Site icon THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

TÁC ĐỘNG CỦA PHONG TỤC, TẬP QUÁN ĐỐI VỚI VIỆC THỰC HIỆN BÌNH ĐẲNG GIỚI – TỪ GÓC NHÌN ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ

Advertisements

TS. NGUYỄN THỊ BÁO – Viện Nghiên cứu Quyền con người, Học viện Chính trị – Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh

Tăng cường bình đẳng nam nữ và nâng cao vị thế cho phụ nữ là mục tiêu thứ 3 trong các Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ đang được nước ta nỗ lực thực hiện. Bên cạnh những kết quả rất đáng ghi nhận, chúng ta đang phải tiếp tục khắc phục những định kiến trọng nam, xem thường nữ, xuất phát từ quan niệm phong kiến, lạc hậu vẫn còn ăn sâu trong tiềm thức của một bộ phận người dân, trên con đường chinh phục mục tiêu này.

Là một nước phong kiến, nửa thuộc địa, kinh tế kém phát triển, kể từ Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến nay, chúng ta đã đi được một chặng đường dài trên con đường tiến tới thực hiện mục tiêu bình đẳng nam nữ: cách biệt về giới ở các cấp học sẽ được xóa bỏ trước năm 2015; phụ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý ở các ngành các cấp; cơ hội việc làm được mở ra cho cả nam và nữ; lao động nữ đã có nhiếu đóng góp cho phát triển kinh tế – xã hội của đất nước; phụ nữ được tạo điều kiện thuận lợi để tiếp cận các nguồn lực thúc đẩy sản xuất kinh doanh, góp phần giảm nghèo và nâng cao vị thế của người phụ nữ; phụ nữ ngày càng được thụ hưởng bình đẳng với nam giới trong các dịch vụ công về y tế, văn hóa, xã hội…

Để nâng cao các quyền về kinh tế cho nữ giới, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Sửa đổi đất đai năm 2003, trong đó có ghi rõ tất cả các giấy tờ liên quan đến quyền sử dụng đất đều phải được cấp bao gồm tên của cả vợ và chồng.

Các giấy tờ về quyền sử dụng đất giúp bảo đảm quyền và nghĩa vụ của người phụ nữ đối với tài sản đất đai đó.

Những giấy tờ này cũng giúp nữ giới có thể vay vốn để đầu tư vào sản xuất kinh doanh, đồng thời cũng nhằm bảo vệ quyền lợi hco phụ nữ trong trường hợp ly dị và phân chia tài sản.

Các luật về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình đã được Quốc hội thông qua và đi vào cuộc sống. Từ năm 2008, nước ta đã có cơ quan quản lý nhà nước về bình đẳng giới. Việt Nam có tên trong danh sách các nước được tính toán về thước đo nâng cao vị thế về giới (GEM) với vị trí 52/93 nước được xếp hạng (xem: Báo cáo “Việt Nam tiếp tục chặng đường thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ” của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tháng 12-2008).

Tuy nhiên, để thực hiện trọn vẹn mục tiêu bình đẳng giới, bình đẳng cả về cơ hội hưởng thụ, cống hiến, chúng ta còn nhiều việc phải làm, mà trước hết là khắc phục tận gốc tư tưởng phong kiến trọng nam, khinh nữ đã ăn sâu, bám rễ trong tiềm thức, suy nghĩ, quan niệm, cách hành xử và lối sống của một bộ phận người dân từ bao đời nay; khắc phục những phong tục, tập quán lạc hậu, tác động tiêu cực đến việc thực hiện bình đẳng giới.

1. Vì sao tâm lý phải có con trai nặng nề, và tồn tại dai dẳng đến như vậy?

Về mặt kinh tế, đặc trưng của đồng bằng sông Hồng là nông nghiệp lúa nước, kinh tế được tổ chức theo đơn vị gia đình, chủ yếu dựa trên lao động thủ công, dựa vào sức lực là chính. Công việc đồng áng nặng nhọc, tạo ra khát vọng có con trai, coi trọng con trai. Con trai là lao động chính, là chỗ dựa tinh thần của gia đình, vì thế, vai trò của người đàn ông được đề cao và xem trọng.

Về mặt xã hội, ba thiết chế truyền thống của cộng đồng làng xã là nhà (gia đình), họ (tông tộc) và giáp có ảnh hưởng sâu sắc đến bất bình đẳng giới.

Gia đình của người Việt nói chung, của đồng bào vùng đồng bằng sông Hồng nói riêng, theo chế độ phụ quyền, có tục lệ thờ cúng tổ tiên, duy trì nòi giống, nên rất coi trọng con trai và vì thế, đề cao vai trò của nam giới. Người đàn ông, người chồng được coi là trụ cột trong gia đình, phụ nữ được quan niệm là người trông coi việc bếp núc.

Mở rộng của gia đình là dòng họ – tập hợp những gia đình có chung một ông tổ. Trong đó, quan hệ của các dòng họ được dựa theo số đông nam giới với quan niệm là “họ đa đinh”, “họ ít đinh”. Điều này dẫn đến việc phải duy trì nòi giống, nâng cao sức mạnh và vị thế của dòng họ trong làng. Yếu tố này góp thêm một nhu cầu cần nam giới và trọng con trai.

Một đặc điểm khác nữa là coi trọng giáp – thiết chế của nam giới trong làng. Mỗi giáp bao gồm đinh nam của một hai dòng họ hoặc chi họ. Làng Việt cổ lấy giáp làm đơn vị tổ chức thực hiện các công việc của đời sống cộng đồng, nên phụ nữ không có quyền và nghĩa vụ với các việc chính trị – xã hội của làng.

Nhiều tục lệ của làng xã được văn bản hoá thành hương ước, trở thành công cụ để quản lý làng xã. Trong nhiều hương ước đã sử dụng triệt để thiết chế dòng họ và giáp để gạt bỏ quyền dân sự, chính trị của người phụ nữ(1). Phụ nữ không được ghi tên trong sổ hàng xã, không được tham gia hội đồng kỳ mục – cơ quan có toàn quyền đối với công việc của làng xã.

Trong quan hệ gia đình, chỉ có người chồng mới là đại diện chính thức cho “quyền ngoại giao” đối với láng giềng, dòng họ, cộng đồng làng xã trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Mọi hành vi giao thiệp của người vợ với bên ngoài chịu sự kiểm soát, phán xét khắc nghiệt của chồng, gia đình nhà chồng cũng như cộng đồng.

Sự bất bình đẳng của phụ nữ về mặt nhân thân trong tục lệ làng xã còn thể hiện rõ nét trong việc làm gia phả. Tuyệt đại đa số gia phả của các dòng họ được viết bằng chữ Hán trước đây đều thể hiện sự phân biệt đối xử đối với phụ nữ với nguyên tắc “nữ nhi ngoại tộc” (con gái đi lấy chồng là thuộc về dòng họ khác), nên trong gia phả không ghi tên con gái, còn các con trai được ghi chép khá đầy đủ các thông số liên quan đến nhân thân(2).

2. Quan niệm trọng nam, xem thường nữ tác động thế nào đến vấn đề thực hiện bình đẳng giới hiện nay?

Những yếu tố hình thành nên tư tưởng trọng nam, xem thường nữ trên đây, mặc dù đã được khắc phục rất nhiều kể từ khi đất nước giành được độc lập, nhưng những dư âm, tàn tích của nó vẫn còn rơi rớt, ẩn sâu trong tâm lý, suy nghĩ của một bộ phận người dân, tác động đến việc thực hiện bình đẳng giới.

Thứ nhất, trong việc tham gia quản lý, hoạt động xã hội.

Thực tế cho thấy, ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng hiện nay, tỷ lệ phụ nữ tham gia vào cấp uỷ, các cơ quan công quyền và tổ chức chính trị, xã hội còn khiêm tốn. Chẳng hạn, Ninh Bình được coi là tỉnh đứng đầu khu vực đồng bằng sông Hồng có tỷ lệ phụ nữ tham gia vào các hoạt động chính trị, xã hội, nhưng tỷ lệ phụ nữ trúng cử đại biểu Quốc hội khoá XII của tỉnh cũng chỉ dừng ở con số 33,3%; nữ cấp uỷ cấp tỉnh đạt 14,28%; cấp huyện đạt 17,43%; cấp xã đạt 15,01%; toàn tỉnh chỉ có 14 nữ là Bí thư, Phó Bí thư Đảng uỷ cơ sở; nữ đại biểu hội đồng nhân dân cấp tỉnh đạt 28%; cấp huyện, thị, thành phố đạt 24,19%; cấp xã đạt 19,57%; có 20 chị là lãnh đạo trưởng, phó các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; 3 Phó Chủ tịch UBND cấp huyện, thị, thành phố; 20 xã phường có nữ lãnh đạo chủ chốt trong HDDND và UBND(3).

Phụ nữ đồng bằng sông Hồng chủ yếu mới chỉ tích cực tham gia vào các tổ chức chính trị, xã hội có liên quan trực tiếp đến bản thân và trách nhiệm của các chị trong gia đình như: Hội Nông dân: 50%; Hội Phụ nữ: 80,71%; câu lạc bộ gia đình hạnh phúc không sinh con thứ 3: 57,14%; tập huấn chăn nuôi 56,42%. Họ ít có cơ hội, điều kiện hơn nam giới để tham gia các hoạt động của các tổ chức chính trị, xã hội như: tham gia họp thôn chỉ có 26,42%, họp Hội Nông dân: 26,42%(4).

Thứ hai, trên lĩnh vực kinh tế

Nếp sống dựa trên quan niệm “tam tòng, tứ đức” đã trở nên quen thuộc, ăn sâu vào tiềm thức của người phụ nữ Việt Nam trước đây, làm cho người phụ nữ cam phận lệ thuộc hoàn toàn vào chồng, không dám quyết định, giải quyết những vấn đề trong gia đình. Còn người chồng quen với tư tưởng gia trưởng, áp đặt mọi quyết định đối với người vợ.

Phụ nữ được mong đợi là làm việc nhà nhiều hơn, còn nam giới là trụ cột kinh tế, người kiếm sống nuôi các thành viên gia đình. Từ đó đẫn đến những định kiến nghề nghiệp, trong đó, một số công việc được coi là của nam giới (làm rừng, đánh bắt hải sản, đi làm ăn xa nhà, lãnh đạo cộng đồng…); một số việc được coi là của phụ nữ (nội trợ, chăm sóc gia đình, sản xuất tại nhà, gần nhà, không tham gia lãnh đạo cộng đồng…).

Chính ảnh hưởng của quan niệm đó mà hiện nay, phụ nữ nông thôn Việt Nam nói chung, phụ nữ đồng bằng sông Hồng nói riêng chủ yếu chỉ quen với công việc đồng áng, nội trợ; những công việc đơn giản, thủ công, thu nhập thấp.

Phụ nữ đồng bằng sông Hồng đảm nhận: 82,14% công việc giặt giũ; 65,71% công việc quét dọn, nấu ăn; 69,28% công việc làm cỏ; 55,71% việc gieo trồng. Do đó, đóng góp kinh tế của họ trong gia đình được lượng hoá bằng tài sản không nhiều, dẫn đến người phụ nữ hầu như không có quyền về tài sản nhưng phải gánh vác nhiều nghĩa vụ trong gia đình. Mặt khác, mặc dù pháp luật dân sự của Việt Nam hiện nay đã quy định về quyền bình đẳng nam nữ trên lĩnh vực tài sản, nhưng do ảnh hưởng nặng nề của phong tục tập quán truyền thống của người Kinh, phụ nữ hầu như không có quyền sở hữu tài sản, mọi tài sản thuộc về người chồng.

Tập tục truyền thống không thừa nhận quyền thừa kế tài sản của con gái và hiện tại, tập tục này vẫn còn tác động đến tâm lý, thói quen và cách suy nghĩ, hành xử của một bộ phận nhân dân. Nhiều gia đình ở nông thôn thường không quan tâm đến hàng thừa kế là con gái, tài sản, đất đai của gia tộc chỉ chia cho con trai, đặc biệt dành phần ưu tiên cho con trai trưởng để lo phần hương hoả.

Con gái khi đi lấy chồng không được bố mẹ đẻ cho sử dụng đất nông nghiệp cũ và cũng không được gia đình nhà chồng cho đất mới. Điều đặc biệt là, do ảnh hưởng của tập tục cũ, mặc dù biết điều đó là bất công, không phù hợp với pháp luật, nhưng rất ít phụ nữ dám đứng lên đòi hỏi quyền bình đẳng của mình. Vì thế, các tài sản lớn trong gia đình như đất đai, nhà cửa, xe máy, đất nông nghiệp đều đứng tên người chồng và người chồng là chủ hộ.

Ở nông thôn, khoảng gần 80% chủ hộ là nam giới, do đó trên thực tế, phần lớn nam giới là người đứng tên chủ sở hữu nhà, đất. Hơn nữa đa số trường hợp nhà ở và đất ở là tài sản kế thừa do cha mẹ chia cho con trai khi họ lập gia đình.

Nam giới là chủ hộ, trong khi các chủ trương chính sách của Nhà nước khi tác động đến hộ gia đình nông thôn lại lấy chủ hộ làm chủ thể, vì thế, người đứng tên chủ sở hữu đất đai là chủ hộ, người đứng tên chủ tài sản cũng là chủ hộ. Khi thế chấp tài sản hay đất đai để vay vốn, cũng phải do chủ hộ quyết định. Và khi có các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật nông nghiệp thì tất nhiên người tham gia phải là chủ hộ, người đại diện cho hộ gia đình, và trong đa số trường hợp là nam giới.

Theo số liệu khảo sát, hiện ở đồng bằng sông Hồng, phụ nữ đứng tên vay vốn ngân hàng chỉ có 27,85%; đứng tên sổ đỏ là 14,28%; 8,6% là chủ hộ; quyết định mua sắm những tài sản lớn, có giá trị trong gia đình như ti vi, xe máy,… là 5,0%.

Trong xã hội, chỉ có 10% số người quan niệm người vợ có vai trò đóng góp nhiều hơn về kinh tế cho gia đình(5). Điều này đã dẫn đến hậu quả là nhiều phụ nữ khi ly hôn, buộc phải ra khỏi nhà chồng với hai bàn tay trắng.

Như vậy, các phong tục, tập quán, quan niệm phong kiến, lạc hậu là một tác nhân quan trọng tạo rào cản đối với người phụ nữ trong việc tiếp cận và hưởng thụ các quyền về kinh tế; đưa người phụ nữ nông thôn vào vị thế phụ thuộc vào người chồng về kinh tế. Từ phụ thuộc về kinh tế sẽ dẫn đến phụ thuộc mọi mặt vào người chồng trong cuộc sống gia đình.

Thứ ba, trên lĩnh vực văn hoá và xã hội

Với quan niệm “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”, con trai có quyền và được ưu tiên quyền được đi học, còn con gái phải ở nhà học mẹ công việc nội trợ, bếp núc để quán xuyến gia đình khi lập gia thất. Hậu quả của quan niệm này là gây bất bình đẳng giới trên lĩnh vực văn hoá, xã hội. Biểu hiện rõ nhất của tình trạng này là phụ nữ gặp nhiều trở ngại khi tiếp cận quyền và hưởng thụ các quyền về văn hoá, xã hội.

Hiện nay, mặc dù đã có nhiều tiến bộ, Đảng và Nhà nước đã có nhiều cố gắng trong việc chỉ đạo thực hiện chính sách pháp luật thúc đẩy bình đẳng giới, nhưng do nhiều yếu tố, phụ nữ vẫn chịu nhiều thiệt thòi so với nam giới trên lĩnh vực văn hoá giáo dục.

Trong gia đình, nếu phải lựa chọn việc cho con trai hay con gái tiếp tục theo học các bậc hệ cao hơn thì con trai bao giờ cũng được ưu tiên hơn. Đó là một trong những nguyên nhân lý giải vì sao ở nông thôn, đa số phụ nữ chỉ học hết cấp I và cấp II. Tỷ lệ phụ nữ mù chữ, trẻ em gái bỏ học giữa chừng luôn nhiều hơn nam giới. Theo báo cáo của Uỷ ban nhân dân tỉnh Ninh Bình năm học 2007 – 2008, tỷ lệ học sinh nữ trong các cấp học là: bậc Mầm non: 49,6%; bậc Tiểu học: 48,2%; bậc Trung học cơ sở: 48,7%.

Đặc biệt, quyền được đào tạo nghề, tập huấn kỹ thuật cho lao động nữ nông thôn hiện đang gặp nhiều thách thức.

Tư tưởng “trọng nam, khinh nữ” dẫn đến số phụ nữ có trình độ học vấn cao rất ít, lại không được tạo điều kiện để tiếp cận các khoá tập huấn đào tạo kỹ thuật canh tác, sản xuất mới nên tay nghề và kỹ thuật cho lực lượng lao động nữ vẫn còn ở mức thấp. Sự chênh lệch giữa nam giới và phụ nữ trong lĩnh vực này là điều đáng quan tâm. Tỷ lệ phụ nữ ở độ tuổi 13 trở lên được đào tạo tay nghề kỹ thuật trên toàn quốc chỉ chiếm khoảng 6% và so với nam giới là 9%. Phụ nữ ở độ tuổi 22-25 có cơ hội tiếp cận tới đào tạo nghề thấp hơn đáng kể so với nam giới ở cùng độ tuổi (24% nữ nông thôn so với 30% nam nông thôn)”(6).

Một trong những hạn chế về giáo dục đối với phụ nữ phải kể đến các định kiến về việc thường xuyên xây dựng hình ảnh nam giới và phụ nữ với vai trò, nghề nghiệp theo quan điểm truyền thống như phụ nữ thường là giáo viên, bác sỹ, nội trợ…; nam giới thường là giám đốc, kỹ sư, phi công…. Cách xây dựng hình ảnh như vậy rất ảnh hưởng đến định hướng lựa chọn ngành nghề trong tương lai, và, sự tách biệt giới trên thị trường lao động là tất yếu.

Trong các ngành đào tạo, đại đa số phụ nữ theo học ở các ngành sư phạm và khoa học xã hội, trong khi đó, nam giới lại chiếm số đông trong các ngành kỹ thuật. Sự cách biệt này là nguyên nhân làm hạn chế khả năng và cơ hội của phụ nữ tham gia vào thị trường lao động đang thay đổi trong điều kiện đất nước hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu và tiếp cận với khoa học kỹ thuật và công nghệ(7).

Quan niệm về người chồng là trụ cột trong gia đình đã gây áp lực cho nam giới phải cố gắng phấn đấu để tìm kiếm việc làm có thu nhập cao, trong khi phụ nữ dễ bị tư tưởng cầu an, chỉ tìm kiếm các công việc nhẹ nhàng, thu nhập thấp để dành thời gian chăm sóc chồng con, dẫn đến sự tự nguyện bị lệ thuộc chi phối bởi đức ông chồng về mọi mặt.

Áp lực của định kiến xã hội còn cản trở phụ nữ cầu tiến bộ. Vì hầu như những người phụ nữ có chí tiến thủ, phấn đấu vươn lên trong công tác, học tập, khẳng định được vị thế bình đẳng, đôi khi vượt trội trong gia đình về thu nhập kinh tế và địa vị xã hội thường bị đánh giá là người phụ nữ có nhiều “tham vọng, hãnh tiến”, và gia đình đó bị coi là “âm thịnh, dương suy”!

Phong tục, tập quán thể hiện bản sắc văn hoá riêng của mỗi dân tộc, mỗi vùng miền, trong đó có vùng đồng bằng sông Hồng. Trong quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế hiện nay, cần phải phát huy những nét đẹp của văn hoá truyền thống, bên cạnh đó cần phải kiên quyết loại bỏ dần những phong tục, tập quán lạc hậu, là rào cản cho sự tiếp cận và hưởng thụ quyền bình đẳng của phụ nữ trên các lĩnh vực dân sự, chính trị; kinh tế, xã hội và văn hoá để góp phần thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới ở Việt Nam hiện nay.

Bình đẳng giới không phải là làm dùm, càng không phải là tạo chỗ dựa cho phụ nữ, mà là tạo cơ hội, tạo điều kiện cho họ phát huy được năng lực bản thân, giúp họ đứng vững trên đôi chân của mình để góp phần xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.

Thúc đẩy bình đẳng giới và tăng quyền năng cho phụ nữ là một trong những mục tiêu phát triển hàng đầu được xác định trong Tuyên bố Thiên niên kỷ; bất bình đẳng chính là nguyên nhân kìm hãm sự phát triển đất nước và cản trở việc hoàn thành mục tiêu của các chương trình xây dựng đất nước. Cho nên, cần phải có quyết tâm và sự đồng thuận của toàn xã hội, trong đó có quyết tâm của phụ nữ để xóa bỏ dần những phong tục, tập quán, các định kiến xã hội tiêu cực về giới, tăng cường hoạt động có hiệu quả của Hội phụ nữ, Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ, của các cấp, ban ngành, địa phương tạo cơ chế phối kết hợp đa ngành hữu hiệu để quyền bình đẳng của phụ nữ trên mọi mặt dân sự, chính trị; kinh tế, xã hội và văn hoá được hiện thực hoá trong cuộc sống./


(1) Trần Từ – Cơ cấu tổ chức của làng Việt cổ ở Bắc Bộ – Nxb, KHXH, 1984, tr. 46-60, 106-128.

(2) Bùi Xuân Đính – “Lệ tục làng Việt và ảnh hưởng của nó đến việc bảo đảm quyền bình đẳng của phụ nữ và trẻ em”, Kỷ yếu Hội thảo của Trung tâm Nghiên cứu Quyền con người năm 2001 về “Tập tục truyền thống với việc bảo đảm quyền bình đẳng của phụ nữ và quyền trẻ em ở Việt Nam”, H, 2001, trang. 53-60.

(3) Báo cáo số 05/BC- VSTBPN ngày 05/02/2008 của Ban vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh Ninh Bình về Kết quả hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ năm 2007, phương hướng, nhiệm vụ năm 2008, tr. 4.

(4) Báo cáo kết quả điều tra khảo sát tháng 9-2008 của Ban chủ nhiệm đề tài “Vai trò của hệ thống chính trị cơ sở trong việc thực hiện bình đẳng giới ở đồng bằng sông Hồng”, tr. 2,4.

(5) Báo cáo kết quả điều tra khảo sát tháng 9-2008 của Ban chủ nhiệm đề tài “Vai trò của hệ thống chính trị cơ sở trong việc thực hiện bình đẳng giới ở đồng bằng sông Hồng”, tr. 1-3.

(6) Đỗ Thị Bích Loan, Những vấn đề giới trong giáo dục ở Việt Nam , http://www.unescobkk.org/fileadmin/user_upload/appeal/gender/Viet Nam.doc).

(7) Báo cáo CEDAW lần 5,6 của các tổ chức NGO Việt Nam

SOURCE: TẠP CHÍ CỘNG SẢN SỐ 13 (181) NĂM 2009

Exit mobile version