admin@phapluatdansu.edu.vn

HIẾN PHÁP MỸ ĐƯỢC LÀM RA NHƯ THẾ NÀO? – PHẦN 5: TRANH LUẬN VỀ NHIỆM KỲ CỦA THƯỢNG NGHỊ SĨ

NGUYỄN CẢNH BÌNH

Ngày 26 tháng Sáu năm 1787

Trong ngày 26 tháng Sáu, Hội nghị tiến hành xem xét thời hạn nhiệm kỳ của Thượng viện. Để một chính quyền trở nên vững vàng, tránh ban hành những đạo luật quá vội vàng, thì Thượng viện phải là một cơ quan bền vững và kiên định. Vì thế, vai trò của Thượng viện trong nền chính trị Mỹ là rất quan trọng.

Các đại biểu đã phân tích rất kỹ lưỡng và chi tiết mọi khía cạnh về nhiệm kỳ của Thượng viện. Trong đó, những lập luận của Madison là rất sắc sảo và chính xác, trong đó, ông tiếp tục lặp lại lập luận về mẫu thuẫn giữa các tầng lớp trong xã hội. Ngoài ra, Ghorum và Wilson cũng có đóng góp lớn với đề xuất quay vòng bầu chọn 1/3 Thượng nghị sĩ nhằm tạo ra sự đối trọng ngay giữa những Thượng nghị sĩ với nhau.

Điều khoản qui định nhiệm kỳ của Thượng viện được đưa ra xem xét.

Ngài GHORUM: Đề xuất nhiệm kỳ sáu năm, cứ hai năm lại một lần bầu chọn lại 1/3 số đại biểu.

Ngài WILSON: Ủng hộ ý kiến này.

Tướng PINKNEY: Phản đối nhiệm kỳ sáu năm mà muốn có nhiệm kỳ bốn năm. Ông nói rằng các tiểu bang có những lợi ích khác nhau. Những bang miền Nam và đặc biệt là Nam Caroline rất khác so với các bang miền Bắc. Nếu các Thượng nghị sĩ được bổ nhiệm với nhiệm kỳ quá lâu, họ sẽ sống tại tiểu bang, nơi họ thi hành phận sự của mình và chẳng còn mấy thời gian làm người đại diện cho tiểu bang đã bầu chọn họ.

Ngài READ: Đề xuất nhiệm kỳ chín năm. Điều này lại rất thuận lợi vì cứ ba năm lại quay vòng 1/3 đại biểu. Dù ông tán thành nhất là nhiệm kỳ "suốt đời nếu có tư cách tốt", nhưng chẳng mấy người ủng hộ ý định này. Vì thế, ông sẵn lòng tán thành nhiệm kỳ dài nhất tới mức có thể.

Ngài BROOME: Ủng hộ quan điểm này.

Ngài MADISON: Ðể phán quyết chọn nhiệm kỳ dài bao lâu, cần phải xem xét Thượng viện được lập ra nhằm mục đích gì. Thứ nhất, để bảo vệ dân chúng chống lại những người cai trị. Thứ hai, để bảo vệ dân chúng chống lại những tâm trạng và quan điểm nhất thời mà chính bản thân họ có thể rơi vào. Với kinh nghiệm từ các quốc gia khác trước đây, dân chúng sẽ suy nghĩ thận trọng về mô hình chính quyền nào sẽ bảo đảm tốt nhất hạnh phúc của họ, và hiểu rằng có những điều chỉnh ban đầu mang lại hạnh phúc cho cộng đồng, nhưng sau này có thể phản bội niềm tin của họ.

Để chống lại nguy cơ này, sự thận trọng cần thiết là phải phân chia sự phó thác của dân chúng vào các Viện khác nhau để các cơ quan này theo dõi và giám sát lẫn nhau. Nhờ đó, dân chúng sẽ được hưởng sự cai trị khôn ngoan trong mọi cơ quan của chính quyền. Mọi quyền lực dễ bị lạm dụng cần phải được tiến hành thông qua những người khác nhau, người này sẽ kiểm tra người kia.

Tiếp theo, một lúc nào đó, chính dân chúng cũng có thể mắc phải những nhầm lẫn nhất thời vì sự thiếu hụt các thông tin chính xác và cần thiết về lợi ích của họ. Cũng tương tự như vậy, những người đại diện được chọn lựa với một nhiệm kỳ ngắn để điều hành một số công việc chung cũng có thể mắc sai lầm. Nhận xét này cho thấy chính quyền phải được thiết lập sao cho ít nhất một nhánh chính quyền phải có cơ hội hiểu biết đầy đủ về mọi lợi ích của dân chúng.

Một nhận xét khác là dân chúng và một số người đại diện cho họ đôi khi cũng mắc sai lầm vì những tình cảm và quan điểm không vững vàng. Một lá chắn cần thiết chống lại nguy cơ này là phải chọn ra được những công dân khôn ngoan, với một số lượng nhất định. Nhờ sự kiên định của mình, họ sẽ can thiệp và kiềm chế sự bốc đồng thái quá trong chính quyền. Cuối cùng, dân chúng cũng muốn mô hình chính quyền đảm bảo mọi lợi ích khác nhau của con người bởi đa số, vì lợi ích của mình, có thể đột nhiên chèn ép và gây bất công đối với thiểu số.

Trong mọi xã hội văn minh, tất yếu, dân chúng đều phân chia thành những tầng lớp khác nhau với những lợi ích, hoặc ủng hộ những lợi ích khác nhau. Có những con nợ và chủ nợ, những nông dân, nhà buôn và những người sản xuất. Đặc biệt là sự khác biệt giữa người giàu và người nghèo. Một sự thật hiển nhiên đã được Ngài Pinkney nhận xét rằng sự khác biệt giữa chúng ta không mang tính cha truyền con nối về tầng lớp, nguồn gốc cho mọi xung đột trong các chính quyền cổ xưa, cũng như các nhà nước hiện đại của châu Âu.

Chúng ta cũng không phải là những người vô cùng giàu có hay vô cùng nghèo hèn mà đó là đặc điểm chung của những quốc gia châu Âu. Nhưng hiện nay, chúng ta cũng không phải là một xã hội đồng nhất, nơi mọi người có chung lợi ích và tâm trạng. Trong việc xây dựng một nhà nước mà chúng ta mong ước sẽ tồn tại mãi mãi, chúng ta không nên phớt lờ những thay đổi mà thời đại sẽ tạo ra. Dân số tất yếu sẽ phải tăng lên và số lượng những người nghèo khổ cũng sẽ tăng lên. Những người đó sẽ âm thầm khát khao sự bình đẳng hơn về hạnh phúc và tài sản. Có thể sẽ đến lúc nào đó, số người nghèo khổ sẽ rất đông đảo.

Căn cứ theo luật bỏ phiếu bình đẳng, quyền lực sẽ rơi vào tay những người nghèo này. Trên đất nước này chưa có những cuộc nổi dậy của nông dân, song những dấu hiệu về tư tưởng cào bằng như chúng ta đều biết, đôi khi đã xuất hiện tại một số vùng. Đó là những dấu hiệu cảnh báo về mối nguy hiểm trong tương lai. Vậy cần đề phòng và ngăn chặn nguy cơ này thế nào trên những nguyên tắc cộng hoà? Liệu mối nguy hiểm này trong mọi trường hợp xung đột lợi ích sẽ khiến lợi ích của thiểu số bị chà đạp, sẽ được ngăn chặn thế nào?

Một trong những biện pháp này là phải thiết lập một cơ quan trong chính quyền có đủ sự khôn ngoan và đức hạnh, để trợ giúp trong những trường hợp nguy cấp đó và cần phải trao cho cơ quan này một sức mạnh công lý vượt trội.

Những mục đích đó của Thượng viện làm ông nghĩ rằng phải cho viện này một nhiệm kỳ dài đáng kể. Ông không cho rằng nhiệm kỳ chín năm lại gây ra bất cứ nguy hiểm nào. Để đáp ứng những mục đích ông đã nêu ra, ông cho là Thượng viện cần phải có một nhiệm kỳ dài, nhưng không phải là nhiệm kỳ suốt đời, để những kẻ có tư cách tầm thường không thể được tái cử.

Ông thấy rằng chúng ta nhất thiết phải suy nghĩ kỹ càng về mô hình chính quyền mà trong quá trình vận hành, nó sẽ quyết định số phận của một Nhà nước Cộng hòa, nên chúng ta không chỉ thiết lập những bảo đảm cần thiết để duy trì tự do mà còn phải đặc biệt cẩn trọng thiết lập các biện pháp cần thiết để kiểm soát sự tự do, điều mà kinh nghiệm đã chỉ cho chúng ta thấy.

Ngài SHERMAN: Chính quyền được lập ra cho những người sống trong đó. Vì thế, nó phải được thiết lập để đảm bảo tự do của họ. Nếu có một chính quyền tồi tệ, thì nó càng kéo dài sẽ càng gây tai hại. Do vậy, những cuộc bầu cử thường xuyên với nhiệm kỳ ngắn là cần thiết để duy trì và đảm bảo tư cách đạo đức tốt của những người cai trị. Họ cũng muốn duy trì sự tồn tại lâu dài của chính quyền này bằng cách giữ tư cách đạo đức tốt, bởi việc này sẽ đảm bảo họ được tái cử.

Tại Connecticut, các cuộc bầu cử tiến hành rất thường xuyên, nhưng cực kỳ ổn định và thống nhất, cho đến giờ đã kéo dài hơn 130 năm. Ông cũng mong ước điều khoản đảm bảo sự ổn định và khôn ngoan của chính quyền này sẽ được Hội nghị chấp nhận. Bốn hay sáu năm đều phù hợp và vì vậy, ông sẽ đồng ý với bất kỳ nhiệm kỳ nào.

Ngài READ: Muốn các bang nhỏ xem xét kỹ lợi ích của chính mình bởi những khác biệt giữa các tiểu bang là rất lớn. Thượng nghị viện cần phải được thiết lập để đại diện cho ý chí và quan điểm của toàn thể công dân.

Ngài HAMILTON: Không muốn đi sâu vào từng chi tiết cụ thể của vấn đề này. Ông đồng ý với Ngài Madison khi cho rằng bây giờ là lúc chúng ta phải quyết định số phận của chính quyền cộng hòa. Nếu chúng ta không thiết lập một chính quyền ổn định và khôn ngoan, nó sẽ sớm suy đồi và tự biến mất khỏi chúng ta, mãi mãi suy đồi và biến mất khỏi loài người.

Bản thân ông không tán thành Nhà nước Cộng hòa, nhưng muốn trình bày những nhận xét của ông cho những người ủng hộ mô hình đó, để họ biện minh và ủng hộ chính quyền này tới mức có thể. Ông cũng là người đấu tranh cho tự do như bất kỳ quý ngài nào khác và tin rằng ông sẵn lòng hy sinh vì tự do, dù ông không đồng tình với mô hình có thể là hợp lý nhất này.

Ông cũng đồng ý với các ý kiến chung của Ngài Madison về vấn đề này và nhiều quý ngài khác sẽ tán thành điều đó. Một sự thật hiển nhiên là không thể tồn tại sự bình đẳng về tài sản. Sự bất bình đẳng này sẽ còn tồn tại cho tới khi còn có tự do, bởi đó là kết quả tất yếu từ chính bản thân sự tự do. Sự bất bình đẳng về sở hữu tài sản là sự khác biệt cơ bản và lớn lao nhất trong xã hội. Khi quyền lực của Quan hộ dân ở La Mã làm cân bằng ranh giới giữa tầng lớp quý tộc và bình dân, thì điều gì sẽ xảy ra? Khi đó, sẽ xuất hiện sự khác biệt giữa người giàu và người nghèo.

… Việc điều hành tiểu bang Connecticut rất đơn giản vì chỉ liên quan đến các công việc lặt vặt. Mới đây, chính quyền Connecticut đã hoàn toàn nhượng bộ dân chúng và trên thực tế đã hoãn lại mọi hoạt động bình thường nhằm ngăn chặn những rối loạn xảy ra ở khắp tiểu bang. Ông chất vấn Ngài Sherman: liệu tiểu bang này, hiện nay, có dám đánh và thu thuế của dân chúng không? Chính vì những lý do đó, nên các cuộc bầu cử dù tiến hành thường xuyên thì tiểu bang này vẫn ổn định.

Ngài GERRY: Muốn mọi người thống nhất ý kiến về một chính quyền bền vững. Tất cả mọi người đều có chung mục đích nhưng khác biệt lớn về các biện pháp thi hành. Ông nghĩ rằng cần cẩn thận xem xét một trường hợp. Chỉ có khoảng 1/1000 những đồng bào của chúng ta không chống lại xu hướng thiết lập nền quân chủ. Vậy liệu dân chúng có chấp thuận một mô hình theo hướng quân chủ không?

Hội nghị này cần đặc biệt cẩn trọng khi gửi bất cứ thông tin nào cho dân chúng. Bất cứ kế hoạch nào được đề xuất tại đây, được nhiều đại biểu đáng kính hoan nghênh, tất yếu, kế hoạch đó cũng sẽ được dân chúng chấp thuận. Nhưng nếu một kế hoạch gây ra chống đối căng thẳng, có thể dễ dàng nhận thấy rằng sự bất bình và rối loạn tất yếu sẽ xảy ra.

Thậm chí, chúng ta sẽ trở thành con mồi cho các thế lực ngoại bang. Ông không phản đối quan điểm của Ngài Madison cho rằng đa số sẽ vi phạm công lý khi họ có chung lợi ích để làm việc đó. Nhưng ông không nghĩ rằng mối nguy cơ đó lại có thể xảy ra trên đất nước này. Hoàn cảnh và tình trạng của chúng ta rất khác biệt với nước Anh.

Một lãnh thổ vô cùng rộng lớn, chia thành nhiều vùng đất định cư, sẽ còn kéo dài tình trạng khác biệt. Bất chấp một số dấu hiệu bất bình đã xuất hiện trong nhiều cộng đồng thì chúng không lớn quá mức đến nỗi dập tắt mọi hy vọng của chúng ta trong việc thiết lập một chính quyền mới, công bằng và khôn ngoan. Ông cũng cho rằng những cuộc bầu cử quá thường xuyên sẽ phát sinh nhiều sai trái và tội lỗi, nên đồng ý trao cho Thượng viện nhiệm kỳ bốn hoặc năm năm. Một nhiệm kỳ dài hơn có thể sẽ không được chấp nhận. Dân chúng sẽ không bao giờ phê chuẩn mô hình đó.

Ngài WILSON: Không muốn nhắc lại những điều mà các quý ngài khác đã trình bày, song chỉ muốn nói đến những điều chưa được đề cập ở đây. Mọi quốc gia cần được xem xét trong hai mối quan hệ:

1. Với chính những công dân của mình.

2. Với các quốc gia khác.

Do đó, một quốc gia không chỉ có nguy cơ rơi vào sự độc tài hay vô chính phủ mà còn phải tránh chiến tranh và giành được những Hiệp ước với ngoại quốc. Do vậy, Thượng viện phải là nơi nắm giữ những quyền lực liên quan đến vấn đề đối ngoại. Vì thế, cơ quan này phải được kính trọng trong con mắt của các quốc gia nước ngoài. Lý do thực sự cho việc nước Anh không muốn ký một Hiệp ước thương mại với chúng ta như hiện nay là bởi vì họ không tin vào sự ổn định và hiệu quả của chính quyền chúng ta.

Nhiệm kỳ chín năm, sẽ đảm bảo những yêu cầu ổn định đó và sẽ làm cho chính quyền chúng ta có được lợi thế này của nền quân chủ. Trong một nền quân chủ, rất nhiều điều tùy thuộc vào tính khí của một ông vua. Nhưng trong một Thượng viện gồm nhiều đại biểu, tính cách cá nhân sẽ bị mất đi. Còn một điều khác nữa. Sự chống đối của dân chúng đối với việc bổ nhiệm bất cứ cơ quan nào có nhiệm kỳ dài như vậy là vì cơ quan này có thể dần dần chiếm quyền để có nhiệm kỳ suốt đời, và rồi sẽ trở thành một thứ cha truyền, con nối.

Một giải pháp thích hợp cho vấn đề này là cứ 3 năm sẽ bầu lại 1/3 Thượng viện. Như vậy, sẽ luôn luôn có ba nhóm đại biểu, giữ chức vụ của mình với các nhiệm kỳ khác nhau, sẽ hành động với những quan điểm và tâm trạng khác nhau.

Về vấn đề chín năm, cứ ba năm lại bầu lại 1/3:

MA: phản đối; CT phản đối; NY: phản đối; NJ: phản đối; PA: tán thành; DE: tán thành;

MD: phản đối; VA: tán thành; NC: phản đối; SC: phản đối; GA: phản đối. (8 bang phản đối, 3 bang tán thành)

Về vấn đề nhiệm kỳ sáu năm, cứ hai năm bầu lại 1/3:

MA: tán thành; CT: tán thành; NY: phản đối; NJ: phản đối; PA: tán thành; DE: tán thành; MD: tán thành; VA: tán thành; NC: tán thành; SC: phản đối; GA: phản đối. (7 bang tán thành, 3 bang phản đối).

MỜI BẠN ĐỌC

PHẦN 1:

TÓM TẮT QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG HIẾN PHÁP MỸ

PHẦN 2: 

CÁC CUỘC TRANH LUẬN TẠI HỘI NGHỊ LẬP HIẾN

PHẦN 3

HIẾN PHÁP MỸ ĐƯỢC LÀM RA NHƯ THẾ NÀO? – PHẦN 3: NHỮNG LẬP LUẬN CỦA MADISON PHẢN ĐỔI PHƯƠNG ÁN NEW JERSEY

PHẦN 4

TRANH LUẬN VỀ CHỦ QUYỀN LIÊN BANG VÀ NHIỆM KỲ CỦA HẠ NGHỊ SĨ

PHẦN 5

TRANH LUẬN VỀ NHIỆM KỲ CỦA THƯỢNG NGHỊ SĨ

PHẦN 6:

TRANH LUẬN VỀ SỰ BÌNH ĐẲNG CỦA CÁC TIỂU BANG TẠI QUỐC HỘI

PHẦN 7:

HIẾN PHÁP MỸ ĐƯỢC LÀM RA NHƯ THẾ NÀO? – PHẦN 7: ĐA SỐ LÀ NGUYÊN TẮC CƠ BẢN CỦA NỀN CỘNG HÒA

PHẦN 8:

HIẾN PHÁP MỸ ĐƯỢC LÀM RA NHƯ THẾ NÀO? – PHẦN 8: BẦU CHỌN VÀ NHIỆM KỲ TỔNG THỐNG

PHẦN 9:

HIẾN PHÁP MỸ ĐƯỢC LÀM RA NHƯ THẾ NÀO? – PHẦN 9: TRANH LUẬN VỀ QUYỀN PHỦ QUYẾT CỦA TÒA ÁN VÀ CÁCH BẦU CHỌN THẨM PHÁN

PHẦN 10:

HIẾN PHÁP MỸ ĐƯỢC LÀM RA NHƯ THẾ NÀO? – PHẦN 10: BẦU CHỌN, NHIỆM KỲ VÀTÁI CỬ CỦA TỔNG THỐNG

PHẦN 11

HIẾN PHÁP MỸ ĐƯỢC LÀM RA NHƯ THẾ NÀO? – PHẦN 11: PHÁC THẢO BẢN HIẾN PHÁP ĐẦU TIÊN

PHẦN 12:

KÝ KẾT BẢN HIẾN PHÁP

SOURCE: BÁO TUỔI TRẺ ĐIỆN TỬ

Trích dẫn từ: http://lichsuvn.info

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading