admin@phapluatdansu.edu.vn

PHÂN TÍCH SỐ LƯỢNG VÀ CHẤT LƯỢNG GIẢI QUYẾT, XÉT XỬ CÁC LOẠI VỤ ÁN CỦA NGÀNH TÒA ÁN NHÂN DÂN

THS. NGUYỄN QUANG LỘC – Thẩm phán – Vụ trưởng Vụ tổng hợp Toà án nhân dân tối cao

Số lượng và chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ án của ngành Tòa án nhân dân nói chung và của các cấp Tòa án nói riêng chính là thước đo quan trọng bậc nhất để xác định mức độ hoàn thành nhiệm vụ chính trị của ngành và của từng Tòa án, từng cán bộ, Thẩm phán, Hội thẩm Tòa án.

Căn cứ vào kết quả thực hiện nhiệm vụ của năm trước, dự báo tình hình, nhiệm vụ của năm tiếp theo và các điều kiện đảm bảo thực hiện nhiệm vụ, hàng năm Hội nghị tổng kết và triển khai công tác của ngành đều bàn bạc và thống nhất đưa ra các chỉ tiêu công tác, trong đó có chỉ tiêu về công tác xét xử, giải quyết các loại vụ án. Chỉ tiêu về số lượng và chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ án được tính theo tỷ lệ phần trăm (%) của các vụ án đã giải quyết trên tổng số các vụ án phải giải quyết. Trên cơ sở các chỉ tiêu công tác do Tòa án nhân dân tối cao ban hành, các Tòa án đều phải quán triệt, triển khai tổ chức thực hiện trong toàn đơn vị. Kết quả thực hiện trong từng thời điểm thống kê, báo cáo được tổng hợp từ Tòa án nhân dân cấp huyện đến Tòa án nhân dân cấp tỉnh và thống kê, tổng hợp chung của toàn ngành tại Tòa án nhân dân tối cao.

Các số liệu thống kê được phân tích, đánh giá để có thể vẽ ra một bức tranh toàn cảnh về công tác giải quyết, xét xử của toàn ngành Tòa án nhân dân trong quý, 9 tháng, một năm. Từ những số liệu này có thể nhận biết được những điểm mạnh, những điểm yếu kém, tồn tại trong công tác giải quyết, xét xử chung của toàn ngành, hơn thế còn có thể đánh giá được việc giải quyết, xét xử từng loại vụ án, từng loại tội, từng loại tranh chấp hay việc dân sự. Trên cơ sở các số liệu đó, lãnh đạo ngành Tòa án nhân dân, lãnh đạo các Tòa án nhân dân địa phương có thể rút ra những bài học về chất lượng và quản lý, điều hành hoạt động xét xử, giải quyết các vụ án. Cũng căn cứ vào các số liệu của ngành Tòa án nhân dân, của Viện kiểm sát nhân dân, Công an nhân dân, Bộ Tư pháp, Nhà nước có thể hoạch định những chính sách, đề ra những chủ trương thích hợp nhằm đảm bảo việc thực thi pháp luật trong lĩnh vực tư pháp nói riêng và toàn xã hội nói chung tốt hơn.

Như vậy, yêu cầu đặt ra là phải đảm bảo số liệu báo cáo, thống kê đầy đủ, trung thực, chính xác và kịp thời. Nhìn chung, trong những năm gần đây, do có sự quan tâm đúng mức của Lãnh đạo, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân các cấp, đồng thời có sự hỗ trợ tốt của công nghệ thông tin nên các số liệu thống kê, báo cáo của ngành Tòa án nhân dân đã đầy đủ hơn, chính xác hơn, kịp thời và đáng tin cậy hơn. Tuy nhiên, việc đánh giá về số lượng, chất lượng của công tác giải quyết xét xử các loại vụ án cũng còn có những ý kiến khác nhau, cần phân tích để làm rõ. Chúng tôi xin nêu một số vấn đề như sau:

1- Về số lượng vụ án, vụ việc (sau đây xin gọi chung là vụ án)

Số lượng các vụ án phải giải quyết (tức là đã thụ lý) bao gồm cả số vụ án chưa giải quyết của các kỳ thống kê trước và số vụ án đã thụ lý trong kỳ thống kê (cũ còn lại cộng với mới thụ lý).

Số lượng các vụ án đã giải quyết là số vụ án, vụ việc các Tòa án đã giải quyết bằng các bản án, quyết định (Quyết định giải quyết vụ án, vụ việc như Quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ, công nhận thỏa thuận của các đương sự, trả hồ sơ vụ án, chuyển hồ sơ vụ án…).

Số lượng các vụ án đã được giải quyết, xét xử trên tổng số các vụ án phải giải quyết sẽ cho kết quả thực hiện chỉ tiêu (%).

Cách tính tỷ lệ giải quyết, xét xử nêu trên đã được thực hiện trong ngành Tòa án nhân dân nhiều năm qua và cũng phù hợp với cách tính được quy định trong Thông tư liên tịch số 01/2005/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP ngày 01-7-2005 hướng dẫn thi hành một số quy định của pháp luật trong công tác thống kê hình sự, thống kê tội phạm.

Tuy vậy, trong quá trình thực hiện cũng nảy sinh vướng mắc về số vụ án phải giải quyết còn trong thời hạn luật định, nhưng Tòa án không thể giải quyết, xét xử trong thời điểm thống kê được vì mới thụ lý, thế nhưng khi xác định tỷ lệ giải quyết, xét xử thì không tách (trừ) những vụ án đó ra, vì vậy tỷ lệ giải quyết, xét xử thấp hơn thực tế đã giải quyết, xét xử.

Ví dụ: Tòa án nhân dân huyện A, phải giải quyết 150 vụ án các loại, trong số đó có 100 vụ án cũ còn lại, mới thụ lý 50 vụ án. Đã giải quyết trong thời điểm thống kê, báo cáo 70 vụ án. Nếu tính theo phương pháp truyền thống thì tỷ lệ giải quyết, xét xử của Tòa án nhân dân huyện A là: 70 vụ án : 150      vụ án = 46,6%. Nếu không tính số vụ án mới thụ lý (còn trong thời hạn giải quyết, xét xử) thì tỷ lệ giải quyết, xét xử của Tòa án nhân dân huyện A là 70 vụ         án : 100 vụ án = 70%.

Như vậy, nếu không tính số vụ án mới thụ lý thì tỷ lệ giải quyết, xét xử cao hơn, tưởng như mức độ hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn nhưng thực chất số vụ án còn phải giải quyết không phải chỉ là 30 vụ án (100 vụ án – 70 vụ án) mà là 30 vụ án + 50 vụ án = 80 vụ án. Điều này sẽ dẫn tới hai bất cập:

Một là: Không nắm chắc được số vụ án còn lại phải giải quyết nên ảnh hưởng đến việc quản lý, điều hành của lãnh đạo đơn vị, thậm chí còn tư tưởng chủ quan cho rằng đã hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Hai là: Công tác thống kê, báo cáo, đối chiếu số liệu giữa các cơ quan tư pháp sẽ không thống nhất, số liệu giữa các ngành không thể nào trùng khớp mỗi khi thực hiện báo cáo trước Quốc hội, Hội đồng nhân dân, hoặc các cơ quan, tổ chức khác.

Vì vậy, chúng tôi cho rằng phương pháp tính số liệu theo cách tính truyền thống mà ngành Tòa án nhân dân và các cơ quan tư pháp đang thực hiện chính xác hơn, khoa học hơn, đúng với quy định tại Thông tư liên tịch số 01/2005 về thống kê án hình sự, tội phạm.

2- Về chất lượng vụ án

Chỉ tiêu về số lượng cũng quan trọng, nhưng chỉ tiêu về chất lượng giải quyết, xét xử càng quan trọng hơn. Đây là vấn đề có tính thời sự và luôn là trọng tâm phấn đấu của từng cán bộ, Thẩm phán. Tỷ lệ các vụ án bị sửa, bị hủy được tính trên tổng số vụ án đã giải quyết chứ không phải là tính trên tổng số các vụ án có kháng cáo, kháng nghị.

Ví dụ: Tòa án nhân dân tỉnh B đã giải quyết 1000 vụ án các loại, trong số đó có 200 vụ án có kháng cáo, bị kháng cáo hoặc kháng nghị. Tòa phúc thẩm đã xét xử, giải quyết 200 vụ án này, kết quả: giữ nguyên bản án sơ thẩm 150 vụ án; sửa bản án, quyết định sơ thẩm đối với 40 vụ án; hủy 10 vụ án. Số 800 vụ án không có kháng cáo, kháng nghị nhưng qua công tác giám đốc thẩm có 10 vụ án bị kháng nghị vì có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật và    10 vụ án này đã bị hủy theo quyết định giám đốc thẩm.

Như vậy tỷ lệ các vụ án bị sửa của Tòa án nhân dân tỉnh B là:

40 vụ : 1000 vụ án = 4%

Tỷ lệ các vụ án bị hủy của Tòa án nhân dân tỉnh B là:

(10 vụ án theo thủ tục phúc thẩm + 10 vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm) : 1000 vụ án = 2%.

Nếu tính trên tổng số vụ án có kháng cáo, kháng nghị thì tỷ lệ án bị sửa, bị hủy sẽ rất cao (án sửa 40 vụ án : 200 vụ án = 20% và tỷ lệ vụ án bị hủy là 20 vụ án : 200 vụ án = 10%). Cách tính này không chính xác khi đánh giá số vụ án bị sửa, bị hủy của Tòa án và dễ gây ra bức xúc dư luận về chất lượng giải quyết, xét xử của Tòa án.

Ví dụ nêu trên mới chỉ là số liệu "mộc" mà chưa phân tích, mổ xẻ để tìm ra cái lõi của việc sửa, hủy bản án, quyết định. Thực tiễn áp dụng pháp luật trong công tác giải quyết, xét xử các vụ án cho thấy rất nhiều vụ án tuy bị sửa, bị hủy nhưng Tòa án cấp dưới không có lỗi, vì việc sửa, hủy đó của Tòa án cấp trên là đúng quy định của pháp luật. Vì vậy, chúng ta chỉ tính số liệu các vụ án bị sửa, bị hủy do lỗi chủ quan của Thẩm phán và số liệu đó mới là căn cứ để đánh giá chất lượng xét xử của từng Thẩm phán, từng Tòa án và toàn ngành Tòa án nhân dân. Đây là một vấn đề rất quan trọng nên cần được xem xét, đánh giá tỷ mỉ, thận trọng để xác định chính xác lỗi chủ quan hay lỗi khách quan. Chúng tôi xin nêu một số căn cứ phân biệt như sau:

A- Đối với các vụ án hình sự

1- Về việc sửa bản án, quyết định

* Hội đồng xét xử có lỗi chủ quan khi bản án, quyết định bị sửa:

– Xác định tội danh không chính xác dẫn tới bị sửa về tội danh và có thể bị sửa về hình phạt chính, hình phạt bổ sung;

– Xác định sai khung hình phạt dẫn tới bị sửa khung hình phạt, sửa hình phạt;

– Quyết định hình phạt không tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi phạm tội (áp dụng hình phạt quá nặng, quá nhẹ, cho hưởng án treo không đúng quy định của pháp luật; áp dụng Điều 47 Bộ luật hình sự không đúng nên quyết định hình phạt không đúng pháp luật…);

– Xác định mức độ thiệt hại không chính xác nên quyết định việc bồi thường thiệt hại (trách nhiệm dân sự) không đúng quy định của Bộ luật dân sự;

– Không quyết định về án phí hoặc tính sai về án phí;

– Không quyết định hoặc quyết định xử lý vật chứng, áp dụng các biện pháp tư pháp không đúng quy định của pháp luật.

* Hội đồng xét xử không có lỗi khi bản án, quyết định bị sửa:

– Trước hoặc trong khi xét xử phúc thẩm, bị cáo (hoặc gia đình bị cáo) tự nguyện bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội gây ra;

– Người bị hại xin giảm nhẹ cho bị cáo, tự nguyện không nhận bồi thường thiệt hại (rút yêu cầu bồi thường thiệt hại) hoặc có thỏa thuận khác về mức bồi thường thiệt hại;

– Bị cáo xuất trình thêm các chứng cứ mới để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, trách nhiệm dân sự;

– Bị cáo thành khẩn khai nhận tội phạm, ăn năn, hối cải, khai thêm các đồng phạm khác hoặc tích cực giúp đỡ các cơ quan có trách nhiệm phát hiện, điều tra về tội phạm khác.

2- Về việc hủy bản án, quyết định

* Hội đồng xét xử có lỗi chủ quan khi bản án, quyết định bị hủy

– Giải quyết vụ án sai thẩm quyền;

– Xác định thiếu hoặc sai tư cách người tham gia tố tụng;

– Vi phạm các quy định của pháp luật tố tụng hình sự về các thành viên của Hội đồng xét xử. (Thành phần Hội đồng xét xử bắt buộc phải có sự tham gia của Hội thẩm nhân dân là giáo viên, công tác Đoàn thanh niên, thành phần Hội đồng xét xử phải có 5 người…);

– Vụ án đó có bị cáo bị truy tố ở mức cao nhất của khung hình phạt là tử hình hoặc bị cáo là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần, thể chất nhưng không có sự tham gia bào chữa của Luật sư;

– Việc thu thập chứng cứ trong vụ án không đúng quy định của pháp luật nhưng Tòa án không trả hồ sơ để điều tra bổ sung mà vẫn đưa vụ án ra xét xử (lấy lời khai của người chưa thành niên nhưng không có mặt người đại diện hợp pháp của họ; luật sư hoặc người bào chữa không được tham gia từ giai đoạn điều tra; tài liệu trong hồ sơ bị tẩy xóa nhưng không có xác nhận của người tham gia tố tụng…);

– Đánh giá chứng cứ thiếu khách quan, toàn diện, thực hiện việc xét xử tại phiên tòa không đầy đủ, không đúng quy định tố tụng. Tòa án cấp sơ thẩm tuyên bị cáo không phạm tội nhưng Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại. Ngược lại, Tòa án cấp sơ thẩm tuyên bố bị cáo phạm tội nhưng Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án, tuyên bố bị cáo không phạm tội và đình chỉ vụ án;

– Tòa án không tổng hợp hình phạt của nhiều tội, nhiều bản án, tính sai thời gian chấp hành hình phạt tù, không trừ cho bị cáo thời gian đã bị tạm giữ, tạm giam;

– Không quyết định về trách nhiệm dân sự, tách phần dân sự thành một vụ kiện dân sự không đúng quy định của pháp luật;

– Vi phạm các quy định về tố tụng hình sự như không tuyên quyền kháng cáo hoặc tuyên quyền kháng cáo không đúng quy định của pháp luật hình sự.

* Hội đồng xét xử không có lỗi khi bản án, quyết định bị hủy.

– Vụ án có kháng cáo, kháng nghị nhưng bị cáo chết trước khi xét xử phúc thẩm;

– Người bị hại khởi tố vụ án nhưng trước khi xét xử phúc thẩm họ rút yêu cầu khởi tố’;

– Do có sự thay đổi của pháp luật;

– Do có sự thay đổi về kết quả giám định năng lực trách nhiệm hình sự của bị cáo tại thời điểm bị cáo thực hiện hành vi phạm tội, sự thay đổi kết quả giám định thương tật, sức khỏe làm cho hành vi của bị cáo không cấu thành tội phạm…

B- Đối với các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại và lao động.

1- Về việc sửa bản án, quyết định

* Hội đồng xét xử hoặc Thẩm phán có lỗi chủ quan khi bản án, quyết định bị sửa:

– áp dụng sai quy định của pháp luật trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự;

– Thu thập chứng cứ, tài liệu ở Tòa án cấp dưới không đầy đủ nhưng Tòa án cấp trên đã bổ sung được nhưng thiếu sót đó;

– Tính sai lãi suất;

– Tính sai án phí;

– Xác định sai quan hệ pháp luật.

* Hội đồng xét xử hoặc Thẩm phán không có lỗi khi bản án, quyết định bị sửa:

– Có sự thay đổi về quy định của các văn bản pháp luật, Tòa án cấp trên áp dụng văn bản quy phạm pháp luật mới để sửa bản án, quyết định của Tòa án cấp dưới;

– Đương sự thỏa thuận lại về các vấn đề có tranh chấp, Tòa án cấp trên ghi nhận thỏa thuận đó của các đương sự;

– Đương sự xuất trình thêm chứng cứ mới.

2- Về việc hủy bản án, quyết định

* Hội đồng xét xử hoặc Thẩm phán có lỗi chủ quan khi bản án, quyết định bị hủy:

– Giải quyết vụ việc dân sự sai thẩm quyền;

– Xác định thiếu hoặc sai tư cách người tham gia tố tụng;

– Vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật tố tụng như xét xử vắng mặt những người tham gia tố tụng không đúng quy định của pháp luật; không tiến hành hòa giải đối với những vụ án bắt buộc phải hòa giải; hòa giải với những vụ án không được hòa giải; xác định sai về vụ án và vụ việc dẫn tới áp dụng sai thủ tục giải quyết; vi phạm thủ tục thụ lý hoặc ban hành văn bản tố tụng (ví dụ: không giao quyết định đưa vụ án ra xét xử cho đương sự, thụ lý đơn khởi kiện không đúng thẩm quyền như người khởi kiện không có quyền khởi kiện, người đại diện không có tư cách đại diện…); vi phạm thủ tục tố tụng trong quá trình xét xử…;

– Việc chứng minh và thu thập chứng cứ không tuân thủ đúng quy định của pháp luật tố tụng hoặc thực hiện không đầy đủ mà Tòa án cấp trên không thể bổ sung được;

– Bỏ lọt tài sản tranh chấp;

– Giải quyết vượt quá yêu cầu của đương sự hoặc giải quyết không đầy đủ các yêu cầu của đương sự;

– Tách hoặc nhập vụ án không đúng quy định của pháp luật.

* Hội đồng xét xử hoặc Thẩm phán không có lỗi khi bản án, quyết định bị hủy:

– Có sự thay đổi cơ bản trong quy định của một số văn bản quy phạm pháp luật.

– Đương sự xuất trình chứng cứ mới làm thay đổi hoàn toàn bản chất, nội dung của vụ việc;

– Các đương sự tự thỏa thuận và không yêu cầu Tòa án tiếp tục giải quyết vụ án: (đương sự rút yêu cầu khởi kiện);

– Nguyên đơn, bị đơn là cá nhân chết mà không có người thừa kế quyền và nghĩa vụ của họ hoặc nguyên đơn, bị đơn là cơ quan, tổ chức đã giải thể hoặc bị tuyên bố phá sản mà không có cá nhân, cơ quan, tổ chức thừa kế quyền, nghĩa vụ tố tụng. Tòa án cấp trên hủy bản án, quyết định và đình chỉ vụ án;

C- Đối với các vụ án hành chính

1- Việc sửa bản án, quyết định

* Hội đồng xét xử hoặc Thẩm phán có lỗi chủ quan khi bản án, quyết định bị sửa:

– áp dụng sai quy định của pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án;

– Thu thập chứng cứ, tài liệu chưa đầy đủ ở Tòa án cấp dưới nhưng Tòa án cấp trên đã bổ sung đầy đủ;

* Hội đồng xét xử hoặc Thẩm phán không có lỗi khi bản án, quyết định bị sửa:

– Có chứng cứ mới mà Tòa án cấp dưới không thể biết được;

– Có sự thỏa thuận mới của các đương sự về việc bồi thường thiệt hại trong vụ án hành chính.

2- Về việc hủy bản án hoặc quyết định

* Hội đồng xét xử hoặc Thẩm phán có lỗi chủ quan khi bản án, quyết định bị hủy:

– Giải quyết vụ án sai thẩm quyền;

– Xác định thiếu hoặc sai tư cách người tham gia tố tụng;

– Vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật tố tụng hành chính;

– Việc điều tra, thu thập tài liệu, chứng cứ không đầy đủ, không đúng quy định.

* Hội đồng xét xử hoặc Thẩm phán không có lỗi khi bản án, quyết định bị sửa:

– Xuất hiện chứng cứ mới làm thay đổi bản chất, nội dung của vụ án;

– Người khởi kiện rút đơn khởi kiện;

– Đương sự là cá nhân chết mà không có người thừa kế quyền và nghĩa vụ của họ hoặc đương sự là cơ quan, tổ chức đã giải thể hoặc bị tuyên bố phá sản mà không có cá nhân, cơ quan, tổ chức thừa kế quyền và nghĩa vụ tố tụng.

Để xác định được lỗi chủ quan hay khách quan (không có lỗi) của Hội đồng xét xử hoặc Thẩm phán, phải căn cứ vào bản án, quyết định của Tòa án cấp trên ở thời điểm thống kê, báo cáo. Trong thực tiễn giải quyết, xét xử các vụ án cũng không ít trường hợp bản án, quyết định phúc thẩm sửa hoặc hủy bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm thiếu căn cứ, không thuyết phục, thậm chí có quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm cũng chưa chính xác. Việc sửa, hủy án của Tòa án cấp trên với Tòa án cấp dưới nếu đúng pháp luật, có căn cứ xác đáng là những bài học bổ ích, rất thiết thực cho các Tòa án cấp dưới. Ngược lại nếu không đúng, không chính xác, không phải là mẫu mực thì tác dụng hướng dẫn không có, thậm chí còn là tác hại khi các Tòa án cấp dưới "rút kinh nghiệm" và thực hiện theo "án lệ" Tòa án cấp trên.

Những vấn đề chúng tôi nêu trên có thể không mới, nhưng theo chúng tôi nó luôn luôn là câu chuyện thời sự hàng ngày của ngành Tòa án nhân dân vì đó là yêu cầu đánh giá đúng chất lượng xét xử, từ đó rút ra các bài học, có các giải pháp cụ thể, khả thi nhằm đáp ứng sự mong mỏi và yêu cầu nâng cao hơn nữa chất lượng giải quyết, xét xử các vụ án của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

SOURCE: CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

Trích dẫn từ:

http://www.toaan.gov.vn/portal/page/portal/tandtc/545500/tltk/Chi%20tiet%20bai%20viet?p_page_id=546044&p_cateid=524552&item_id=1576172&article_details=1

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading