Site icon THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

ĐỒNG ĐÔ LA VÀ SỰ VẬN ĐỘNG CỦA THỊ TRƯỜNG TÀI CHÍNH TOÀN CẦU

Advertisements

VĂN THANH

Trong những năm gần đây, xu thế toàn cầu hóa đã đẩy mạnh xuất khẩu và đầu tư ra nước ngoài, dẫn đến những thay đổi về qui mô và quyền lực tài chính giữa các nước phát triển và đang phát triển.

Trong khi nền kinh tế Mỹ đã đóng vai trò chính trong nền kinh tế thế giới suốt từ sau thế chiến 2 cho đến những năm 1990, từ cuối thế kỷ qua đã chứng kiến sự nổi lên của một số nền kinh tế lớn như Ấn Độ, Trung Quốc, Liên bang Nga, Brazil. Những thay đổi này đã gây tác động đến dòng vốn quốc tế và tỉ giá hối đoái, từng bước hình thành sự điều chỉnh quốc tế. Thêm vào đó, sự kiện 11/9/2001 và cuộc chiến chống khủng bố đã tác động xấu đến cán cân thanh toán của Mỹ, mà đỉnh cao là đổ vỡ tín dụng tại Mỹ và dẫn đến khủng hoảng tài chính toàn cầu. Chính sự mất cân đối ngân sách kỷ lục tại Mỹ và sự nổi lên của các nền kinh tế mới nổi đã khiến cho USD mất giá 16% tính từ tháng 3/2009 và trên 20% tính từ năm 2002 và còn tiếp tục xuống giá. Tỉ trọng USD trong dự trữ thế giới giảm từ 72% vào năm 1999 (đồng euro bắt đầu lưu hành) xuống còn 62,8% vào quí 2/2009.

Những lo ngại về sự gia tăng thâm hụt tại Mỹ để kích thích nền kinh tế sau khủng hoảng và sự phục hồi kinh tế toàn cầu là những yếu tố tiếp tục làm giảm nhu cầu nước ngoài về tài sản USD, góp phần làm cho USD suy yếu thêm. Cùng với sự mất giá của USD, giá vàng liên tục lập kỷ lục mới đã gây ra sự lúng túng của nhiều doanh nghiệp và các nhà tạo lập chính sách, nhất là những nước có tỉ giá thả nổi. Trong tình hình đó, FED và nhiều NHTW đã lập phương án điều chỉnh dự trữ để tạo danh mục cân đối hơn theo hướng giảm tỉ trọng USD trong dự trữ ngoại hối, và điều này làm USD giảm sâu hơn nữa.

Gần đây, NHTW Mỹ đã tiến hành mua thêm euro, yên nhật và động thái này sẽ tiếp tục trong những năm tới do lo ngại về sự bất ổn của USD. Tuy nhiên, với tốc độ tích lũy dự trữ tăng cao sau khi đã chế ngự được khủng hoảng, FED đã lựa chọn phương thức cất trữ tiền mặt mới dưới dạng euro và yên nhật mà không phải bán tài sản dưới dạng USD hiện nay. Theo kết quả nghiên cứu của Barclays Capital, FED đã phân chia dự trữ mới và đã dành 63% thu nhập mới thu được trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 7 để mua những loại tiền tệ khác, Quí II là quí duy nhất NHTW đã tích lũy được trên 100 tỉ USD và chỉ giữ lại dưới 40% USD, giảm so với 70% trong thời gian từ 2006 đến nay. Theo số liệu của IMF, tổng dự trữ của FED trong Quí II đã tăng 4,8% lên 6.800 tỉ USD và là lần đầu tiên trong năm.

Trung Quốc là nước có dự trữ ngoại hối đứng thứ hai thế giới và có lẽ vẫn giữ 70% dự trữ dưới dạng USD, mặc dù quốc gia này không công bố công khai cơ cấu dự trữ.

Liên bang Nga là nước có lượng dự trữ lớn thứ ba thế giới với khoảng 419 tỉ USD, trong đó USD chiếm 47% và euro chiếm 40%, còn lại dự kiến sẽ mua ngoại tệ khác.

Các NHTW cũng chuyển sang vàng, và điều này giải thích một phần nguyên nhân đẩy giá vàng tăng mạnh. Trong đó, Đài Loan (nền kinh tế có dự trữ lớn thứ tư) đang cân nhắc mua thêm vàng, lượng vàng dự trữ tại Trung Quốc đã tăng thêm 75% so với năm 2003, Ấn Độ mới mua 200 tấn vàng từ IMF.

Khi USD mất giá, NHTW tại các nền kinh tế mới nổi châu Á và nhiều nước khác đã tiến hành mua USD và sử dụng một số biện pháp để kiềm chế tốc độ tăng giá bản tệ, lý do đơn giản là USD sẽ lên giá trở lại, có thể là trong giai đoạn trung hạn.

Vai trò của yên Nhật và bảng Anh cũng tăng nhưng với tỉ trọng thấp hơn, những đồng tiền khác đã tăng 10% trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 7, chủ yếu là tăng theo tỉ trọng xuất khẩu của các nước, nhất là những nước mới nổi cần nhiều năng lượng. Riêng đồng Nhân Dân tệ vẫn đứng ngoài luồng dự trữ do Trung Quốc chưa nới lỏng kiểm soát tiền tệ và chưa thực sự tự do hóa đầu tư nước ngoài.

Do đồng USD còn chiếm khoảng 2/3 dự trữ toàn cầu và sẽ tiếp tục chiếm ưu thế trong các tài khoản cá nhân, các nhà tạo lập chính sách thừa nhận rằng, USD sẽ vẫn là trụ cột của tài chính toàn cầu trong nhiều năm nữa. Nhưng sự suy giảm liên tục trong tỉ trọng thương mại trong thập kỷ qua là tín hiệu không tốt cho Trung Quốc, Liên bang Nga, Ấn Độ và những nước mua nhiều trái phiếu kho bạc Mỹ (nếu cố gắng bán hạ giá USD thì sẽ phá hủy hoại danh mục tài sản của NHTW Mỹ và gây thiệt hại cho chính họ).

Theo số liệu của IMF, dự trữ dưới dạng Euro tại các nước thành viên đã tăng lên 27,5% trong quí 2 so với 18% vào cuối năm 2000, và sẽ vượt 30% trong năm tới.

Các nhà kinh tế hàng đầu đều cho rằng, mặc dù các NHTW đang đối mặt với giới hạn về cách thức đa dạng hóa dự trữ, nhưng hầu hết các loại tiền không mất giá quá mức để có thể tạo ra dòng tiền ra vào quá lớn và đột ngột, ngay cả sự chuyển dịch lớn của USD và Euro cũng đặt câu hỏi là mua nợ của quốc gia nào. Không có loại trái phiếu chính phủ nào tại châu Âu lại xuống giá như trái phiếu kho bạc Mỹ, và những loại trái phiếu cho lợi nhuận cao là từ những nền kinh tế yếu nhất.

Giáo sư Barry Eichengreen tại Đại học tổng hợp California cho rằng, do sự bỏ chạy tán loạn khỏi USD, đồng đô la sẽ chia tỉ trọng dự trữ của các quốc gia nhưng chỉ mang tính ngắn hạn, tình trạng lôi cuốn dòng chảy từ USD sang những tiền tệ khác không thể kéo dài. Trong ngắn hạn, đồng Euro do nó có tính thanh khoản cần thiết, ngoài ra không có lý do để kỳ vọng vào hệ thống dự trữ đa tiền tệ.

Trong khi USD vẫn chiếm ưu thế trên thương mại toàn cầu, sự suy giảm quá đáng của nó đang làm lu mờ tính hấp dẫn là phương tiện đầu tư và tích trữ trong các nền kinh tế mới nổi. Xu hướng chuyển dịch sang sử dụng euro thay thế USD tập trung chủ yếu tại Brazil và Liên bang Nga do gia tăng lòng tin về triển vọng kinh tế trong nước, nhưng tại nhiều nơi, đô la vẫn là đồng tiền được ưa chuộng nhất.

Ngoài đồng nhân dân tệ, người Trung Quốc vẫn tìm đến USD do vị thế của Mỹ vẫn đảm bảo giá đô la trong dài hạn. Tại một số nước Nam Mỹ, đô la vẫn là công cụ phòng ngừa lạm phát hoặc phá giá bản tệ, do họ đã từng hứng chịu hai thảm họa trong thập kỷ qua. Từ năm 2000, Ecuador đã từ bỏ đồng sucre vào và chấp nhận đô la là tiền chính thức. Tại Venezuela, người dân và doanh nghiệp đổ xô đi đổi đô la để đề phòng lạm phát và khả năng phá giá đồng bolivar. Tại Argentina, sau đổ vỡ năm 2002, người dân không còn tin vào đồng peso và thường chuyển tiết kiệm sang đô la hoặc gửi tiền vào những ngân hàng dưới dạng tài khoản đô la. Tại Mehico, đồng đô la và peso song hành với nhau và người dân thường tiết kiệm dưới dạng đô la.

Tóm lại, thị trường ngoại tệ thế giới đang vận động theo cơ chế tự điều chỉnh theo xu hướng giảm tỉ trọng USD. Tuy nhiên, cơ cấu và vai trò của các đồng tiền chủ chốt trong trao đổi thương mại, tiết kiệm dân cư và dự trữ quốc gia hiện nay và trong tương lai cho thấy, đồng đô la tuy mất giá nhưng vẫn còn chiếm ưu thế trên thị trường tài chính toàn cầu và sẽ sớm tăng giá trở lại.

SOURCE: CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC

Trích dẫn từ: http://www.sbv.gov.vn/vn/home/tinnghiencuu.jsp?tin=755

Exit mobile version