Site icon THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

TẠO CƠ SỞ PHÁP LÝ ĐỂ DOANH NGHIỆP GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP THƯƠNG MẠI BẰNG TRỌNG TÀI

Advertisements

PHƯƠNG NGÂN

Sáng nay 21.11.2009, các đại biểu quốc hội khóa XII thảo luận và cho ý kiến ở tổ về Dự án Luật Trọng tài thương mại . Đây là lần đầu tiên các quan hệ về giải quyết các tranh chấp giữa các chủ thể kinh doanh, các thể nhân và pháp nhân được xây dựng thành luật và được nhiều người kỳ vọng từ việc tạo cơ sở pháp lý đầy đủ sẽ là động lực để các doanh nghiệp tìm đến trọng tài khi có các tranh chấp xảy ra…

Cơ chế giải quyết tranh chấp phổ biến

Theo Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, Phạm Quốc Anh cho biết, trên thế giới, phương thức giải quyết tranh chấp kinh tế thông qua trọng tài thương mại rất phổ biến, nhất là ở những nước có nền kinh tế phát triển. Bởi xuất phát từ những lợi thế, giải quyết tranh chấp bằng trọng tài hầu hết là những tranh chấp dân sự. Trong khi, một trong những nguyên tắc kinh điển của tranh chấp dân sự là sự thoả thuận giữa hai bên. Và do sự thoả thuận của đôi bên nên sử dụng biện pháp giải quyết tranh chấp bằng trọng tài rất nhanh chóng, không như toà án là phải qua các thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm. Cùng với đó, thoả thuận giải quyết tranh chấp bằng trọng tài có hiệu lực ngay. Nếu lựa chọn giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thì cả hai bên đều giữ được bí mật và vẫn giữ được uy tín của các doanh nghiệp.

Ở Việt Nam, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 204/TTg ngày 28.4.1993 của Thủ tướng, là tổ chức trọng tài có tuổi đời lâu nhất và lớn nhất tại Việt Nam. VIAC hiện có 123 trọng tài viên, trong đó 117 trọng tài viên là người Việt Nam, 6 trọng tài viên nước ngoài. Chủ tịch VIAC Nguyễn Minh Chí cho rằng, trong sân chơi hội nhập,  đội ngũ trọng tài của VIAC sẽ phát huy tốt những lợi thế của mình, bởi phương thức giải quyết bằng trọng tài sẽ được quốc tế công nhận.

“Thông qua một loạt các công ước quốc tế và đặc biệt là Công ước New York năm 1958 về Công nhận và thi hành các quyết định trọng tài nước ngoài thì các quyết định trọng tài hiện được 142 quốc gia, lãnh thổ trên thế giới công nhận và thi hành. Đây là một ưu thế quan trọng đối với việc giải quyết các tranh chấp có yếu tố nước ngoài.” ông Chí khẳng định.

Vì sao doanh nghiệp chưa mặn mà?

Mặc dù giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài, doanh nghiệp có nhiều thuận lợi, tuy nhiên, thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, hiện cả nước có đến 300 nghìn doanh nghiệp, nhưng doanh nghiệp tìm đến để giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thì rất ít. Đấy là chưa tính đến có những trung tâm trọng tài, cả năm không giải quyết vụ việc nào. Trong khi, chỉ riêng Toà án Nhân dân TP Hà Nội trong năm 2007 phải giải quyết tới 900 vụ án, trong đó 300 vụ án kinh tế. Năm 2007, Toà án Nhân dân TP Hồ Chí Minh xử gần 42.000 vụ, trong đó có 1.000 vụ án kinh tế. Như vậy, tính trung bình mỗi trọng tài viên của VIAC chỉ xử 0,25 vụ trong 1 năm, còn một thẩm phán Toà án kinh tế phải xử hơn 3 vụ trong một năm. Riêng thẩm phán Toà án kinh tế TP Hồ Chí Minh phải xử 50 vụ trong 1 năm.

Ông Nguyễn Minh Chí cho rằng, sở dĩ có thực trạng trên là do ở Việt Nam, trọng tài là phương thức tương đối mới, nên không nhiều doanh nghiệp biết về trọng tài như một phương thức pháp lý có thể sử dụng trong những tranh chấp phát sinh từ hoạt động kinh doanh. Thứ hai, bắt nguồn từ tính chất của các hoạt động kinh doanh phổ biến ở Việt Nam chủ yếu các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ… Đối với những thương nhân này, việc đưa tranh chấp ra giải quyết bằng một thiết chế chính thức, trọng tài hay toà án, với các căn cứ pháp lý cụ thể hoàn toàn không phải là một giải pháp hay.

“Ở Việt Nam, tâm lý khi giải quyết tranh chấp vẫn tin ở Toà án. Bên cạnh đó, trình độ các trọng tài viên còn hạn chế nên chưa tạo được uy tín đối với đối tác cần giải quyết tranh chấp bằng trọng tài. Sự cộng hưởng các tác động của tất cả những bất cập này khiến cho phương thức trọng tài ở Việt Nam vẫn còn mờ nhạt bên cạnh các phương thức giải quyết tranh chấp thương mại truyền thống khác” Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Phạm Quốc Anh khẳng định.

Cơ sở pháp lý giải quyết tranh chấp

Để xóa bỏ những bất cập trên, khi xây dựng Luật Trọng tài Thương mại, Ban soạn thảo có đưa vào dự án những quy định nhằm nâng cao phán quyết của trọng tài.

Đặc biệt, trong dự án đã thể hiện được trọng tài có quyền ban hành các tình trạng khẩn cấp, có quyền chủ động áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời trong trường hợp các bên tranh chấp có yêu cầu. Đây là quy định rất ưu việt. Bởi vì lâu nay, áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời chỉ có Toà án mới được áp dụng. Tuy nhiên, trong trường hợp hai bên có tranh chấp về hàng hoá, như loại hàng hoa quả, hoặc đông lạnh… nếu kiến nghị để Toà án có biện pháp khẩn cấp tạm thời đưa hàng hoá vào kho lạnh để bảo quản thì trong thời gian Toà án phải thụ lý và điều tra lại vụ án cũng đủ để làm cho hàng hoá hư hỏng. Vì vậy, khi dự án Luật đã tính đến giao quyền cho trọng tài có quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì mặc nhiên Toà án không can thiệp. Và các bên có thể “yên tâm” để trọng tài phán xét.

“Với việc trao cho trọng tài có nhiều biện pháp để xử lý những tình huống cụ thể trong tranh chấp thương mại, hy vọng đây sẽ là những “tín hiệu” được phát đi để các doanh nghiệp đón nhận trọng tài trong sân chơi hội nhập kinh tế đầy hứa hẹn này”- Chủ tịch Phạm Quốc Anh bày tỏ.

SOURCE: BÁO NGƯỜI ĐẠI BIỂU NHÂN DÂN

Trích dẫn từ:

http://www.nguoidaibieu.com.vn/Trangchu/

VN/tabid/66/CatID/7/ContentID/90108/Default.aspx

Exit mobile version