Site icon THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

TOÀ CÔNG LÝ QUỐC TẾ và tranh chấp lãnh thổ ở khu vực Đông Nam Á

Advertisements

ANNA LOUISE STRACHAN  (Biên dịch: Phạm Văn Mỹ)

ASEAN – Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á đang hết sức nỗ lực trong việc xây dựng Cộng đồng chung ASEAN vào năm 2015. Tuy nhiên, giữa các quốc gia trong khối vẫn chưa giải quyết dứt điểm các tranh chấp liên quan tới vấn đề biên giới.

Các nước Đông Nam Á đã từng ba lần đưa nhau ra kiện tại Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ). Vụ kiện đầu tiên giữa Campuchia và Thái Lan diễn ra năm 1959 liên quan tới Ngôi đền Preah Vihear. Năm 1998, Indonesia và Malaysia cũng đã đệ đơn kiện ra ICJ nhằm giải quyết tranh chấp chủ quyền đối với hai hòn đảo trên biển Celebes là Pulau Sipadan và Pulau Ligitan. Tiếp sau đó, năm 2003, Malaysia và Singapore cùng yêu cầu Tòa án này giúp xử lý tranh chấp lãnh thổ ở Pedra Brance (thường được biết đến với tên gọi là Pulau Batu Puteh ở Malaysia), Middle Rocks và South Ledge.

Bài viết này sẽ xem xét các vụ kiện trên một cách chi tiết hơn để chứng tỏ ICJ là một cơ chế hữu hiệu để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ tại khu vực Đông Nam Á. ICJ là một trong 6 cơ quan chủ chốt nhất và hoạt động như một cơ quan tư pháp cao nhất của tổ chức Liên Hợp Quốc. Với vai trò là một tòa án quốc tế, ICJ có thẩm quyền ra các phán quyết quyết định các tranh chấp được đem ra xét xử tại tòa, và làm công tác cố vấn pháp luật đối với các vấn đề liên quan theo yêu cầu của các tổ chức như Liên hợp quốc. 15 thẩm phán của ICJ được bổ nhiệm bởi Đại hội đồng và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc có nhiệm kỳ 9 năm. Quá trình bổ nhiệm được sắp đặt với mục đích hạn chế những áp lực chính trị trong việc lựa chọn các thẩm phán. Tuy vậy, một trong những chỉ trích nhằm vào Tòa án này chính là việc trên thực tế vẫn diễn ra những hành động mang tính chính trị hóa.

Khu vực Đông Nam Á hiện đang tồn tại một số vụ tranh chấp lãnh thổ, và việc giải quyết các tranh chấp này sẽ tạo lên những tiến bộ lớn đối với tiến trình hội nhập khu vực. Bài viết này sẽ chứng tỏ Tòa án Công lý quốc tế có tiềm năng đóng một vai trò lớn hơn rất nhiều nữa trong việc giải quyết các tranh chấp này và những hành động cần được thực hiện để gia tăng tín nhiệm của Tòa án đối với các quốc gia Đông Nam Á. Một điều quan trọng là cần phải lưu ý rằng Trung Quốc cũng liên quan tới một số vụ tranh chấp lãnh thổ với nhiều quốc gia Đông Nam Á. Nổi bật và đáng quan tâm nhất trong số đó là tranh chấp ở quần đảo Trường Sa, mặc dù cũng có nhiều vấn đề liên quan đến biên giới trên đất liền giữa Trung Quốc với Việt Nam và Trung Quốc với Lào.

Vai trò của Tòa án Công lý Quốc tế: Một nhà phê bình

Năm 2002, ICJ đã quyết định trao chủ quyền đối với hai hòn đảo Pulau Ligitan và Pulau Sipadan cho phía Malaysia. Hai nhà nước liên quan đã đệ trình vụ tranh chấp xung quanh hai vùng lãnh thổ này lên ICJ vào năm 1998. Tuy nhiên, ICJ đã không xác định đường biên giới trên biển giữa Malaysia và Indonesia tại khu vực quanh hai hòn đảo. Kết quả là người ta có thể lâp luận rằng tranh chấp đã không được xử lý một cách triệt để. Song cũng cần phải lưu ý rằng, lý do duy nhất dẫn tới tình trạng này chính là việc các bên liên quan tới vụ tranh chấp đã không yêu cầu ICJ giải quyết vấn đề riêng biệt.

Tháng 5/2008, chủ quyền đối với đảo Pedra Branca đã được trao cho Singapore, Middle Rock thuộc về Malaysia, còn South Ledge được chia tách cho cả hai nước căn cứ theo lãnh hải. Cả Malaysia và Singapore đều chấp nhận phán quyết của ICJ, phó Thủ tướng Singapore S. Jayakumar phát biểu rằng,  nước ông hài lòng với phán quyết, còn Ngoại trưởng Malaysia Rais Yatim coi kết quả trên như một phán quyết “cùng thắng” – có lợi cho cả đôi bên. Đây là điều được cả hai quốc gia láng giềng mong đợi, bởi trước đó, năm 2003, họ đã cùng nhất trí đệ đơn yêu cầu tòa án giải quyết tranh chấp. Nhưng dù quyết định này đã được đưa ra, hiện vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề nổi bật chưa được giải quyết. Singapore và Malaysia vẫn chưa quyết định lãnh hải quanh hai hòn đảo Pedra Brance và Middle Rocks sẽ được phân định ra sao. Và một ủy ban kỹ thuật chung sẽ chịu trách nhiệm thực hiện công việc này.

Trong cả hai trường hợp trên, Tòa án Công lý quốc tế mới chỉ giải quyết được một nửa vấn đề. Chắc chắn đây là một bước đi đúng hướng, nhưng sẽ còn phải mất thêm nhiều năm đàm phán nữa mới giải quyết toàn bộ các tranh chấp. Tuy vậy, cũng cần phải công nhận, ICJ đã hoàn thành trách nhiệm của mình (trong cả hai vụ việc trên) bởi lẽ các nước liên quan đã không đề nghị Tòa phải xác định biên giới trên biển. Quá trình khởi động các cuộc đàm phán mới ngay cả khi ICJ đã đưa ra phán quyết, tuy sẽ tiêu tốn khá nhiều thời gian nhưng cũng cho thấy có nhiều công cụ lựa chọn để giải quyết xung đột, thường thì đàm phán song phương có thể sẽ hiệu quả hơn trong xử lý tranh chấp lãnh thổ hơn là đưa ra kiện trước Tòa án Công lý quốc tế.

Năm 2003, Singapore và Malaysia cũng đã đưa tranh chấp lãnh thổ ra Tòa án quốc tế về luật biển (ITLOS) ở Hamburg (Đức) để phân xử. Tranh chấp liên quan đến các dự án cải tạo đất của Singapore mà Malaysia tuyên bố là vi phạm chủ quyền lãnh hải của Malaysia. Lại một lần nữa, tòa án – với tư cách của một người phân xử, lại chỉ đóng một vai trò khiêm tốn trong việc giải quyết xung đột. Một vài vòng đàm phán đã diễn ra trước khi tranh chấp cuối cùng được giải quyết bằng việc ký kết Hiệp định ngày 26/4/2005.

Phần lớn các cuộc tranh chấp lãnh thổ ở Đông Nam Á không được giải quyết theo cách này. Điều đó chứng tỏ đối với đa số các quốc gia trong khu vực, ICJ và các tòa án quốc tế khác như ITLOS vẫn sẽ chỉ được coi là sự lựa chọn cuối cùng. Việc giải quyết các tranh chấp song phương thường phổ biến hơn. Điển hình như Brunei và Malaysia đã đạt đươc các thỏa thuận giải quyết một số tranh chấp lãnh thổ liên quan đến cả biên giới trên biển và trên đất liền hồi tháng 8/2008.

Những tranh chấp chưa được giải quyết

Phần lớn các cuộc tranh chấp lãnh thổ ở Đông Nam Á không được giải quyết theo cách này, chứng tỏ rằng đối với đa số các quốc gia trong khu vực, ICJ và các Tòa án quốc tế khác như ITLOS vẫn sẽ chỉ là sự lựa chọn cuối cùng. Việc giải quyết các tranh chấp song phương thường phổ biến hơn. Một trong những lý do của việc tồn tại quá nhiều tranh chấp lãnh thổ ở Đông Nam Á liên quan tới một thực tế là ở nhiều nơi trong khu vực, nhiều nước vẫn chưa được phân định được hết các đường biên giới trên bộ.

Tranh chấp ngôi đền Preah Vihear giữa Thái Lan và Campuchia cho thấy dấu hiệu căng thẳng đang leo thang mặc dù đã từng có giai đoạn  lắng dịu kể từ nửa cuối năm 2008. Ngày 19/9/2009, lực lượng Liên minh nhân dân vì dân chủ (PAD) đã kích động một đám đông đụng độ với cảnh sát chống bạo động và người dân địa phương gần ngôi đền đang xảy ra tranh chấp ở biên giới Thái Lan-Campuchia. Người ta từng nghĩ xung đột đã được giải quyết xong từ năm 1962, khi đó chủ quyền của ngôi đền được ICJ trao cho Campuchia. Tuy vậy vấn đề nảy sinh xoay quanh phán quyết năm 1962 – đó là phần lớn đất đai quanh khu vực ngôi đền lại là một phần lãnh thổ Thái Lan. Cách phân chia lãnh thổ này đã dấy lên những hành động thù địch giữa hai bên tranh chấp.

Tranh chấp lãnh thổ đối với bang Sabah cũng chưa được giải quyết. Philippines khẳng định chủ quyền của mình ở đây dựa trên cơ sở tất cả đất đai nằm trên phần Đông Bắc của Borneo đều một thời nằm trong Vương quốc của người Xulu, một phần của Philippines ngày nay. Philippines lần đầu tiên khẳng định chủ quyền đối với vùng lãnh thổ này vào năm 1962 khi Liên Bang Malaysia mới đang được thành lập. Quan hệ song phương giữa Malaysia và Philippines được nối lại năm 1969, nhưng phía Philippines vẫn chưa từ bỏ việc khẳng định chủ quyền ở Sabah. Quan hệ này cũng đã được cải thiện đáng kể trong những năm gần đây và người ta hy vọng những lời tuyên bố chủ quyền suông của Philippines sẽ được rút bỏ.

Theo Các vấn đề nổi bật năm 2008 của Heidelberge Conflict Barometer, hiện còn nhiều cuộc tranh chấp lãnh thổ vẫn chưa được giải quyết giữa Campuchia và Việt Nam, Singapore và Malaysia, Thái Lan và Myanmar. Các nguồn tin khác còn liệt kê ra nhiều tranh chấp lãnh thổ khu vực hơn thế nữa.  Nhưng không nhất thiết phải quan tâm tới con số chính xác, bởi rõ ràng rằng hiện có một số lượng lớn các cuộc tranh chấp lãnh thổ ở khu vực Đông Nam Á vẫn chưa được giải quyết.

Một trong những lý do của việc tồn tại quá nhiều tranh chấp lãnh thổ ở Đông Nam Á liên quan tới một thực tế là các đường biên giới trên bộ vẫn chưa được phân định hết ở nhiều nơi trong khu vực. Campuchia và Lào đã từng bước thực hiện công việc này và Thái Lan cũng đang đề nghị tiến hành phân định biên giới với Campuchia nhằm ngăn sự căng thẳng leo thang giữa hai nước. Indonesia và Đông Timo triển khai phân định đường ranh giới chung từ năm 2004. Tất cả những động thái đầu tiên này là một bước tiến tới xóa bỏ tranh chấp lãnh thổ trong khu vực.

Vai trò lớn hơn cho Tòa án Công lý Quốc tế

Theo lý thuyết Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) luôn công bằng và là nơi lý tưởng để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ một cách bình đẳng, không thiên vị.

Các vụ kiện mà Indonesia và Malaysia, Singapore và Malaysia đệ trình lên tòa án đã được giải quyết và, các phán quyết của tòa án cũng đã được các bên liên quan chấp nhận. Điều đó cho thấy ICJ là một nhà hòa giải rất hiệu quả. Hơn thế nữa, ICJ là một tòa án quốc tế, theo lý thuyết  tổ chức luôn công bằng và là nơi lý tưởng để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ một cách bình đẳng, không thiên vị.

Tuy vậy, tòa án vẫn gặp phải sự chỉ trích rộng rãi của nhiều quốc gia, cũng như của nhiều học giả. Những ý kiến chỉ trích này bao gồm việc cho rằng các phán quyết của tòa án là không công bằng, Tòa thiên vị và thực tế một số nước đã không chấp nhận phán quyết của Tòa. Những lời phê bình này cần phải được xem xét một cách cụ thể khi đánh giá vai trò của ICJ trong việc giải quyết xung đột lãnh thổ ở Đông Nam Á.

Đúng là ICJ đã thất bại trong việc mang lại một giải pháp bền vững cho vụ tranh chấp ngôi đền Preah Vihear, phán quyết trước đó của Tòa được đưa ra năm 1962. Tình hình cũng đã được duy trì ổn định trong suốt 40 năm. Do vậy, việc phớt lờ vai trò của ICJ trong quá trình giải quyết tranh chấp này là thực sự là hành động thái quá.

Tuy nhiên, người ta cũng đặt ra câu hỏi về khả năng thiên vị của tòa án. Trong bản đánh giá về sự thiên vị, Posner và de Figueirado đã kết luận rằng các thẩm phán thường bỏ phiếu ủng hộ cho nước họ. Hai tác giả này cũng nhận thấy rằng trong các vụ kiện mà nước họ không có liên đới, các thẩm phán sẽ bỏ phiếu ủng hộ cho các quốc gia có nhiều điểm tương đồng với nước họ về kinh tế, văn hóa và thể chế chính trị. Cũng có những bằng chứng cho thấy rằng các thẩm phán thường muốn bỏ phiếu cho các đối tác chiến lược của nước họ. Tuy vậy, những bằng chứng đó lại không đủ sức thuyết phục.

Với tổng số 15 thẩm phán, chắc chắn rằng sẽ có một vài trong số đó đến từ các quốc gia không liên quan đến các bên tranh chấp trong một vụ việc riêng biệt, do vậy khó có thể kết luận rằng những phát hiện trên sẽ có một ảnh hưởng lớn đến phán quyết cuối cùng của tòa án. Ủng hộ cho lập luận này là thực tế chính Posner và de Figueirado đã chỉ ra rằng các bằng chứng chứng tỏ tòa án có sự thiên vị không phải là nổi trội.

Theo Knight, mặc dù ICJ đã trở thành một nhân tố quan trọng trong việc gìn giữ hòa bình, nhưng không phải tất cả các nước thành viên Liên hợp quốc đều chấp nhận các phán quyết của Tòa án và một số nước thì lại bảo lưu việc thi hành các phán quyết. Điều này gây trở ngại đối với sự tín nhiệm của Tòa án cũng như thẩm quyền của nó. Các bên liên quan đều phải chấp nhận thẩm quyền của Tòa nếu muốn thành công trong việc giải quyết xung đột.

Mặc dù 64 nước đã chấp nhận quyền xét xử của Tòa và cũng đã một số lượng lớn các hiệp định đa phương tạo cơ sở cho việc thực hiện phán quyết của tòa án, nhưng vẫn còn tồn tại một số vụ trong đó có vụ đền Preah Vihear, khi một trong các bên tranh chấp bất đồng với phán quyết của Tòa án đối với vấn đề liên quan. Tình hình đã được giải quyết khi có thông báo rằng phía Thái Lan đã chấp nhận thẩm quyền của ICJ trước khi vụ việc được đệ trình ra trước tòa, những vấn đề này chỉ nhằm trì hoãn các phiên tòa và kéo dài thời gian để Tòa đưa ra được kết luận có thể làm hài lòng các bên tranh chấp.

Người ta có cảm tưởng rằng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ đóng vai trò lớn hơn trong việc giải quyết các tranh chấp trong khu vực. Tuy vậy, các quốc gia thành viên của tổ chức này vẫn tiếp tục ủng hộ chính sách không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.

Một chỉ trích nữa đối với ICJ đó là các quốc gia Đông Nam Á không nhất thiết phải kéo nhau ra một cơ quan tư pháp pháp quc tế để giải quyết các tranh chấp trong khu vực. Người ta có cảm giác rằng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á ASEAN cần phải đóng vai trò lớn hơn trong việc giải quyết tranh chấp trong khu vực. Tuy vậy, các nước thành viên ASEAN vẫn tiếp tục ủng hộ chính sách không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.

Năm 2008, các quốc gia thành viên đã thông qua bản Hiến chương ASEAN. Và một bản hiến chương đầy đủ sẽ bao gồm các điều khoản liên quan đến việc giải quyết tranh chấp. Điều 22 của bản hiến chương này quy định rằng một cơ chế giải quyết tranh chấp sẽ được thiết lập và duy trì, điều 23 quy định các bên liên quan tới tranh chấp có thể yêu cầu Chủ tịch hoặc Tổng thư ký ASEAN, trong thẩm quyền của mình, giúp đỡ và hỗ trợ việc hòa giải tranh chấp.

Bản kế hoạch xây dựng một cộng đồng an ninh chính trị ASEAN đã được đưa ra tại Thái Lan hồi tháng 3/2009. Tuyên bố “cần nhiều nỗ lực hơn nữa trong việc tăng cường sử dụng phương thức hòa bình để giải quyết tranh chấp hiện có nhằm tránh các cuộc tranh chấp có thể xảy ra trong tương lai”. Đây là bước đi đúng hướng nhưng hiện vẫn chưa có vụ việc cụ thể nào được giải quyết, cho thấy rằng vẫn còn quá xa vời khi nói tới một sự thay đổi trong lập trường của ASEAN đối với vấn đề can thiệp giải quyết.

Xu hướng giải quyết xung đột song phương ở khu vực Đông Nam Á hiện được áp dụng nhiều hơn. Trong vụ tranh chấp ngôi đền Preah Vihear, cả Thái Lan và Campuchia đều bác bỏ khả năng đưa vụ việc này lên Tòa án công lý quốc tế. Họ cũng bỏ qua ý tưởng nhờ trung gian thứ 3 mà Indonesia đề xuất. Các nỗ lực song phương để giải quyết xung đột đã tạm thất bại, biểu hiện bằng những sự kiện mới xảy ra gần đây ở khu vực biên giới Thái lan với Campuchia.

Hơn thế nữa, Koh và Lin đã lập luận rằng phương pháp nhờ qua trung gian thứ 3 giải quyết xung đột là một cách hữu hiệu nhằm mang lại giải pháp mà cả hai bên tranh chấp đều có thể chấp nhận được. Họ nhận định rằng đó thường là cách duy nhất để phá vỡ bế tắc. Singapore đã từng đưa một số vấn đề ra các cơ quan quốc tế và cũng nhận thấy các biện pháp giải quyết thông qua trung gian cũng có thể được sử dụng để giải quyết tranh chấp với Malaysia liên quan đến tuyến đường sắt Malayan. Điều đó cho thấy Singapore rất tin tưởng vào các cơ quan luật pháp quốc tế mà trước đây họ đã từng nhờ đến. Và điều cần thiết phải truyền lòng tin này cho các quốc gia Đông Nam Á khác nếu ICJ muốn đóng vai trò lớn hơn trong giải quyết tranh chấp lãnh thổ ở khu vực này.

Hướng tới hội nhập khu vực

ICJ có tiềm năng sẽ đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ khi các cơ chế hòa giải khác bị thất bại. Đàm phán song phương cũng là biện pháp thích hợp trong giải quyết xung đột nhưng không phải lúc nào cũng mang lại thành công.

Hòa giải khu vực cũng sẽ thích hợp hơn là phải nhờ đến sự can thiệp của quốc tế nhưng không phải lúc nào cũng khả thi, vì người ta lo sợ một số quốc gia trong khu vực có thể sẽ được lợi hơn trong một số trường hợp nhất định. Hơn thế nữa, lập trường hiện nay của ASEAN về vấn đề can thiệp trong các tranh chấp khu vực tạo lên một vai trò khu vực lớn hơn trong các vụ tranh chấp lãnh thổ tại Đông Nam Á trong thời gian tới.

ICJ cần phải giành được sự tín nhiệm nhiều hơn trong con mắt của các quốc gia Đông Nam Á nếu muốn đóng vai trò lớn hơn trong giải quyết các tranh chấp lãnh thổ nổi bật còn tồn tại ở khu vực này. Niềm tin vào năng lực của ICJ trong giải quyết tranh chấp cần được nhân rộng hơn nữa không chỉ ở Singapore, Malaysia và Indonesia. Hơn thế nữa, ICJ cần phải đạt được sự công nhận vô tư, khách quan và không thiên vị (từ các quốc gia), để làm cho các nước này tin rằng bất kỳ phán quyết nào của Tòa  cũng đều công bằng và cần phải được tôn trọng.

SOURCE: TUANVIETNAM.NET

Trích dẫn từ: http://tuanvietnam.net/2009-11-09-vai-tro-lon-hon-cho-toa-an-cong-ly-quoc-te

Exit mobile version