admin@phapluatdansu.edu.vn

BÁO CÁO SỐ 234/BC- UBTVQH12 NGYAF 10 THÁNG 6 NĂM 2009 CỦA UBTVQH KHÓA 12 VỀ TÌNH HÌNH GIẢI QUYẾT Ý KIẾN, KIẾN NGHỊ CỦA CỬ TRI TỪ KỲ HỌP THỨ 4, QUỐC HỘI KHÓA XII ĐẾN NAY

Kính thưa:  Các vị đại biểu Quốc hội

Việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri là vấn đề quan trọng, luôn được cử tri và Quốc hội quan tâm. Ủy ban thường vụ Quốc hội xin báo cáo Quốc hội về tình hình giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri từ kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XII đến nay như sau:

1/ Về việc tiếp nhận và chuyển ý kiến, kiến nghị của cử tri đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết

Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XII, thông qua báo cáo của 63 Đoàn đại biểu Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã nhận được 2466 ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước gửi tới kỳ họp. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã phối hợp với Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xây dựng Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã trình bày báo cáo này tại phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội. Đồng thời, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Ban Dân nguyện tập hợp các ý kiến, kiến nghị của cử tri để gửi đến các vị đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội. Tất cả các ý kiến, kiến nghị của cử tri đã được nghiên cứu một cách nghiêm túc. Sau khi phân loại những ý kiến, kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan nhà nước ở địa phương, những ý kiến, kiến nghị đã được các cơ quan có thẩm quyền giải quyết từ trước kỳ họp thứ 4, còn lại 651 ý kiến, kiến nghị của cử tri thuộc trách nhiệm xem xét, giải quyết của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, cụ thể là: 94 ý kiến, kiến nghị của cử tri có nội dung liên quan đến hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội; 547 ý kiến, kiến nghị với Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan thuộc Chính phủ; 09 ý kiến, kiến nghị với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao; 01 ý kiến, kiến nghị với Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam.

Ngay sau khi kết thúc kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XII, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Ban Dân nguyện kịp thời chuyển các ý kiến, kiến nghị đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

Phần lớn các ý kiến, kiến nghị của cử tri đề cập những vấn đề cụ thể phát sinh trong quá trình xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật đang có vướng mắc hoặc gây bức xúc trong xã hội được đông đảo cử tri quan tâm, đó là:

– Về Chương trình xây dựng pháp luật, nội dung các dự án luật, pháp lệnh; hoạt động giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội; việc tổ chức kỳ họp Quốc hội; các hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, chất vấn tại hội trường…

– Vấn đề lao động, việc làm và đời sống của nhân dân, hỗ trợ người nghèo; hỗ trợ vốn và hướng dẫn cho bà con nông dân phát triển sản xuất.

– Tiến độ xây dựng các công trình giao thông; bố trí vốn đầu tư cho các công trình, dự án xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.

– Vấn đề ô nhiễm môi trường, xử lý những trường hợp nhập khẩu các loại rác thải công nghiệp vào Việt Nam…

– Vấn đề cải cách hành chính và phòng, chống tham nhũng, lãng phí; sắp xếp, tinh giản biên chế nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước.

– Việc thực hiện các chính sách ưu đãi đối với người có công; chính sách phát triển giáo dục, khám chữa bệnh; biên chế, chế độ đối với cán bộ chính quyền cấp cơ sở…

– Tăng cường đội ngũ cán bộ cho Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện phù hợp với việc tăng thẩm quyền xét xử; tăng kinh phí cho các phiên toàn xét xử lưu động.

Những vấn đề cử tri có nhiều ý kiến, kiến nghị cần được Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ xem xét, giải quyết tập trung vào các bộ như: Giao thông – Vận tải (58/547); Giáo dục và Đào tạo (44/547); Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (38/547); Lao động, Thương binh và Xã hội (32/547).

(Số liệu chi tiết về ý kiến, kiến nghị của cử tri chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết xin tham khảo tại phụ lục kèm theo).

Nhìn chung, việc tiếp nhận và chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XII đã được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Ý kiến, kiến nghị của cử tri đã được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận để nghiên cứu, xem xét giải quyết, góp phần giúp các cơ quan, bộ, ngành nắm bắt kịp thời những vấn đề nảy sinh trong đời sống thực tiễn, những bất cập trong công tác quản lý, điều hành cần được chấn chỉnh; phát hiện những thiếu sót, chồng chéo để kịp thời khắc phục hoặc tham mưu cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành chính sách mới.

2/ Về việc giải quyết, trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền

a- Đối với Quốc hội

– Về hoạt động xây dựng pháp luật

Tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri liên quan đến công tác xây dựng luật, pháp lệnh, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã báo cáo Quốc hội điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, trong đó đưa vào chương trình việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật có liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản; sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở. Đối với những ý kiến đóng góp cụ thể vào dự thảo các dự án luật, pháp lệnh đều được Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội nghiên cứu, xem xét, tiếp thu trong quá trình thẩm tra, hoàn thiện các dự án luật, pháp lệnh trước khi trình ra Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội. Đồng thời, Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội, cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu trong quá trình chỉnh lý, hoàn thiện Dự án luật, pháp lệnh.

– Về hoạt động giám sát

Tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri, Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã lựa chọn những vấn đề bức xúc được đông đảo cử tri và nhân dân cả nước quan tâm để đưa vào chương trình giám sát năm 2009, cụ thể là:

Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XII, Quốc hội tiến hành giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất lượng, vệ sinh, an toàn thực phẩm. Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2009), Quốc hội sẽ tiến hành giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước.

Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tổ chức đoàn giám sát và ra nghị quyết về kết quả giám sát việc thực hiện di dân, tái định cư công trình thủy điện Sơn La; hiện đang tiến hành giám sát việc tổ chức và thực hiện công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng và việc phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng của các cơ quan có thẩm quyền trong công tác này.

Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội đã tổ chức các đoàn giám sát về việc di dân, tái định cư thuộc các công trình thủy điện, thủy lợi tại Nghệ An, Quảng Nam, Kon Tum, Phú Yên; giám sát việc thực hiện pháp luật về bình đẳng giới; giám sát việc quản lý sử dụng vốn kích cầu có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước; giám sát công tác dạy nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên; giám sát các cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong việc thực hiện yêu cầu của Quốc hội tại Nghị quyết số 55/2005/QH11; giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và các công cụ hỗ trợ; giám sát việc chấp hành pháp luật trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đối với một số vụ việc có dấu hiệu oan sai theo kiến nghị của cử tri…

Ủy ban thường vụ Quốc hội còn chỉ đạo tổ chức giám sát việc giải quyết một số kiến nghị cụ thể của cử tri như: việc triển khai thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tăng phụ cấp cho giáo viên mầm non, mẫu giáo và cán bộ y tế thôn, bản; sau giám sát Ủy ban thường vụ Quốc hội đã có công văn số 231/UBTVQH12 ngày 03/6/2009 gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị chỉ đạo giải quyết; việc 21 hộ dân của tỉnh Thái Nguyên bị ảnh hưởng sức khỏe và đời sống do ở trong khu vực hành lang đường điện cao thế 220 Kv. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Ban Dân nguyện tiến hành kiểm tra, xem xét tại chỗ, trên cơ sở đó đã đề nghị các bộ, UBND tỉnh Thái Nguyên khẩn trương thực hiện phương án đã được Chính phủ chấp thuận để di dời các hộ dân ra khỏi khu vực bị ảnh hưởng.

– Triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 về hoạt động chất vấn, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tổ chức để 03 thành viên Chính phủ trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội tại phiên họp thứ 18 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, đó là: Bộ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để kịp thời làm rõ và giải quyết một số vấn đề bức xúc liên quan đến việc thực hiện các giải pháp kích cầu nền kinh tế; trợ cấp cho hộ nghèo trong dịp Tết Nguyên đán; giải quyết việc làm cho người lao động do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế; vấn đề lễ hội, quản lý di sản văn hóa… Hoạt động và kết quả chất vấn tại phiên họp này được đông đảo cử tri đồng tình và hoan nghênh.

– Về việc tổ chức kỳ họp Quốc hội

Tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã nghiên cứu trình Quốc hội cải tiến cách thức tiến hành kỳ họp nhằm rút ngắn thời gian họp của Quốc hội nhưng vẫn hoàn thành chương trình kỳ họp và bảo đảm chất lượng về nội dung; tổ chức phát thanh và truyền hình trực tiếp các phiên họp có nội dung quan trọng để cử tri theo dõi, như: thảo luận báo cáo kinh tế – xã hội, báo cáo giám sát chuyên đề, chất vấn và trả lời chất vấn …

Đối với những ý kiến, kiến nghị của cử tri về việc nâng cao kỹ năng hoạt động của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tổ chức bồi dưỡng, tập huấn, tạo điều kiện để các vị đại biểu Quốc hội trao đổi kinh nghiệm, nâng cao kỹ năng hoạt động của đại biểu Quốc hội trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình.

Nhìn chung, các ý kiến, kiến nghị của cử tri có liên quan đến hoạt động của Quốc hội đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu và qua đó đã góp phần quan trọng vào việc từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát việc tuân theo pháp luật. Tuy nhiên, trong một số trường hợp việc bổ sung hoặc rút các dự án luật, pháp lệnh ra khỏi chương trình xây dựng luật, pháp lệnh còn có phần dễ dãi; một số luật được thông qua chất lượng chưa cao, mới thi hành một thời gian ngắn đã phải sửa đổi, bổ sung; nhiều quy định của luật còn phải chờ hướng dẫn của Chính phủ. Ý kiến, kiến nghị của cử tri tuy được các cơ quan của Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu song việc trả lời, thông tin kết quả giải quyết đến với cử tri còn chưa được kịp thời và đầy đủ. Việc giám sát Chính phủ, các bộ, ngành trong việc giải quyết ý kiến, kiến nghị và trả lời cử tri chưa làm được nhiều.

b- Đối với Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ

Cho đến nay, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã nhận được văn bản trả lời đối với 535 ý kiến, kiến nghị trong tổng số 547 ý kiến, kiến nghị mà Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chuyển đến Chính phủ, 23 bộ và cơ quan ngang bộ. Hiện còn 12 ý kiến, kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ, Ủy thường vụ Quốc hội chưa nhận được văn bản trả lời. Kết quả trả lời bao gồm:

– 286 ý kiến, kiến nghị đã được xem xét, giải quyết như: hỗ trợ kinh phí để các địa phương và nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai; tăng vốn đầu tư vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng như: điện, cầu đường, trường học, bệnh viện, trạm y tế, hệ thống thủy lợi, đê kè chắn sóng, nơi tránh bão cho tàu thuyền; về chính sách tín dụng: điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ lãi suất cho vay, mở rộng đối tượng cho vay; tổ chức giáo dục và dạy nghề cho phạm nhân trong các trại giam; tăng mức đầu tư trồng rừng phòng hộ …

– 107 ý kiến, kiến nghị đang trong quá trình xem xét, giải quyết như: xây dựng quy hoạch hệ thống cơ sở khám chữa bệnh bằng y dược học cổ truyền; thanh toán chi phí khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế tại buôn làng; cải cách chính sách tiền lương quân đội; vấn đề người Việt Nam nhận con nuôi là người nước ngoài tại Việt Nam; chính sách thống nhất bảo đảm sự công bằng về chế độ đối với cán bộ không chuyên trách ở cơ sở; chính sách đối với đội ngũ cán bộ công chức ở cơ sở; điều tra, rà soát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, tập trung vào việc sử dụng đất nông nghiệp, đất dùng vào các dự án sân golf, hoàn thiện các quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; công tác kiểm tra, kiểm soát các hoạt động xuất nhập khẩu và xử lý các trường hợp lợi dụng đưa chất thải trái phép vào Việt Nam; điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh; tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, tại cộng đồng; về chế độ học phí đối với học sinh, sinh viên…

– 60 ý kiến, kiến nghị được trả lời sẽ nghiên cứu tiếp thu để ban hành chính sách hoặc báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, quyết định như: chính sách đối với người lao động nghỉ việc được hưởng trợ cấp hàng tháng nay đã hết thời hạn hưởng trợ cấp; chế độ phụ cấp đặc thù đối với cán bộ, chiến sĩ trong công an nhân dân; chính sách đối với các địa phương và nông dân ở những vùng chuyên sản xuất lúa gạo nhằm bảo đảm có thu nhập ổn định; các quy định về điều kiện của các vùng nuôi cá tra, quản lý con giống, thức ăn, thuốc hóa chất và chế phẩm sinh học; Đề án cơ giới hóa và giảm tổn thất sau thu hoạch trong nông nghiệp; bổ sung việc đầu tư xây dựng các phòng học để thay thế những trường hợp hiện đang mượn, nhờ của dân vào Đề án kiên cố hóa trường, lớp học…

– 53 ý kiến, kiến nghị được cơ quan có thẩm quyền giải trình về những khó khăn, vướng mắc trong việc giải quyết những vấn đề mà cử tri đề nghị, như: vấn đề đầu tư trong ngành điện, việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam từ chối đầu tư vào một số công trình xây dựng cơ sở hạ tầng điện, vấn đề cắt điện, thiếu điện, tăng giá điện, tình trạng khan hiếm xi măng tại thị trường các tỉnh phía nam; quy hoạch phát triển đô thị; về vấn đề cổ phần hóa doanh nghiệp có vốn nhà nước; việc quản lý vốn của nhà nước tại các doanh nghiệp sau cổ phần hóa; hỗ trợ đầu ra cho sản xuất nông nghiệp, bảo trợ hàng nông sản trong nước, trợ giúp nông dân tiêu thụ lúa; tiến độ thi công đường giao thông …

– 30 ý kiến, kiến nghị có nội dung liên quan đến trách nhiệm của chính quyền địa phương như: việc giải phóng mặt bằng để thi công cầu, đường; vấn đề địa giới hành chính cấp huyện, xã ở một số địa phương; quy hoạch các khu kinh tế cửa khẩu, khu du lịch…

Theo đánh giá của 18 bộ, cơ quan ngang bộ, đồng thời qua theo dõi tình hình giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri, Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận thấy:

Việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri ngày càng được Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ coi trọng. Nhìn chung, các cơ quan đã thấy rõ trách nhiệm của mình trước cử tri, chất lượng giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri ngày càng được nâng cao. Kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri đã góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức; từng bước nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý của bộ máy nhà nước.

Đối với những ý kiến, kiến nghị mà việc giải quyết liên quan đến nhiều cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương thì khi trả lời cử tri, bộ chủ quản đã nêu rõ giải pháp và trách nhiệm của từng cơ quan có thẩm quyền. Đối với những kiến nghị về việc hoạch định chính sách, các bộ, cơ quan ngang bộ đều nghiêm túc tiếp nhận và tổ chức nghiên cứu trong quá trình xây dựng và ban hành chính sách thuộc thẩm quyền của mình hoặc soạn thảo văn bản trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.

Bên cạnh những cố gắng, tích cực đã nêu trên, việc xem xét, giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri của một số bộ, cơ quan ngang bộ cũng còn có những hạn chế như:

– Một số bộ trả lời kiến nghị của cử tri còn chậm dẫn đến Đại biểu Quốc hội không kịp thời báo cáo kết quả với cử tri khi tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 5.

– Một số văn bản trả lời của các bộ còn chung chung, nặng về giải thích cơ chế, chính sách hoặc trích dẫn những nội dung có liên quan đã được đề ra trong chiến lược phát triển ngành mà chưa nêu rõ lộ trình và thời gian cụ thể thực hiện trong từng giai đoạn, chưa nêu rõ đã làm việc gì và làm ra sao, trách nhiệm của bộ, ngành mình đến đâu.

– Có trường hợp việc xem xét giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri kéo dài, bộ có văn bản trả lời nhiều lần và thiếu thống nhất.

– Đối với những vấn đề cử tri kiến nghị thuộc phạm vi trách nhiệm và thẩm quyền giải quyết của nhiều cơ quan, nhiều cấp, nhiều ngành thì thường thiếu sự phối hợp dẫn đến việc giải quyết kéo dài, gây thêm bức xúc cho cử tri như việc triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tăng mức phụ cấp cho giáo viên mầm non, mẫu giáo và cán bộ y tế thôn, bản đối với một số vùng trong 03 năm (2008 – 2010), mặc dù Quốc hội đã bố trí ngân sách nhưng đến nay đã hơn một năm vẫn chưa thực hiện được do khi triển khai thấy vướng mắc các bộ, ngành không kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xử lý.

c- Đối với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao

Ủy ban thường vụ Quốc hội đã nhận được văn bản trả lời của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc xem xét, giải quyết 09 ý kiến, kiến nghị của cử tri, trong đó:

– 05 ý kiến, kiến nghị đã được giải quyết, như: về vấn đề bổ sung biên chế cho ngành tòa án, Tòa án nhân dân tối cao đã trình Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định biên chế và đã phân bổ cho Tòa án nhân dân các địa phương; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ thẩm phán và kiểm sát viên; tăng kinh phí để tổ chức phiên tòa xét xử lưu động; không giảm thời hạn chấp hành hình phạt đối với người bị kết án chưa thi hành xong phần bồi thường dân sự trong bản án hình sự.

– 04 ý kiến, kiến nghị đang được xem xét, giải quyết như: việc sửa đổi Thông tư liên tịch số 02/2005/TTLT-TANDTC- VKSNDTC- BTP- BCA-BTC về hướng dẫn việc miễn, giảm thi hành án đối với các khoản án phí, tiền phạt hiện nay Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao đang phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, sửa đổi; vấn đề bổ sung biên chế cho ngành kiểm sát, hiện nay Viện kiểm sát nhân dân tối cao đang rà soát tổng biên chế trong toàn ngành để trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định; Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao cũng giải trình về những vấn đề bất cập trong chính sách tiền lương của đội ngũ thẩm phán và kiểm sát viên; về việc giải quyết một số vụ án cụ thể mà cử tri quan tâm.

Nhìn chung, ý kiến, kiến nghị của cử tri đối với Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao thông qua tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội ít hơn so với ý kiến, kiến nghị đối với Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ và đều được các cơ quan này khẩn trương xem xét, trả lời.

(Nội dung trả lời của Chính phủ, 23 bộ và cơ quan ngang bộ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về từng ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Quốc hội tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XII, Ban Dân nguyện đã tập hợp đầy đủ và gửi tới các vị đại biểu Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội tại kỳ họp này).

3/ Một số khó khăn, vướng mắc và kiến nghị

Việc xem xét, giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri luôn được Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao quan tâm và ngày càng có nhiều tiến bộ, giải quyết được nhiều vấn đề bức xúc trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, qua công tác xem xét, giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc sau đây:

– Các quy định của pháp luật hiện hành về giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri còn chưa đầy đủ và đồng bộ, còn thiếu những quy định cụ thể về trình tự, thủ tục và trách nhiệm trong việc tiếp nhận, chuyển, xem xét, giải quyết, trả lời cũng như giám sát việc giải quyết. Một số vấn đề mà cử tri kiến nghị nhưng pháp luật chưa quy định hoặc đã được quy định nhưng thiếu cụ thể nên việc giải quyết của các cơ quan có thẩm quyền còn gặp khó khăn.

– Chức năng, nhiệm vụ cụ thể của các bộ, ngành tuy đã được phân định nhưng việc giải quyết những vấn đề phát sinh liên quan đến nhiều bộ, ngành cần có sự phối hợp thì chưa được pháp luật quy định đầy đủ, rõ ràng về cơ chế phối hợp nên trong quá trình giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri còn gặp nhiều lúng túng.

– Việc thu thập ý kiến, kiến nghị của cử tri cho đến nay vẫn chủ yếu thông qua hai cuộc tiếp xúc cử tri của Đại biểu Quốc hội vào thời điểm trước và sau kỳ họp Quốc hội, do đó việc tiếp nhận chưa được thường xuyên và đầy đủ.

Để từng bước giải quyết những khó khăn, vướng mắc, nhằm nâng cao chất lượng việc giải quyết, trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri, Ủy ban thường vụ Quốc hội trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình sẽ chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ rà soát các quy định của pháp luật hiện hành về lĩnh vực này để nghiên cứu soạn thảo, trình Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới nhằm hoàn thiện các quy định của pháp luật; đồng thời tăng cường giám sát việc giải quyết của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Ủy ban thường vụ Quốc hội hoan nghênh và đề nghị các vị Đại biểu Quốc hội thường xuyên liên hệ với cử tri để thu thập ý kiến, kiến nghị và kịp thời phản ánh với Ủy ban thường vụ Quốc hội; riêng việc tiếp xúc cử tri của Đại biểu Quốc hội trước kỳ họp cần được tổ chức sớm để kịp tổng hợp và báo cáo tại phiên khai mạc kỳ họp.

Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ quy định cụ thể cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành và các cấp chính quyền trong việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri; có biện pháp xử lý đối với những trường hợp thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết. Văn bản trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri cần được gửi đến các Đoàn đại biểu Quốc hội nơi cử tri có kiến nghị để Đại biểu Quốc hội báo cáo với cử tri.

Trên đây là báo cáo tình hình giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri từ kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XII đến nay, Ủy ban thường vụ Quốc hội xin kính trình Quốc hội.

Xin trân trọng cám ơn các vị Đại biểu Quốc hội.

 

TM. ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

Phó Chủ tịch

Uông Chu Lưu

PHỤ LỤC

SỐ LIỆU KẾT QUẢ GIẢI QUYẾT Ý KIẾN, KIẾN NGHỊ CỦA CỬ TRI

((Kèm theo Báo cáo tình hình giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri

từ kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XII đến nay)

Số TT Cơ quan

 

Số ý kiến chuyển Số ý kiến được xem xét, trả lời
1. Quốc hội 94 94
2. Chính phủ 79 67
3. Bộ Giao thông Vận tải 58 58
4. Bộ Giáo dục và Đào tạo 44 44
5. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 38 38
6. Bộ Nội vụ 37 37
7. Bộ Tài Chính 36 36
8. Bộ Y tế 36 36
9. Bộ Lao động Thương binh và Xã hội 32 32
10. Bộ kế hoạch và Đầu tư 32 32
11. Bộ Tài nguyên và Môi trường 25 25
12. Bộ Công thương 22 22
13. Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch 18 18
14. Bộ Quốc phòng 14 14
15. Ủy ban dân tộc 14 14
16. Bộ Xây dựng 10 10
17. Ngân hàng nhà nước Việt Nam 9 9
18. Bộ Công an 9 9
19. Tòa án nhân dân tối cao 7 7
20. Bộ Tư pháp 7 7
21. Bảo hiểm xã hội Việt Nam 7 7
22. Bộ Khoa học và Công nghệ 7 7
23. Bộ Thông tin và Truyền thông 6 6
24. Thanh tra Chính phủ 3 3
25. Đài truyền hình Việt Nam 2 2
26. Bộ Ngoại giao 2 2
27. Viện kiểm sát nhân dân tối cao 2 2
28. Tổng liên đoàn lao động Việt Nam 1 1
Tổng số: 651 639

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn
%d bloggers like this: