admin@phapluatdansu.edu.vn

ẢNH HƯỞNG CỦA PHẬT GIÁO ĐỐI VỚI PHÁP LUẬT TRIỀU LÝ

LÊ VĂN KINH

…Vượt qua khuôn khổ cổ điển, những học thuyết Nhân trị và Pháp trị của Trung Quốc, nền pháp luật triều Lý đã bắt nguồn từ tinh thần Từ Bi và Trí Tuệ của Phật giáo, để xây dựng một nền pháp lý đặc biệt, thuần từ và hết sức tiến bộ. Đó là nền pháp lý duy nhất ở nước ta chịu ảnh hưởng trực tiếp của tôn giáo, là đạo Phật…

NỀN PHÁP LUẬT TRIỀU LÝ THÍCH ỨNG VỚI XÃ HỘI ĐƯƠNG THỜI

Ngày nay, sau khi đã làm quen với các quan niệm về luật pháp của Tây phương, ta coi sự thích ứng với nhu cầu của xã hội là một tính chất tất nhiên của luật pháp.

Song, nếu ngược dòng thời gian, ta trở về với các bộ luật cũ của Trung Hoa và gần đây với bộ Hoàng Việt Luật Lệ, tức luật Gia Long, ta sẽ rõ các nhà làm luật ngày trước có một quan niệm khác hẳn. Vốn sẵn có tinh thần bảo thủ, nhà làm luật bao giờ cũng coi các bộ luật cổ như những công trình bất hủ, những khuôn mẫu bất di bất dịch. Vì vậy, bộ luật nhà Đường (Đường Luật Sở Nghị) tuy được thảo ra từ năm 653, song qua bao thế kỷ, vẫn được dùng làm “khuôn vàng thước ngọc” cho các bộ luật Trung Hoa về sau. Và, cũng vì vậy, trong bộ luật của Tàu hay bộ luật Gia Long, người ta đã “quen tay” chép lại nhiều điều luật cũ, tuy đã quá lỗi thời, không còn giá trị thực tế hiện tại nữa rồi!

Trái lại, luật pháp triều Lý, theo các tài liệu hiện nay còn tìm thấy, chứng minh rõ là các vua triều Lý đã từng săn sóc đến tình trạng của dân một cách rất thực tế, trong địa hạt nông nghiệp cũng như trên phương diện tố tụng .

I. PHƯƠNG DIỆN NÔNG NGHIỆP

Ngày nay, các nước tiên tiến trên thế giới đã tiến đến một nền kinh tế kỹ nghệ nước ta vẫn còn trong giai đoạn kinh tế nông nghiệp. Vậy lẽ tất nhiên cách đây 10 thế kỷ, nghề nông phải là nguồn lợi chính yếu và là ngành hoạt động quan trọng nhất ở nước ta.

Trong khuôn khổ một xã hội trọng nông, nhà làm luật triều Lý đã chăm sóc đến sự thịnh vượng của nghề chân lắm tay bùn, làm giảm bớt nỗi khổ cực của giai cấp nông dân (hằng ngày vẫn phải chịu bao nỗi đắng cay đè nén, hăm dọa từ mọi phái). Khác hẳn với luật Trung Quốc, đồng thời, dưới đời Lý Nhân Tông (1072-1127), các vụ trộm trâu bò thường xảy ra rất nhiều ở các làng mạc, khiến người dân quê làm ăn không được yên ổn. Hơn nữa, nhiều kẻ chỉ chuyên môn trộm cướp trâu bò của dân gian khiến việc cày bừa phải đình trệ, có khi bốn, năm gia đình phải chung nhau một con trâu hay một con bò.

Vốn sinh trưởng ở nơi dân giả, Linh Nhân Hoàng Thái Hậu (tức Ỷ Lan Nguyên Phi, vợ vua Lý Thánh Tông ) thấu rõ nỗi thống khổ của dân quê trong tình trạng ấy, nên đã khuyên nhà vua ra tay trừng trị các kẻ gian làm hại dân lành.

Năm Hội Tưởng Đại Khánh thứ 8 (1117), vua Lý ban hành một đạo luật về việc trộm và thịt trâu bò: “Kẻ nào ăn trộm trâu hay thịt trâu bò phải phạt 80 trượng và tội đồ làm “Tang thất phu” nghĩa là tội đồ ở các sở nuôi tầm. Ngoài ra còn phải hoàn trả lại tiền con vật. Các người lân bang không tố cáo tội phạm cũng bị phạt 80 trượng” (Đại Việt Sử Ký). Có lẽ, trong sử không ghi chép điều luật này được đầy đủ. Theo sử, trong luật trù liệu tội đồ làm “Tang thất phu”, nhưng đây chỉ là một hình phạt đối với đàn bà (đàn bà phải làm việc tại sở nuôi tầm). Vậy chắc chắn là sử đã bỏ sót không ghi hình phạt đối với người đàn ông ăn trộm trâu, bò.

Song, sự che chở dân cày không phải chỉ tóm tắt giới hạn trong việc trừng phạt các sự đạo thiết trâu bò là đủ. Đối với dân Việt, câu ca dao “Tấc đất tấc vàng” từ ngàn xưa đã phản chiếu một sự kiện kinh tế căn bản. Tất cả các cơ nghiệp của người dân quê đời xưa chỉ vỏn vẹn gồm vài thửa ruộng, thửa vườn. Cuộc sinh nhai hàng ngày, các thuế má, ma chay và mọi việc đóng góp trong làng, trong xóm, thảy đều trông mong vào mối lợi độc nhất ấy.

Trong trường hợp phải cần tiền, nếu không sẵn của dư của để, họ chỉ còn cách đem cầm, bán cái bất động sản ấy. Vì vậy, trong đời sống chất phát của dân quê, các cuộc cầm bán ruộng đất có tính cách quan trọng đặc biệt. Ta có thể nói là hầu hết các việc dính líu đến pháp luật ở sau lũy tre xanh đều do các việc mua bán, cầm cố ruộng đất gây nên. Hiểu được tình trạng ấy, vua Lý Anh Tông (1138 – 1175), năm Đại Định thứ 3 (Nhâm tuất, 1142) đã ban hành điều luật về việc kiện tụng và chuộc lại ruộng đất:

“Các ruộng cày cấy đã đem cầm cố có thể chuộc lại trong một hạn là 20 năm. Các vụ tương tranh về điển thổ không thể xin vua xét xử sau một thời hạn 5 hay 10 năm. Phần ruộng vườn bỏ hoang, đã có người cầy cấy, người chủ chỉ có quyền đòi lại trong hạn một năm. Trái lịnh này, sẽ phạt 80 trượng.

Kẻ nào tranh nhau ruộng ao mà dùng dao đã thương hoặc đánh chết người sẽ bị phạt 80 trượng và bị tội đồ. Các ruộng ao tương tranh sẽ đền cho người bị thương hay bị chết.

Các ruộng cày cấy hoặc bỏ hoang, đã có văn tự bán đất, không thể chuộc lại. Ai trái lại, cũng phải phạt cùng một tội”. (Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục. Đại Việt Sử Ký).

Đây là điều luật Việt Nam cổ nhất mà ngày nay ta còn thấy ghi rõ ràng trong sử về qui chế các điền thổ. Đạo luật ấy đã bênh vực quyền lợi của nông dân về hai phương diện: Xã hội và pháp lý.

1. Phạm vi xã hội:

Phương diện xã hội, là yếu tố quan trọng trong sự quy định về ruộng đất vừa nói trên.

Có thể nói, những lý do xã hội đã thúc đẩy nhà làm luật Triều Lý, cách đây 1000 năm, đặt cơ sở cho một nền cải cách điền địa mà các nước Âu-Mỹ mới chỉ thực hiện gần đây thôi.

Một trong những giải pháp được ban hành là sự tôn trọng quyền lợi của người nông dân đã thật sự cày cấy những ruộng đất đã bỏ hoang và coi họ như sở hữu chủ những ruộng đất ấy, sau một thời gian cày cấy là 3 năm.

Sự thực, những trang sử ta vừa học qua về triều Lý, đã nhắc cho ta rõ chính sách xã hội khôn ngoan ấy, đã được đem áp dụng ở nước cách đây 10 thế kỷ. Cuộc cải cách của Triều Lý còn triệt để hơn vì, theo điều luật ban hành vào năm Đại Đinh thứ 3: “Các ruộng bỏ hoang đã được người khác cầy cấy, chỉ sau thời hạn một năm là không thể đòi lại được nữa”.

2. Phạm vi pháp luật:

a. Trước hết, đây là lần đầu tiên, nhà làm luật xác định sự phân biệt việc cầm cố vườn ruộng (ta thường gọi là điển mại) với sự bán đất ( ta thường gọi là đoạn mại).

Danh từ “Điển” (nghĩa là cầm đồ) đã thấy được dùng đầu tiên trong tài liệu pháp luật Việt Nam.

Trong luật đã dùng danh từ “Điển thực điền”, nghĩa là cầm cố ruộng đã cày cấy. Danh từ “Điển mại” hiện nay vẫn còn được lưu dùng. Một danh từ không thấy trong hai bộ luật nhà Đường và nhà Thanh.

Để cho người dân quê tránh khỏi nạn bốc lột của chủ nợ thường manh tâm chiếm đoạt của họ, vua Lý Anh Tông đã ấn định một thời gian khá dài là 20 mươi năm cho phép họ được chuộc lại ruộng đất trong thời gian ấy. Với quy chế này, người dân quê sau khi cầm cố ruộng nương còn có hy vọng một ngày kia sẽ lại được làm chủ thửa ruộng của mình như trước.

b. Để sự bảo đảm của luật pháp được hiệu quả, nhà làm luật còn nghiêm phạt kẻ nào ỷ vào sức mạnh để tự ý giải quyết các việc tương tranh về đất đai. Vì vậy, kẻ nào đã dùng dao đánh (đâm, chém) hoặc giết người, không những phải tội về mặt Hình, còn bị mất cả ruộng ao tương tranh để đền bù cho kẻ bị thương hay thiệt mạng. Với điều khoảng này, ta cần đánh dấu một đặc điểm mới của luật pháp triều Lý. Ở đây, ta đã bước từ địa hạt luật Hình sang địa hạt luật Hộ thuần túy.

Để binh vực người dân quê bị kẻ cường hào hà hiếp; như một người muốn chuộc ruộng bị người chủ nợ đánh, nhà làm luật cảm thấy là phải đi xa hơn là các sự trừng phạt về hình sự. Thực là một vinh dự, ấy đã hiểu rằng: duy trì trật tự công cộng trong xã hội hình luật chưa đủ, mà còn cần phải hòa mình vào đời sống của dân chúng, hiểu thấu nỗi đau khổ oan ức của họ, phải nâng đỡ họ và làm êm diệu những sự bất công mà họ đã phải chịu đựng. Vì lẽ đó, những kẻ cầm dao đánh người, ngoài các hình phạt, còn phải mất ruộng ao tương tranh để đền cho kẻ bị đánh, bị giết…

c. Tuy nhiên, ta cũng không nên quên rằng, luật pháp triều Lý có một tính cách rất thiết thực: sự bênh vực quyền lợi của tầng lớp nông dân không phải là một chính sách hoàn toàn đạp đổ quyền lợi sở hữu trong mọi trường hợp. Vì vậy, nhà làm luật đã phân biệt rõ ràng sự cầm cố với sự bán đứt hay đoạn mại các ruộng nương. Trong trường hợp có văn tự nêu rõ là đoạn mại, các ruộng nương không thể chuộc lại được.

Đây là một nguyên tắc rất cần thiết cho tính cách vững ổn các hợp đồng đã được ký kết giữa các tư nhân. Nhờ nguyên tắc ấy, các sự mua bán mới có một căn bản vững chắc, và các sự kiện tụng mới mong giảm bớt được.

II. PHƯƠNG DIỆN TỐ TỤNG

Về phương diện tố tụng, nền pháp luật triều Lý cũng có tính cách rất thực tiễn.

Để tránh cho dân quê các vụ kiện tụng tốn kém, nhiều khi quá lâu ngày, vua Lý Thánh Tông đã định rằng: “Các vụ tương tranh về ruộng đất không được xin vua xét xử nữa, sau hạn 5 năm hoặc 10 năm, tùy trường hợp”. (Cũng bởi một lý do là trước vua Lý Anh Tông, vua Lý Thần Tông (1127-1138), năm Thuận Thiên thứ nhất (1127) đã lệnh rằng: “Các vụ kiện đã được xét xử dưới các triều vua trước không thể đem ra thưa kiện lại được. Ai trái điều khoản này sẽ bị phạt”.

Xem như vậy, ta thấy các vua nhà Lý rất am hiểu tâm lý của dân quê ta là hay thích kiện cáo. Để diệt trừ thông bệnh ấy, các điều luật trên đây không những là một liều thuốc có hiệu quả mà còn nêu cao trình độ pháp lý thời ấy và chứng minh rằng: Luật pháp Việt Nam, ngay trong thời kỳ phôi thai đã có những phương pháp rất tinh vi về phương diện chuyên môn như thời hạn tiên định (Délai préfix) hay nguyên tắc Res judicata pro veritate habetur (nguyên tắc là phàm các vụ kiện đã được xử đều coi như chân lý), mà ngày nay, nền luật pháp tân tiến nào cũng coi là căn bản trong các thủ tục tố tụng.

(Délai préfix: thời hạn tiên định, là một thời hạn do nhà làm luật định ra. Nếu trong thời hạn ấy, đương sự không sử dụng tới quyền của mình, thì sau này không được quyền khởi tố nữa, thí dụ như thời hạn 5 hay 10 năm trong Đạo luật năm Đại Định thứ ba.

Res judicata pro veritate habetur: Nghĩa là một vụ kiện đã được xử xong thì được coi như chân lý bất di bất dịch, không thể xin tòa án xử lại.)

Những trang trên đây đã nêu rõ những điểm đặc sắc trong nền luật pháp triều Lý. Song, nếu muốn khảo sát một nền pháp luật mà chỉ đứng riêng về mặt lý thuyết không thôi thì chưa đủ, còn phải bước từ địa vực nguyên tắc sang địa hạt thực hành, để xem xét cách áp dụng luật lệ ấy và kết quả đã thâu hoạch được là như thế nào.

SỰ ÁP DỤNG LUẬT PHÁP DƯỚI TRIỀU LÝ

Đã sẵn thấm nhuần một tinh thần Từ bi do ảnh hưởng của Phật giáo, nền luật pháp của triều Lý còn được áp dụng trong thực tế một cách khoan hồng. Về sự áp dụng ấy, ngày nay trong sử vẫn còn nhiều bằng chứng tỏ rõ các biện pháp và kết quả đã thu được rất mỹ mãn.

Đó là hai điểm cần phải bàn đến, sau khi đã phân tích tinh thần của nền pháp luật đời Lý.

TÍNH CÁCH KHOAN HỒNG TRONG VIỆC ÁP DỤNG LUẬT PHÁP:

Như chúng ta đã rõ, vào năm Chương Thánh Gia Khánh thứ 6 (1064) dưới đời vua Lý Thánh Tông. Mùa hạ, vua đang ngồi xử án ở điện Thiên Khánh, có công chúa Động Thiên đứng cạnh, vua chỉ công chúa, rồi nói với các quan xét việc án: “Ta thương dân như con ta vậy. Song dân không biết lòng ta, phạm các điều tội lỗi, ta rất xót xa. Từ nay, ta muốn tất cả các tội nặng, nhẹ đều được xử một cách rất khoan hồng". Theo sách Lịch triều Hiến Chương Loại Chí của Phan Huy Chú, Ngô Thì Sỹ, một sử gia có tài (1725-1780) đã bình luận về việc này như sau: “Dọc việc này, ta thấy vua Thánh Tông rất chân thành. Tất cả sự khoan hồng trong sự áp dụng luật pháp và tấm tình thân mật giữa vua và dân không hề bị bệ ngọc xa cách”.

Muốn dẫn chứng một thí dụ về tính khoan hồng trong việc áp dụng luật pháp dưới triều Lý; thiết tưởng có thể mượn trong Sử Ký vài trường hợp rất rõ rệt, rất cụ thể.

1. Trường hợp Chế Củ quấy rối biên thùy:

Xứ ta vốn giáp với Chiêm Thành. Người Chiêm thường hay qua quấy rối vùng đất biên thùy, nên vua lý Thánh Tông đã cầm binh trừng giới. Từ ngày vua Chiêm là Rudravarman II (tức Chế Củ, hay còn gọi là Đệ Củ) lên ngôi, người Chiêm đã quan hệ, giao tiếp với nhà Tống bên Tàu, để mua lừa ngựa, tổ chức lại quân đội, chuẩn bị, lăm le đánh nước ta. Vua Lý Thánh Tông, có Lý Thường Kiệt phụ tá, thân chinh đi đánh dẹp, phá được kinh thành Chiêm Vijaya (hay Đồ Bàn, còn gọi là Phật Thệ), bắt được vua Chiêm đem về kinh đô Thăng Long.

Đối với một kẻ được gọi là “thù địch” như vậy, lẽ tất nhiên, hình phạt thông thường ngày trước, phải là tử hình! Tuy nhiên, Lý Thánh Tông tha cho Chế Củ về nước, không giết. Và, Chế Củ đã xin dâng cho ta ba châu là Bố Chánh, Ma Linh và Địa Lý, để chuộc tội.

Đất ấy ngày nay là địa phận Quảng Bình và phía bắc Quảng Trị (1069).

2. Trường hợp Lê Văn Thịnh mưu phản:

Hơn thế nữa, ngay với những kẻ mang tội mưu phản trong nước; một chính sách mềm dẻo và khoan hồng cũng được đem áp dụng:

Lê Văn Thịnh, vốn là người đỗ Thủ khoa trong kỳ thi đầu tiên tổ chức dưới triều Lý năm 1075, làm quan đến chức tể tướng. Mười hai năm sau, bị cách chức và đày lên miền nước độc. Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, thì ông bị đày lên miền Thao Giang (thượng lưu sông Nhị). Nhưng, theo Việt Nam Sử Lược, thì ông bị đày lên đến Lương Giang (miền Thanh Hóa).

Vì đâu Lê Văn Thịnh đã bị cách chức và bị đày như vậy?

Sử chép: Lê Văn Thịnh có một người hầu cận nguyên quán ở Việt Nam, biết làm phép thả hơi mù và biến thành hổ báo. Ông học được phép ấy và lập tâm giết vua để cướp ngôi.

Năm ấy, vua Lý dạo chơi ở hồ Dâm Đàm (tức Hồ Tây bây giờ), xem đánh cá. Vua ngự trên một chiếc thuyền chài, có Mục Thận, người phường Tây Hồ, đứng hầu đằng mũi, buông lưới. Khi thuyền đến giữa hồ, thình lình tri mù tối, không nhìn rõ gì nữa. Bỗng, có một chiếc thuyền chèo vùn vụt tới, lướt qua thuyền vua. Trên thuyền, qua màn sương mù, ai cũng trông thấy một con hổ lớn đương nhe răng gầm gừ. Vua cả sợ. Mục Thận trong cơn nguy cấp, sẵn lưới trong tay, tung ra, tưởng bắt được hổ, lúc xem lại, ai ngờ là Lê Văn Thịnh !

Vua sai lấy giây sắt trói vào cùi mà giam. Song nghĩ tới công lao cũ, nên đã tha tội chết, chỉ đày lên miền nước độc mà thôi.

Chuyện này, có thể là một nghi án của lịch sử, không khác gì vụ án Nguyễn Trãi-Thị Lộ. Song dẫu sao, cách gia hình của vua Lý đối với Lê Văn Thịnh cũng tỏ rõ là luật pháp triều Lý nhiều khi đã được giảm nhẹ, trong lúc xét xử.

Nếu ta nhớ lại rằng, năm 1071, đã có đạo luật định rõ các số tiền nộp để chuộc tội, trừ trường hợp tội “Thập ác”, trong đó có tội mưu phản; ta sẽ thấy rõ các hình pháp dưới triều Lý đã áp dụng khoan hồng đến mức nào… khi Lê Văn Thịnh được tha tội chết.

CÁC BIỆN PHÁP VÀ KẾT QUẢ

Trong thực tế, các vua triều Lý đã áp dụng nhiều biện pháp để thực hiện được những kết quả khả quan về mặt pháp lý:

I. Tổ chức kỳ thi các pháp quan:

Trái với các triều vua sau, chuyên về Nho học và trọng từ chương. Đời nhà Lý, đã có một biện pháp tuyển lựa các pháp quan và luật gia một cách rất xác đáng:

Ngoài mục đính tuyển lấy những người văn học, Sử còn chép là năm Đinh Tỵ (1077), có những kỳ thi chuyên môn để chọn lấy những người chữ tốt, giỏi về toán và luật hình, để bổ vào làm Lại viên (danh từ “Lại Viên” có nghĩa như công chức ngày nay) ở các viện, như Thư xã và ở các bộ như bộ Hộ, bộ Hình. Sự phân công đích đáng ấy, cố nhiên phải là một sự khích lệ cho phong trào học Luật. Mà có lẽ cũng vì vậy, ta thấy trình độ luật pháp đã tiến tới một mức khá cao, không những giữa các giới hữu trách mà còn ở cả giai cấp bình dân.

II. Quan lại giỏi luật:

Tuy ngày nay không còn nhiều chứng cớ, song cũng có thể “lượm lặt” ở trong sử một vài chuyện để chứng dẫn trình độ hiểu biết Luật khá cao dưới triều Lý.

Trước khi bị tội, Lê Văn Thịnh được vua tin dùng. Sau khi phá Tống. Vua sai Lê Văn Thịnh đi sứ sang Tàu để đòi các đất bị người Tàu xâm chiếm ngoài biên cương và các đất đã do thổ dân nơi biên ải đem dâng cho vua Tống để thần phục Trung Hoa.

Tuy Binh lực Tống đã bị Lý Thường Kiệt đánh thua tan tác, song vua quan nhà Tống khó lòng mà gột sạch ngay được “đầu óc thực dân” mà họ đã bị tiêm nhiễm quá lâu ngày. Vì vậy, nên vua Tống chỉ sẵn lòng trả lại nước ta các đất đai do người Tống xâm lược tại nơi biên thùy. Còn các đất đai do thổ dân nộp để thần phục nhà Tống là hai động Vật Dương và Vật Ác, họ ngoan cố không chịu trả lại. Viện lý những đất ấy là của thổ dân “tự ý” đem sát nhập vào Trung Quốc chứ không phải là đất đai nước Việt.

Cho hay, vấn đề dân tộc “thiểu số” không phải là vấn đề mới được nêu lên vào thế kỷ XX này ! Một nghìn năm trước đây, nó cũng đã từng được đem lên tấm thảm xanh quốc tế để che đậy cho cái dã tâm tham lam của vua quan nhà Tống. Và, Lê Văn Thịnh đã trả lời Tống: “Đất thì có chủ, các viên quan giữ đất ấy đem nộp cho người khác và trốn đi thì đất ấy thành vật ăn trộm của chủ. Sự chủ giao cho mà lấy trộm đã không tha thứ được, mà trộm của hay “tàng trữ” thì luật pháp cũng không cho phép, huống chi nay lại mang đất lấy trộm dâng để làm dơ bẩn sổ sách nhà vua.”

Đại diện cho Việt Nam, Lê Văn Thịnh đã trả lời một cách cứng cõi, khiến cho ngày nay ta đọc Sử cũng hân hoan có được một người đại biểu xứng đáng, biết binh vực quyền lợi tổ quốc một cách hợp lý như vậy.

Đối với luật trong nước, khi người nào nhận một vật gì để canh giữ, nếu đem vật đó bán và hủy bỏ đi, tất nhiên phải có tội. Huống hồ là các thổ dân, chẳng qua chỉ là những người được vua nước ta tin dùng, cho cai quản các châu quận ở nơi biên ải xa xôi. Lẽ nào họ tự tiện đem đất đai nước ta dâng cho Tống, để xin phần phục, để mà xâm phạm vào lãnh thổ của Việt Nam được?

Luận cứ trên đây còn tỏ cho ta biết rằng nền pháp luật thời ấy đã tiến đến mức khả quan, cho nên Lê Văn Thịnh đã phân biệt rõ ràng các khế ước ủy nhiệm (mandat), hoặc ký thác (dépôt), với quyền sở hữu (droit de propriété).

Người thụ ủy quyền cai quản vật gì phải trọng quyền sở hữu của người chủ vật ấy.

Đối với các nền luật pháp Đông phương, thường không hay nói tới dân luật và quy định rất sơ lược các khế ước. Lời biện minh của Lê Văn Thịnh trên đây đã cho ta nhận chân giá trị chuyên môn của các người được cử ra cầm cân nẩy mực ở thời ấy.

III. Dân chúng tôn trọng luật:

Không những các kết quả khả quan chỉ thu hoạch được ở các giới tri thức và Pháp quan. Mà, ở chính trong chốn bình dân, ta cũng nhận thấy một tinh thần tôn trọng luật pháp, dưới nhiều hình thức:

Dưới thời lý, việc buôn bán giữa người Tống và dân ta thường được giao dịch tại các đồn đóng ở gần biên thùy và quan ải, gọi là “Bạc Dịch trường”. Cách tổ chức mua bán như vậy, cũng chẳng lấy gì làm lạ. Vì ngày xưa, các nước thường nghi kỵ những người ngoại quốc không muốn cho vào lưu thông trong nước, sợ họ manh tâm do thám tình hình nội bộ. Về việc mua bán như vậy, dân hai nước tải các phẩm vật cần dùng đến nơi, rồi đôi bên mặc cả mua bán, như ngày nay. Sử chép: “Khi đã thỏa thuận, thì sau có người trả giá đắt gấp đôi, dân ta cũng không bán”. Xem như vậy, dân Việt Nam thời ấy rất trọng chữ “Tín” trong sự giao dịch. Đó là một bằng chứng tỏ rõ là dân tình, dân trí đã có một quan niệm vững chắc về mặt Pháp lý. Sự trọng lời hứa trong hợp đồng là một nguyên tắc thiết yếu trong luật pháp. Có nguyên tắc ấy, mới có sự ổn định, an toàn trong sự giao thiệp, về luật pháp không những đối với đồng bào, mà ngay đối với người Tống là người lạ ở nơi khác đến, dân ta vẫn giữ được tính thực thà ấy; thật là một điều quý báu chứng minh sự thượng tôn pháp luật, như là lẽ phải đương nhiên, ở trong giới bình dân thời ấy…

KẾT LUẬN

Để kết luận, ta có thể tóm tắt lại trong hai điều, kết tinh các đặc sắc của pháp luật triều Lý:

1. Vượt qua khuôn khổ cổ điển, những học thuyết Nhân trị và Pháp trị của Trung Quốc, nền pháp luật triều Lý đã bắt nguồn từ tinh thần Từ Bi và Trí Tuệ của Phật giáo, để xây dựng một nền pháp lý đặc biệt, thuần từ và hết sức tiến bộ. Đó là nền pháp lý duy nhất ở nước ta chịu ảnh hưởng trực tiếp của tôn giáo, là đạo Phật.

2. Dười triều Lý, nhiều biện pháp chuyên môn đã được áp dụng và đưa lại nhiều kết quả rất khả quan. Trong sự áp dụng luật pháp cũng như trong công cuộc bang giao, nhà Lý có những nhân tài xuất chúng, có thể không hỗ thẹn khi đem so sánh pháp luật nước ta với những nền pháp lý nước ngoài, kể cả luật La Mã – về các nghĩa vụ và khế ước – mà thiên hạ thường coi là “tấm gương” cho tất cả các nền luật pháp của Âu – Mỹ…

Xưa, nay, có lẽ cả về sau này, con người vẫn mãi bàn thảo về những vấn đề nào là chính trị, kinh tế, quân sự, luật pháp, văn hóa, v.v… Chẳng phải là chúng ta cũng vừa mạn đàm, tìm hiểu một vài nét về văn hóa triều Lý đó sao? Nhưng, tục ngữ có câu: “chín người mười ý”. Tây phương cũng nói gần như vậy: “Mỗi người mỗi ý” Không khéo chỉ hai người thôi mà có đến ba ý, cũng nên!

“Pháp luật triều Lý” cũng là một “bài” chúng tôi đã được “học” cách đây gần năm mươi năm, nhưng, cũng may, chưa “quên đi tất cả”. Còn nhớ những gì, nay xin ghi ra, coi như là “cái còn lại”…

SOURCE: TẬP SAN NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC PHẬT GIÁO THỪA THIÊN – HUẾ Số đặc biệt PHẬT ĐẢN 2547

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading