Site icon THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

PHÒNG CHỐNG RỬA TIỀN Ở VIỆT NAM TRONG BỐI CẢNH HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ

Advertisements

THS. VƯƠNG TỊNH MẠCH

Ngày nay, thuật ngữ “rửa tiền” không còn xa lạ trong đời sống kinh tế quốc tế. “Rửa tiền (money laundering) cách nói ẩn dụ là "làm sạch đồng tiền" phù hợp theo luật pháp, là hoạt động giao dịch tài chính đặc biệt để giấu tên, nguồn và nơi đến của đồng tiền, nó là hoạt động chính của kinh tế ngầm. Nói một cách dễ hiểu, rửa tiền là việc biến đồng tiền phạm pháp thành đồng tiền hợp pháp để sử dụng1.

Chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố đã và đang trở thành một trong những mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia và các tổ chức quốc tế trong suốt gần 20 năm qua2. Việt Nam đã gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), không thể đứng bên lề cuộc chiến chống rửa tiền của các quốc gia và tổ chức quốc tế. Vậy Việt Nam nên bắt đầu phòng chống rửa tiền từ đâu? Đây là một vấn đề rất phức tạp, không dễ đưa ra câu trả lời. Bài viết này không có tham vọng trả lời câu hỏi trên mà chỉ bước đầu nhận dạng các hoạt động kinh tế có nguy cơ trở thành công cụ rửa tiền ở Việt Nam, từ đó đưa ra định hướng phát triển hoạt động phòng chống rửa tiền trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

I. Khái quát về rửa tiền

1. Khái niệm rửa tiền theo pháp luật Việt Nam

Luật các Tổ chức tín dụng năm 1997 đã có quy định về trách nhiệm của các tổ chức tín dụng đối với các khoản tiền có nguồn gốc bất hợp pháp nhưng chưa sử dụng có thuật ngữ “rửa tiền”. Theo Điều 19 Luật các tổ chức tín dụng “1. Tổ chức tín dụng và các tổ chức khác có hoạt động ngân hàng không được che giấu, thực hiện bất kỳ dịch vụ nào liên quan đến khoản tiền đã có bằng chứng về nguồn gốc bất hợp pháp. 2. Trong trường hợp phát hiện các khoản tiền có dấu hiệu bất hợp pháp, tổ chức tín dụng và các tổ chức khác có hoạt động ngân hàng phải thông báo ngay cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.”

Ngày 07/6/2005, Chính phủ ban hành Nghị định số 74/2005/NĐ-CP về phòng, chống rửa tiền. Trong Nghị định này, lần đầu tiên thuật ngữ rửa tiền được sử dụng và giải thích như sau:

“Rửa tiền là hành vi của cá nhân, tổ chức tìm cách hợp pháp hoá tiền, tài sản do phạm tội mà có thông qua các hoạt động cụ thể sau đây:

a) Tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào một giao dịch liên quan đến tiền, tài sản do phạm tội mà có;

b) Thu nhận, chiếm giữ, chuyển dịch, chuyển đổi, chuyển nhượng, vận chuyển, sử dụng, vận chuyển qua biên giới tiền, tài sản do phạm tội mà có;

c) Đầu tư vào một dự án, một công trình, góp vốn vào một doanh nghiệp hoặc tìm cách khác che đậy, nguỵ trang hoặc cản trở việc xác minh nguồn gốc, bản chất thật sự hoặc vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản do phạm tội mà có”.

Như vậy, thực chất quy định về chống rửa tiền thông qua hoạt động ngân hàng đã có từ năm 1997, nhưng đến Nghị định số 74/2005/NĐ-CP thuật ngữ “rửa tiền” mới được sử dụng và phạm vi của thuật ngữ này được hiểu khá hẹp, chỉ giới hạn trong 3 nhóm hành vi mà thôi.

2. Nhận diện quá trình rửa tiền:

Việc rửa tiền thường được tiến hành theo một chu trình cơ bản bao gồm 3 giai đoạn: phân phối, dàn trải, hội nhập.

– Giai đoạn phân phối (placement): Phân phối nguồn tiền từ các hoạt động phi pháp vào các định chế tài chính mà không bị phát hiện bởi các cơ quan luật pháp. Các tội phạm rửa tiền thực hiện đầu tư phân tán bằng cách chia các khoản “tiền bẩn” thành nhiều khoản tiền nhỏ dưới mức quy định.

– Giai đoạn dàn trải (layering): Tiền được chuyển từ tổ chức tài chính nầy sang tổ chức tài chính khác để che giấu nguồn gốc và chủ sở hữu của tiền. Thực chất đây là quy trình tạo ra một chuỗi các giao dịch nhằm mục đích che đậy các nguồn tiền từ các hoạt động phi pháp và làm cho chúng ngày càng xa nguồn gốc ban đầu. 

– Giai đoạn hội nhập (integration): Tiền được đầu tư vào những hoạt động kinh doanh hợp pháp3

II. Nhận diện hoạt động kinh tế có khả năng là công cụ rửa tiền ở Việt Nam:

Cách đây 3 năm, Ngân hàng Thế giới (World Bank) đã đưa ra cảnh báo: Việt Nam đang trở thành mục tiêu của hoạt động rửa tiền vì hệ thống thanh tra, giám sát, hệ thống kế toán và tìm hiểu khách hàng của các ngân hàng còn kém phát triển; mức độ sử dụng tiền mặt và các luồng chuyển tiền không chính thức khá lớn khiến cho việc kiểm soát các giao dịch, thanh toán trở nên khó khăn4.

Quan sát tình hình kinh tế Việt Nam những năm gần đây, chúng ta dễ dàng nhận ra thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán là hai thị trường mà tốc độ phát triển của chúng rất khó dự đoán, dễ đi từ trạng thái phát triển nóng chuyển sang đóng băng. Không đi sâu vào diễn biến của hai thị trường này, nhưng nhìn chung chỉ số VN –Index của thị trường chứng khoán liên tục tăng cao trong năm 2007 và đầu năm 2008. Tương tự thị trường bất động sản cũng tăng cao trong nửa cuối năm 2007, nổi bật với hình ảnh những vụ chen lấn nhau mua căn hộ cao cấp tại TP.HCM từ căn hộ The Manor, Phú Mỹ Hưng, The Mansio5, sau đó là The Vista đến Sky Garden 36, với giá bán được đẩy từ 1.600 USD lên đến 2.800 USD/m2 chỉ trong vài ngày7! Điều này cho thấy gì? Có một luồng tiền rất lớn đã đổ vào thị trường này! Nhưng việc kiểm tra nguồn gốc của lượng tiền này không được quan tâm đúng mức.

Ngay trong tháng 3/2007, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phùng Khắc Kế đã có cảnh báo rửa tiền tham nhũng qua thị trường chứng khoán "Nói đến nguồn trong nước, tôi cũng phải nói thêm một điều mà lâu nay báo chí và các chuyên gia kinh tế chưa nói đến là có một lượng tiền hình thành từ tiền thất thoát hay là tham nhũng cũng vậy. Chúng ta biết rằng, nguồn vốn xây dựng cơ bản và nguồn vốn đầu tư nói chung là rất lớn; chỉ với con số thanh tra nêu là 10% thất thoát vào túi các cá nhân trong các lĩnh vực này thì cũng đã là một con số rất lớn. Ví dụ, một năm đầu từ 200 ngàn tỷ thì 10% thì con số này là 20 ngàn tỷ; số vốn này nếu chuyển qua đầu tư chứng khoán cũng là một yếu tố thúc đẩy sự nóng lên của thị trường trong thời gian qua”8. Ngoài ra, cũng chưa kiểm tra, giám sát được nguồn vốn của các quỹ đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam mặc dù số lượng các quỹ không nhiều. Đối với thị trường bất động sản, căn hộ trị giá cả tỷ đồng, nhưng đa số đều thanh toán bằng tiền mặt, nhưng hoạt động điều tra, phân tích các giao dịch này chưa được thực hiện.

III. Hoạt động phòng chống rửa tiền hiện nay và định hướng phát triển:

1. Hoạt động phòng chống rửa tiền hiện nay:

Nhằm mục tiêu phòng chống rửa tiền, Trung tâm thông tin chống rửa tiền thuộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã được thành lập theo Quyết định số 1002/QĐ-NHNN ngày 08/7/2005 của Thống đốc NHNN Việt Nam. Theo Quyết định số 1002/QĐ-NHNN, Trung tâm thông tin chống rửa tiền thuộc NHNN chính thức đi vào hoạt động từ 01/8/2005. Đến nay, Trung tâm này đã nhận được khoảng 20 báo cáo về các giao dịch tình nghi là rửa tiền. Tuy nhiên, chưa một vụ nghi vấn nào được kết luận là hành vi rửa tiền9. Chưa có hành vi nghi vấn nào được kết luận là hành vi rửa tiền có thể hiểu là tại Việt Nam chưa có hành vi rửa tiền? Hoàn toàn không phải vậy. Các giao dịch về tài chính ở VN chủ yếu là tiền mặt trao tay, ít dùng các công nghệ thanh toán như các nước trên thế giới. Điều này khiến việc kiểm tra hoạt động rửa tiền gần như không thể thực hiện.

Đầu tháng 10/2008, vụ án rửa tiền xuyên quốc gia đầu tiên ở VN đã được phát hiện, xác định rõ nguồn gốc xuất xứ tiền phạm pháp và bắt được đối tượng phạm tội là người nước ngoài. Bọn tội phạm đánh cắp từ một tài khoản có uy tín tại nước ngoài, chuyển vào VN tại 2 chi nhánh ngân hàng thương mại tại Đà Nẵng và Bà Rịa – Vũng Tàu. Từ đó, đối tượng tên Baggio Carlitos Linska (quốc tịch Mozambique), kẻ đã mở tài khoản và rút trên 4,1 tỷ đồng tại Đà Nẵng đã bị bắt tạm giữ tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) ngày 24-9. Cùng lúc, Phòng An ninh kinh tế (PA17) Công an Đà Nẵng cũng phối hợp với Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu bắt tạm giữ khẩn cấp đối với Massamba Lendebe Elvis, quốc tịch Mozambique tại Bà Rịa – Vũng Tàu. Riêng đối tượng Niaty Lokasso Djamba, quốc tịch Congo – kẻ đã mở tài khoản và được chuyển số tiền trên 3,34 tỷ đồng tại Bà Rịa – Vũng Tàu đã bỏ trốn10.

2. Định hướng phát triển:

Việt Nam trở thành thành viên (Member Jurisdiction) thứ 33 của Nhóm Châu Á – Thái Bình Dương (Asia Pacific Group – APG)- tổ chức quốc tế mang tính tự quản và hợp tác- về chống rửa tiền vào tháng 5/200711. Là thành viên của APG, Chính phủ VN cam kết thi hành theo đúng các điều khoản phòng chống rửa tiền, đặc biệt là phải thực thi 40 khuyến nghị12 của lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (Financial Action Task Force on Money-Laundering – FATF13). Điều này có nghĩa là Việt Nam vừa tuân thủ theo các quy định quốc tế vừa phải để cho FATF giám sát và theo dõi cơ chế chống rửa tiền một cách chặt chẽ và cũng như phải được các cơ quan độc lập khác đánh giá, xem xét14. Như vậy, hoạt động phòng chống rửa tiền hiện nay cần phải theo định hướng phát triển sau:

Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống pháp luật về chống rửa tiền theo tiêu chuẩn quốc tế.

Tháng 2/2004, Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hiệp quốc (LHQ) đã công bố ấn phẩm “An overview of the UN conventions and the international standards concerning anti-money laundering legislation”15. Ấn phẩm này tập hợp, hệ thống hóa quy định của các công ước của Liên hợp quốc và các tiêu chuẩn quốc tế liên quan đến chống rửa tiền theo 16 nhóm chủ đề như sau: các định nghĩa về tài chính, nhận diện khách hàng, lưu giữ thông tin, báo cáo.… Trong tài liệu này không chỉ giới thiệu quy định của các công ước của LHQ mà còn có các Chỉ thị (Directive) của Nghị viện châu Âu, các khuyến nghị (recommendations) của Lực lượng đặc nhiệm tài chính chống rửa tiền (FATF). Tháng 1/2007, ấn phẩm này được cập nhật các quy định mới của Hội đồng châu Âu. Trong 40 khuyến nghị của FATF mà Việt Nam phải tuân thủ có khuyến nghị số 1 và số 2 chỉ rõ việc hình sự hóa hành vi rửa tiền cần phải phù hợp với tiêu chuẩn công bố trong Công ước Viên và Công ước Palermo. Đối chiếu yêu cầu hình sự hóa của Công ước Viên và Công ước Palermo và khuyến nghị của FATF, Việt Nam đã hình sự hóa khá nhiều các hành vi rửa tiền, tuy nhiên vẫn còn phải bổ sung các tội danh mới vào Bộ luật Hình sự cho phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế về chống rửa tiền và tài trợ khủng bố như tội giao dịch nội gián, tội thao túng thị trường, tội tài trợ khủng bố, tội buôn người (BLHS năm 1999 chỉ có tội buôn bán phụ nữ (Điều 119), tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em (Điều 120)), tội đưa người nhập cư bất hợp pháp.

Bên cạnh việc bổ sung thêm tội danh mới vào Bộ luật Hình sự, Việt Nam cần sửa đổi khái niệm rửa tiền trong Nghị định số 74/2005/NĐ-CP cho phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Điều lưu ý về mặt thuật ngữ, Công ước Viên của Liên hợp quốc chưa sử dụng thuật ngữ rửa tiền; Công ước Palermo và Công ước về chống tham nhũng sử dụng thuật ngữ “laundering of proceeds of crime”, theo sát nghĩa của thuật ngữ này, chúng ta có thể gọi là rửa tiền/tài sản có nguồn gốc từ tội phạm; khuyến nghị của FATF sử dụng thuật ngữ “money laundering”, có nghĩa là rửa tiền. Tất cả các văn bản trên không đưa ra định nghĩa về “laundering of proceeds of crime” hay “money-laundering” mà chỉ xác định các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tài sản có nguồn gốc bất hợp pháp hoặc do phạm tội mà có cần phải được quy định là tội phạm. Về mặt hình thức văn bản, chúng tôi đồng ý với ông Ric Power, cố vấn phòng chống tội phạm rửa tiền và tài trợ khủng bố, chương trình toàn cầu phòng chống rửa tiền, cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hiệp quốc là Việt Nam cần tiến tới xây dựng Luật Phòng chống rửa tiền16.

Thứ hai, xây dựng cơ quan tình báo tài chính (Financial Intelligence Unit-FIU) với chức năng và vai trò theo khuyến nghị số 26 của FATF. Hiện nay, Trung tâm thông tin chống rửa tiền thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, mà Ngân hàng nhà nước Việt Nam chỉ là cơ quan ngang bộ – quy định tại Điều 1 của Luật Ngân hàng Nhà nước năm 1997 và Điều 1 Nghị định số 96/2008/NĐ-CP ngày 26/8/2008 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chưa có vị trí độc lập như các cơ quan tình báo tài chính của các quốc gia khác. Ví dụ như Indonesia đã có FIU vào năm 2002 theo 1 đạo luật của quốc hội; Philippines có Hội đồng chống rửa tiền (AMLC), cũng là FIU của Philippines, luật chống rửa tiền cho phép AMLC huy động sử hỗ trợ của bất kỳ nhánh nào thuộc Chính phủ….

Thứ ba, phát triển hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt. Đây là một vấn đề khó khăn, nhưng Việt Nam phải từng bước thực hiện. Việc phát triển hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt như thế nào là xứng đáng là một đề tài nghiên cứu khoa học được đầu tư thỏa đáng.

Ghi chú:

1. http://vi.wikipedia.org/wiki/R%E1%BB%ADa_ti% E1%BB%81n

2. 1988 Công ước Liên hợp quốc về chống buôn lậu ma túy và chất hướng thần ra đời, tuy không sử dụng thuật ngữ rửa tiền nhưng đã yêu cầu các quốc gia thành viên hình sự hóa các hành vi liên quan đến tài sản bất hợp pháp bao gồm hành vi trao đổi, chuyển nhượng tài sản có nguồn gốc từ bất kỳ tội phạm nào hay nhóm tội phạm về ma túy và hành vi che đậy hoặc ngụy trang nguồn gốc bất hợp pháp của tài sản hoặc tài sản do phạm tội mà có. Công ước này có hiệu lực từ 11/11/1990.

3. http://www.tapchiketoan.com/ngan-hang-tai-chinh/ thi-truong-taichinh/phongchong-rua-tien-o-vie.html

4. http://www.kinhte24h.com/index.php?page=news& id=30531

5. http://www.vnexpress.net/GL/Kinh-doanh/2007 /10/3B9FB7D6/

6. http://www.vnexpress.net/GL/Kinh-doanh/2007/ 10/3B9FB995/

7. http://www.vnexpress.net/GL/Kinh-doanh/2007/ 10/3B9FB759/

8. http://www2.vietnamnet.vn/kinhte/2007/03/674954/

9. http://web.thanhnien.com.vn/Xahoi/2008/7/26/ 252659.tno

10. http://www.sggp.org.vn/anninhtrattu/2008/10/ 167135/

11. http://www.apgml.org/about/newsDetail.aspx? newsID=38

12. Tháng 4/1990, FATF soạn thảo một bộ tài liệu gồm 40 khuyến nghị như là bước khởi đầu chống lại sự lạm dụng hệ thống tài chính để rửa tiền buôn lậu ma túy của cá nhân. Năm 1996, các khuyến nghị được chỉnh sửa để lần đầu tiên phản ánh sự biến hóa của các kiểu hệ thống rửa tiền. Năm 2001, FATF mở rộng nhiệm vụ của mình để giải quyết vấn đề tài trợ cho khủng bố và bước đi quan trọng là thiết lập 8 khuyến nghị đặc biệt về tài trợ khủng bố. Khuyến nghị đặc biệt thứ 9 được ban hành vào tháng 10/2004. Những khuyến nghị đặc biệt này có mục đích là đưa ra các biện pháp chống lại việc tài trợ cho các hoạt động khủng bố và tổ chức khủng bố. 40 khuyến nghị và 9 khuyến nghị đặc biệt của FATF cung cấp một loạt biện pháp toàn diện vì mục tiêu một chế định và hệ thống pháp luật hữu hiệu nhằm chống rửa tiền và tài trợ khủng bố

13. FATF là một cơ quan liên chính phủ được thành lập vào tháng 7/1989, có nhiệm vụ thiết lập các tiêu chuẩn, phát triển và thúc đẩy các chính sách quốc gia và quốc tế nhằm chống rửa tiền và tài trợ khủng bố.

14. http://www.nld.com.vn/tintuc/chinh-tri-xa-hoi /236701.asp

15. http://www.imolin.org/imolin/index.html

16.http://www.nld.com.vn/tintuc/chinh-tri-xa-hoi /236701.asp

SOURCE: NỘI SAN KINH TẾ – VIÊN NGHIÊN CỨU PHÁT TRIỂN TPHCM, THÁNG 3 NĂM 2009

Exit mobile version