admin@phapluatdansu.edu.vn

LÝ THUYẾT “CẦU HIỆU QUẢ” CỦA JOHN MAYNARD KEYNES VỚI CUỘC KHỦNG HOẢNG TÀI CHÍNH VÀ SUY THOÁI KINH TẾ TOÀN CẦU HIỆN NAY

PGS.TS. NGUYỄN XUÂN THẮNG – Phó Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam

Cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ bắt đầu xảy ra từ tháng 8-2007 sau đó đã lan khắp các thị trường tài chính lớn trên thế giới. Chỉ trong vòng 12 tháng của 2008 đã làm bốc hơi trên 30 ngàn tỉ USD trong tổng số 62 ngàn tỉ USD vốn hóa toàn cầu. Sau cuộc khủng hoảng tài chính, thế giới bước vào một cuộc suy thoái kinh tế được ví là nghiêm trọng nhất trong vòng gần 100 năm qua. Chính phủ các nước không thể khoanh tay đứng nhìn. Hàng loạt các gói giải cứu lên đến cả ngàn tỉ USD ở hầu khắp các nước trên thế giới đổ ra khiến cho người ta nhớ đến một nhà kinh tế vĩ đại của những năm 30 của thế kỷ trước: Giôn May-na Kên (John Maynard Keynes).

Mặc dù thời đại ngày nay rất khác với thời đại của ông, nền kinh tế thế giới đã toàn cầu hóa và hội nhập sâu sắc, tuy nhiên, các nguyên tắc tạo “cầu hiệu quả” – “cầu có khả năng thanh toán” bằng các gói cứu trợ, kích thích kinh tế bằng tăng chi ngân sách, mở rộng thị trường nhà nước và thực hành tín dụng rẻ để kích thích đầu tư và tiêu dùng… mà Kên đề xuất hồi ấy thì vẫn còn nguyên giá trị. Nhiều nhà kinh tế và hoạch định chính sách trên thế giới, trong khi chưa tìm ra các lý thuyết mới làm căn cứ để đưa nền kinh tế của mình ra khỏi suy thoái, đã rất kỳ vọng vào việc vận dụng và phát triển các nguyên tắc của Kên trong điều kiện hiện nay. Vậy lý thuyết của Kên có những nội dung chủ yếu gì? Nguyên lý nào vẫn còn giá trị và những cảnh báo thực tế khi vận dụng Kên sẽ gợi mở cho chúng ta bài học gì khi vận dụng trong bối cảnh mới?

1 – Các quan điểm điều chỉnh kinh tế chủ yếu của Kên

Quan điểm bao trùm nhất của lý thuyết Kên là quan điểm cho rằng những mất cân đối kinh tế vĩ mô có nguồn gốc chính ở sự giảm sút “cầu có hiệu quả”(1) tức là cầu có khả năng thanh toán. “Cầu có hiệu quả”, theo Kên, bao gồm cả cầu về tiêu dùng cá nhân và cầu đầu tư. Như vậy “cầu có hiệu quả” là khái niệm có mối tương quan với thu nhập quốc dân. Nếu khuynh hướng tiêu thụ và đầu tư với tư cách là 2 bộ phận trong thu nhập quốc dân không có sự kết hợp để tạo ra một lượng cầu có hiệu quả đầy đủ, nạn thất nghiệp sẽ xuất hiện. Bởi vì “cầu có hiệu quả” kết hợp với tình trạng việc làm đầy đủ chỉ trong một trường hợp đặc biệt khi khuynh hướng tiêu thụ và kích thích đầu tư có mối liên hệ đặc biệt với nhau. Những liên hệ này chỉ có thể có được nếu do tình cờ hay cố ý, mức đầu tư hiện ra một số cầu vừa bằng số thặng dư của số cung tổng hợp của sản xuất trong tình trạng việc làm đầy đủ so với mức tiêu dùng theo ý nguyện của quần chúng ở tình trạng việc làm đầy đủ đó(2)… Giải thích cụ thể hơn cơ chế của sự kết hợp này, Kên viết tiếp: “Khuynh hướng tiêu thụ và mức đầu tư mới kết hợp với nhau để quy định việc làm và khối lượng việc làm liên hệ mật thiết với mức tiền công thực tế, chứ không phải ngược lại. Nếu khối lượng tiêu thụ về mức đầu tư mới đưa đến một số cầu thực tế không đầy đủ, thì mức việc làm thực tế sẽ thấp hơn số cung lao động sẵn có, tức gây thất nghiệp”(3).

Tuy nhiên, trong thời kỳ của Kên đã có thay đổi lớn trong tính chất và vai trò của cầu, giá cả không còn là cơ chế lý tưởng xác lập cân bằng giữa cung và cầu. Cầu luôn luôn tụt lại so với cung do người ta có xu hướng “muốn tiêu dùng một phần thu nhập ít hơn dần khi thu nhập thực tế tăng”(4). Do đó phát sinh “cầu bị gác lại”, cung trở nên thừa và điều này tạo điều kiện giảm đầu tư vào sản xuất, tức là thất nghiệp và khủng hoảng xuất hiện. Nhận định này dẫn Kên tới chỗ khẳng định sự can thiệp tất yếu của nhà nước vào nền kinh tế. Theo ông, nhà nước là lực lượng duy nhất có khả năng tác động vào số “cầu bị gác lại”, tức là tạo ra “cầu có hiệu quả”. Nói cách khác, cơ chế kinh tế độc quyền tư nhân đã trở nên ít hiệu quả trước việc chống lại xu hướng “cầu có hiệu quả” bị gác lại. Ngược lại, thông qua các chính sách duy trì, khuyến khích đầu tư tư nhân và mở rộng tiêu dùng xã hội, nhà nước có thể bảo đảm cầu vững chắc, không để nổ ra khủng hoảng và có khả năng loại trừ khủng hoảng. Kên viết: “Việc mở rộng các chức năng của nhà nước vừa là phương tiện duy nhất để tránh việc phá hủy hoàn toàn những thiết chế kinh tế hiện có, vừa là điều kiện cho sự vận dụng có kết quả các sáng kiến cá nhân”(5). Lập trường này đặt nền móng cho toàn bộ lý thuyết điều chỉnh của Kên.

Hãy xem xét thêm các giải pháp của Kên. Để xóa bỏ tình trạng thiếu “số cầu hiệu quả”, Kên cho rằng “nhà nước sẽ phải tiến hành một tác động hướng dẫn đối với khuynh hướng tiêu dùng một phần qua chính sách thuế khóa, một phần bằng việc ấn định lãi suất, và có thể một phần bằng các phương tiện khác”(6). Trên thực tế, Kên chủ yếu đề cập tới hai cách khắc phục cơ bản:

Thứ nhất, nhà nước tạo ra “cầu có hiệu quả” bằng cách tăng chi nhà nước, tức là mở rộng cầu nhà nước đề bù vào khuynh hướng thiếu cầu tiêu dùng cá nhân và cầu đầu tư. Theo Kên, nhà nước cần chủ động tung tiền vào các hoạt động đầu tư công cộng, bất kể tính chất của các khoản chi đó như thế nào, ngay cả khi đẻ ra “thiếu hụt ngân sách”. Bởi vì khi “cầu có hiệu quả” bị sút kém, sẽ không có lý do đặc biệt nào để thúc đẩy các nhà kinh doanh mạo hiểm tăng đầu tư của họ. Mặt khác “hệ số việc làm đầy đủ” chỉ có thể được tạo ra bằng cách nhà nước giành những số tiền lớn đầu tư vào các công trình công cộng thuộc lĩnh vực hạ tầng cơ sở như: đường xá, hầm mỏ, hải cảng… nghĩa là, nhà nước phải chủ động đầu tư vào những lĩnh vực ít sinh lợi nhất (thường không hấp dẫn tư bản tư nhân) nhưng lại là các điều kiện cần thiết cho toàn bộ quá trình tái sản xuất của tư bản xã hội. Và đây là điều kiện thuận lợi cho tư bản tư nhân đầu tư vào những ngành khác có lợi hơn. Tình hình đầu tư được cải thiện. Nhu cầu hàng tiêu dùng và hàng đầu tư của nhà nước tăng theo. Đầu tư tư nhân sẽ được đẩy lên một bước. “Thị trường nhà nước” hình thành như một nhân tố bổ sung quan trọng cho thị trường tư bản tư nhân nhằm chống lại khuynh hướng khủng hoảng “thừa tư bản” và “thừa hàng hóa”. Xét trên toàn cục, “cầu có hiệu quả” của toàn xã hội tăng cũng có nghĩa là hệ số “việc làm đầy đủ” tăng. Do vậy, không hề lo ngại về “thiếu hụt ngân sách” như những nhà kinh tế học đương thời lo lắng. Kên đã hoàn chỉnh tư tưởng này thành lý thuyết “cấp phát tài chính thiếu hụt”. Theo quan điểm của ông, sự mở rộng các chức năng của nhà nước như đã xét đến ở trên có thể dẫn đến thiếu hụt ngân sách và sự bội chi nhà nước sẽ được bù đắp bằng vay nợ dưới các dạng khác nhau. Ngay lúc bấy giờ, quan điểm này của Kên đã trở thành cơ sở biện minh cho “tính hợp lý” của “quân sự hóa với tư cách là một hình thức chi tiêu ngân sách nhà nước”, thậm chí để biện hộ cho lập luận của mình về tăng chi nhà nước, kể cả những khoản tiêu phí vô ích. Đây là luận điểm khó có thể được chấp thuận trong lý thuyết của Kên. Ông viết “...những kinh phí dựa trên các khoản vay, dù khi chúng là vô dụng, suy cho đến cùng vẫn có thể làm giàu thêm cho cộng đồng. Công trình xây cất kim tự tháp, những trận động đất và ngay cả chiến tranh cũng có thể góp phần tăng thêm sự giàu có…”(7).

Như vậy, theo Kên, tăng chi nhà nước là một chính sách thuận lợi cho tăng “cầu có hiệu quả” và vì vậy, thật là sai lầm nghiêm trọng khi thực hành cân bằng ngân sách bằng giảm chi nhà nước và tăng mức thuế cao đánh vào thu nhập. Điều này sẽ ảnh hưởng rất xấu đến lượng cầu, nhất là cầu tiêu dùng. Nói cách khác, chính sách của nhà nước duy trì mức thuế cao để trả một phần nợ nhà nước có tác động kìm hãm đối với mức tiêu thụ cũng tức là kìm hãm mức tăng sản xuất. Vì vậy, đi liền với chính sách tăng chi nhà nước, Kên nhấn mạnh đến chính sách thuế thấp với tính cách một nguồn thu của ngân sách được tài trợ theo những mục tiêu hữu ích cho những nhà đầu tư sản xuất. Tóm lại, điều chỉnh kinh tế bằng chính sách ngân sách và thuế kiểu Kên chính là phương thức nhằm tăng mức tiêu thụ và khuyến khích đầu tư đối với các nhà sản xuất.

Thứ hai, xuất phát từ sự kiến giải mức cầu đầu tư do hiệu suất dự đoán của đầu tư (tức là khối lượng, cường độ sử dụng vốn, triển vọng sản xuất) và lãi suất quy định. Kên hy vọng nhiều vào chính sách kích thích đầu tư tư nhân bằng sự điều chỉnh cần thiết mức lãi suất. Bởi lẽ theo ông ta, trước khi quyết định đầu tư, bất kỳ nhà kinh doanh nào cũng phải tính đến một lãi suất nào đó.

Kên cho rằng lãi suất được ấn định bởi một bên là khối lượng cung tiền tệ do ngân hàng trung ương tạo ra và một bên là số cầu tiền tệ hay là “sự ưa thích tiền mặt”. Số cầu tiền tệ càng cao khi lãi suất thấp và càng thấp khi lãi suất cao. Mặt khác, khi khối lượng tiền tệ tăng hoặc giảm mà số cầu tiền tệ không thay đổi, lãi suất có thể giảm hoặc tăng một cách tương ứng. Do vậy, để khuyến khích đầu tư, nhà nước vừa phải duy trì tỷ suất lợi tức thấp, vừa có thể tăng khối lượng tiền tệ. Cố nhiên, sự gia tăng số lượng tiền tệ chỉ có khả năng giảm lãi suất trong những trường hợp bình thường, nó sẽ không có tác dụng nếu lãi suất đang ở một mức thấp khác thường khiến cho không một nhà tư bản nào muốn cho vay. Kên viết “Một lãi suất thấp hơn sẽ kích thích việc mở rộng phạm vi đầu tư đến những ngành không thể sinh lợi do lãi suất cao hơn”(8).

Dựa trên quan điểm điều chỉnh lãi suất thấp, Kên nêu ra lý thuyết “thực hành lạm phát kích thích đầu tư”. Theo quan điểm này, lạm phát càng mạnh khi lãi suất càng thấp và do đó, đầu tư càng sôi động. Ngược lại, đầu tư mạnh, nhu cầu về đầu tư lớn thì lạm phát càng có điều kiện phát sinh. Như vậy, thay cho quan điểm sản xuất quyết định thay đổi phân phối và tiêu dùng. Kên coi tiền tệ và tín dụng là công cụ điều chỉnh vạn năng nền kinh tế. Đây có thể là điểm sai lầm không đáng có của Kên. Về thực chất, giảm lợi tức là để nâng cao lợi nhuận cho tư bản độc quyền, thực hành lạm phát là làm tăng giá cả nhằm hạ thấp tiền lương thực tế của các tầng lớp lao động khác nhau.

Những quan điểm trên đây đã được Kên phát triển trên bình diện thế giới. Theo cách phân tích của ông, cuộc khủng hoảng trên phạm vi toàn thế giới là hậu quả của “cầu hiệu quả” quá yếu trên quy mô thế giới. Điều này được người ta viện dẫn nhiều khi giải thích tình hình suy thoái kinh tế toàn cầu hiện nay. Các biện pháp khắc phục chủ yếu vẫn là tăng chi nhà nước, tăng tiêu thụ và hạ thấp lợi tức ở mức có thể như Kên chủ trương.

2 – Cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu với các gói giải cứu và kích thích kinh tế theo Giôn May-na Kên

Nhìn lại các gói kích cầu lên tới cả ngàn tỉ USD của Mỹ, gần 600 tỉ USD của Trung Quốc, hàng trăm tỉ USD của Nhật Bản và Châu Âu, người ta thấy các biện pháp để xử lý tình huống chặn đà suy giảm tăng trưởng của chính phủ các nước này, về cơ bản, vẫn là chính sách tài khóa và chính sách tín dụng theo các nguyên tắc của Kên. Về chính sách tài khóa, các chính phủ chủ trương giảm thuế để hỗ trợ tái đầu tư cho các nhà sản xuất, thực hành tăng đầu tư vào cơ sở hạ tầng, mở rộng các dịch vụ công và trợ cấp cho các khu vực thu nhập thấp, dễ tổn thương nhằm tạo cầu nội địa, đảm bảo an sinh xã hội và giảm thiểu các xung đột xã hội, thậm chí có thể chấp nhận cả thâm hụt ngân sách để mở rộng thị trường nội địa – một sự bù đắp khoảng sụt giảm đột ngột của thị trường xuất khẩu. Do đó, sau các gói giải cứu mang tính chất tình thế, các chính phủ tiếp tục gia tăng các gói kích cầu nhằm tạo đà cho tăng trưởng khi đã chạm tới điểm uốn tại đáy của cuộc khủng hoảng. Cũng tương tự như vậy, chính sách tín dụng rẻ với mức lãi suất thấp nhất so với nhiều chục năm qua, hiện đã trở thành đặc trưng phổ biến trong chính sách tiền tệ của các quốc gia. Chính phủ các nước tạo mọi điều kiện để mọi chủ thể tiếp cận dễ dàng các nguồn tín dụng, chủ trương hỗ trợ lãi suất theo hướng tăng tổng dư nợ tín dụng nhằm khởi động lại cầu tiêu dùng và cầu đầu tư nội địa. Nói cách khác, với việc tiền được bơm ra như cái phao cứu sinh cho các nền kinh tế, ngay cả trong tình trạng không dễ kiểm soát, có vẻ người ta đã coi tiền tệ và tín dụng là công cụ vạn năng điều tiết nền kinh tế giống như Kên đã quan niệm.

Sự thực là các gói kích cầu đó mang lại hiệu quả rõ rệt cho các nền kinh tế. Các nền kinh tế chủ chốt bước đầu ngăn chặn được đà suy giảm tăng trưởng. Đầu tư của nhà nước và nhu cầu nội địa tăng đã giúp kinh tế Trung Quốc ra khỏi giai đoạn giảm tăng trưởng kéo dài 8 quý liên tiếp từ nửa đầu năm 2007, bất chấp động lực xuất khẩu bị thiệt hại nặng nề do sức cầu từ các thị trường bên ngoài sụt giảm mạnh. Trong khi đó, các chỉ số kinh tế chính của các nền kinh tế Mỹ, EU và Nhật Bản đồng loạt chuyển hướng đi lên từ tháng 3 – 4, báo hiệu chu kỳ suy giảm ở các nền kinh tế này có khả năng sẽ kết thúc trong khoảng tháng 9 đến tháng 10-2009.

Những thành quả trên đây cho thấy, các nguyên lý của Kên vẫn có vai trò tác dụng chặn đà suy giảm kinh tế, nhất là trong các tình huống “sốc”, ngắn hạn. Hiện tại, dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế thế giới vẫn còn yếu ớt và chưa vững chắc. Điều này còn bị quy định bởi tính chất của cuộc khủng hoảng lần này, đó là sự bùng nổ đồng thời của khủng hoảng chu kỳ, khủng hoảng cơ cấu và khủng hoảng về thể chế kinh tế. Theo đó, các giải pháp của Kên sẽ là không đủ và nó sẽ không có tác động tích cực nếu chính phủ các nước không nhân cơ hội này tái cấu trúc lại nền kinh tế của mình và nỗ lực phối hợp toàn cầu để đưa nền kinh tế thế giới ra khỏi suy thoái. Đó là chưa kể sau các giải pháp này, các nền kinh tế sẽ phải đối mặt với nguy cơ rơi vào “bẫy thanh khoản” trì trệ kéo dài khi chính sách tiền tệ “hết dư địa” – lãi suất cơ bản đã ở sát mức 0%. Việc các chính phủ phụ thuộc quá mức vào công cụ tài khóa để duy trì tăng trưởng sẽ khiến thâm hụt ngân sách tăng cao, có thể kéo theo những hệ lụy nghiêm trọng như thuế tăng, lãi suất dài hạn lên cao, gia tăng lạm phát tiền tệ, làm đình trệ hoạt động kinh doanh, thậm chí có thể gây vỡ nợ quốc gia. Nguy cơ đình trệ – lạm phát của kinh tế thế giới do lượng tiền cung ra quá lớn trên toàn cầu hoàn toàn có thể xảy ra như đã từng xảy ra trong thập kỷ 70 của thế kỷ trước. Cũng tương tự như vậy, khả năng giá năng lượng và nguyên liệu tăng cao trở lại cũng là một nguy cơ cản trở quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu. Tại sao vậy? Chúng ta có thể giải thích các hệ lụy này trên một số lý do sau đây:

Thứ nhất, như lịch sử đã chứng minh, việc vận dụng những nguyên tắc của Kên là nguyên nhân của tình trạng trì trệ và lạm phát diễn ra đồng thời suốt thập kỷ 70. Hay nói cách khác, tình trạng đình trệ – lạm phát tiến thoái lưỡng nan trong nền kinh tế các nước công nghiệp giai đoạn 1974 – 1983 là do sự vận hành lâu dài và quá mức theo các quan điểm điều chỉnh kinh tế của chủ nghĩa Kên. Các nội dung trong hệ thống điều tiết của Kên như: cho vay tín dụng, cấp phát tài chính theo nguyên tắc thiếu hụt của chính phủ và ngân hàng trung ương đã mở hết tốc độ, khiến cho cùng lúc giá cả tăng vọt trong khi đó, sức lao động và năng lực sản xuất lại không được huy động và vận hành một cách hiệu quả. Các biện pháp của chính phủ, về thực chất, chỉ mới dừng lại ở các biện pháp đối phó tình hình. Cụ thể là để khắc phục suy thoái, các biện pháp vẫn chỉ là tăng chi ngân sách, tín dụng rẻ, mở rộng thị trường công và để khắc phục lạm phát như là điều đe dọa mới, các biện pháp lại là thắt chặt tín dụng, giảm chi ngân sách và tăng thu nhà nước. Trong bối cảnh ấy, ngay cả khi đã có chú ý đến việc kết hợp với các chính sách thu nhập, chính sách chống chu kỳ và chính sách phát triển dài hạn, tình trạng đình – lạm của nền kinh tế thế giới vẫn tiếp tục kéo dài hơn một thập kỷ. Như vậy, cũng có thể nói do lạm phát và suy thoái diễn ra đồng thời, các biện pháp điều tiết theo Kên đã biểu hiện ra như con lắc thường xuyên giao động từ lạm phát sang giảm phát và ngược lại. Điều này chứng tỏ lý thuyết Kên có những hạn chế không thể vượt qua từ chính trong bản chất và đặc trưng của nó. Thực tiễn này là một cảnh báo cho những ai ưa thích và đơn giản hóa khi vận dụng Kên.

Thứ hai, những giải pháp của chủ nghĩa Kên không phải đã phù hợp hoàn toàn với việc ứng phó cuộc khủng hoảng tài chính – kinh tế toàn cầu 2008 bởi các lẽ: 1) thiếu hụt cầu hiện nay không mang tính cục bộ, khu biệt trong các nền kinh tế công nghiệp phát triển như cuộc khủng hoảng 1929 – 1933 mà là trên toàn bộ chỉnh thể của nền kinh tế thế giới; 2) tín dụng rẻ, dưới chuẩn và dễ tiếp cận trong gần một thập kỷ qua cũng như sự ủng hộ tài chính vô hạn từ chính phủ đối với các tập đoàn tư nhân là nguyên nhân tích tụ các khoản nợ xấu, gây mất khả năng thanh toán của các ngân hàng và các tập đoàn đầu tư tài chính, trước hết là ở Mỹ và sau đó lây lan ra toàn thế giới và trong bối cảnh ấy, mọi giải pháp chống suy thoái theo các chính sách tín dụng trước đây sẽ rất ít hiệu quả, có thể làm trầm trọng và rối loạn thêm thị trường tài chính – tiền tệ; và 3) các giải pháp kích cầu bằng chính sách tài khóa sẽ có tác động, nhất là chính sách giảm thuế, mở rộng cầu tiêu dùng và đầu tư, chú trọng duy trì sản xuất, việc làm đầy đủ nhưng trong điều kiện đẩy mạnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, sự phụ thuộc lẫn nhau sâu sắc giữa các nền kinh tế sẽ đưa đến 2 tình huống: a) gói kích cầu sẽ không tác dụng nếu không đạt tới sự đồng bộ quốc tế và khu vực, rất có thể sự hỗ trợ này sẽ mang lại hiệu quả tích cực cho các nước bên ngoài; và b) gói kích cầu có khuynh hướng kích cầu nội địa và để đưa nền kinh tế của mình ra khỏi suy thoái, các nước sẽ bất chấp tiến trình tự do hóa, bất chấp các cam kết với WTO, sẽ chủ trương bảo hộ mạnh mẽ thị trường trong nước. Rốt cuộc, các giải pháp tình thế, ngắn hạn đã vô hình chung trở thành vật cản ngáng trở tiến trình tự do hóa và toàn cầu hóa với tính cách là xu thế phổ biến của sự phát triển toàn cầu hiện nay. Do đó, có thể nói các giải pháp theo Kên có thể tạo nguy cơ đi ngược tiến trình tự do hóa.

Thứ ba, như trên đã chỉ ra, về mặt ngắn hạn, để chặn đà suy giảm, người ta không còn cách nào khác là phải mở rộng cầu hiệu quả (cả cầu đầu tư và cầu tiêu dùng) cho nền kinh tế nhưng là cầu hiệu quả trên quy mô toàn cầu và vấn đề đặt ra chính là gia tăng trách nhiệm và chia sẻ trách nhiệm toàn cầu của các nền kinh tế lớn và chủ yếu (cơ chế G-2: Mỹ và Trung Quốc; nhóm G-7 và G-20) và sự nỗ lực của mọi quốc gia, thúc đẩy sự phối hợp và hợp tác toàn cầu để chống lại sự co rút quá mạnh của các động lực tăng trưởng. Về mặt dài hạn, xét theo thực chất của cuộc khủng hoảng, đây không thuần túy là khủng hoảng chu kỳ mà còn là cuộc khủng hoảng về mặt cơ cấu (một bộ phận của nền kinh tế toàn cầu bùng nổ quá mức các ngành dịch vụ dựa trên sự phát triển rất mạnh của công nghệ mới và tri thức trong khi đại bộ phận khác vẫn phát triển các ngành công nghiệp tiêu dùng nhiều vốn, lao động và tài nguyên và chính vì sự bất đối xứng về cầu trên quy mô toàn thế giới đã đưa các quốc gia trở lại tự tạo cầu cho một năng lực sản xuất dư thừa nhưng lại thiếu đầu ra do chính sự lựa chọn cách thức phát triển của mình cung ứng). Các nền kinh tế hướng về xuất khẩu, nếu không cơ cấu lại theo hướng giảm sự lệ thuộc từ bên ngoài, phát huy lợi thế so sánh để có giá trị gia tăng cao, rất có thể bị suy sụp trước các rủi ro khó lường của nền kinh tế thế giới. Đồng thời, đây còn là cuộc khủng hoảng về thể chế khi sự buông lỏng vai trò định hướng, sự xem nhẹ chức năng giám sát của nhà nước đã và đang khiến cho thị trường và hệ thống tài chính của các nước chao đảo. Chưa bao giờ trong khoảng 40 năm nay người ta lại bàn nhiều đến vấn đề định vị lại mối quan hệ giữa vai trò nhà nước và nền kinh tế thị trường trong bối cảnh mới. Sự thật là chưa biết điều gì sẽ xẩy ra nếu không có sự cứu trợ của các nhà nước đối với cuộc khủng hoảng tài chính kinh tế hiện nay. Nhưng sẽ là rất nguy hiểm nếu sau sự kiện này, sự can dự của nhà nước sẽ được tăng cường mạnh và khuynh hướng bảo hộ của các quốc gia sẽ trở thành chủ đạo và theo đó, kinh tế thị trường theo hướng tự do hóa sẽ bị cản trở. Nói cách khác, chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch sẽ lại hiện hữu – một lực cản to lớn nhất đối với lô-gic phát triển của nền kinh tế thế giới hiện đại. Cũng bởi vậy, vấn đề tái cấu trúc nền kinh tế cũng như thể chế kinh tế toàn cầu rất cần một lý thuyết mới và khác với lý thuyết Kên, cho dù Kên ngày nay đã mang hình hài của một Kên mới – “Kên toàn cầu”.

3 – Nhìn lại các gói kích cầu của Việt Nam trên các nguyên tắc điều tiết của Kên

Kinh tế Việt Nam trong quý II đã tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước, vượt mức tăng 3,1% của quý I. Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt 3,9% so với cùng kỳ 2008. Tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp cũng đi lên liên tục trong các tháng quý II (tháng 4 là 5,4%, tháng 5 là 6,8%, tháng 6 là 8,2%) so với mức 0,4% của quý I. Lĩnh vực xây dựng bùng nổ trở lại, tăng trưởng 6,9% trong quý I và có thể đạt mức tăng trưởng trên 10% cả năm, đóng vai trò một trong những lĩnh vực dẫn dắt tăng trưởng kinh tế do có sức lan tỏa cao. Điểm sáng là khu vực dịch vụ đạt tốc độ tăng 5,5%. Đặc biệt, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ ước đạt 547,5 ngàn tỉ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái, chứng tỏ chính sách kích cầu đã phát huy tác dụng tích cực, đẩy sức cầu trong nước phục hồi mạnh. Hơn 40 ngàn doanh nghiệp đăng ký thành lập trong 6 tháng vừa qua cho thấy, môi trường kinh doanh đã hồi phục trở lại.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) quý II tăng 1,35% so với quý I là quý có mức tăng 1,33%. Như vậy, lạm phát nửa đầu 2009 chỉ ở mức 2,68% cho phép kỳ vọng sẽ được kiểm soát ở mức dưới 2 con số trong cả năm 2009.

Nhìn chung, Việt Nam trở thành một trong những nước có thành tích chặn đà suy giảm ấn tượng, thuộc số ít các nền kinh tế trên thế giới đạt được tốc độ tăng trưởng dương tương đối cao ngay trong bối cảnh nhiều nền kinh tế khác vẫn ngụp sâu trong suy thoái. Sở dĩ chúng ta đạt được như vậy vì chúng ta có 2 gói kích cầu kịp thời, bắt đúng mạch, đúng đối tượng và có được sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của chính phủ.

Việc thực hiện các giải pháp mở rộng tiền tệ và tài khóa khẩn cấp ở gói kích cầu số 1 với 17.000 tỉ VND, đã góp phần tích cực chặn được đà suy giảm tăng trưởng, bước đầu phục hồi hoạt động kinh tế. Về thực chất, chúng ta đã chú trọng tạo cầu nội địa để bù đắp sự giảm mạnh của thị trường xuất khẩu, thực hiện hỗ trợ lãi suất và giảm thuế để giải phóng hàng tồn kho, kích thích đầu tư vào các khu vực còn nhiều dư địa cho tăng trưởng như xây dựng cơ sở hạ tầng và hỗ trợ sự phát triển của khu vực nông nghiệp và nông thôn, hỗ trợ tiêu dùng cho các đối tượng thu nhập thấp ở vùng sâu, vùng xa, thực hiện chính sách an sinh xã hội và bảo đảm các ổn định cho sự phát triển. Rõ ràng, chúng ta đã vận dụng các nguyên tắc của Kên thông qua việc mở rộng chính sách tài khóa và nới lỏng tín dụng. Chúng ta đã làm đúng và có hiệu quả khi ứng phó với các tình huống mang tính giải cứu cấp bách. Tất nhiên, hạn chế của các giải pháp này chính là việc gây ra các hệ lụy tiêu cực khác nhau đến thể trạng của nền kinh tế trong cả trung hạn và dài hạn. Đó là:

1 – Thâm hụt ngân sách có nguy cơ tăng mạnh. Do yêu cầu thực hiện các gói kích thích tài khóa được dự kiến sẽ đẩy thâm hụt ngân sách lên mức 7% – 8% trong năm 2009, tức là cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Chi phí vốn vay để tài trợ cho thâm hụt này đang tăng lên với việc hàng loạt phiên đấu giá trái phiếu Chính phủ bằng VNĐ từ đầu năm đến thất bại do không đáp ứng được kỳ vọng lãi suất của thị trường ngày một tăng. Cộng với khả năng “nhập khẩu” lạm phát trên toàn cầu, lạm phát trong nước có nguy cơ quay trở lại trong 1 – 2 năm tới;

2 – Mất cân đối trên thị trường ngoại tệ. Do gói hỗ trợ lãi suất 4% trị giá 17 ngàn tỉ đồng (tương đương 1 tỉ USD) với tổng lượng tín dụng 430 ngàn tỉ đồng của hệ thống ngân hàng trong năm 2009 sẽ tạo ra chênh lệch đáng kể về lãi suất đối với tín dụng trên thị trường ngoại tệ, gây ách tắc tín dụng ngoại tệ: thừa đô-la vay, nhưng thiếu đô-la bán;

3 – Nhập siêu tăng trở lại và có thể trầm trọng hơn trong những năm tới. Vì lẽ, nếu các doanh nghiệp trong nước không kịp thời tranh thủ giai đoạn vừa qua để chiếm lĩnh thị phần trong nước, thì khi nền kinh tế Việt Nam bứt khỏi tình trạng suy giảm, tỷ lệ nhập khẩu biên sẽ nhanh chóng quay lại trạng thái bình thường khiến nhập khẩu tăng nhanh hơn xuất khẩu. Thâm hụt cán cân thương mại có thể chỉ khoảng 7 tỉ USD trong năm nay, nhưng có thể tăng nhanh trong 1 – 2 năm tới, gây tác động tiêu cực đến cung cầu ngoại tệ và ổn định tiền tệ trong nước;

4 – Thị trường chứng khoán và bất động sản lại có biểu hiện tăng trưởng bong bóng. Vì sau tác động của gói kích cầu, chỉ số VN-Index tăng tốc vượt các thị trường chứng khoán trong khu vực. Thị trường bất động sản đô thị tăng trưởng nóng tại một số ít phân khúc như đất nền, trong khi phân khúc căn hộ và văn phòng cho thuê lại kém sôi động. Không loại trừ khả năng một phần vốn kích cầu đổ sang đầu cơ ngắn hạn tại các thị trường chứng khoán và bất động sản, mặc dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thông báo vẫn kiểm soát chặt chẽ các dòng vốn này.

Như vậy, rõ ràng khi vận dụng các nguyên tắc của Kên trong việc thiết kế các gói kích cầu, chúng ta cần phải thận trọng hơn. Tổng hợp, phân tích, đánh giá việc thực hiện toàn bộ 5 nhóm giải pháp ngăn chặn suy giảm và duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội của Chính phủ, cần kịp thời đúc rút các kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp sát với các biến chuyển mới trong nước và trên thế giới, nhất là khi thiết kế gói kích cầu thứ 2 với tư cách là hệ giải pháp để phục hồi tăng trưởng và phát triển bền vững cả trong trung và dài hạn. Cụ thể là:

– Gói kích cầu số 2 cần phải được thiết kế rõ ràng. Tránh lặp lại tình trạng một số giải pháp chưa bám sát điều kiện thực tế, ách tắc ở khâu thủ tục nên chậm tiến độ và hiệu quả chưa cao.

– Kịp thời điều chỉnh linh hoạt liều lượng, cơ cấu và tiến độ các gói giải pháp phù hợp với tình hình thực tế của nền kinh tế trong nước và thế giới. Cần chuẩn bị “kế hoạch rút lui” (exit strategy) – giảm bớt đầu tư công vào thời điểm thích hợp để khuyến khích các nguồn đầu tư từ xã hội.

– Trong điều kiện các thị trường suy yếu, các doanh nghiệp gặp khó khăn và đầu tư từ các nguồn ngân sách nhà nước tăng mạnh, cần chủ động ngăn chặn sự trở lại của cơ chế xin – cho và khả năng bùng nổ các loại giấy phép con. Đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa các thủ tục, nâng cao chất lượng hoạt động của khu vực công.

– Trong điều kiện thực hiện các gói kích thích tài khóa mạnh để ngăn chặn suy giảm kinh tế, hiệu quả sử dụng vốn ngân sách dùng cho kích cầu là yếu tố cực kỳ quan trọng, giúp làm giảm những gánh nặng nợ và méo mó vĩ mô sau đó. Vì vậy, song song với nỗ lực kích cầu, càng cần tăng cường các biện pháp giám sát, thanh tra, kiểm tra đối với tình hình thực hiện các giải pháp kích thích kinh tế, kịp thời ngăn chặn, chấn chỉnh việc sử dụng phí phạm, sai mục đích. Cần xem xét đẩy sớm việc “hậu kiểm” thực hiện các khoản kích cầu ngay trong năm nay.

– Kinh nghiệm chống khủng hoảng của các nước cho thấy, các đợt sát hạch kiểu “thử tải” (stress test) đối với các chủ thể có thể gây rủi ro hệ thống là đặc biệt cần thiết để đánh giá, phát hiện và xử lý sớm các rủi ro tiềm ẩn.

– Tăng cường vai trò giám sát rủi ro tài chính của NHNH đối với toàn bộ lĩnh vực tài chính – ngân hàng. Xây dựng các chuẩn mực đánh giá, xếp hạng rủi ro tài chính đối với các sản phẩm tài chính, các chủ thể thị trường, cũng như toàn bộ hệ thống ngân hàng, các thị trường chứng khoán, bất động sản, các luồng tiền lớn luân chuyển giữa các thị trường. Thúc đẩy các đổi mới tài chính, từng bước phát triển các công cụ phòng chống rủi ro.

– Thiết lập cơ chế đánh giá rủi ro hệ thống đối với các doanh nghiệp có vị thế độc quyền và tầm ảnh hưởng lớn đến toàn bộ nền kinh tế, lồng ghép cơ chế này vào mô hình thí điểm các tập đoàn kinh tế sắp được ban hành.

– Trong điều kiện kinh tế các nước lớn và thế giới sẽ có những điều chỉnh lớn trong giai đoạn “hậu khủng hoảng”, cần kịp thời nắm bắt tình hình, chủ động tạo bước đột phá về cơ chế, chính sách đẩy mạnh tái cơ cấu lại các doanh nghiệp, các lĩnh vực sản xuất và các thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh trong nước và quốc tế.

Tóm lại, những lưu ý trên đây là rất đáng quan tâm vì xuất phát từ các hệ lụy tất yếu của việc vận dụng Kên quá mức và thực tiễn mới đang khiến cho các nguyên tắc của Kên là không phù hợp hoàn toàn, chúng ta cần chú trọng giải quyết hài hòa giữa chặn đà suy giảm với vấn đề phát triển dài hạn; giữa vấn đề tài chính – tiền tệ với vấn đề phát triển tổng thể nền kinh tế; giữa vấn đề khắc phục chu kỳ với vấn đề thay đổi cơ cấu; giữa các nội hàm phát triển với việc hoàn thiện thể chế…, nghĩa là chúng ta không thể chỉ đánh cược vào tính “vạn năng” của một lý thuyết kinh tế nào đó, kể cả Kên. Trong khi chưa có các lý thuyết mới, cũng giống như trường phái “tổng hợp hậu Kên”, “ kinh tế hỗn hợp” của P. Sa-mu-en-sơn và sau đó là “tân cổ điển của Rê-gân-nô-míc” trước kia…, hầu hết các chuyên gia và giới hoạch định chính sách trên thế giới đều thể hiện rõ tính thực dụng trong việc tìm kiếm các lý thuyết phục vụ cho các giải pháp chính sách của mình. Đây là kinh nghiệm rất đáng để chúng ta tham khảo./.

Chú thích:

(1) Cũng có người dịch là “cầu thực tế”

(2) J.Keynes: Lý thuyết chung về việc làm, lãi suất và tiền tệ. Ngân hàng Nhà nước, 1979, tr 25

(3) J.Keynes: Sđd, tr 27

(4) J.Keynes: Sđd, tr 91

(5) J.Keynes: Sđd, tr 292

(6) J.Keynes: Sđd, tr 290

(7) J.Keynes: Sđd, tr 98

(8) J.Keynes: Sđd, tr 146

SOURCE: TẠP CHÍ CỘNG SẢN ĐIỆN TỬ SỐ 19 (187) NĂM 2009

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading