Site icon THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

DỰ THẢO THÔNG TƯ LIÊN TỊCH CỦA TANDTC-VKSNDTC-BTP HƯỚNG DẪN ÁP DỤNG MỘT SỐ QUI ĐỊNH CỦA LUẬT HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH VỀ XÁC ĐỊNH TÀI SẢN CỦA VỢ CHỒNG (Dự thảo 2)

Advertisements

Để áp dụng đúng và thống nhất các quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình về xác định tài sản của vợ, chồng, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp thống nhất hướng dẫn như­ sau:

 1. ÁP DỤNG PHÁP LUẬT ĐỂ XÁC ĐỊNH TÀI SẢN CỦA VỢ, CHỒNG

1.1. Xác định tài sản của vợ, chồng kết hôn trước ngày 03-01-1987

          a) Theo quy định tại Điều 15 của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1959 thì “Vợ và chồng đều có quyền sở hữu, hưởng thụ và sử dụng ngang nhau đối với tài sản có trước và sau khi cưới”. Do đó, trong trường hợp vợ, chồng kết hôn trước ngày 03-01-1987, trước và sau khi kết hôn vợ, chồng có tài sản riêng thì tài sản riêng đó đương nhiên trở thành tài sản chung của vợ, chồng. Tòa án áp dụng quy định tại Điều 15 của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1959 để xác định tài sản riêng mà vợ, chồng có trư­ớc hoặc sau khi kết hôn là tài sản thuộc sở hữu chung của vợ, chồng.

b) Trong trư­ờng hợp sau ngày 03-01-1987, vợ, chồng có văn bản thỏa thuận về việc xác định tài sản chung, tài sản riêng của vợ, chồng, thì Tòa án căn cứ vào thỏa thuận của vợ, chồng để giải quyết. Tòa án lưu ý việc thỏa thuận đó phải là tự nguyện, không bị lừa dối, đe dọa…; tài sản thuộc trường hợp pháp luật quy định phải có đăng ký, chứng thực thì phải thực hiện theo quy định của pháp luật.

Tòa án áp dụng quy định về trách nhiệm chứng minh và nghĩa vụ cung cấp chứng cứ của đương sự theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự và hướng dẫn tại Nghị quyết số 04/2005/NQ-HĐTP ngày 17-9-2005 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao Hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật tố tụng dân sự về “Chứng minh và chứng cứ” để đánh giá và xác định tài sản của vợ, chồng.

           1.2. Xác định tài sản của vợ, chồng kết hôn từ ngày 03-01-1987

          Việc xác định tài sản riêng, tài sản chung của vợ, chồng được thực hiện theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1986 và Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000. Tài sản riêng của vợ, chồng có trư­ớc khi kết hôn hoặc tài sản riêng có trong thời kỳ hôn nhân chỉ trở thành tài sản chung của vợ, chồng khi vợ, chồng nhập tài sản riêng đó vào khối tài sản chung của vợ, chồng. Việc nhập tài sản riêng vào khối tài sản chung của vợ, chồng phải đư­ợc lập thành văn bản, có chữ ký của cả vợ và chồng.

          Tòa án cần lưu ý các quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1986 và Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 chỉ được áp dụng đối với việc xác lập sở hữu tài sản riêng của vợ, chồng kể từ ngày các Luật này có hiệu lực thi hành trở đi mà không có hiệu lực hồi tố.

  2. ÁP DỤNG PHÁP LUẬT ĐỂ GIẢI QUYẾT YÊU CẦU CHIA TÀI SẢN

 2.1. Đối với yêu cầu chia tài sản đã được Tòa án thụ lý trư­ớc ngày 01-01-2001 (ngày Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 có hiệu lực) đến nay chưa giải quyết xong, thì Tòa án áp dụng quy định của điểm a khoản 4 của Nghị quyết số 35/2000/QH10 ngày 09-6-2000 của Quốc hội về việc thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1986, hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 03-01-2001 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành Nghị quyết số 35/2000/QH10 của Quốc hội về việc thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình và các văn bản pháp luật có liên quan để giải quyết.

          2.2. Đối với yêu cầu chia tài sản đã được Tòa án thụ lý từ ngày 01-01-2001 thì Tòa án áp dụng quy định của điểm b khoản 4 của Nghị quyết số 35/2000/QH10 ngày 09-6-2000 của Quốc hội về việc thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000, hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 03-01-2001 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành Nghị quyết số 35/2000/QH10 ngày 09-6-2000 của Quốc hội về việc thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình và các văn bản pháp luật có liên quan để giải quyết.

 3. HIỆU LỰC THI HÀNH

          3.1. Thông t­ư liên tịch này có hiệu lực sau bốn mư­ơi lăm ngày kể từ ngày ký ban hành.

3.2. Các vụ việc tr­ước đây đã đ­ược Tòa án giải quyết và bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật trước ngày Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành thì không áp dụng hư­ớng dẫn tại Thông t­ư liên tịch này để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm, trừ tr­ường hợp có những căn cứ khác.

3.3. Các vụ việc ch­ưa giải quyết hoặc giải quyết ch­ưa xong thì Toà án áp dụng h­ướng dẫn tại Thông t­ư liên tịch này để giải quyết.

3.4. Trong quá trình áp dụng hư­ớng dẫn tại Thông t­ư liên tịch này, nếu có v­ướng mắc hoặc phát sinh những vấn đề mới, thì Toà án các cấp cần báo cáo bằng văn bản để Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ T­ư pháp có sự giải thích hoặc h­ướng dẫn bổ sung kịp thời. 

KT. CHÁNH ÁN TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

PHÓ CHÁNH ÁN

KT. VIỆN TRƯỞNG VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

PHÓ VIỆN TRƯỞNG

 KT. BỘ TR­ƯỞNG BỘ TƯ PHÁP

THỨ TRƯỞNG

    

Từ Văn Nhũ

  

Nguyễn Thị Thủy Khiêm

  

Đinh Trung Tụng

Exit mobile version