các cơ quan quản lý Nhà nước khiến hoạt động của những văn phòng công chứng này bộc lộ khá nhiều bất cập.
Người dân còn e dè
Chỉ tính riêng địa bàn Thành phố Hà Nội đã có 39 văn phòng công chứng tư, phần lớn tập trung tại các quận nội thành. Thực tế là các công chứng viên tại các phòng công chứng tư đều đủ tiêu chuẩn, tuy nhiên không phải ai cũng đủ kinh nghiệm và nắm bắt hết các quy định của pháp luật. Thế nên thời gian qua xuất hiện tình trạng một số văn bản, giấy tờ khi đem đến phòng công chứng nhà nước bị từ chối do chưa đủ căn cứ pháp lý, nhưng đem đến công chứng tư lại được giải quyết ngay, tất nhiên là với lệ phí cao hơn. Một cán bộ của Viện kiểm sát nhân dân thành phố e ngại là nhiều giấy tờ (liên quan chủ yếu đến nhà đất) làm giả mạo tinh vi nhưng cũng đã được chứng thực, dẫn đến các khổ chủ càng dễ bị mắc lừa hơn. Việc này có thể diễn ra trong ngày một ngày hai, nhưng cũng có thể 5- 10 năm sau (khi thực hiện giao dịch) mới bị phát hiện, lúc đó trách nhiệm của phòng công chứng sẽ như thế nào?
Mặc dù đã có nhiều cải trong cách tiếp đón, thái độ phục vụ nhưng vẫn còn nhiều người e dè với công chứng tư, bởi tâm lý "của nhà nước bao giờ cũng tốt hơn, đảm bảo hơn". Phần lớn người dân nghi ngại về việc giấy tờ do phòng công chứng tư chứng thực có đảm bảo giá trị pháp lý hay không. Chị Thắm (Tân Mai, HN) chuyên kinh doanh bất động sản cho biết: hầu hết các hợp đồng mua, bán, giao dịch chị đều chứng thực tại phòng công chứng nhà nước vì sợ rằng khi nộp hợp đồng lên văn phòng nhà đất (thuộc Sở Tài nguyên – môi trường Hà Nội) người ta có chấp nhận không. Đào Anh Dũng – Trưởng Văn phòng công chứng Ba Đình, số 3C, đường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội cho biết: "Có không ít trường hợp thắc mắc như vậy. Họ lo ngại về việc giấy tờ do chúng tôi chứng thực có đảm bảo giá trị pháp lý hay không. Chúng tôi phải thuyết phục cặn kẽ họ mới làm các thủ tục tại phòng công chứng. ông Dũng cho hay ngoài việc giải thích cho người dân hiểu thì chưa có cách nào khác để giải quyết vấn đề lo ngại của người dân khi đến với loại hình dịch vụ tại các văn phòng công chứng tư. ông Trần Công Trục – Trưởng Văn phòng công chứng Thăng Long (54 Trần Nhân Tông, Hà Nội) – bật mí: "Có trường hợp đi công chứng nơi khác không được, quay về Văn phòng chúng tôi đề nghị công chứng, nhưng bị từ chối. Họ tưởng mình mới mở nên không nắm được thông tin. Rất may chúng tôi lại biết về giao dịch đó”.
Phí ngoài hợp đồng quá cao
Trên thực tế, người dân đến các văn phòng công chứng họ chỉ nghĩ sẽ không tốn công chờ đợi và giá đó là do Nhà nước quy định bởi hầu hết các văn phòng công chứng đều trưng biển trực thuộc Sở Tư pháp Hà Nội. Vô hình trung, dưới cái mác này, các phòng công chứng tư tha hồ thu phí vô tội vạ.
Anh Vũ Văn Huy (Mai Động, HN) cho biết: do công việc quá bận rộn, anh đã có đề nghị văn phòng đến nhà công chứng giúp một hợp đồng đơn giản, đã đầy đủ giấy tờ thủ tục. Nhưng khi đến làm việc, nhân viên của phòng công chứng "vòi" đến 1,5 triệu đồng chưa kể chi phí đi lại, làm ngoài giờ hành chính… Nhưng vì không có thời gian đến phòng công chứng xếp hàng, chờ đợi, anh Huy đã "ngậm bồ hòn làm ngọt" dù biết đây là thoả thuận ngoài hợp đồng không nằm trong quy định tại thông tư 93 về lệ phí công chứng.
Tại một số phòng công chứng, lệ phí soạn thảo văn bản mua bán nhà, cam kết tài sản chung vợ chồng, di chúc hay hợp đồng ủy quyền lại, chuyển nhượng, tặng cho một phần nhà, đất cũng phải chi tới 500.000 đồng. Ngoài ra, khi đến giao dịch ở đây, kể cả lúc đông khách lẫn lúc không có giao dịch nào, khách hàng vẫn được mời thực hiện dịch vụ làm nhanh với thêm khoản phí 300.000 đồng (công chứng nhà nước không thu khoản phí này). Nhiều người thì phàn nàn về thái độ khá thờ ơ của nhân viên. Thậm chí, không ít phòng công chứng "chê" những hợp đồng, giao dịch có giá trị không cao, số phí thu thấp.
ông Phạm Thanh Cao (Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp, Sở Tư pháp Hà Nội) cho biết, hiện đã có tình trạng phòng công chứng tư thu phí gấp 10 lần Nhà nước với những dịch vụ làm nhanh, dịch vụ làm ngoài giờ, công chứng tại nhà. Ngoài việc áp dụng thu phí công chứng theo mức thu được Nhà nước quy định, văn phòng công chứng còn được thỏa thuận thu thêm phí dịch vụ ngoài hợp đồng đối với khách hàng. Kiểu thỏa thuận này khiến cho mỗi nơi thực hiện một kiểu và khách hàng thì chỉ biết ngậm ngùi "móc hầu bao".
Siết chặt quản lý
Luật cho phép các văn phòng công chứng này ra đời, nhưng thực tiễn áp dụng lại chưa xây dựng đầy đủ cơ sở hạ tầng, khiến cho các văn phòng công chứng này chưa được tạo dựng một hành lang hoạt động an toàn. Hệ thống các văn phòng công chứng thiếu sự liên kết thông qua mạng nội bộ để chia sẻ thông tin, không có cơ sở dữ liệu chung để kiểm soát thực trạng các hợp đồng… dẫn đến tình trạng một hợp đồng mua bán nhưng lại có tới 2 văn phòng công chứng ký xác thực.
Đại diện một số phòng công chứng cho rằng, khó khăn lớn của các văn phòng công chứng không được tiếp cận các thông tin mang tính chính thức về các tài sản là động sản, bất động sản bị hạn chế giao dịch hoặc cấm giao dịch từ các cơ quan như toà án, viện kiểm sát, công an hay thi hành án dân sự. Do đó, không tránh được những rủi ro.
Trước những bất cập này, Bộ Tư pháp đã làm việc với Sở Tư pháp Hà Nội và tiến hành kiểm tra hoạt động của một số văn phòng công chứng nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, cũng như chấn chỉnh hoạt động nếu họ có biểu hiện chưa thực hiện đúng quy định nhằm đem lại sự thông thoáng, lợi ích cho người dân.
Các Phòng công chứng và VPCC thực hiện công chứng các loại văn bản giấy tờ sau đây: Hợp đồng, giao dịch dân sự, thừa kế, di chúc, giấy tờ uỷ quyền các loại…
UBND cấp xã, phường thực hiện chứng thực các loại giấy tờ như: Thực hiện sao y bản chính các loại giấy tờ như văn bằng, chứng chỉ, lý lịch tư pháp, chứng minh thư nhân dân, sổ đỏ, sổ hồng, bản vẽ thiết kế…
SOURCE: BÁO ĐỜI SỐNG VÀ PHÁP LUẬT
Trích dẫn từ:
http://doisongphapluat.com.vn/Story.aspx?lang=vn&zoneparent=0&zone=22&ID=2413
Like this:
Like Loading...
Related
Filed under: Xã hội, nhà nước và pháp luật Việt Nam |
Tôi không rõ bài viết này được viết từ thời gian nào, nhưng việc posted bài từ ngày 07/12/2009 nên tôi coi đó là ngày đăng bài trên báo. Nhưng có một điều tôi muốn trao đổi lại với tác giả bài báo là đã không cập nhật pháp luật dẫn đến một số lỗi sai rất cơ bản trong bài viết:
Thứ nhất là: Việc chứng thực bản sao không còn nằm trong thẩm quyền của các cơ quan công chứng nữa, căn cứ theo Luật công chứng, Nghị định 02 hướng dẫn Luật công chứng, Nghị định 79/2007 về sao từ sổ gốc và chứng thực … Thì việc chứng thực thuộc thẩm quyền của UBND cấp phường và UBND cấp huyện, … tùy thuộc vào loại Văn bản chứng thực. Do đó việc nêu nội dung việc chứng thực tại Cơ quan công chứng là sai theo quy định của pháp luật.
Thứ hai là: Việc áp dụng phí công chứng đã áp dụng theo Thông tư 91/2008/TTLT – BTC – BTP có hiệu lực thi hành từ tháng 11/2008, vậy mà tác giả bài viết vẫn sử dụng theo Thông tư 93 là hoàn toàn không cập nhật văn bản pháp luật.
Trên đây là một số quan điểm của tôi về bài viết và mong nhận được phản hồi ý kiến từ tác giả.