Site icon THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

LÃI SUẤT CƠ BẢN VÀ TRẦN LÃI SUẤT

Advertisements

NGUYỄN QUANG A

Trong thảo luận về Dự thảo Luật Ngân hàng Nhà nước, nhiều đại biểu Quốc hội đã không nhất trí với việc Ngân hàng Nhà nước tìm cách loại bỏ "lãi suất cơ bản", một công cụ hữu hiệu "để Nhà nước định hướng và kiểm soát lãi suất"; "để Nhà nước xác định mức trần lãi suất cho vay của các tổ chức, cá nhân, trong đó có các tổ chức tín dụng".

Một phó chủ nhiệm Uỷ ban Tư  pháp của Quốc hội nói rằng Uỷ ban của bà đã bốn lần bác bỏ những đề nghị của Ngân hàng Nhà nước về lãi suất cơ bản. Thậm chí bà còn gay gắt đặt câu hỏi, rằng việc làm đó của Ngân hàng Nhà nước nhằm mục đích "bảo vệ cho lợi ích của ai, của Nhà nước, của nhân dân để ngăn chặn việc cho vay lãi nặng, ổn định thị trường tiền tệ, hay bảo vệ lợi ích cục bộ của các tổ chức tín dụng?".

Tôi cũng nhiều khi không tán thành các chính sách của Ngân hàng Nhà nước và cũng có nhiều ý kiến về Dự thảo Luật Ngân hàng Nhà nước. Ý kiến của tôi nhiều lúc cũng khá gay gắt. Nhưng tôi thực sự ngạc nhiên về thái độ góp ý có phần quy chụp như vậy của một đại biểu Quốc hội. Còn ngạc nhiên hơn khi được biết ý kiến của một số đại biểu khác "đã bày tỏ thái độ đồng thuận với bà".

Riêng về lãi suất cơ bản, tôi ủng hộ Ngân hàng Nhà nước, không chỉ trong Dự thảo Luật Ngân hàng Nhà nước mà còn trong các kiến nghị trước của họ đã bị Uỷ ban của bà Phó chủ nhiệm bác bỏ. Theo tôi, liên quan đến lãi suất cơ bản, những người soạn thảo và Ngân hàng Nhà nước đã thực sự bảo vệ lợi ích của đất nước.

Tất cả các ngân hàng trung ương đều dùng lãi suất chiết khấu hoặc lãi suất cho vay tối thiểu của mình (bank rate) khi chiết khấu các hối phiếu của các ngân hàng thương mại  hay cho chúng vay. Đây là một công cụ mà không ngân hàng trung ương nào từ bỏ để kiểm soát soát lãi suất và tín dụng. Lãi suất cơ sở hay cơ bản (base rate) là lãi suất mà các ngân hàng thương mại lấy làm cơ sở để định ra lãi suất cho vay hay lãi suất tiền gửi của  mình.

Thường các ngân hàng dựa vào lãi suất chiết khấu hay lãi suất cho vay tối thiểu của ngân hàng trung ương làm cơ sở (tham chiếu chứ không bắt buộc). Ngày nay trên thế giới lãi suất cơ sở không hoàn toàn dựa vào lãi suất của ngân hàng trung ương mà được xác định bởi quan hệ cung cầu vốn ngắn hạn được phản ánh qua lãi suất liên ngân hàng. Như thế công cụ mà không ngân hàng trung ương nào từ bỏ, kể cả Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, không liên quan đến việc lãi suất cơ bản có được quy định tường minh hay không trong luật.

Khoản 12, Điều 9, Luật Ngân hàng Nhà nước hiện hành quy định: "Lãi suất cơ bản là lãi suất do Ngân hàng Nhà nước công bố làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng ấn định lãi suất kinh doanh". Quy định hiện hành này vừa không chính xác vừa có thể bị diễn giải nhầm để quy "lỗi" cho  các tổ chức tín dụng và có thể (và thực sự đã) gây ra tác hại đối với sự phát triển của đất nước.

Thực ra, vấn đề rắc rối không phải là do lãi suất cơ bản mà là do quy định về trần lãi suất. Theo Điều 476 của Bộ Luật Dân sự, mức trần này không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản và quy định này áp dụng cả cho các các tổ chức tín dụng. Tự chúng ta gây khó  cho chính chúng ta. Đây là một vấn đề nhức nhối cần phải sửa đổi. Để chống cho vay nặng lãi phải có các quy định khác, không thể để cho sự sai sót – mà hầu hết các chuyên gia trong và ngoài nước cũng như các tổ chức quốc tế đã nhiều lần vạch ra – tiếp tục tồn tại và cản trở sự phát triển của đất nước.

Quy định lãi suất cơ bản và quy định trần lãi suất như hiện hành vẫn không ngăn chặn được nạn cho vay nặng lãi, nhưng lại gây khó khăn rất lớn cho hệ thống ngân hàng. Khái niệm trần lãi suất cũng bị hiểu nhầm ở đây. Phải tìm ra các giải pháp khác hữu hiệu hơn để giải quyết các vấn đề vướng mắc của cuộc sống, chứ không nên bám vào các quy định lỗi thời để cản trở đổi mới và cải cách.

Các ý kiến  liên quan của nguyên Thống đốc Lê Đức Thuý và Thống đốc đương nhiệm Nguyễn Văn Giàu về vấn đề này là hoàn toàn xác đáng, là một bước để cải thiện tình hình, nhưng đã vấp phải sự phản đối đáng tiếc và không đáng có do một số vị chưa hiểu đúng vấn đề.

Về các vấn đề còn tranh cãi, như vấn đề trần lãi suất, thiết nghĩ Quốc hội nên tổ chức các cuộc điều trần (có thể kéo các chuyên gia ngoài tham gia) để làm rõ và  giúp đại biểu Quốc hội hiểu đúng hơn, nhằm giúp họ làm tròn trách nhiệm phụng sự nhân dân của mình.

SOURCE: BÁO LAO ĐỘNG CUỐI TUẦN SỐ 47 NGÀY 22/11/2009

Exit mobile version