Site icon THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

LỢI ÍCH NHÓM KHIẾN GIÁO DỤC ĐẠI HỌC LUẨN QUẨN TẦM NHÌN?

Advertisements

HỒ BẤT KHUẤT

Nguyên nhân khiến giáo dục đại học Việt Nam vẫn rất yếu kém có nhiều, nhưng một nguyên nhân cơ bản là đa số những người lãnh đạo các trường ĐH thiếu tầm nhìn xa, trông rộng, tư tưởng vụ lợi cá nhân và cục bộ chi phối các hoạt động GD.

Do vậy thực tế, trong những năm  qua, dù có tăng trưởng về con số sinh viên và các trường ĐH, nhưng chất lượng đào tạo lại giảm. Nhìn tổng thể, GDĐH Việt Nam đang bị "phá", chưa được "xây".

Ba yếu tố cần để có trường đại học tốt

Ba yếu tố cơ bản để hình thành nên một trường ĐH tốt được sắp xếp thứ tự như sau: 1- Con người (yếu tố có ý nghĩa quyết định), ở đây là đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý; 2- Cơ sở vật chất – kỹ thuật: Đất đai, giảng đường, ký túc xá, phòng thí nghiệm, máy móc, thiết bị, môi trường…; 3 – Nội dung chương trình giảng dạy.

Điều này rõ ràng và đơn giản vậy thôi, ấy thế mà rất nhiều người lãnh đạo các trường ĐH lại cho rằng, yếu tố quyết định là nội dung chương trình giảng dạy. Do quan niệm như vậy nên họ chỉ chăm chú đi tìm kiếm và bê nguyên các chương trình của nước ngoài về Việt Nam mà không quan tâm đến việc xây dựng đội ngũ giảng viên và xây dựng cơ sở vật chất cho nhà trường.

Chương trình hay nhưng con người dở thì làm sao mà "tiêu hóa" được? Rồi không có cơ sở vật chất tối thiểu thì làm sao mà truyền đạt tới sinh viên được. Ví dụ, bây giờ ĐH Tổng hợp Moskva mang tên Lomonosov chuyển giao toàn bộ chương trình Vật lý cho ĐHQG Hà Nội; thử hỏi giảng viên của ta có đủ trình độ để giảng dạy hay không? Làm thí nghiệm ở đâu? …

Cũng không xem con người là yếu tố quyết định, nên đội ngũ giảng viên ĐH luôn luôn thiếu và yếu. Xẩy ra một hiện tượng đáng buồn và trái với truyền thống GD của cha ông: Những giảng viên giỏi bỏ nhà trường để gia nhập quan trường. Nhiều giáo sư- tiến sỹ, hiệu phó, hiệu trưởng vẫn thấy quan trường hấp dẫn hơn giảng đường, nên họ bỏ nghề dạy học.

Hiện tượng này diễn ra trong nhiều năm, ở nhiều nơi nên đội ngũ giảng viên thiếu hụt người tài. Nếu ai nghi ngờ điều này, chỉ cần xem xét một trường ĐH cụ thể là Trường ĐHKHXH và NV thuộc ĐHQGHN thì rõ.

Cũng vì không xem trọng yếu tố con người và cơ sở vật chất – kỹ thuật nên mới có nhiều trường ĐH được thành lập đến thế. Các trường ĐH cứ nghiễm nhiên ra đời, mặc dù không có những điều kiện tối thiểu là khoảng một chục phó giáo sư, dăm chục tiến sỹ, vài chục hecta đất,  vài trăm ngàn mét vuông nhà…

Còn nói về thiếu tầm nhìn xa, trông rộng thì các ví dụ vô cùng phong phú. Cho đến thời điểm này, không có một trường ĐH nào ở Thủ đô có diện tích đất đai xứng đáng là một trường ĐH!

Không xem trọng môi trường sư phạm và điều kiện hoạt động khoa học

Cách đây hơn 50 năm, những người thành lập Trường ĐH Bách khoa HN đã "cắm đất" cho trường hàng trăm hecta: Chiều dài từ đường Đại Cồ Việt đến Minh Khai; chiều rộng từ đường Giải Phóng đến Bạch Mai. Nay diện tích và không gian này bị phá nát bởi hàng ngàn hộ dân đã tràn vào sinh sống. Đất của ĐH Bách khoa HN hiện nay không còn nổi 1/10 so với quy hoạch ban đầu.

Các trường ĐH Xây dựng, ĐH Cảnh sát, Kỹ thuật quân sự… cũng đã từng có cơ ngơi hàng trăm hecta ở cách HN từ 30 – 50 km, nhưng lãnh đạo nhà trường đã bỏ những nơi rộng lớn đó để về "bó mình" trong vài hecta ở gần trung tâm Thủ đô. Với họ, điều quan trọng nhất là đi làm gần chứ họ đâu có quan tâm đến môi trường sư phạm và khoa học.

Nhưng khôi hài và khó hiểu nhất là Trường ĐH Luật HN. Trường này mới thành lập sau năm 1975; khi thành lập được "cắm đất" nhiều chục hecta tại huyện Thường Tín (chỉ cách trung tâm Thủ đô có 16 km). Không hiểu vì sao mà  nhà trường lại bỏ địa điểm  hoành tráng đó, về "thu mình" trên đường Nguyễn Chí Thanh với diện tích có quy mô ngang với một trường phổ thông.

Chúng ta không coi trọng môi trường và cảnh quan của các trường ĐH, trong khi đó, các nghiên cứu ở nước ngoài đã chỉ ra rằng, cảnh quan và môi trường sinh thái, môi trường khoa học tác động trúc tiếp đến việc chất lượng đào tạo sinh viên. Do vậy, các trường ĐH ở nước ngoài thường nằm ở ngoại ô, diện tích hàng trăm hecta, không khí yên tĩnh và trong lành. Có cán bộ của ta đi tham quan về, cho rằng các trường ĐH của nước ngoài toàn đưa lên miền núi!

Cũng có người nhìn ra tầm quan trọng của diện tích và vị trí đối với sự phát triển của trường ĐH. Chính vì lẽ đó mà khoảng 20 năm về trước, Chính phủ đã "cắm đất" cho ĐHQGHN hàng trăm hecta ở nơi phong cảnh hữu tình Hòa Lạc (cách HN khoảng trên 30 km). Cứ tưởng sau dăm năm ở nơi này sẽ xuất hiện một trường ĐH mang dáng dấp của một trường ngang tầm quốc tế. Ai ngờ, hơn 20 năm đã trôi qua, nơi đây cũng chỉ là vùng đất hoang!

Lãnh đạo nhà trường cho rằng, việc chuyển trường lên Hòa Lạc, bị nhiều giảng viên phản đối vì đi làm xa. Sự thực có đúng như vậy không, hay còn uẩn khúc gì khác mà không xây dựng ĐHQGHN cho đàng hoàng?

Từ những sự việc này, biết nói gì về những hiệu phó, hiệu trưởng, giảng viên các trường ĐH và tầm nhìn của họ? Họ là những trí thức lớn mà cũng chỉ quẩn quanh với cách nghĩ về sự thuận tiện và lợi ích nho nhỏ trước mắt, không nghĩ đến việc phải tạo dựng môi trường sư phạm và khoa học cho các trường ĐH họ có trách nhiệm thì làm gì GDĐH Việt Nam có chất lượng cao?

Hướng ngoại thái quá và thiếu cơ sở

Tôi luôn luôn ủng hộ việc hợp tác quốc tế trong GDĐH, nhưng sự hợp tác này phải được xây dựng và tiến hành trên cơ sở hiểu biết sâu sắc những gì mình muốn và những gì người nước ngoài có thể cung cấp. Việc thành lập nhiều trường ĐH quốc tế ở Việt Nam (báo chí đưa tin trong vòng 1 tháng, ở Huế thành lập 3 trường ĐH quốc tế) cũng không phải là giải pháp tốt để nâng cao chất lượng GDĐH.

Các nước có nền GDĐH tiên tiến, không muốn và nếu muốn cũng không thể "xuất khẩu" những gì tốt nhất của mình. Một giảng viên giỏi ở Mỹ được trả khoảng 200 USD/tiết, còn giảng viên bình thường chỉ khoảng 50 USD/tiết. Những người giỏi luôn luôn có việc làm, họ không muốn đi xa, hơn nữa nếu họ có đồng ý đi xa, đến các nước có thu nhập thấp; ở đó không thể trả công xứng đáng cho họ.

Trong chục năm trở lại đây, Việt Nam có xu hướng mở rộng "nhập khẩu" GD, và như vậy, chúng ta chỉ có thể "nhập khẩu" "hàng" loại 2, loại 3 mà thôi. Đại đa số các trường ĐH quốc tế ở Việt Nam có chất lượng vừa phải. Các trường 100% vốn nước ngoài được quản lý tốt, còn đỡ. Còn các trường mang danh "quốc tế" nhưng là của Việt Nam, hoặc liên doanh, liên kết thì phần lớn là yếu kém. Mấy năm trước, Trường ĐH Quốc tế thuộc ĐHQG t/p HCM tuyển sinh nhưng lại cho nợ đầu vào tiếng Anh. Tiếng Anh là công cụ để học tập lại cho nợ thì còn nói gì nữa?

Để có một nền GDĐH tốt

Như vậy, muốn nâng cao chất lượng GDĐH, trước hết phải có đội ngũ giảng viên giỏi. Để có một giảng viên giỏi, sau khi có bằng thạc sỹ, tiến sỹ, cũng phải cần từ 3- 5 năm. Do vậy, trước mắt, các trường ĐH nên mời những người có tri thức, có lòng nhiệt tình ở các viện nghiên cứu tham gia giảng dạy. Ngoài ra, cần có chính sách để thu hút người Việt Nam có trình độ ở nước ngoài trở về giảng dạy. Theo ước tính của tôi, ở Nga và các nước Đông Âu hiện nay có khoảng gần 2000 tiến sỹ. Đại bộ phận những người này sẵn sàng trở về, nếu được các trường ĐH nhận trở lại (họ từ các trường ra đi, nhưng không trở về đúng hạn).

Phải quan tâm đến môi trường và cảnh quan của các trường ĐH. Không nên để các trường ở những nơi quá chật và quá ồn. Cương quyết không cấp phép thành lập các trường ĐH nếu ở đó không có những điều kiện tối thiểu là mỗi ngành nghề đào tạo phải có 5 tiến sỹ, diện tích đất đai không dưới 20 hecta; phải có giảng đường rộng, có phòng thí nghiệm, thư viện…

Việc xây dựng những trường ĐH của Việt Nam mang tầm cỡ quốc tế là việc nên làm, nhưng trường đó phải bảo đảm các điều kiện: Nằm trên lãnh thổ Việt Nam, do người Việt Nam quản lý, ngôn ngữ chính là tiếng Việt. Nên chọn những trường có truyền thống và cơ sở vật chất đảm bảo (đất đai phải từ hàng trăm hecta trở lên) để nâng cấp lên. Còn làm từ con số không, rất khó và rất lâu.

Muốn GDĐH của ta có chất lượng, không có cách gì khác là hãy quan tâm đến quá trình xây dựng thực sự. Còn việc mở trường cũng như phá nát cảnh quan, môi trường sư phạm như vừa qua, thực chất là phá. Phải dừng việc "phá" lại để bắt đầu việc "xây".

SOURCE: TUANVIETNAM.NET

Trích dẫn từ: http://tuanvietnam.net/2009-12-04-loi-ich-nhom-khien-giao-duc-dai-hoc-luan-quan-tam-nhin-

Exit mobile version