CIVILLAWINFOR (Lược trích từ Công văn số 4586/BTC-VP ngày 27 tháng 3 năm 2009 của Bộ Tài chính về việc trả lời kiến nghị của cử tri tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XII)
1. Tiến trình cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong thời gian vừa qua được triển khai từng bước vững chắc, theo đúng Nghị quyết của Đảng và quy định của Nhà nước. Mục tiêu của cổ phần hoá là:
– Chuyển đổi những doanh nghiệp mà Nhà nước không cần giữ 100% vốn sang loại hình doanh nghiệp có nhiều chủ sở hữu; huy động vốn của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài để nâng cao năng lực tài chính, đổi mới công nghệ, đổi mới phương thức quản lý nhằm nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
– Nhà nước rút vốn ra khỏi các lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ hoặc không cần chi phối (các thành phần kinh tế khác có khả năng thực hiện) để tập trung vốn đầu tư cho các lĩnh vực then chốt, chiến lược của nền kinh tế hoặc lĩnh vực các thành phần kinh tế khác không có điều kiện thực hiện đảm bảo vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước.
– Đổi mới phương thức quản trị doanh nghiệp nhà nước sau khi cổ phần hoá nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp sau cổ phần hoá hoạt động theo Luật doanh nghiệp, được điều hành bởi Hội đồng quản trị có sự tham gia của các thành phần kinh tế, tạo sự công khai, minh bạch hơn, tự chủ, tự chịu trách nhiệm trên phần vốn góp của minh. Việc kiểm tra, giám sát của các cổ đông nhất là cổ đông là nhà đầu tư chiến lượcvà người lao động trong doanh nghiệp đã có ý nghĩa thiết thực trong đổi mới về phương thức quản lý, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
– Đảm bảo hài hoà lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp, nhà đầu tư và người lao động trong doanh nghiệp.
– Thực hiện công khai, minh bạch theo nguyên tắc thị trường; khắc phục tình trạng cổ phần hóa khép kín trong nội bộ doanh nghiệp; gắn với phát triển thị trường vốn, thị trường chứng khoán.
Trong từng giai đoạn, Nhà nước đều xác định rõ các lĩnh vực, ngành nghề do Nhà nước cần nắm giữ hoặc chi phối nhằm đảm bảo duy trì vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước để điều hành nền kinh tế quốc dân phát triển đúng định hướng (thể hiện thông qua hệ thống tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp 100% vốn nhà nước ban hành kèm theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ trong từng giai đoạn).
Thực tế vừa qua các DNNN đã được cổ phần hoá chủ yếu là các doanh nghiệp độc lập thuộc các Bộ, địa phương và các doanh nghiệp thành viên thuộc các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước. Các DNNN có vốn nhỏ, Nhà nước không cần nắm giữ hoặc không cần chi phối. Đối với các Tổng công ty, Tập đoàn: Tính đến cuối năm 2008 có 10 Tổng công ty nhà nước thực hiện cổ phần hoá. Tại các Tổng công ty này Nhà nước vẫn nắm giữ cổ phần với tỷ lệ lớn đảm bảo chi phối và giữ vai trò chủ đạo trong điều hành doanh nghiệp (cụ thể: TCT Điện tử tin học Nhà nước giữ 88% vốn điều lệ; TCT Xuất nhập khẩu và Xây dựng: 63,4% vốn điều lệ; TCT Bia – Rượu nước giải khát Hà Nội: 81,79% vốn điều lệ; TCT Bia – Rượu nước giải khát Sài Gòn: 89,59% vốn điều lệ; Tập đoàn Bảo hiểm Việt Nam: 77,54% vốn điều lệ; TCT Đường sông miền Nam: 51% vốn điều lệ; TCT Xây dựng thuỷ lợi 4: 60,6% vốn điều lệ; Ngân hàng Ngoại thương: 90,7% vốn điều lệ; Ngân hàng Công thương: 80% vốn điều lệ).
Theo Quyết định số 1729/QĐ-TTg ngày 29/12/2006 của Thủ tướng Chính phủ, trong giai đoạn 2007-2010 sẽ có 71 Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước thực hiện cổ phần hoá và Nhà nước tiếp tục nắm giữ tỷ lệ chi phối để đảm bảo giữ vai trò chủ đạo trong điều hành doanh nghiệp. Để tiến hành cổ phần hoá thành công những đối tượng doanh nghiệp lớn này theo đúng yêu cầu và mục tiêu của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định số 109/2007/NĐ-CP ngày 26/6/2007 về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần, trong đó tập trung sửa đổi phương thức định giá, phương thức bán cổ phần, việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược… và đặc biệt là sẽ xem xét có chính sách ưu đãi cho người lao động trong doanh nghịêp cổ phần hoá cho phù hợp với tình hình thực tiễn.
2. Việc quản lý phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp sau cổ phần hoá được thực hiện thông qua Đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước theo quy định tại Luật doanh nghiệp nhà nước năm 2003 và quy định tại Quy chế quản lý tài chính của công ty nhà nước và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác ban hành kèm theo Nghị định số 09/2009/NĐ-CP ngày 05/2/2009 của Chính phủ, cụ thể: (i) Đối với các công ty cổ phần được chuyển đổi từ doanh nghiệp thành viên thuộc Tổng công ty, công ty mẹ, công ty nhà nước độc lập có vốn Nhà nước thì do các đơn vị này tiếp tục thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu; (ii) Đối với các công ty cổ phần được chuyển đổi từ công ty nhà nước độc lập trực thuộc các Bộ, địa phương thì do Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu.
Theo quy định tại Quy chế quản lý tài chính của công ty nhà nước và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác ban hành kèm theo Nghị định số 09/2009/NĐ-CP ngày 05/2/2009 của Chính phủ thì đại diện chủ sở hữu quyết định đầu tư, góp vốn, điều chỉnh tăng giảm vốn đầu tư tại các công ty cổ phần; cử, bãi miễn, khen thưởng, kỷ luật, quyết định tiền lương, phụ cấp, tiền thưởng và các vấn đề đãi ngộ đối với người đại diện phần vốn nhà nước; giao nhiệm vụ và chỉ đạo người đại diện bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp của Nhà nước… giám sát kiểm tra việc sử dụng vốn góp, chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng, bảo toàn và phát triển vốn góp. Người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp được quyền tham gia ứng cử vào bộ máy quản lý điều hành của công ty cổ phần để thực hiện các quyền của cổ đông; giám sát tình hình tài chính, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác; người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp khác khi được quyền mua cổ phiếu phát hành thêm, trái phiếu chuyển đổi theo quyết định của công ty cổ phần (trừ trường hợp được mua theo quyền của cổ đông hiện hữu) thì phải báo cáo bằng văn bản cho chủ sở hữu vốnvà chủ sở hữu vốn nhà nước quyết định bằng văn bản số lượng cổ phần người đại diện được mua theo mức độ đóng góp và kết quả thực hiện nhiệm vụ của người đại diện. Phần còn lại thuộc quyền mua của chủ sở hữu vốn nhà nước….Việc cổ đông nhà nước từ chối không mua khi doanh nghiệp khác tăng vốn do công ty nhà nước không có nhu cầu đầu tư bổ sung vốn thì người đại diện phần vốn nhà nước báo cáo đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước xem xét, quyết định chuyển nhượng quyền mua, quyền góp vốn theo quy định của pháp luật về chứng khoán.
3. Chính sách hỗ trợ người lao động mua cổ phần với giá ưu đãi là 60% giá đấu thấp nhất (thay vì giá ưu đãi 60% giá đấu giá thành công bình quân)
Việc bán cổ phần ưu đãi cho người lao động là một chính sách ưu đãi của Nhà nước cho người lao động khi cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước và được thực hiện nhất quán từ trước đến nay. Đối với doanh nghiệp thực hiện cổ phần hoá trước Nghị định số 187/2004/NĐ-CP ngày 16/11/2004 thì người lao động được mua tối đa 10 cổ phần cho mỗi năm đã làm việc thực tế tại khu vực nhà nước với giá giảm 30% so với mệnh giá ban đầu (mệnh giá một cổ phần là 100.000 đồng). Từ khi ban hành Nghị định số 187/2004/NĐ-CP (sau đó thay thế bằng Nghị định số 109/2007/NĐ-CP) đến nay, người lao động được mua tối đa 100 cổ phần (mệnh giá một cổ phần là 10.000 đồng) cho mỗi năm thực tế làm việc tại khu vực nhà nước với giá giảm 40% so với giá đấu thành công bình quân bán cho nhà đầu tư khác. Như vậy, về cơ bản Chính phủ luôn duy trì, thực hiện chính sách ưu đãi bán cổ phần cho người lao động cả về số lượng cũng như giá trị.
Chính sách nói trên như vậy về cơ bản đã thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ưu đãi cho người lao động trong các DNNN khi thực hiện cổ phần hoá; Ngoài ra còn phải giải quyết mối quan hệ hài hoà giữa người lao động trong DNNN và người lao động trong các lĩnh vực khác như: Nông dân, cán bộ viên chức nhà nước, cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang,….Ngoài ra, để người lao động trong DNNN gắn bó với doanh nghiệp không phải chỉ bằng một biện pháp mua cổ phần ưu đãi mà còn nhiều vấn đề khác như: đảm bảo việc làm ổn định, tiền lương, tiền thưởng, phúc lợi…
Theo báo cáo của các Bộ, ngành, địa phương, chính sách bán cổ phần ưu đãi cho người lao động được thực hiện một cách nghiêm túc. Tổng hợp 3.786 doanh nghiệp đã được cổ phần hoá thì tỷ lệ người lao động trong doanh nghiệp mua cổ phiếu chiếm 12% vốn điều lệ. Tuy nhiên, do các doanh nghiệp cổ phần hoá có quy mô, ngành nghề, trình độ công nghệ, số lượng lao động khác nhau nên tỷ lệ cổ phần người lao động mua ưu đãi trên vốn điều lệ của các doanh nghiệp cổ phần hoá sẽ khác nhau.
Ngoài các chính sách ưu đãi về mua cổ phần của người lao động quy định tại Nghị định số 109/2007/NĐ-CP (theo số năm làm việc thực tế tại doanh nghiệp cổ phần hoá), Bộ Tài chính đang nghiên cứu trình Chính phủ có chính sách để tạo điều kiện cho những người lao động có năng lực, có trình độ được mua thêm cổ phần như nhà đầu tư chiến lược tương ứng với số năm của người lao động cam kết làm việc tại doanh nghiệp sau cổ phần hoá với giá bán bằng giá đấu thành công bình quân. Bổ sung quy định nhằm hạn chế việc chuyển nhượng số cổ phần được Nhà nước bán theo giá ưu đãi cho người lao động theo hướng nếu chuyển nhượng sớm trong vòng 03 năm phải hoàn trả lại cho Nhà nước giá trị đã ưu đãi được hưởng theo thời gian nắm giữ cổ phần.
SOURCE: CÔNG VĂN SỐ 4586/BTC-VP NGÀY 27 THÁNG 3 NĂM 2009 VỀ VIỆC TRẢ LỜI KIẾN NGHỊ CỦA CỬ TRI TẠI KỲ HỌP THỨ IX QUỐC HỘI KHÓA 12