Site icon THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

VAI TRÒ CỦA ÁN LỆ TRONG SỰ PHÁT TRIỂN CỦA PHÁP LUẬT HỢP ĐỒNG

Advertisements

PHẠM HOÀNG GIANG

Pháp luật của nhiều nước trên thế giới (trong đó có các nước theo hệ thống pháp luật Anh – Mỹ hay hệ thống pháp luật thành văn như Pháp, Đức, Ý…) thừa nhận án lệ là nguồn giải thích pháp luật và là nguồn của pháp luật trong lĩnh vực pháp luật hợp đồng.

1. Pháp luật của nhiều nước trên thế giới (trong đó có các nước theo hệ thống pháp luật Anh – Mỹ hay hệ thống pháp luật thành văn như Pháp, Đức, Ý…) thừa nhận án lệ là nguồn giải thích pháp luật và là nguồn của pháp luật trong lĩnh vực pháp luật hợp đồng. Theo pháp luật các nước này, án lệ đựơc hiểu là đường lối áp dụng của toà án về một vấn đề pháp lý đã trở thành tiền lệ mà các thẩm phán có thể theo đó để xét xử trong các trường hợp tương tự. án lệ có hai nhiệm vụ: một là giải thích và áp dụng pháp luật; hai là dự bị các cải cách pháp luật[1].

2. Ở những nước theo truyền thống án lệ, toà án không chỉ can thiệp vào quan hệ hợp đồng mà còn có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc “sáng tạo” ra pháp luật thông qua các quyết định xét xử của mình. Các quy tắc pháp luật đã được đưa ra trong một phán quyết của toà án khi xét xử một vụ việc tương tự đều có hiệu lực ràng buộc đối với thẩm phán của các toà án cùng cấp hoặc cấp dưới (trừ phán quyết của toà án sơ cấp). Phán quyết của toà án tối cao không chỉ có hiệu lực ràng buộc với các toà án sơ cấp, mà với cả toà án cao cấp có vị trí thứ bậc thấp hơn toà án đó (ví dụ: các thẩm phán xét xử độc lập của toà án cao cấp thẩm quyền chung được coi là có vị trí thứ bậc thấp hơn so với hội đồng xét xử tập thể), thậm chí đối với cả toà án cùng cấp với toà án đó. Tuy nhiên, thẩm phán có thể không áp dụng quy tắc tiền lệ này trong trường hợp họ cho rằng, các tình tiết của vụ án mình đang xét xử không giống với các tình tiết trong vụ án đã xét xử trước đó (gọi là phương thức phân biệt). Ngay cả trong trường hợp các tình tiết được coi là giống nhau, thẩm phán cũng có quyền không chịu sự ràng buộc của một quy tắc tiền lệ đã được lập ra trong một phán quyết ban hành trước đó, nếu cho rằng quy tắc đó không phải là một căn cứ có tính chất quyết định (ratio decidendi), đặc biệt là trong trường hợp căn cứ đó chỉ có tính chất bổ sung (obiter dictum), còn đang được tranh cãi hay trong trường hợp quy tắc được đưa ra vượt quá khuôn khổ của vụ việc cần xét xử[2]. Với vai trò của án lệ như vậy, toà án có vai trò quan trọng trong việc hình thành nên pháp luật hợp đồng thông qua hoạt động xét xử.

Ngoài việc thừa nhận nguyên tắc tiền lệ là nguồn của pháp luật hợp đồng, pháp luật các nước theo truyền thống án lệ còn thừa nhận quy tắc giải thích luật. Theo quy tắc này, tuỳ theo mức độ không rõ ràng của văn bản luật, toà án có quyền giải thích luật theo các cách sau:

Một là, cách giải thích theo câu chữ. Theo đó, việc giải thích chỉ căn cứ vào câu chữ trong văn bản pháp luật, tức là căn cứ vào câu chữ của quy phạm cần giải thích và ngữ cảnh của quy phạm đó.

Hai là, cách giải thích căn cứ vào mục đích điều chỉnh của quy phạm. Theo đó, toà án sẽ căn cứ vào mục đích của nhà làm luật muốn đạt được khi xây dựng quy phạm.

Ba là, cách giải thích trung gian, gọi là quy tắc vàng (golden rule). Theo đó, khi giải thích, toà án phải căn cứ vào câu chữ của luật, trừ trường hợp nếu giải thích như vậy có thể dẫn đến một kết quả phi lý hoặc không công bằng mà nhà làm luật chắc chắn không muốn khi ban hành quy phạm đó[3].

Quy định về nguyên tắc tiền lệ và quy tắc giải thích pháp luật ở các nước theo hệ thống luật án lệ có ưu điểm là tạo cho thẩm phán vai trò chủ độngQ, sáng tạo trong quá trình áp dụng pháp luật (các vụ việc luôn được toà án thụ lý giải quyết, ngay cả khi pháp luật thiếu các quy định điều chỉnh), nhằm bảo đảm quyền lợi của các bên, bảo vệ sự công bằng, công lý trong quan hệ hợp đồng. Tuy nhiên, với việc trao cho thẩm phán thẩm quyền lớn như vậy sẽ có khả năng dẫn đến nguy cơ thẩm phán vừa là người tạo ra luật, vừa là người áp dụng pháp luật. Như thế sẽ ảnh hưởng đến nguyên tắc độc lập xét xử của toà án và dẫn đến tình trạng cơ quan tư pháp “lấn át” quyền lập pháp.

3. ở các nước theo truyền thống pháp luật thành văn (như Pháp, Đức), vào thời kỳ đầu, toà án căn cứ vào quan niệm truyền thống về nguyên tắc tự do ý chí trong giao kết hợp đồng (một khi hợp đồng được ký kết hợp pháp thì các điều khoản hợp đồng có hiệu lực bắt buộc thực hiện đối với các bên), nên không can thiệp vào quan hệ hợp đồng. Trong trường hợp này, hợp đồng có hiệu lực bắt buộc ngay cả đối với các cơ quan công quyền, nghĩa là khi xét xử, giải thích hợp đồng, toà án, các cơ quan nhà nước phải tôn trọng ý chí, thoả thuận của các bên, không được huỷ bỏ, sửa đổi hay giải thích nội dung hợp đồng khác với ý chí của các bên trong hợp đồng. Nguyên tắc này trước đây đã từng được pháp luật hợp đồng một số nước quy định, ví dụ Điều 1134 Bộ luật Dân sự của Pháp năm 1804 quy định “Hợp đồng được giao kết hợp pháp có giá trị là luật đối với các bên giao kết”. Theo tinh thần của quy định này, thẩm phán không có quyền sửa đổi, bổ sung hợp đồng trong trường hợp phát sinh tình huống ngoài dự kiến. Nguyên tắc này dẫn đến một hệ quả là toà án không thể can thiệp vào hợp đồng, ngay cả khi nội dung hợp đồng có những điều khoản bất hợp lý so với thực tế thực hiện hợp đồng.

Tuy nhiên, kể từ sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất và thứ hai, do sự thay đổi của các điều kiện kinh tế – xã hội sau chiến tranh, pháp luật hợp đồng của Pháp đã thừa nhận cho thẩm phán quyền can thiệp, sửa đổi nội dung hợp đồng, nếu trong quá trình thực hiện hợp đồng phát sinh những tình huống (các bên đã không dự kiến trong hợp đồng) gây khó khăn cho một bên trong qua trình thực hiện hợp đồng[4]. Ví dụ, Luật Faillot ngày 21/01/1918 quy định toà án có quyền can thiệp sửa đổi, bổ sung hợp đồng trong trường hợp việc thực hiện hợp đồng gặp khó khăn do tình hình kinh tế thay đổi. Luật ngày 11/3/1957 quy định đối với hợp đồng chuyển nhượng quyền khai thác tác phẩm văn học, nghệ thuật, thẩm phán được quyền can thiệp để điều chỉnh mức giá chuyển nhượng theo hướng tăng lên. Theo pháp luật hợp đồng của Đức, nếu có những thay đổi lớn về bối cảnh của nền kinh tế làm mất đi căn cứ, nền tảng của hợp đồng, thì toà án có thể sửa đổi hợp đồng cho phù hợp (Toà án liên bang, ngày 28/11/1923, thuyết về trường hợp không dự tính được). Ngoài ra, theo Luật hợp đồng của Đức, các thẩm phán trên cơ sở căn cứ vào nguyên tắc ngay tình trong giao kết và thực hiện hợp đồng (quy định tại Điều 157 và Điều 242 của Bộ luật Dân sự), có thể giải thích các điều khoản hợp đồng theo hướng buộc các bên ký kết hợp đồng phải thực hiện thêm nhiều nghĩa vụ khác ngoài nội dung thoả thuận hợp đồng, nhất là các nghĩa vụ như: nghĩa vụ bảo đảm an toàn, nghĩa vụ thông tin và tư vấn… Trong trường hợp một bên vi phạm nguyên tắc này, hợp đồng có thể bị tuyên bố vô hiệu[5]. Pháp luật một số nước cũng có quy định tương tự như Đức. Ví dụ: Điều 451 Bộ luật Dân sự Liên bang Nga quy định toà án có thể sửa đổi hợp đồng trong những trường hợp đặc biệt. ở Pháp, thẩm phán có thể giải thích, sửa đổi các điều khoản hợp đồng trên cơ sở căn cứ vào “nguyên tắc ngay tình”, “nguyên tắc công bằng” trong giao kết hợp đồng để tuyên bố vô hiệu hoặc sửa đổi, bổ sung các điều khoản hợp đồng vi phạm nguyên tắc này.

Việc thừa nhận án lệ là nguồn bổ trợ của pháp luật hợp đồng và toà án có quyền can thiệp vào hợp đồng thông qua quyền giải thích, sửa đổi nội dung hợp đồng nhằm mục đích bảo đảm công bằng về lợi ích kinh tế giữa các bên trong giao kết hợp đồng, chống lại các hành vi lạm dụng quyền tự do hợp đồng của bên thế mạnh đối với bên thế yếu trong quan hệ hợp đồng, đã làm cho pháp luật hợp đồng ở các nước này luôn phát triển thích ứng với những thay đổi của điều kiện kinh tế – xã hội. Đây cũng là lý do chứng minh cho sự tồn tại ổn định của các quy định về hợp đồng trong Bộ luật Dân sự của Pháp trong hơn 200 năm qua.

Ngoài ra, trong trường hợp hợp đồng được giao kết trái với các quy định của pháp luật (ví dụ: hợp đồng mua bán các đối tượng bị pháp luật cấm), toà án có thẩm quyền can thiệp vào quan hệ hợp đồng thông qua việc tuyên bố hợp đồng vô hiệu (vô hiệu toàn bộ hoặc vô hiệu từng phần) hoặc sửa đổi, bổ sung các điều khoản hợp đồng mà các bên đã thoả thuận không phù hợp quy định của pháp luật.

4. Đối với Việt Nam, việc quy định cho toà án quyền giải thích pháp luật trong hoạt động xét xử đối với lĩnh vực pháp luật hợp đồng chưa được pháp luật quy định cụ thể. Vì vậy, việc thừa nhận vai trò của án lệ trong việc giải thích pháp luật và là nguồn bổ trợ trong lĩnh vực pháp luật về hợp đồng là hết sức cần thiết. Bởi vì nhà làm luật không thể dự liệu hết mọi trường hợp có thể xảy ra trong thực tế, do đó cần phải giải thích luật. Yêu cầu giải thích pháp luật càng quan trọng và có ý nghĩa khi pháp luật chỉ đưa ra các nguyên tắc chung, hoặc khi pháp luật quy định không cụ thể, rõ ràng hoặc có những thiếu sót. Việc giải thích pháp luật là để đáp ứng yêu cầu điều chỉnh pháp luật đối với các quan hệ xã hội, bảo vệ lợi ích của các chủ thể liên quan cũng như bảo đảm công bằng trong trong quan hệ hợp đồng. Đối với yêu cầu thống nhất hệ thống pháp luật, hoạt động giải thích pháp luật còn có tác dụng bảo đảm tính thống nhất trong hoạt động giải thích và áp dụng áp luật. Để bảo đảm yêu cầu này, hoạt động giải thích pháp luật phải được thực hiện bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Theo quy định của Hiến pháp (Điều 91) và Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật (Điều 52), thì Uỷ ban thường vụ Quốc hội là cơ quan có thẩm quyền giải thích luật, pháp lệnh. Nhưng cơ quan này trên thực tế không có thời gian dành cho hoạt động giải thích pháp luật cho mỗi trường hợp cụ thể trong đời sống xã hội. Trong thực tiễn, hiếm khi thấy Uỷ ban thường vụ Quốc hội tiến hành giải thích pháp luật. Do vậy, quy định Uỷ ban thường vụ Quốc hội là cơ quan có thẩm quyền giải thích luật, pháp lệnh không có tính khả thi trên thực tế. Ngoài ra, ngoài luật, pháp lệnh thì cũng còn nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác cũng cần được giải thích khi áp dụng trong thực tế, nhưng pháp luật nước ta chưa quy định cơ quan có thẩm quyền giải thích những văn bản pháp luật này. Vậy cần phải quy định cho cơ quan nào có thẩm quyền giải thích văn bản quy phạm pháp luật?

Hiện nay ở nước ta, trong giới khoa học pháp lý có nhiều quan điểm không thống nhất nhau về vai trò của án lệ như một nguồn của luật. Có quan điểm cho rằng, nhiệm vụ của toà án là giải thích luật, do đó cũng có quyền tạo ra các quy phạm pháp luật trong quá trình giải thích và áp dụng pháp luật trong chừng mực các quy phạm ấy không trái luật. Quan điểm khác cho rằng, toà án chỉ có quyền áp dụng pháp luật và tập quán, các bản án của toà án phải căn cứ vào quy định của pháp luật, vì vậy, toà án không có quyền tạo ra luật. Ngoài ra, cũng có quan điểm cho rằng, việc tranh luận trên chỉ có tính lý thuyết và không mang lại lợi ích trong qua trình áp dụng pháp luật. Ngày nay, án lệ có vai trò quan trọng trong hoạt động giải thích luật với tư cách là một nguồn của luật được nhiều nước thừa nhận bởi các lợi ích của nó trong hoạt động áp dụng và hoàn thiện pháp luật.

Chúng tôi cho rằng, quan điểm thứ ba nêu trên rất đáng coi trọng. Về nguyên tắc, án lệ không phải là pháp luật, nên không có hiệu lực áp dụng chung đối với toà án cấp dưới; bởi vì, toà án chỉ có quyền áp dụng pháp luật chứ không có quyền làm ra luật, nếu không thì sẽ “lấn sân” của cơ quan lập pháp. Nhưng hoạt động áp dụng pháp luật của toà án là hoạt động đòi hỏi sự sáng tạo, nhất là trong trường hợp pháp luật không quy định hoặc quy định không cụ thể hay có những quy định mâu thuẫn. Vì vậy, những bản án của Toà án nhân dân tối cao nếu có tình, có lý và được áp dụng nhiều lần, thì nó sẽ có tính thuyết phục và sẽ được toà án cấp dưới xem xét áp dụng theo. Vì vậy, án lệ của Toà án nhân dân tối cao cần được thừa nhận là nguồn quan trọng của luật trong lĩnh vực hợp đồng.

Với vai trò là nguồn của luật, án lệ cũng cần được coi là nguồn quan trọng trong giải thích pháp luật, bởi lẽ, hoạt động xét xử của toà án luôn đòi hỏi phải thích ứng với sự thay đổi của đời sống xã hội. Mỗi khi các điều kiện kinh tế – xã hội thay đổi, làm cho pháp luật trở lên không còn thích hợp nữa, thì trước khi chờ đợi các nhà làm luật sửa đổi, bổ sung pháp luật cho phù hợp, đòi hỏi thẩm phán phải hết sức sáng tạo trong giải thích và áp dụng pháp luật để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Vì vậy, án lệ nhiều khi phải giải thích pháp luật vượt ra ngoài phạm vi, ý nghĩa ban đầu của các quy phạm pháp luật để bảo vệ công lý và công bằng, đảm bảo cho bản án có tình, có lý. Như vậy, trước khi thực hiện cải cách, sửa đổi pháp luật, án lệ có một vai trò quan trọng trong việc thử nghiệm và đi tiên phong trong việc cải cách đó. Với vai trò quan trọng như vậy, tại hầu hết các nước theo hệ thống pháp luật Anh – Mỹ và các nước theo hệ thống pháp luật thành văn (như Pháp, Đức…), người ta đều thừa nhận án lệ có vai trò giải thích pháp luật. ở các nước này, toà án thường thực hiện công việc sưu tập các bản án tiêu biểu, điển hình thành những tập án lệ, phục vụ cho hoạt động áp dụng pháp luật và hoạt động nghiên cứu, lập pháp[6].

Tuy nhiên, không phải bất cứ bản án nào của toà án cũng là án lệ. Trong hệ thống toà án ở nước ta hiện nay, các toà án cấp huyện, tỉnh có thẩm quyền xét xử sơ thẩm, bản án của các toà án cấp sơ thẩm có thể bị kháng cáo lên xét xử theo theo tục phúc thẩm và bản án phúc thẩm có thể bị kháng nghị xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm bởi Toà án nhân dân tối cao. Vì vậy, chỉ các bản án xét xử giám đốc thẩm của Toà án nhân dân tối cao mới được coi là án lệ

5. Việc thừa nhận vai trò giải thích pháp luật của thẩm phán và của toà án thông qua án lệ có một ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật hợp đồng, bảo đảm tính thống nhất, bảo đảm quyền tự do hợp đồng trong hoạt động thương mại. Để thực hiện việc này, về mặt lập pháp, cần quy định nguyên tắc thừa nhận án lệ là nguồn giải thích pháp luật. Về mặt thực tiễn, đòi hỏi chúng ta phải thực hiện thường xuyên việc sưu tập, chọn lọc, in ấn, phổ biến các bản án tiêu biểu, điển hình của Toà án nhân dân tối cao để phục vụ cho hoạt động áp dụng pháp luật và công tác xét xử của toà án các cấp.

===================

[1] Nguyễn Mạnh Bách, Luật Dân sự Việt Nam, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.64.

[2] Michel Fromont, Các hệ thống pháp luật cơ bản trên thế giới, NXB Tư pháp, Hà Nội, 2001, tr.148 -149.

[3] Michel Fromont, sdd tr 152.

[4] Corinne Renault – Branhinsky, Đại cương về pháp luật hợp đồng, NXB Văn hoá – Thông tin,Hµ Néi, 2000, tr 90-91.

[5] Michel Fromont, sdd tr 66.

[6] Xem Nhà pháp luật Việt – Pháp, 1997, Kỷ yếu Hội thảo sự phát triển của pháp luật dân sự và thương mại, Hà Nội.

SOURCE: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHÁP LUẬT SỐ 91, THÁNG 2 NĂM 2007

Exit mobile version