PHAN HỒNG MẪN
Tranh tụng tại phiên tòa là việc Hội đồng xét xử chủ trì để các bên tranh tụng, trong đó chủ yếu Người bào chữa tranh tụng với công tố viên. Trên thực tế, qua các phiên tòa xét xử và qua giám sát của Ban pháp chế HĐND tỉnh Gia Lai cho thấy, lực lượng Người bào chữa còn thiếu và yếu, nhưng chưa được đào tạo, đầu tư đúng mức.
Người bào chữa chưa được quan tâm đúng mức
Theo quy định tại Chương 4, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 thì Người bào chữa có vị trí, vai trò và chức năng đặc biệt. Người bào chữa có thể là Luật sư, Người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo; Bào chữa viên nhân dân… Luật Trợ giúp pháp lý cũng quy định Trợ giúp viên pháp lý được tham gia tố tụng với tư cách người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo để thực hiện việc bào chữa… Khoản 3 Điều 57 Bộ Luật Tố tụng hình sự quy định: UBMTTQVN, các tổ chức thành viên của Mặt trận có quyền cử bào chữa viên nhân dân để bào chữa cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo là thành viên của tổ chức mình. Bộ Luật Tố tụng hình sự còn quy định Người bào chữa được tham gia tố tụng từ khi khởi tố bị can.Tuy nhiên trên thực tế, trong một thời gian dài chúng ta chưa chú trọng đến việc xây dựng lực lượng Người bào chữa. Các tỉnh miền núi, trong đó có Gia Lai chưa thật sự quan tâm và cũng rất khó khăn trong việc xây dựng 3 lực lượng: Luật sư, Trợ giúp viên pháp lý, Bào chữa viên nhân dân. Trong khi đó, theo lộ trình đã đề ra, từ ngày 1.7.2009 tất cả các Toà án cấp huyện được tăng thẩm quyền xét xử- Như vậy sẽ không đủ nhân lực để thực hiện nhiệm vụ.
Quá trình thực hiện chủ trương tăng thẩm quyền xét xử đối với Toà án cấp huyện chủ yếu cũng chỉ đề cập đến đội ngũ Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên, còn đội ngũ Người bào chữa không được quan tâm đúng mức. Mặt khác, trong cải cách tư pháp, pháp luật yêu cầu Luật sư, Trợ giúp viên pháp lý phải tham gia ngay từ giai đoạn khởi tố, điều tra vụ án hình sự, các địa phương khó có đủ lực lượng Luật sư, Trợ giúp viên pháp lý để thực hiện. Những vấn đề này yêu cầu phải có giải pháp ở tầm vĩ mô: cần nhìn nhận đúng địa vị pháp lý của Người bào chữa và phải xây dựng, phát triển lực lượng này ngang tầm với các bên tranh tụng, nhằm nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên toà, giúp hội đồng xét xử ra phán quyết đúng.
Phát triển đội ngũ Người bào chữa
Đào tạo đội ngũ luật sư: Trên thực tế nhiều tỉnh miền núi như Gia Lai, địa hình phức tạp, đi lại khó khăn, có nhiều trung tâm huyện cách trung tâm tỉnh trên 150 km, dân số trên 1,2 triệu người; trung bình mỗi năm ngành Toà án tỉnh đưa ra xét xử trên 1.200 vụ án hình sự, nhưng chỉ có chưa đến 20% vụ án có người bào chữa. Đoàn Luật sư tỉnh chỉ có 16 người, nhưng thực chất chỉ có 1/2 hoạt động, chủ yếu tại địa bàn TP Pleiku. Hơn nữa, chi phí thù lao của các cơ quan tố tụng yêu cầu Luật sư tham gia (án chỉ định) hiện quá thấp, không đủ trang trải, thì việc yêu cầu luật sư ở Toà án cấp huyện vùng sâu, vùng xa càng khó khăn hơn. Thực tế, các Toà án huyện khi tiến hành xét xử các vụ án hình sự thường không có luật sư tham gia bào chữa. Để phát triển đội ngũ Luật sư, Bộ Tư pháp nên tham mưu đề xuất với Chính phủ có chính sách hợp lý để thu hút những người có điều kiện tham gia hành nghề luật sư.
Phát triển trợ giúp viên pháp lý: Theo quy định tại Điều 2 Luật Luật sư, hoạt động của Luật sư là thực hiện các dịch vụ pháp lý theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức. Nhưng, đối với những tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn, việc đồng bào dân tộc thiểu số và người nghèo mời luật sư tham gia tố tụng là không thể. Trong khi đó, nhu cầu trợ giúp pháp lý trên địa bàn rất lớn, nhưng đội ngũ trợ giúp viên pháp lý chỉ có 3 người nên không thể đáp ứng, nhất là việc tham gia tố tụng. Vì vậy, rất cần xây dựng đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý nhằm giúp đỡ người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp. Để làm được như vậy, cần có giải pháp phát triển lực lượng trợ giúp viên pháp lý của Nhà nước, hỗ trợ hoạt động tư pháp, đáp ứng yêu cầu bào chữa và phấn đấu các phiên toà hình sự đều có người bào chữa theo yêu cầu cải cách tư pháp.
Hiện nay, Người bào chữa đang rất thiếu nhưng tiêu chuẩn lại quá cao:phải có bằng cử nhân luật, qua 2 năm công tác pháp luật, có chứng chỉ đào tạo luật sư, có chứng chỉ bồi dưỡng trợ giúp viên pháp lý… có lẽ chưa phù hợp. Để có bước chuyển tiếp quá độ, Bộ tư pháp nên quy định chỉ cần có bằng cử nhân luật, là công chức, viên chức chính thức, có chứng chỉ bồi dưỡng trợ giúp viên pháp lý là bổ nhiệm Trợ giúp viên pháp lý, cho nợ chứng chỉ luật sư trong một thời gian nhất định.
Về đội ngũ bào chữa viên nhân dân. Chức danh Bào chữa viên nhân dân ở nước ta ra đời trên cơ sở Sắc lệnh số 69/SL ngày 18.6.1949. Nhưng từ năm 1989 đến nay, khi các Đoàn luật sư được khôi phục lại thì hoạt động bào chữa viên nhân dân hầu như chấm dứt, chức danh Bào chữa viên nhân dân chỉ tồn tại trên phương diện pháp lý. Hiện tại không có văn bản pháp quy nào quy định về thành lập, tổ chức, quản lý, phát triển đội ngũ Bào chữa viên nhân dân. Vì vậy, Bộ Tư pháp cần báo cáo Chính phủ, Ban chỉ đạo cải cách tư pháp trung ương có chính sách phát triển đội ngũ này, đồng thời sớm ban hành quy chế hoặc điều lệ mẫu về tổ chức và hoạt động của Bào chữa viên nhân dân theo hướng: về tổ chức, giao cho Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc đứng ra thành lập; về đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ bào chữa, giao Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho đội ngũ này hoạt động.
SOURCE: BÁO NGƯỜI ĐẠI BIỂU NHÂN DÂN
Trích dẫn từ:
http://nguoidaibieu.com.vn/Trangchu/VN/tabid/66/CatID/7/ContentID/80419/Default.aspx
Like this:
Like Loading...
Related
Filed under: 4. Tranh tụng và luật sư |
Leave a Reply